Các tỉnh Nam Trung bộ sẵn sàng ứng phó với bão

VOV.VN - Chiều tối 29/10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão. Hiện các tỉnh khu vực Nam Trung bộ đang triển khai lực lượng sẵn sàng ứng phó với bão. 

Tối 29/10, khu vực các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu có gió mạnh, sóng lớn, quân dân trên các đảo sẵn sàng ứng phó với bão số 5, đồng thời tiếp nhận, hỗ trợ tàu cá vào trú, tránh bão. Hiện, quân và dân các đảo hoàn tất sơ tán các phương tiện, thiết bị, hệ thống pin mặt trời vào nơi an toàn, cắt tỉa cây xanh, chằng chống nhà cửa.

Đến tối nay, hàng chục tàu cá của ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ đã vào các âu tàu neo đậu. Lực lượng trên các đảo hướng dẫn, giúp đỡ neo đậu chắc chắn và thường xuyên được cung cấp thông tin của bão. Các đảo đã cấp nước ngọt miễn phí và giúp đỡ bà con sửa chữa một số máy bơm nước, máy điện. Chuẩn bị đầy đủ nơi ăn ở khu vực làng chài để di chuyển bà con ngư dân khi có tình huống bão đổ bộ. Lực lượng quân y của đảo đã chuẩn bị các phương án thăm khám, cấp thuốc, cấp cứu ngư dân. Đồng thời, các đảo cũng sẵn sàng hiệp đồng với các phương tiện tàu thuyền, lực lượng trong khu vực sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn.

Ngư dân Phú Yên neo đậu tàu thuyền vào nơi tránh trú bão.

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Quan trọng nhất lúc này là theo dõi về hướng đi của bão, tổ chức hướng dẫn tàu thuyền vào âu tàu, neo đậu vào vùng lòng hồ. Tránh sóng gió bảo đảm tốt, bảo đảm về phương tiện và người. Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước ngọt. Tổ công tác sẵn sàng sữa chữa, khắc phục tình trạng hư hỏng của tàu thuyển, phương tiện và người”.

Chiều nay, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức cuộc họp với các địa phương, ban ngành chức năng lên phương án sẵn sàng ứng phó với bão số 5. Theo đó, yêu cầu các địa phương chủ động kêu gọi, sắp xếp tàu thuyền; tổ chức kiểm đếm, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, tỉnh Phú Yên cũng đặc biệt chú trọng việc ứng trực, đảm bảo an toàn các hồ chứa, hồ thủy lợi.

Hiện tỉnh này có 50 hồ chứa nước, trong đó 3 hồ thủy lợi dung tích chứa hơn 10 triệu m3 là hồ Phú Xuân, hồ Suối Vực và hồ Đồng Tròn. Các chủ hồ đã tổ chức trực ban, theo dõi sát tình hình thời tiết để có kế hoạch điều tiết hợp lý.

Tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân sớm được chằng néo an toàn.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, sẽ chú trọng các công trình đang xây dựng dọc theo sông Ba, sau bão lượng mưa từ các dòng sông suối khu vực Tây Nguyên đổ về có khả năng gây lũ trên diện rộng: “Hiện nay, một số công trình nằm bên dòng sông Ba. Ví dụ như Tây Hòa đang có công trình lớn nhất là đập Mỹ Lâm. Chúng ta phải lưu ý đề nghị các nhà thầu di chuyển các trang thiết bị chứ không thể chủ quan”.

Ngay trong chiều 29/10, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp khẩn cấp để triển khai nhanh các phương án ứng phó với cơn bão số 5. Đến thời điểm này, tại tỉnh Bình Định có khoảng 5.000 ha lúa mùa gieo khô đang làm đòng tại các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ; hơn 200ha tôm nuôi trên cát và gần 2.800 lồng bè nuôi ở cửa biển Quy Nhơn và hồ Định Bình... Chính quyền các địa phương ưu tiên hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố và yêu cầu người dân không ở lại trên các lồng bè nuôi khi bão đổ bộ. Hiện, 165 hồ chứa thủy lợi ở tỉnh Bình Định sẵn sàng tích nước.

Ông Trần Văn Cẩn, Tổ quản lý hồ chứa nước Núi Một, một trong 15 hồ chứa nước lớn nhất ở tỉnh Bình Định cho biết, toàn bộ nhân viên đã sẵn sàng ứng trực đón lũ và phòng chống cơn bão: “Theo thông báo sáng nay thì lực lượng trực 100% và báo cáo 15 phút/lần, tức là đọc mực nước 15 phút/lần và chia làm 2 ca, mỗi ca 3 người và đọc báo về bằng bộ đàm”.

Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu tạm dừng hoạt động tuyến giao thông vận tải thủy Sa Kỳ- Lý Sơn, đảo Lớn - đảo Bé. Các hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân huyện đảo Lý Sơn cũng tạm dừng. Hơn 300 tàu cá đánh bắt gần bờ và gần 40 lồng bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân Lý Sơn đã được đưa vào vũng neo trú tàu thuyền, đảm bảo kỹ thuật, tránh va đập gây thiệt hại về tài sản.

Ông Trần Minh Hùng, một hộ nuôi trồng thủy sản trên đảo Lý Sơn cho biết: “Để đảm bảo an toàn, anh em bè đưa vào bờ hết. Đưa vào bờ hôm qua, mỗi bè khoảng cách cách nhau 20-30m”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Miền Trung chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới
Miền Trung chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới

VOV.VN - Ngày 29/10, các tỉnh miền Trung bắt đầu chủ động ứng phó với đợt áp thấp nhiệt đới, dự báo gây mưa to.

Miền Trung chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Miền Trung chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới

VOV.VN - Ngày 29/10, các tỉnh miền Trung bắt đầu chủ động ứng phó với đợt áp thấp nhiệt đới, dự báo gây mưa to.

Bình Thuận sẵn sàng ứng phó áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão
Bình Thuận sẵn sàng ứng phó áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão

VOV.VN - Tỉnh Bình Thuận đã thông tin cho các tàu cá biết tình hình để tìm nơi tránh trú an toàn, không đi vào vùng nguy hiểm

Bình Thuận sẵn sàng ứng phó áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão

Bình Thuận sẵn sàng ứng phó áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão

VOV.VN - Tỉnh Bình Thuận đã thông tin cho các tàu cá biết tình hình để tìm nơi tránh trú an toàn, không đi vào vùng nguy hiểm

Quân và dân Trường Sa chuẩn bị ứng phó áp thấp nhiệt đới trên biển
Quân và dân Trường Sa chuẩn bị ứng phó áp thấp nhiệt đới trên biển

VOV.VN - Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trên đất liền, các tàu trực khẩn trương luyện tập các phương án phòng chống bão lụt.

Quân và dân Trường Sa chuẩn bị ứng phó áp thấp nhiệt đới trên biển

Quân và dân Trường Sa chuẩn bị ứng phó áp thấp nhiệt đới trên biển

VOV.VN - Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trên đất liền, các tàu trực khẩn trương luyện tập các phương án phòng chống bão lụt.