Đây không phải là tình thế lý tưởng với Ukraine và các đồng minh. Kiev sẽ cần được hỗ trợ quân sự và kinh tế để tăng cường phòng thủ. Các nước phương Tây cũng sẽ cần duy trì các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Dĩ nhiên, Ukraine muốn Nga rút khỏi toàn bộ lãnh thổ nước này sau đó mới tiến hành đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin đã cho thấy, Moscow sẽ không rút quân cho đến khi đạt được các mục tiêu của mình và chiến trường hiện đang rơi vào tình thế bế tắc, Valery Zaluzhny, người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho hay đầu tháng này. Mặc dù văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky bác bỏ đánh giá đó nhưng nhà lãnh đạo Ukraine thừa nhận mọi người đều đã mệt mỏi vì cuộc xung đột.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với Economist, ông Valery Zaluzhny đánh giá: "Thực tế đơn giản là chúng tôi nhìn thấy mọi thứ mà đối phương đang làm và họ thấy mọi thứ mà chúng tôi đang làm. Để phá vỡ tình thế bế tắc này, chúng tôi cần thứ gì đó mới". Theo ông, Ukraine cần một bước nhảy vọt về công nghệ, đồng thời kêu gọi phương Tây cung cấp các phương tiện trên không tiên tiến, hệ thống tác chiến điện tử, vũ khí phản pháo và công nghệ rà phá bom mìn.

Tổng thống Zelensky thừa nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí Time rằng: "Điều đáng sợ nhất là một phần của thế giới đã quen với cuộc xung đột ở Ukraine. Sự kiệt sức với cuộc xung đột cuộn lên như một cơn sóng. Bạn nhìn thấy điều này ở Mỹ và châu Âu. Chúng tôi có thể thấy họ đã phần nào mệt mỏi và nó giống như kiểu: "Tôi không thể xem cuộn phim này đến lần thứ 10".

Có một cảm nhận chung bao trùm hiện nay là xung đột ở Ukraine đã chững lại dù Tổng thống Zelensky cho biết: "Quân đội của chúng tôi đang đưa ra những kế hoạch khác nhau với một chiến dịch mới để tiến công nhanh hơn và tấn công Nga một cách bất ngờ".

Nhịp độ cung cấp vũ khí ổn định nhưng chậm chạp của phương Tây đã khiến Ukraine thất vọng. Kiev lo ngại họ đang được hỗ trợ vũ khí đủ để tồn tại nhưng không đủ để chiến thắng bởi do Mỹ và châu Âu lo ngại leo thang căng thẳng với Nga.

Trong khi đó, các đồng minh của Ukraine đã cho thấy những dấu hiệu của sự mệt mỏi. Họ cũng bị xao lãng bởi cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas ở Trung Đông. Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng thuyết phục Quốc hội thông qua một gói hỗ trợ quân sự nữa trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine. Sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine có lẽ sẽ tiếp tục suy giảm nếu cựu Tổng thống Donald Trump hoặc một ứng viên ít ủng hộ Kiev hơn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm sau.

Giới quan sát phương Tây cho rằng Ukraine có lẽ sẽ giành thêm lãnh thổ vào đầu năm tới nếu có đủ vũ khí tiên tiến để phá vỡ tình thế bế tắc. Tuy nhiên, vào một thời điểm nào đó, chính Tổng thống Zelensky sẽ phải quyết định điều tốt nhất nên làm là bảo vệ những gì đang có trong tay.

Trong một cuộc xung đột đóng băng, Ukraine sẽ cần tập trung vào các công sự khổng lồ, hệ thống phòng thủ tên lửa và công nghệ để ngăn cản các cuộc tấn công của Nga.

Sẽ không dễ để xây dựng khả năng phòng thủ như vậy nếu Mỹ ngừng hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, cái giá phải trả của việc đóng băng xung đột sẽ ít hơn so với tổng thiệt hại nếu giao tranh tiếp diễn. Giới quan sát phương Tây nhận định, điều quan trọng là cần có những nước khác đủ khả năng và nguồn lực lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào Mỹ để lại. EU là ứng viên mạnh mẽ để thực hiện điều đó bởi liên minh này đối mặt với mối đe dọa lớn hơn từ Nga. Trong khi đó, EU cũng cần tăng cường ngân sách quốc phòng của chính mình.

Trong một cuộc xung đột đóng băng, các lệnh trừng phạt Nga có thể vẫn được duy trì. Mỹ và các quốc gia khác sẽ tiếp tục cấm việc buôn bán vũ khí và công nghệ cao cho Moscow, đóng băng 300 tỷ dự trữ nước ngoài của nước này và nỗ lực làm giảm giá xuất khẩu dầu mỏ của Nga.

Phương Tây hiểu rõ một cuộc chiến tranh kinh tế như vậy không thể buộc Tổng thống Putin phải ngồi vào bàn đàm phán. Trên thực tế, lệnh trừng phạt của phương Tây trong một thời gian dài cũng không thể khiến Triều Tiên hay Iran sụp đổ.

Các lệnh trừng phạt ban đầu không tác động tới nền kinh tế Nga bởi việc tăng giá dầu mỏ và khí đốt đã bù đắp vào lượng xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, cuộc chiến kinh tế tiêu hao này sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới Moscow. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga sẽ giảm xuống 3,4% vào năm nay và Điện Kremlin đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát vốn trong khi Ngân hàng Trung ương Nga nâng tỷ lệ lãi suất để ngăn chặn sự lao dốc của đồng rúp.

Ngoài ra, thâm hụt ngân sách chính phủ được dự đoán sẽ tăng lên 3,7% vào năm nay. Điều đó có thể khiến đời sống của người dân Nga bị ảnh hưởng trong khi lệnh trừng phạt quân sự và công nghệ khiến việc hiện đại hóa quân đội trở nên khó khăn hơn.

Thực tế là bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga vẫn có thể sản xuất số lượng lớn vũ khí cần thiết cho xung đột, trong đó 1 triệu quả pháo cỡ nòng 152mm trong 1 tháng.

Dự luật được chuyển tới Quốc hội Nga tháng này đã vạch ra lộ trình tăng 70% ngân sách quốc phòng vào năm tới, chiếm gần 6% GDP. Moscow cũng đặt cược vào việc phương Tây sẽ cạn kiệt kiên nhẫn với Ukraine và những thay đổi về chính trị trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới.

Rõ ràng, các lệnh trừng phạt cũng khiến phương Tây phải trả giá. Các nước châu Âu cuối cùng đã quyết định sẽ không mua khí đốt giá rẻ từ Nga. Phương Tây giờ phải trả nhiều hơn để mua dầu mỏ và điều này sẽ tiếp diễn trong tình hình mới.

Việc xây dựng lại các cơ sở hạ tầng của Ukraine trong một cuộc xung đột đóng băng sẽ trở nên khó khăn hơn trong thời bình. Các nhà đầu tư sẽ lo lắng nguy cơ giao tranh nối lại khiến các cơ sở sản xuất bị phá hủy.

Tuy nhiên, các nước phương Tây đang làm việc để đảm bảo các kế hoạch nhằm làm giảm rủi ro này. Ngoài ra, ở một mức độ nào đó, Ukraine có thể xây dựng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả và các hệ thống phòng không để hạn chế rủi ro trên.

Đây cũng là cơ hội lớn nhất cho Ukraine để gia nhập EU với một thị trường nội khối rộng lớn. Các nhà quan sát cho rằng, các nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào thậm chí trước khi tư cách thành viên được thông qua. Trên thực tế, việc Ukraine không kiểm soát toàn bộ lãnh thổ không phải là trở ngại cho việc trở thành thành viên EU. Đảo Cyprus đã gia nhập liên minh này bất chấp việc bị chia cắt.

Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp của minh và khuyến nghị việc tiến hành các cuộc thảo luận chính thức về tư cách thành viên nếu Kiev đáp ứng các điều kiện còn lại. Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ cân nhắc đề xuất này vào tháng tới.

Trong những tháng mùa đông sắp tới, giới quan sát cho rằng, cả Nga và Ukraine sẽ tiếp tục tấn công nhau ở một mức độ nào đó bởi nếu không thì bên còn lại sẽ có thời gian để tái tổ chức lực lượng và tập trung hỏa lực tại một số địa điểm quan trọng.

Olga Oiker, một chuyên gia về Ukraine tại Crisis Group cho rằng xung đột ở Ukraine ở thế bí khi "không bên nào giữ thế chủ động hiện nay". Ngày 11/11, Tổng thống Zelensky đã bác bỏ các bài báo cho rằng ông đứng trước sức ép phải tiến hành đàm phán với Nga.

"Không ai trong số các đối tác của chúng tôi gây sức ép buộc chúng tôi ngồi lại với Nga", nhà lãnh đạo Ukraine cho hay, song hiện chưa rõ liệu người dân Ukraine có sẵn sàng nhượng bộ lãnh thổ hay không sau tất cả những tổn thất mà nước này phải chịu đựng.

Kiều Anh/VOV.VN

Ảnh: Reuters

Thứ Tư, 06:55, 15/11/2023