Ghi từ vùng bão số 7

Liên tiếp những ngày qua, trong khi các địa phương miền Bắc còn đang khắc phục hậu quả cơn bão số 6, các tỉnh Bắc Trung bộ khắc phục hậu quả bão số 7 thì bão số 8, có tên quốc tế là Higos, đang vào biển Đông.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Cường độ bão số 7 không mạnh, nhưng cũng đã gây thiệt hại nặng đối với các tỉnh bắc miền Trung. Nhóm phóng viên TNVN đã ghi từ vùng bão số 7

Giữa "rốn" bão Hà Tĩnh
Theo báo cáo nhanh của Uỷ ban Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh, cơn bão số 7 đã làm tốc mái 438 nhà dân, 16 phòng học bị hư hỏng nặng, gần 1.000ha diện tích lúa hè thu bị ngập; hơn 20 cột điện bị đổ gãy.

Thông tin mới nhất cho biết, thi thể của 2 cháu nhỏ, con ông Nguyễn Huy Can ở xóm Trà Sơn, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc bị nước cuốn trôi đã được tìm thấy sau ròng rã suốt 2 ngày đêm lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ của nhiều xã trong huyện cùng với nhiều thợ lặn được trang bị phương tiện đặc chủng đã thay nhau túc trực và tìm kiếm.

Tại huyện Kỳ Anh, vào thời điểm này năm ngoái, cơn bão số 5 đã tàn phá và hậu quả để lại vẫn chưa khắc phục hết, nay cơn bão số 7 lại tiếp tục gây thiệt hại nặng nề. Cơn bão đã làm 4 nhà dân bị sập, gần 1.700 căn nhà bị tốc mái; 188 phòng học bị hư hỏng và hàng trăm hécta lúa sớm, hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nặng nề nhất là 4 xã: Kỳ Lợi, Kỳ Ninh, Kỳ Hoa và Kỳ Lạc. Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, cơn cuồng nộ của thiên nhiên đã làm tốc mái 150 nhà dân, xé toạc mái tôn làm vỡ toang cửa kính của 3 trường học trong xã, trong đó có những nhà dân vừa mới được dựng lại cách đây vài tháng do cơn bão số 5 tháng 10 năm ngoái đã làm đổ sập. Riêng trường THCS xã Kỳ Lạc vừa mới sửa chữa xong chưa kịp thanh toán nay đâu lại vào đó. Cả đêm hôm qua, thầy trò và nhiều phụ huynh học sinh phải thức trắng đêm để lợp lại ngói cho khu nhà giáo viên. Chăng tạm bạt cho một số phòng học để đảm bảo cho học sinh không phải nghỉ học. Đường giao thông từ huyện đến xã do mưa lũ làm sói lở nặng, đến thời điểm này vẫn bị ách tắc. Xe cứu trợ của huyện tiếp tục tiếp cận nhưng vẫn chưa vào được. Ngành giao thông - vận tải và huyện Kỳ Anh đang tăng cường các lực lượng để nối thông tuyến đường vào xã này.  

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ NN & PTNT cử 3 đoàn công tác đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh để phối hợp với các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 7. Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã điều động 97 cán bộ chiến sĩ, 7 phương tiện các loại tổ chức tìm kiếm cứu nạn được 24 người và 3 phương tiện.

Trong chỉ đạo phòng chống bão lũ, Chính phủ và các bộ, ngành TƯ đã chỉ đạo sớm và kiên quyết các biện pháp phòng chống bão, lũ hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, kiên quyết không để người ở lại phương tiện tại nơi trú bão. Tuy nhiên trong thực tế, một số tàu thuyền bị chìm do đứt dây neo tại nơi neo đậu và ở ven bờ; người bị chết, mất tích do vẫn ở lại phương tiện tại nơi neo đậu. Các địa phương cần rút kinh nghiệm, tổ chức kiểm tra và chỉ đạo kiên quyết không để xảy ra các tình trạng đáng tiếc trên.

Không chỉ riêng các xã miền núi như Kỳ Lạc, Kỳ Hoa mà các xã ven biển như Kỳ Ninh, Kỳ Lợi, Kỳ Phương cũng bị cơn bão số 7 tàn phá. Một lần nữa tình làng nghĩa xóm, sự đùm bọc yêu thương lại sáng lên trên mảnh đất được coi là rốn bão này. Đối với cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng cửa khẩu Vũng áng, đêm hôm qua họ phải căng lều bạt ngủ dưới mưa để canh giữ tài sản cho con tàu bị bão đánh chìm gần bờ biển xã Kỳ Phương. Đại uý Phạm Thanh Sơn, Đồn phó Đồn biên phòng Vũng áng, đôi mắt còn trũng sâu nhưng sáng nay vẫn giải quyết bao công việc bộn bề. Tàu Phú Hưng 16 của Cty vận tải Phú Hưng, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định, chở 850 tấn xi măng, đã bị bão đánh gãy làm đôi. Hiện chưa ước tính được thiện hại nhưng 8 thuyền viên được bộ đội biên phòng cứu sống cho đến giờ chưa hết kinh hoàng. Một người bị thương đang nằm ở Bệnh viện huyện Kỳ Anh, số còn lại đã liên lạc với gia đình.

Trắng đêm cùng người lính biên phòng     
15 giờ 30 ngày 30/9, nhận được tin báo một tàu cá của ngư dân tỉnh Th anh Hóa số hiêu TH 1958 bị bão đánh chìm tại khu vực Cồn Khơi, trước lạch Cửa Lò, trên tàu có 5 thuyền viên, Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đã điều một tàu ra cứu hộ, và đã giúp 2 thuyền viên nhờ vào bờ an toàn. Trước đó, 3 thuyền viên khác đã bị rơi xuống biển và mất tích. 

Đến 18 giờ cùng ngày, lại nhận được tin báo có một xà lan mang số hiệu Gemadep 20 đang trôi dạt từ vùng biển Quỳnh Lưu vào đến Diễn Châu, trên xà lan có 7 người đang phát tín hiệu cấp cứu. Đây là xà lan trọng tải 1.000 tấn của Công ty Cổ phần thi công Cơ giới và Dịch vụ số 5 - Bộ Giao thông - Vận tải đang neo đậu ở vùng biển Thanh Hóa nhưng sóng đánh đứt dây neo, trôi dạt vào Nghệ An, xà lan bị nghiêng, 7 thuyền viên có nguy cơ bị bão nhấn chìm. Bộ Chỉ huy biên phòng Nghệ An chỉ đạo Hải đội 2 điều 2 tàu ra cứu hộ. Tuy nhiên do sóng to gió lớn, 2 tàu cứu hộ không thể tiếp cận được xà lan bị nạn. Trung tá Ngô Xuân Viết, Đồn trưởng Đồn biên phòng 152 tại xã Diễn Kim nhận lệnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lực lượng cứu hộ. Đồn Biên phòng 152 đã phân công 4 cán bộ chiến sỹ tham gia công tác cứu nạn, kết hợp với lực lượng dân phòng, nhân dân địa phương dùng bè mảng và nối dây để tiếp cận được với phương tiện bị nạn. Trung úy Trần Xuân Thanh tham gia cứu hộ kể lại: “Chúng tôi vừa bơi ra vừa thả neo, phải gần nửa tiếng mới tiếp cận được xà lan, rồi ném dây lên cho từng người bám vào, lực lượng trong bờ kéo mảng đưa người bị nạn vào bờ. Sau 3 giờ vật lộn cùng sóng gió, đến 21 giờ đêm, bộ đội biên phòng và nhân dân địa phương đã đưa được 7 thuyền viên trên xà lan bị nạn vào bờ an toàn”.

Sau một ngày lênh đênh trên biển, vật lộn với đói rét, cái chết tưởng chừng đến trong gang tấc, 23 giờ đêm 30/9, 7 thuyền viên bị nạn đã trở về an toàn và hồi phục sức khỏe. Ai cũng xúc động cảm ơn những chiến sĩ biên phòng và người dân xã Diễn Kim, đã bất chấp hiểm nguy lao ra giữa sóng to gió cả giành lại sự sống cho họ. Còn trung úy Biên phòng Nguyễn Đình Hoàng, Đồn 152, một trong bốn chiến sĩ trực tiếp tham gia cứu nạn thì hồn nhiên:” Lúc đó bọn em chẳng nghĩ gì nữa. Là người lính biên phòng, thấy người  bị nạn thì cứu. Anh em vui lắm. Mừng không thể kể hết được”.

Đêm 30/9, với những người lính biên phòng Đồn 152, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh  Nghệ An thực sự là một đêm không ngủ. Các anh vui vì vừa trải qua những giờ phút cam go giành giật với biển cả mang về niềm hạnh phúc cho bao gia đình có người thân quanh năm lênh đênh sóng nước. Trước mắt các anh còn phải lo trục vớt xà lan và tổ chức tìm kiếm 3 nạn nhân trên tàu cá của ngư dân Thanh Hoá bị nạn ở Cửa Lò cho đến 22h đêm qua vẫn chưa tìm thấy tung tích./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên