Giao tranh dữ dội giữa Israel-Palestine: Dân thường hứng chịu hậu quả nặng nề

VOV.VN - Sau những cuộc không kích của Israel và các loạt tấn công rocket của Hamas là khung cảnh đổ nát, hoang tàn và thương vong, mà chính dân thường là những người phải chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Giao tranh ác liệt giữa Israel - Palestine

“Những khoảnh khắc yên bình ở thành phố rất quý giá. Nhưng đồng thời, nó cũng rất đáng sợ, bởi đó là dấu hiệu cho cuộc tấn công tiếp theo. Mỗi phút đều có các cuộc không kích và vụ nổ liên tục xảy ra trên khắp Dải Gaza”, Najla, một nhân viên cứu trợ nhân đạo người Palestine nói với ABC News.

Xung đột giữa Israel và Gaza bắt đầu từ hôm 10/5 khi phong trào Hamas tại Dải Gaza nã rocket về phía Jerusalem nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với những người biểu tình tại thành phố này. Israel sau đó đáp trả bằng các cuộc không kích về phía Dải Gaza.

Quân đội Israel cho biết, Hamas đã phóng 3.100 tên lửa vào Israel từ 10/5, nhằm vào các mục tiêu dân sự và quân sự, khiến 10 người thiệt mạng và 636 người bị thương.

Kinneret Edelman, một giáo viên tiếng Anh người Israel và là mẹ của 2 đứa con sống gần biên giới G’ea, mục tiêu của nhiều vụ tấn công bằng tên lửa, cho biết, cô đã rời nhà để tới miền Bắc Israel hôm 13/5. Hầu hết các vụ nổ mà cô nghe thấy là tên lửa bị hệ thống Vòm Sắt đánh chặn. Một tên lửa đã rơi gần nhà bố mẹ cô ở G’ea sau khi cô rời đi, Edelman nói.

“Tôi bắt đầu nhìn thấy những tổn thương tâm lý ở những con trai tôi, vì vậy chúng tôi phải rời đi. Chúng không thể ra ngoài, không thể gặp gỡ bạn bè, không thể nhảy trên tấm bạt lò xo bên ngoài”, Edelman nói thêm.

Theo Bộ Y tế Palestine, các cuộc không kích và nã pháo của Israel ở Dải Gaza đã khiến ít nhất 192 người thiệt mạng, trong đó có 58 trẻ em, cùng hơn 1.200 người khác bị thương.

“Gaza là một trong những khu vực đông dân nhất trên thế giới. Bởi vậy, thương vong dân sự khi xảy ra không kích hoặc nã pháo là điều khó tránh khỏi”, Suhair Zakkout, người phát ngôn của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế ở Gaza nói.

Theo báo cáo của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và Liên Hợp Quốc, Hamas thường xuyên sử dụng các tòa nhà chung cư làm cơ sở hoạt động, đặt vị trí gần khu vực dân thường để ẩn nấp. Nhiều tòa nhà tại Gaza đã bị phá hủy trong các cuộc không kích tàn khốc của Israel . Hôm 15/5, tòa nhà có các cơ quan truyền thông như AP và Al-Jazeera ở Gaza đã bị đánh sập trong một cuộc không kích.

Hãng tin AP cho biết, họ rất “kinh hoàng” trước vụ tấn công và rất may đã có thể sơ tán các nhà báo kịp thời. “Thế giới sẽ biết ít hơn về những điều đang xảy ra ở Gaza vì những gì đã xảy ra ngày hôm nay”, AP cho biết trong một tuyên bố.

Al Jazeera cũng đưa ra một tuyên bố rằng, họ “lên án mạnh mẽ việc quân đội Israel đánh bom và phá hủy các văn phòng của họ ở Gaza”. Đồng thời, hãng tin Al Jazeera coi đây là một hành động nhằm ngăn chặn các nhà báo thực hiện nghĩa vụ đưa tin cho thế giới và tường thuật các sự kiện.

Sau các cuộc không kích của Israel, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Mỹ đã “thông báo trực tiếp với người Israel rằng việc đảm bảo an toàn và an ninh cho các nhà báo và phương tiện truyền thông độc lập là trách nhiệm quan trọng”.

Trước đó, hôm 15/5, một cuộc tấn công của Israel vào một trại tị nạn ở thành phố Gaza đã khiến 8 trẻ em và 2 phụ nữ trong cùng một gia đình thiệt mạng. Theo Bộ Y tế Palestine, đây là vụ tấn công chết chóc nhất trong cuộc xung đột Israel – Palestine cho đến nay.

Người dân khổ nạn vì xung đột Israel - Palestine

Trong bất kỳ cuộc xung đột nào, người dân chính là những người phải chịu đau thương nhiều nhất. Mô tả về vụ tấn công tên lửa gần đây từ Gaza ở Tel Aviv, Giordana Grego cho biết, sau khi nghe thấy tiếng còi báo động, gia đình cô có khoảng 90 giây để đến hầm trú ẩn. Tuy nhiên, những người sống gần biên giới như Kinneret Edelman có rất ít thời gian để phản ứng với sự việc.

“Tôi rất lo sợ. Khi ở trong hầm trú ẩn, bạn thực sự không biết liệu tên lửa đã bị chặn bởi Vòm Sắt hay chúng đã rơi ở đâu đó gần bạn”, Grego nói.

Theo IDF, khoảng 90% tên lửa của Hamas đã bị đánh chặn bởi hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt. Tuy nhiên, những tên lửa lọt qua hệ thống phòng không đã gây thiệt hại về người và cho các khu dân cư.

Trong khi đó, ở Gaza lại không có hệ thống cảnh báo. Thay vào đó, quân đội Israel cảnh báo trước các cuộc tấn công của họ vào các tòa nhà dân cư lớn bằng cách gọi điện báo trước và yêu cầu dân thường sơ tán hoặc bắn cảnh báo bằng máy bay không người lái trước cuộc tấn công toàn diện. Thông thường, người dân có thời gian để sơ tán khỏi nhà của họ, IDF cho biết, nhưng ở Gaza đông đúc, có rất ít chỗ để trú ẩn.

“Mọi người đổ xô ra đường do họ thấy đường phố an toàn hơn chính ngôi nhà của họ, thì đây chính là bi kịch ở nơi họ đang sống. Không có nơi trú ẩn nào ở Gaza. Bởi vậy, mọi người hoặc ở trong nhà của đại gia đình hoặc đến những nơi như các tổ chức phi chính phủ để trú ẩn trong vài giờ cho đến khi trời sáng. Sau đó họ phải tự tìm cách giải quyết”, Zakkout nói.

Najla cho biết, cô không biết phải giải thích thế nào về cuộc khủng hoảng đang diễn ra với tư cách là một phụ huynh.

“Tôi có thể kể cho các con tôi nghe câu chuyện gì? Tôi có thể nói gì khi con tôi nhìn thấy một ngôi trường bị đổ nát? Tôi có thể nói gì khi con đường bị phá hủy hoàn toàn?”, Najla nói.

Một số cuộc không kích và vụ nổ đã xảy ra gần nhà Najla, khiến tòa nhà cô đang sống rung chuyển. “Thật đau đớn. Thật sự khó có thể diễn tả cảm giác khi trải qua tình trạng bắn phá liên tục như vậy”, Najla nói thêm.

Trước các cuộc không kích do quân đội Israel và lực lượng Hamas thực hiện, đại dịch Covid-19 đã khiến hệ thống y tế ở Gaza thiếu hụt trầm trọng, với khoảng 80% số giường chăm sóc đặc biệt đã được sử dụng. Hiện tại, các bác sĩ trên khắp Dải Gaza đang cố gắng ứng phó với tình trạng y tế khác, đó là điều trị cho các nạn nhân của cuộc không kích.

“Các chuyên gia, bác sĩ, y tá, họ đã làm việc trong suốt đại dịch. Họ đã không được nghỉ ngơi. Bởi vậy, họ quá mệt mỏi để bắt đầu ứng phó với cuộc khủng hoảng này”, Zakkout nói.

“Đường phố vắng tanh. Không có cửa hàng nào mở cửa. Thật đau lòng khi thấy cuộc sống của con người có thể thay đổi như thế nào chỉ trong nháy mắt chỉ vì một cuộc xung đột”, Zakkout nói thêm.  

Trong khi đó, cuộc xung đột giữa Israel – Palestine vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Hamas đã tiếp tục tấn công các mục tiêu dân sự ở Israel, trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cảnh báo rằng Hamas và một nhóm Hồi giáo Jihad ở Gaza “sẽ phải trả giá đắt”.

Theo Ghassan Khatib, một chuyên gia chính trị tại Đại học Birzeit ở Bờ Tây, cuộc xung đột có thể có lợi về mặt chính trị cho cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Hamas. Ông Khatib cho biết, nhóm chiến binh Hamas có thể nắm bắt “chiến thắng” của tình trạng bất ổn ở phía Đông Jerusalem để củng cố tuyên bố đại diện cho tất cả người Palestine. Trong khi đối với ông Netanyahu, cuộc xung đột giúp phân tâm khỏi cuộc khủng hoảng chính trị của ông, về các cáo buộc tham nhũng và tình trạng bất ổn ở Jerusalem, ông Khatib chỉ ra.

“Đó là điều rất đáng lo ngại, đặc biệt về tình hình của 2 triệu người Palestine ở Gaza. Từ những kinh nghiệm trước đây, cho dù ai tuyên bố chiến thắng về mặt chính trị, quân sự thì cuối cùng, người thua cuộc chính sẽ là người dân ở Gaza, những người sẽ chịu rất nhiều thiệt hại về vật chất và tính mạng”, ông Khatib nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quân đội Israel lợi dụng truyền thông để lừa Hamas
Quân đội Israel lợi dụng truyền thông để lừa Hamas

VOV.VN - Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đang là chủ đề nóng thời gian gần đây, có nguy cơ gây ra thảm họa an ninh và nhân đạo không thể kiểm soát đối với không chỉ ở vùng tranh chấp Israel-Palestine, mà còn là cả khu vực.

Quân đội Israel lợi dụng truyền thông để lừa Hamas

Quân đội Israel lợi dụng truyền thông để lừa Hamas

VOV.VN - Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đang là chủ đề nóng thời gian gần đây, có nguy cơ gây ra thảm họa an ninh và nhân đạo không thể kiểm soát đối với không chỉ ở vùng tranh chấp Israel-Palestine, mà còn là cả khu vực.

Ai có thể giúp tháo gỡ ngòi nổ xung đột Israel-Palestine?
Ai có thể giúp tháo gỡ ngòi nổ xung đột Israel-Palestine?

VOV.VN - Chảo lửa Trung Đông tiếp tục nóng lên từng ngày với các đợt nã pháo “ăn miếng trả miếng” không khoan nhượng giữa Israel và phong trào Hamas. Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm giải pháp “dập lửa”, tránh nguy cơ xung đột Palestine-Israel bùng lên thành một cuộc chiến tranh toàn diện.

Ai có thể giúp tháo gỡ ngòi nổ xung đột Israel-Palestine?

Ai có thể giúp tháo gỡ ngòi nổ xung đột Israel-Palestine?

VOV.VN - Chảo lửa Trung Đông tiếp tục nóng lên từng ngày với các đợt nã pháo “ăn miếng trả miếng” không khoan nhượng giữa Israel và phong trào Hamas. Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm giải pháp “dập lửa”, tránh nguy cơ xung đột Palestine-Israel bùng lên thành một cuộc chiến tranh toàn diện.

“Thùng thuốc súng” Gaza bùng nổ, xung đột Israel – Palestine đánh dấu ngày đẫm máu nhất
“Thùng thuốc súng” Gaza bùng nổ, xung đột Israel – Palestine đánh dấu ngày đẫm máu nhất

VOV.VN - Với con số thương vong không ngừng tăng trong suốt 1 tuần giao tranh, ngày 16/5 đánh dấu ngày chết chóc nhất trong cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel và Palestine

“Thùng thuốc súng” Gaza bùng nổ, xung đột Israel – Palestine đánh dấu ngày đẫm máu nhất

“Thùng thuốc súng” Gaza bùng nổ, xung đột Israel – Palestine đánh dấu ngày đẫm máu nhất

VOV.VN - Với con số thương vong không ngừng tăng trong suốt 1 tuần giao tranh, ngày 16/5 đánh dấu ngày chết chóc nhất trong cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel và Palestine