Mong một lần trở lại Tehran

VOV.VN -Thủ đô của Iran đẹp, nhiều cây xanh. Tehran là một nơi an toàn, không thấy có trộm cướp. Người dân rất thân thiện, hiếu khách…

Được cơ quan cử đi công tác tại Tehran- thủ đô của Iran, thoạt đầu, tôi không nghĩ ngợi gì ngoài việc chuẩn bị như cho những chuyến đi khác. Thế nhưng, khi mọi người biết tôi sắp sang Iran, thì có nhiều lời can gián, bảo sang đó sợ không an toàn, bất an bất ổn...

Tôi nhắn tin qua facebook, hỏi thăm Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch. Ông nói chắc như đinh đóng cột: An toàn lắm, người nào can ngăn là do họ không biết vì thiếu thông tin thôi. Không đi sẽ phải hối tiếc đấy!

Một góc thành phố Tehran
Phụ nữ đến Iran đừng quên khăn trùm tóc
Cuối cùng cũng đến ngày lên máy bay. Tôi được báo trước là phụ nữ phải mang khăn trùm tóc để che kín tóc, mặc áo dài tay và dài trùm mông, mặc áo rộng chứ không bó sát (tương tự, đàn ông không mặc quần soóc ra đường).

Theo thói quen đi công tác xa, tôi mang 2 vali đựng vật dụng cá nhân, trong đó có 1 vali nhỏ chứa vài bộ quần áo, khăn trùm đầu, xách tay lên máy bay phòng khi vali lớn hơn đựng hành lý gửi có bị chậm thì vẫn có đồ dùng.

Máy bay của hãng hàng không Qatar bay sang Bangkok, dừng kỹ thuật gần 2 giờ đồng hồ, rồi bay tiếp sang Doha. Theo lịch trình, từ Doha bay tiếp chặng nữa là tới Tehran.

Nửa đêm, đến Doha, làm thủ tục chuyển máy bay, tôi được thông báo là ngăn chứa hành lý xách tay trên máy bay đã đầy, nên tôi phải gửi chiếc vali nhỏ đang cầm theo. Phần vì mệt, phần ngái ngủ, tôi giao chiếc vali cho nhân viên hãng hàng không mà quên lấy ra chiếc khăn trùm đầu.

Đến sân bay Tehran là 4h sáng, tôi và cô bạn đồng nghiệp bước ra khỏi máy bay, vào khu vực làm thủ tục nhập cảnh. Trên đường đi, có mấy nam thanh niên nhìn chúng tôi rồi cười cười với thái độ hơi giễu cợt, lúc bước ngang qua, họ hỏi tôi bằng tiếng Anh: Oops,  quên khăn à?

Cô bạn cùng đi dù có mang theo khăn nhưng ái ngại cho tôi nên cũng chưa trùm đâu. Rồi vào đến sâu phía trong, chốc lát mà có tới mấy người tử tế, chủ yếu là phụ nữ tới gần và bảo với chúng tôi: Thế không ai nói với các cô là phải trùm kín tóc hay sao? Các cô cần phải trùm khăn lên đầu. Khăn trùm đầu của các cô đâu?...

Nhận thấy sự việc có vẻ nghiêm trọng hơn mình tưởng, tôi bỗng chốc thấy căng thẳng, không dám ngẩng mặt lên. Tôi lao thật nhanh tới chỗ lấy hành lý, may mà hành lý ra rất sớm. Nhìn thấy chiếc vali nhỏ, tôi chộp ngay lấy. Trùm được tấm khăn lên đầu rồi, tôi mới tự tin nhìn mọi người xung quanh.

Sau này, một cán bộ ĐSQ Việt Nam ở Tehran bảo tôi: Ở thủ đô của Iran bây giờ cũng đã cởi mở hơn. Nhưng đôi khi, phụ nữ ngồi trong ô tô mà không trùm kín tóc, sẽ có xe cảnh sát đuổi theo để nhắc nhở.

Suốt cả thời gian ở Iran, chốc chốc tôi lại phải sờ lên đầu xem khăn đã tuột để hở tóc chưa còn chỉnh lại. Trời nóng, trùm khăn kín mít nên vã cả mồ hôi.

Phụ nữ ra đường phải mang khăn trùm kín tóc.

Thế nhưng ở thêm mấy ngày tôi nhận ra: có những phụ nữ che tóc rất kín, nhưng có những người điệu đà vắt khăn trên tóc một cách hờ hững, chiếu lệ. Nhiều cô gái trẻ nhuộm tóc thành màu vàng, màu nâu, trang điểm mắt và chuốt lông mi rất cầu kỳ. Áo khoác cũng vậy, tuy dài nhưng là những chiếc áo thời trang, màu sắc, chất liệu và kiểu dáng đẹp, khoác bên ngoài bộ đồ mặc khá sát ở bên trong.

Nhiều cô gái ăn mặc khá thời trang.

Trên đường tôi thường xuyên gặp các cô gái băng kín mũi. Hỏi ra mới biết các nàng đi phẫu thuật thẩm mỹ để cho sống mũi thẳng (vì mũi họ cao nhưng khoằm). Điều này chứng tỏ phụ nữ ở đây rất quan tâm và chịu chi tiền để làm đẹp.

Nghe nói, nhà giàu thường tổ chức tiệc tùng ở trong tư gia, có những bữa tiệc cởi mở như ở phương Tây, mọi người cũng nhảy nhót tưng bừng và dĩ nhiên phụ nữ cũng thế!.

Tehran- thành phố đẹp và xanh

Iran là phần chính còn lại của đế quốc Ba Tư hùng mạnh nhất châu Á cách đây khoảng 3.000 năm. Do vậy, ở đây còn rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử tuyệt đẹp và cực kỳ có giá trị, được chứng nhận là di sản của thế giới. Đồng nghiệp Javad Soori, chuyên viên bộ phận Quan hệ quốc tế của Đài phát- thanh truyền hình Iran bảo tôi, nếu muốn thăm toàn Iran thì phải mất chừng 2 tháng.

Thủ đô Tehran rộng, với khoảng 9 triệu dân (số liệu 2014), có tới 800 công

viên cây xanh!. Khí hậu đang mùa khô nóng, không có mưa. Khô đến nỗi, sau khoảng nửa ngày, mắt tôi trở nên đỏ ké và phải dùng nước mắt nhân tạo liên tục. Một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam bảo với tôi, nhiều người sang đây, sau khi ở 2 tuần bị đổ máu cam cũng vì chưa thích ứng với khí hậu. Nói vậy đủ biết để trồng và chăm sóc cây xanh ở xứ này phải rất công phu. Các công viên có hệ thống tưới cây tự động. Những hàng cây bên đường cũng được chăm sóc thông qua hệ thống nước chảy dọc gốc cây được vận hành mỗi buổi chiều.

Thành phố rất đẹp với nhiều di tích, thắng cảnh như các cung điện (Golestan) nơi có kiến trúc đẹp và trang trí cực kỳ tinh xảo, xa hoa; các thánh đường Hồi giáo, hệ thống các bảo tàng, công viên...
Khu vực Bảo tàng- cung điện.
Một căn phòng trong Cung điện. Còn những căn phòng xa xỉ hơn nhiều, trên trần và tường có dát bạc, nhưng du khách không được chụp ảnh.
Cán bộ Đại sứ quán chở chúng tôi lòng vòng ra phố. Lúc xẩm tối, con đường có tên Valiasr mang một dáng vẻ kỳ ảo. Dọc hai bên đường trồng loài cây phong cao vút, trên cao từng đoạn có trang trí đèn mô phỏng các vi sao lung linh. Sát mặt đất có đèn chiếu đổi màu, hắt sáng lên những tán lá nên hàng cây liên tục đổi qua các màu xanh cây, tím, vàng, đỏ... rất đẹp.
Những hàng cây đầy màu sắc
Có một cây cầu dài, giống như cầu vượt dành cho người đi bộ, nối giữa hai công viên băng qua một đường cao tốc lớn của thành phố. Đứng trên cầu có thể nhìn rõ thành phố từ trên cao. Cầu rất rộng, làm bằng sắt lát gỗ, được trang trí vườn hoa và các điểm dừng chân ngắm cảnh. Ban đêm, khi đèn được bật sáng, khung cảnh rất thơ mộng, quyến rũ. Thật sáng tạo khi xây dựng một công trình như thế, để người dân và du khách có nơi đi dạo thư giãn, ngắm thành phố.

Tháp Azadi và Tháp truyền hình Milad là những công trình kiến trúc được coi là biểu tượng của Tehran. Tháp Azadi được xây dựng vào năm 1971 nhân kỷ niệm 2.500 năm ngày khai sinh đế quốc Ba Tư. Tháp có 9 viền sọc ở mỗi bên và 9 ô cửa sổ nằm trên chóp. Toàn thể tòa tháp Azadi nằm trên một khuôn viên rộng 50.000m². Có một bảo tàng và vài đài phun nước nằm dưới tòa tháp.
Khách du lịch ngắm thành phố từ trên lưng chừng tháp Milad.
Tháp truyền hình Milad cao 435 mét. Từ trên đỉnh tháp có thể nhìn xuống toàn cảnh các góc của thành phố. Ở đây cũng có một bảo tàng trưng bày tượng sáp của các danh nhân Iran, có cửa hàng bán đồ lưu niệm. Được biết, cái đẹp nhất của tháp Milad là hệ thống gương. Mặc dù không nhiều đèn nhưng hệ thống gương phản chiếu làm phần bầu của tháp buổi tối trông như một viên kim cương sáng lấp lánh.

Còn rất nhiều danh lam thắng cảnh khác mà chúng tôi chỉ đọc được trong sách du lịch chứ không có thời gian để thăm, vì theo đồng nghiệp ở đài Iran, nếu muốn thăm hết các điểm du lịch nổi tiếng ở Thủ đô, chúng tôi cần khoảng 2 tuần lễ!

Người Iran thân thiện, cởi mở

Hôm đầu tới Iran, buổi trưa, chúng tôi đi ra Grand Bazaar, khu chợ cổ của Iran. Trên đường đi, qua một vườn hoa nhỏ có đài phun nước, chúng tôi thấy nhiều người đang ngồi nghỉ, ngồi ăn trưa. Hầu như không có ai ngồi một mình, ai cũng đi cùng gia đình hoặc bạn bè.

Chúng tôi lân la tới cạnh họ để xin phép chụp ảnh, hầu hết mọi người đều tươi cười và đồng ý ngay. Một cặp vợ chồng đang ăn cơm hộp còn đưa thìa để mời thử cơm của họ và đưa lon Coca chưa mở ra mời uống. Hai cô gái đang ngồi trên thảm cỏ ăn pizza cũng vui vẻ cho chúng tôi chụp ảnh chung.
Lần khác, khi thăm viện Bảo tàng, có một gia đình cũng đi bảo tàng, bà mẹ không biết tiếng Anh, ra hiệu mời tôi chụp ảnh selfie cùng với họ, rồi liên tục mỉm cười thân thiện và cám ơn.

Người Iran có lẽ rất thích nói chuyện với người nước ngoài. Trên cầu Tình yêu hay ở ngoài phố, mỗi khi chúng tôi đang tạo dáng chụp ảnh lưu niệm, thể nào cũng có các thanh niên vui nhộn đứng ké vào xin chụp ảnh cùng.
Người ta thường xuyên hỏi tôi và cô bạn đồng nghiệp: Thái Lan? Philipinnes? Khi chúng tôi trả lời rằng chúng tôi từ Việt Nam, người nào cũng tỏ vẻ chào đón và người biết tiếng Anh thì đáp lại là họ thích Việt Nam. Chúng tôi không có thời gian dừng lại hỏi chuyện nhiều xem họ biết gì về Việt Nam, nhưng dường như ấn tượng Việt Nam trong mắt người Iran là rất tích cực.

Chúng tôi chụp ảnh cùng các cô gái đang ngồi ăn pizza trên thảm cỏ.
Tôi đã có những cuộc trò chuyện để hiểu thêm về đời sống ở Iran.
Trong bữa ăn trưa tại nơi làm việc, tôi tới ngồi cùng bàn với một nữ phóng viên trẻ người Iran. Tôi nói: "Trước khi sang đây, tôi có xem 1 câu chuyện ảnh về Iran". Cô bạn ngắt lời "nói những điều không tốt về Iran, tôi biết". Tôi thủng thẳng đáp: "Ồ không, nói những điều bình thường. Có cả ảnh một nữ cung thủ... Nhưng điều đó làm tôi muốn biết, đời sống của phụ nữ Iran ra sao". Và chúng tôi bắt đầu hỏi- đáp một cách cởi mở:
- Nghe nói đàn ông Iran trước khi lấy vợ phải chứng minh được tài sản của mình? thế những người yêu nhau thì đàn ông dù nghèo họ vẫn lấy phải không?
- Tôi không thể nói trường hợp người khác thì thế nào, nhưng chồng tôi rất tốt và yêu tôi. Chúng tôi chẳng cân nhắc gì chuyện tiền nong.
- Có nhiều cô gái đi học Đại học không?
- Nhiều. Trong trường ĐH có lẽ 60% là nữ, 40% là nam.
- Sau đó, có nhiều người đi làm không?
- Khá nhiều.
- Các bạn có đi xem phim không?
- Có chứ. Điện ảnh Iran khá phát triển. Chị xem này (cô ấy mở điện thoại ra, cho tôi xem 1 đoạn video clip), còn đây là một buổi hòa nhạc lớn. Chúng tôi cũng có rất nhiều hoạt động văn hóa tinh thần.
Cô cho biết mình rất thích làm bánh ngọt và thường chụp ảnh bánh trái để đăng lên Instagram. Facebook thì bị cấm với công chức nhà nước.

Tôi đã trò chuyện với y tá trưởng của bộ phận y tế thuộc Đài PT TH Iran. Chị cho biết bác sĩ là nghề có giá ở Iran, chế độ lương bổng rất tốt. Cũng có khá nhiều phụ nữ học để làm bác sĩ,  y tá.
Cuối ngày, đồng nghiệp tại Đài Phát thanh- truyền hình Iran đã nhiệt tình đưa chúng tôi, các cán bộ của Đài VOV đi thăm một vài thắng cảnh trong thành phố và dạo phố để chúng tôi có thêm kinh nghiệm thực tế về cuộc sống nơi đây. Anh lấy điện thoại, cho chúng tôi xem hình gia đình, ảnh của vợ, và cả gia đình nhà vợ. Họ chưa có con. Hai vợ chồng thường xuyên đi picnic trên núi cùng với đại gia đình, nghỉ ở những ngôi nhà nhỏ tuyệt đẹp trên núi. Đến tối khuya, lúc chúng tôi khá mệt và tỏ ý muốn đi về, thì người bạn kia vẫn hào hứng: vâng, nhưng trước khi về, tôi muốn mời các bạn ăn kem, ở một tiệm kem ngon tuyệt vời.

Có nhiều loại kem, nhiều vị trái cây, người bán kem liên tục dùng những chiếc muỗng gỗ nhỏ xíu múc kem mời chúng tôi thử, thử hết vị nọ đến vị kia, không cho chúng tôi từ chối, và cuối cùng thì mỗi người khách cũng chỉ ăn 1-2 viên kem mà thôi, và anh bạn Iran kia cứ tranh việc trả tiền.

"Các cầu thủ Việt Nam đã ở KS này hồi cuối tháng 3/2016!"
Chúng tôi gặp một người bán hàng trong quầy bánh kẹo ở khách sạn. Khi biết chúng tôi từ Việt Nam sang, anh ta liền khoe hồi mấy tháng trước đội tuyển bóng đá Việt Nam sang Iran thi đấu cũng ở khách sạn này và giở sổ nhật biên của ngày hôm đó cho chúng tôi xem, nhưng sổ ghi bằng tiếng Iran nên tôi cũng không đọc được gì!.

Chợ
Gran Bazaar là cái chợ rất rộng lớn với kiến trúc gồm những hành lang dài tới 10 cây số tỏa đi mấy hướng. Phía mặt ngoài chợ là các hàng quán bán hạt khô, nước hoa quả, thịt cừu nướng Kebab. Các loại hạt khô rất nhiều và ngon: hạt hồ trăn, hạt điều, hạt bí, quả sung ngọt sấy khô, chà là... Bạn có thể vào nếm thoải mái rồi mua bao nhiêu thì mua, người bán hàng không nài ép cũng không tỏ ý khó chịu.

Ngôi chợ có rất nhiều lối vào với cổng chính Sabze Meydan. Bên trong chợ là hành lang chuyên bán một loại hàng hóa tạo nên tổng thể khu chợ với đầy đủ các loại mặt hàng thiết yếu và độc đáo. Ngoài cửa hàng, Grand Bazaar của Tehran còn bao gồm cả ngân hàng, nhà thờ Hồi giáo, nhà khách. Tôi đã thăm Grand Bazaar và 1 khu chợ sầm uất khác. Người nườm nượp đi lại, mua bán tấp nập mặc dù trong chợ rất nóng. Quần áo, giày dép, pha lê, gốm sứ, đồ lưu niệm... Rất nhiều hàng Made in China.

Trong chợ có nhiều hoa quả, rau củ, rất ngon và giá cả cũng tương đương như ở các chợ xanh của Việt Nam, khá rẻ. Lúc xẩm tối, có nhiều quầy bán ngô nướng, quạt trên than hoa như ở Hà Nội, có điều khác là trong tiết trời nóng nực mà người ta vẫn chen nhau đứng chờ quạt ngô (còn ở Hà Nội thì ngô nướng thường bán trong mùa lạnh). 

Đặc biệt trên phố, trong khách sạn, ngoài chợ… có rất nhiều hàng bán thảm. Thảm Ba Tư đẹp nổi tiếng. Có thảm dệt bằng tay, có thảm dệt bằng máy, tuy nhiên rất nhiều thảm Made in China thì cũng tương tự như ở các cửa hàng trên phố Ngô Văn Sở (Hà Nội). Thảm dệt bằng tay có nhũng loại cực kỳ tinh xảo, bán tới cả ngàn đô la Mỹ một tấm thảm nhỏ dạng tranh treo tường (khoảng 50-75 cm). Tuy nhiên, chúng tôi được cảnh báo trước là người ta cũng nói thách rất cao.

Mua bán ở Iran có thể dùng tiền đô la Mỹ, rồi ngươi ta trả lại bằng tiền Rial, hình như làm vậy sẽ hơi thiệt chút về chênh lệch tỷ giá, nhưng rất tiện.

Chúng tôi nghe nói khách du lịch đến Iran thường mua đồ da, tuy nhiên tại cửa hàng mà chúng tôi tranh thủ ghé vào thì đồ da cũng không rẻ và mẫu mã không được đẹp lắm.

Kẹt xe
Đường sá ở Iran rất tốt. Từ sân bay quốc tế về Tehran chừng 70 km, xe thường xuyên chạy với tốc độ trên 100 cây số/giờ. Nhưng khi vào nội thành thì di chuyển chậm chắc khác gì giờ cao điểm ở Hà Nội. Đường rất nhiều xe ô tô, chủ yếu và xe nội địa và xe của Trung Quốc. Nghe nói, cũng có những xe sang của các hãng nổi tiếng, nhưng rất đắt. Xe cũ thì rẻ, giá xăng lại rất rẻ nên người ta dùng ô tô nhiều.

Quen với suy nghĩ là phụ nữ Iran chắc là yếu đuối (vì đến tóc cũng phải che!!!) tôi bất ngờ khi thấy trên đường nhiều phụ nữ lái xe, anh tài xế chở chúng tôi còn cho biết: đàn ông có khi nhường đường chứ phụ nữ lái xe đa số là "rất gấu", chẳng bao giờ cho xe khác vượt.

Một số người đi xe máy nhưng không nhiều. Và thường xuyên chúng tôi thấy cảnh thanh niên đi xe máy kẹp 3 trên đường mà đầu không mang mũ bảo hiểm.

Mong một lần trở lại...
Mấy ngày ở Iran, chúng tôi được thấy nhiều phong cảnh tuyệt vời, nhiều nét đẹp của cuộc sống nơi đây. Tehran có vẻ thật an toàn, thanh bình. Chúng tôi hỏi, bên ngoài thủ đô, mọi chuyện có khác nhiều không?. Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch trả lời: Cũng yên bình và thân thiện như thế, thậm chí còn hơn!

Lời khẳng định của Đại sứ càng khiến tôi mong một lần có dịp trở lại. Gần đây, thấy trên mạng có những nhóm bạn từ Việt Nam rủ nhau đi du lịch Iran, vé máy bay mua được khuyến mại cũng chừng trên dưới 500 đô la Mỹ. Chi tiêu ăn uống, đi lại không quá đắt đỏ. Và quả thật xứng đáng nếu chọn điểm du lịch là xứ Ba Tư, một trong những cái nôi của văn minh nhân loại./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đêm cuối tuần ở Tehran, Iran
Đêm cuối tuần ở Tehran, Iran

VOV.VN - Người Iran nghỉ cuối tuần vào thứ 5 và thứ 6. Nơi đây không có quán rượu hay câu lạc bộ đêm, vậy người ta làm gì khi ra ngoài vào buổi tối?

Đêm cuối tuần ở Tehran, Iran

Đêm cuối tuần ở Tehran, Iran

VOV.VN - Người Iran nghỉ cuối tuần vào thứ 5 và thứ 6. Nơi đây không có quán rượu hay câu lạc bộ đêm, vậy người ta làm gì khi ra ngoài vào buổi tối?

Hình ảnh cuộc sống thường ngày ở Tehran, thủ đô Iran
Hình ảnh cuộc sống thường ngày ở Tehran, thủ đô Iran

VOV.VN - Những hình ảnh sinh hoạt đời thường ở Iran có thể rất khác so với hình dung của nhiều người về cuộc sống ở đất nước Tây Á này

Hình ảnh cuộc sống thường ngày ở Tehran, thủ đô Iran

Hình ảnh cuộc sống thường ngày ở Tehran, thủ đô Iran

VOV.VN - Những hình ảnh sinh hoạt đời thường ở Iran có thể rất khác so với hình dung của nhiều người về cuộc sống ở đất nước Tây Á này