Sẽ có giải Nobel Hòa bình cho tân Tổng thống Hàn Quốc?

VOV.VN - Nhiều người hy vọng tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Hàn Quốc đã chính thức có Tổng thống mới, đó là ông Moon Jae-in thuộc đảng Dân chủ tự do. Ông được coi là nhân vật có nhiều quan điểm, đường lối khác với người tiền nhiệm. Có dư luận cho rằng chính sách của ông làm cho Mỹ và một số nước lo ngại trong vấn đề Triều Tiên và một số vấn đề khu vực khác. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng ông sẽ làm thay đổi tích cực diện mạo Hàn Quốc, đóng góp cho nền hòa bình khu vực.

Chiến thắng của ông Moon Jae-in trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc ngày 9/5 được nhiều người trông đợi. (Ảnh: Reuters)

Đối mặt với Mỹ

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Moon sẽ phải đối diện với nhiều thách thức từ trong nước, khu vực và thế giới. Những vấn đề trong nước cần giải quyết nhanh chóng là nạn thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế giảm, phân hóa giàu nghèo ngày càng lan rộng, chống phân biệt đối xử với phụ nữ. Đây cũng là những vấn đề mà trong cuộc tranh cử vừa qua ông đã cam kết sẽ giải quyết trong nhiệm kỳ của mình.

Vấn đề khu vực là mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, Trung Quốc cũng đang căng thẳng, trở thành chủ đề chính trong thời gian tới mà ông Moon là người phải đối mặt. Chính quyền phái bảo thủ ở Hàn Quốc tán đồng với quan điểm của Mỹ trong chính sách liên quan tới Triều Tiên với quan niệm việc phát triển hạt nhân của Triều Tiên sẽ mang lại nguy cơ khủng khiếp cho khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc có khả năng một cuộc chiến tranh toàn diện chống Triều Tiên sẽ xảy ra và hậu quả của nó hoàn toàn không thể báo trước được điều gì.

Tuy nhiên, ông Moon trong cuộc tranh cử vừa qua cũng đã cam kết với người dân Hàn Quốc sẽ hợp tác với Triều Tiên và sẵn sàng hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Mặt khác, Triều Tiên cũng hy vọng nếu ông Moon lên làm Tổng thống thì cơ hội hy vọng đàm phán với Hàn Quốc sẽ tăng cao, giúp cho căng thẳng hai bên sẽ dịu lại.

Nhưng điều quan trọng hơn là giải quyết như thế nào khi bất đồng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trong việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Bởi Trung Quốc đang phản đối việc triển khai THAAD của Hàn Quốc và cho rằng điều này sẽ đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia của họ.

Tuy nhiên, tân Tổng thống Moon có vẻ như cởi mở hơn trong vấn đề Triều Tiên. Khác biệt với người tiền nhiệm cứng rắn, ông Moon ủng hộ tương tác với Bình Nhưỡng và thách thức việc triển khai THAAD, yêu cầu Mỹ “tự mình” thực hiện chính sách an ninh của mình.

Điều này ứng với mong muốn của Trung Quốc và Trung Quốc đang hy vọng ông Moon sẽ có những hành động cụ thể hơn trong vấn đề này. Bởi lẽ do Trung Quốc cũng đang chịu thiệt hại do đang áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Hàn Quốc đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và hàng không.

Vấn đề quốc tế mà ông Moon phải giải quyết chính là quan hệ với Mỹ. Bởi lẽ ông Moon là người hoàn toàn đi ngược lại với chính sách khu vực, chính sách đối với Triều Tiên… của Mỹ. Đối với ông Moon thì vấn đề không phải nằm ở chỗ chính sách của Mỹ ở khu vực như thế nào mà là cân đối như thế nào chính sách của mình đối với hiện thực của khu vực và nội bộ Hàn Quốc. Chính vì vậy, có thể Mỹ sẽ không mặn mà với vị Tổng thống mới của Hàn Quốc.

Gây khó Nhật Bản

Liên quan tới việc ông Moon Jae-In trở thành Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc họp của chính phủ đã thể hiện mong muốn tăng cường quan hệ với chính quyền tân Tổng thống Moon trong việc xử lý vấn đề Triều Tiên.

Ông Abe nói: “Hàn Quốc là nước láng giềng quan trọng nhất cùng có lợi ích mang tính chiến lược của Nhật Bản. Do vậy, Nhật Bản mong muốn cùng với việc hợp tác trong vấn đề Triều Tiên sẽ củng cố mối quan hệ hai nước hướng tới tương lai”.

Hiện tại, Chính phủ Nhật Bản cũng đang tích cực chuẩn bị thực hiện cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Abe và ông Moon trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, công việc chuẩn bị cuộc gặp cấp cao nhân Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến tổ chức vào tháng 7 tới tại Đức và cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc dự kiến tổ chức vào tháng 9 tại Mỹ cũng được chuẩn bị từ bây giờ.

Với việc tân Tổng thống Moon có vẻ như cởi mở hơn trong vấn đề Triều Tiên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng hiện tại chính sách của Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In vẫn chưa rõ ràng.

Hơn thế nữa, tân Tổng thống Hàn Quốc có thể nói đang rất thận trọng trong chính sách quan hệ với Nhật Bản. Bởi trong chiến dịch tranh cử của mình ông cũng đã từng nói rằng sẽ trao đổi lại về vấn đề phụ nữ mua vui trong chiến tranh mà trước đó hai nước đã thỏa thuận. Và khả năng yêu cầu Nhật Bản trao đổi lại là rất cao.

Trong khi đó, trả lời báo chí về vấn đề này, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh rằng thỏa thuận Nhật-Hàn đã nhận được đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Do vậy, việc thực hiện thỏa thuận là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của mỗi nước.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In. (Ảnh: Yonhap/Reuters)

Nhận giải Nobel Hòa bình?

Với những chính sách trên, ông Moon Jae-in được cho là sẽ sử dụng trở lại “Chính sách Ánh Dương” – là một chính sách ngoại giao mà Hàn Quốc áp dụng với Triều Tiên từ năm 1998 cho đến cuộc bầu cử tổng thống Lee Myung-bak năm 2008.

Cách đây 1 thập kỷ, ông Moon – lúc đó còn là một quan chức cấp cao của Hàn Quốc đã ủng hộ "Chính sách Ánh Dương", trong đó phát triển các kênh đối thoại với Triều Tiên, đồng thời vẫn gây áp lực và duy trì các biện pháp trừng phạt của Seoul đối với Bình Nhưỡng.

Và trong thời gian vận động tranh cử, ông Moon Jae-in đã vượt lên trên hàng chục đối thủ nhờ đề xuất chủ trương hòa hoãn với Bình Nhưỡng trên cơ sở củng cố sức mạnh quân sự của Hàn Quốc. Đây có thể gọi là chính sách  “Ánh dương phiên bản 2”.

Chính sách Ánh dương là một chính sách ngoại giao mà Hàn Quốc áp dụng với Triều Tiên  từ năm 1998 cho đến cuộc bầu cử Tổng thống Lee Myung-bak năm 2008. Từ khi được đề xuất dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung, chính sách này đã mang lại sự hợp tác chính trị to lớn hơn cũng như một vài thời khắc lịch sử trong quan hệ liên Triều.

Hai cuộc họp thượng đỉnh liên Triều diễn ra tại Bình Nhưỡng (tháng 6/2000 và tháng 10/2007) đã đem đến một số dự án kinh tế thu hút sự chú ý của dư luận và những cuộc gặp mặt ngắn ngủi của những gia đình bị chia cắt bởi Chiến tranh Triều Tiên.

Năm 2000, Tổng thống Kim Dae Jung đã được trao giải Nobel Hòa bình vì những thành công của ông trong việc thực thi “chính sách Ánh dương”.

Chính sách này có mục đích chính là làm dịu thái độ của Triều Tiên với Hàn Quốc bằng cách khuyến khích hợp tác và hỗ trợ kinh tế.

Chính sách an ninh quốc gia này có ba nguyên tắc chính:

Không khiêu khích quân sự

Hàn Quốc sẽ không cố gắng thu hút sự chú ý của Triều Tiên theo bất cứ cách nào

Hàn Quốc chủ động tìm kiếm sự hợp tác

Những nguyên tắc này có ý nghĩa truyền đi thông điệp rằng Hàn Quốc không mong muốn thôn tính hoặc ngầm phá hoại chính quyền Triều Tiên; mục tiêu của nó là cùng chung sống hòa bình hơn là thay đổi chế độ.

Dưới thời chính quyền Kim Dae Jung, Chính sách Ánh dương lần đầu được khởi xướng và thi hành. Hợp tác kinh tế Bắc-Nam bắt đầu phát triển, bao gồm một tuyến đường sắt và khu du lịch núi Kim Cương nơi mà hàng ngàn công dân Hàn Quốc đến đó du lịch cho đến năm 2008, thời điểm đã diễn ra một vụ nổ súng và những chuyến du lịch sau đó đã bị hủy bỏ. Mặc dù đàm phán rất khó khăn nhưng cũng đã có ba cuộc đoàn viên giữa những gia đình bị chia ly được tổ chức.

Năm 2000, Kim Dae-jung và Kim Jong-il đã gặp nhau tại một cuộc họp thượng đỉnh, đây cũng là cuộc thảo luận đầu tiên giữa những nhà lãnh đạo của hai chính phủ kể từ sau chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, sau cuộc họp, những đối thoại giữa hai quốc gia đã bị đình trệ. Những chỉ trích dành cho chính sách này đã tăng lên và Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lim Dong-won đã bị mất chức sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm 3/9/2001.

Sau vụ khủng bố 11/9/2011 tại Mỹ, Mỹ đã liệt Triều Tiên vào cái gọi là “danh sách trục ma quỷ” và Triều Tiên đã ngừng các cuộc đối thoại với Hàn Quốc.

Với dẫn chứng mang tính lịch sử trên, tân Tổng thống Hàn Quốc có khả năng sẽ không để Triều Tiên “bơ vơ”, mà ôm Triều Tiên về một mối. Có thể sẽ có một đất nước thống nhất. Và có thể một giải Nobel Hòa bình sẽ được trao cho ông Moon Jae-in./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên