Những chi tiết thú vị trong cuộc gặp thượng đỉnh Biden-Putin đầu tiên

VOV.VN - Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại thành phố Geneva, Thụy Sỹ ngày 16/6. Dù những kết quả chính trị sẽ tiếp tục được phân tích, nhưng cũng có những chi tiết thú vị khiến nhiều người chú ý trong cuộc gặp lần này.

Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên nhưng không phải lần gặp đầu tiên

Dù chỉ mới trở thành Tổng thống Mỹ hồi tháng 1/2020, nhưng ông Biden và ông Putin đã từng gặp nhau cách đây 10 năm, vào tháng 3/2011. Khi đó ông Biden là Phó Tổng thống Mỹ còn ông Putin là Thủ tướng Nga. Ông Putin tái đắc cử tổng thống Nga năm 2012 và nắm giữ cương vị này cho tới nay.

Ông Putin cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu do Tổng thống Biden chủ trì hồi tháng 4/2021, nhưng khi đó hai nhà lãnh đạo không trao đổi trực tiếp với nhau. Dù vậy, hai tổng thống đã 2 lần điện đàm kể từ sau khi ông Biden chính thức nhậm chức.

Ông Biden là người tới muộn

Đoàn xe hộ tống của ông Biden muộn 9 phút so với dự kiến, mặc dù ông đã tới Geneva ngày hôm trước, trong khi ông Putin bay tới Geneve từ Sochi trước đó cùng ngày.

Trong các cuộc gặp thượng đỉnh trước đây, ông Putin thường là người tới muộn, đôi khi muộn tới 40 phút như khi ông gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2009 và năm 2012. Nhưng lần này ông lại “đúng giờ” một cách bất ngờ.

Bắt tay thay vì chạm khuỷu tay

Khi ông Biden gặp ông Putin bên ngoài căn biệt thự từ thế kỷ 18 Villa la Grange bên hồ Geneva vào buổi chiều 16/6, hai nhà lãnh đạo đã bắt tay nhau. Sau đó, khi vào bên trong, hai người lại bắt tay lần thứ 2.

Khi ông Biden gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới khác trong chuyến công du châu Âu trước đó, họ thường chạm nắm tay - như ông Biden và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 14/6, hoặc chạm khuỷu tay – với các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh cuối tuần trước. Cả 2 cách chào này được thực hiện như một giao thức an toàn trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thay vì cái bắt tay truyền thống như trước đây.

Những món quà

Như thường lệ trong các cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo thế giới, ông Biden và ông Putin cũng tặng quà cho nhau. Các món quà thường mang tính biểu tượng, thể hiện một khía cạnh nào đó trong văn hóa của nước tặng quà.

Tại Geneva, ông Putin tặng ông Biden món đồ văn phòng phẩm được trang trí theo phong cách vẽ tranh truyền thống của Khokhloma, một hoa văn chi tiết phức tạp giống như sơn mài được sử dụng để trang trí đồ gốm và đồ gia dụng.

Ông Biden tặng Tổng thống Putin một tác phẩm điêu khắc bằng pha lê về một con bò rừng Mỹ. Bò rừng chính thức được coi là loài động vật quốc gia của Mỹ khi chính quyền cựu Tổng thống Obama  ký Luật Di sản Bò rừng Quốc gia. Ông còn tặng ông Putin một cặp kính phi công đặt làm riêng giống như những chiếc kính phi công mà ông Biden thường đeo.

Truyền thông nhốn nháo

Khuôn viên của ngôi biệt thự khá nhỏ khiến cho giới truyền thông không có đủ không gian thoải mái để quay phim, chụp ảnh về hội nghị thượng đỉnh. Điều này dẫn đến tình trạng nhốn nháo, khiến các quan chức an ninh lo ngại.

Đã xảy ra cảnh phóng viên này đứng chắn ống kính của phóng viên khác, rồi lại có những người xì xào nói chuyện trong lúc 2 tổng thống phát biểu mờ màn.

Phóng viên Anita Kumar của Politico đã mô tả đây là “sự hỗn loạn nhất mà tôi từng thấy tại một sự kiện tổng thống trong 9 năm qua”.

Những tấm giấy ghi chú

Khi Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken gặp Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, ông Biden đã cầm theo một xấp giấy màu xanh mà ông vài lần tham khảo và dường như đây là những tấm giấy ghi chú.

Không rõ nội dung trên những tấm giấy đó là gì, nhưng một số người theo dõi sự kiện này cho rằng những tấm thẻ ghi chú dường như chứng minh ông Biden không thể nhớ bất cứ điều gì và chúng đang giúp ông tập trung tốt hơn vào các chi tiết quan trọng của các chủ đề mà hai bên thảo luận.

Cuộc gặp được cắt ngắn thời gian

Ban đầu cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến kéo dài khoảng 5 tiếng, gồm cả 2 cuộc thảo luận mở rộng để các tổng thống cùng quan chức cấp cao 2 bên có thể thảo luận nhiều chủ đề, nhưng cuộc gặp đã kết thúc sớm hơn dự kiến gần 2 tiếng. Ông Biden nói với các phóng viên rằng, cuộc gặp kết thúc sớm hơn vì hai bên đã tập trung vào “chi tiết cụ thể”. Trong khi đó, ông Putin nói rằng, ông Biden là một chính trị gia giàu kinh nghiệm và ông đánh giá sự thể hiện của ông Biden tại cuộc gặp thượng đỉnh là hoàn toàn khác biệt so với người tiền nhiệm Donald Trump.

Ông Biden họp báo sau ông Putin

Ngay từ đầu, hai nhà lãnh đạo đã quyết định không họp báo chung, nhưng ông Biden đã tranh thủ nghỉ 2 tiếng sau khi rời cuộc gặp để cuộc họp báo của ông diễn ra sau họp báo của Tổng thống Putin. Điều này cho phép ông phản hồi những bình luận mà nhà lãnh đạo Nga đưa ra.

Truyền thông Nga không được dự họp báo của ông Biden

Mặc dù các cuộc họp báo được tổ chức riêng biệt ở 2 thời điểm khác nhau, nhưng báo chí không được tiếp cận với cả 2 nhà lãnh đạo. Trong khi một số hãng thông tấn phương Tây được phép tham dự cuộc họp báo của ông Putin như BBC và CNN, và thậm chí được chọn để đặt câu hỏi với Tổng thống Nga, thì truyền thông Nga lại không được dự họp báo của Tổng thống Mỹ.

Putin - “Ông ấy”

Các phóng viên phương Tây thường sử dụng những cụm từ khác nhau khi nhắc tới ông Putin hay ông Biden. Dù ông Biden thường xuyên được gọi bằng “Tổng thống Biden” hay “Joe Biden”, một số câu hỏi tại cuộc họp báo của ông Biden lại chỉ nhắc tới ông Putin là “ông ấy”.

Trong chương trình phân tích về sự kiện này được phát sóng trực tiếp, người dẫn chương trình CNN Wolf Blitzer thậm chí có lúc còn dùng từ “người Nga” để nhắc tới ông Putin - một cách nói tới người Nga và những người không thuộc các nước phương Tây khác từ thế kỷ 19.

Không có bữa tối cùng nhau

Thay vì dùng bữa tối trong lúc thảo luận hoặc bữa tiệc thân mật trước hoặc sau khi thảo luận, hai bên chỉ đơn giản là tới khu biệt thự, chụp ảnh, thảo luận, tổ chức họp báo và sau đó rời đi. Đó là tất cả những gì đã diễn ra ở Geneva./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin lần đầu tiên hội đàm trực tiếp
Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin lần đầu tiên hội đàm trực tiếp

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/6 có cuộc gặp đáng chú ý với Tổng thống Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sĩ, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước căng thẳng về một loạt vấn đề như tấn công mạng hay Ukraine...

Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin lần đầu tiên hội đàm trực tiếp

Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin lần đầu tiên hội đàm trực tiếp

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/6 có cuộc gặp đáng chú ý với Tổng thống Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sĩ, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước căng thẳng về một loạt vấn đề như tấn công mạng hay Ukraine...

Ông Putin: Cuộc đối thoại với ông Biden mang tính xây dựng và không có thái độ thù địch
Ông Putin: Cuộc đối thoại với ông Biden mang tính xây dựng và không có thái độ thù địch

VOV.VN - Tại cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ vào hôm qua (16/6), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán về an ninh mạng và kiểm soát vũ khí.

Ông Putin: Cuộc đối thoại với ông Biden mang tính xây dựng và không có thái độ thù địch

Ông Putin: Cuộc đối thoại với ông Biden mang tính xây dựng và không có thái độ thù địch

VOV.VN - Tại cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ vào hôm qua (16/6), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán về an ninh mạng và kiểm soát vũ khí.

5 điểm nhấn quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ
5 điểm nhấn quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ

VOV.VN - Theo nhận xét của cả Tổng thống Nga Putin lẫn Tổng thống Mỹ Joe Biden, cuộc gặp không nhằm mục đích tạo ra những đột phá lớn, thay vì đó, các bên mong muốn trao đổi một cách thẳng thắn, trung thực và hướng về phía trước.

5 điểm nhấn quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ

5 điểm nhấn quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ

VOV.VN - Theo nhận xét của cả Tổng thống Nga Putin lẫn Tổng thống Mỹ Joe Biden, cuộc gặp không nhằm mục đích tạo ra những đột phá lớn, thay vì đó, các bên mong muốn trao đổi một cách thẳng thắn, trung thực và hướng về phía trước.