Châu Âu không muốn chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc. Một số người cho rằng dù muốn hay không, cuối cùng châu Âu sẽ phải đưa ra lựa chọn: đó là đứng về phía Mỹ hoặc sẽ chỉ còn giữ vai trò thứ yếu trên trường quốc tế. Tuy nhiên, đó không phải là những điều mà hầu hết giới chức châu Âu muốn nghe. Một số lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp nhận định, hướng tiếp cận đối đầu của Washington là một phản ứng sai lầm trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, đồng thời thể hiện rằng châu Âu muốn "đứng ngoài" những căng thẳng này hơn.

"Việc tất cả các bên cùng đối phó với Trung Quốc là tình huống có nguy cơ cao nhất dẫn đến xung đột", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định hồi tháng 2, đồng thời cho rằng chiến lược này có thể "phản tác dụng".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters

Rõ ràng, châu Âu có những lý do để thận trọng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Châu Âu nhận được những lợi ích đáng kể từ mối quan hệ thân thiết với cả 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này. "Chiếc ô an ninh" của Mỹ khiến châu Âu an tâm khi được bảo vệ trước những thách thức từ Nga, trong khi sự mở rộng về kinh tế của Trung Quốc giúp các công ty của khu vực này có một "kho báu" cơ hội để phát triển.

Châu Âu có thể duy trì sự cân bằng này nhưng liệu điều đó có kéo dài được hay không khi mà lập trường của hai quốc gia ở hai bờ Thái Bình Dương dường như ngày càng cứng rắn và quyết liệt?

Chính quyền Tổng thống Biden đã thể hiện ngay từ những ngày đầu nhậm chức rằng Nhà Trắng sẽ tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc và khiến nước này chịu trách nhiệm về nhiều vấn đề, từ Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Tân Cương cho tới những căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Các quan chức Mỹ đã nhiều lần khẳng định Trung Quốc là một kẻ thù chiến lược chứ không phải một đối tác hay một người bạn tiềm năng của Mỹ, đồng thời cho rằng Mỹ phải "cạnh tranh để vượt lên" Trung Quốc.

Trong khi đó, trong bài phát biểu hồi đầu tháng 2, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng "những sai lầm trong tính toán chiến lược" của Washington có thể gây ra căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời tuyên bố các vấn đề như Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương là "những lằn ranh đỏ không thể vượt qua".

Với những dấu hiệu không khoan nhượng nhau, cả Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ cố gắng hết sức để lôi kéo châu Âu về phía mình.

Khi đồng minh không phải lúc nào cũng đồng lòng và đối tác cũng đồng thời là đối thủ, châu Âu phải chấp nhận những được – mất trong quan hệ với Mỹ - Trung.

Đại diện Cấp cao phụ trách An ninh và Chính sách Đối ngoại EU kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell cho rằng, quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc là một mối quan hệ phức tạp bởi Bắc Kinh là vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh và cũng là kẻ thù với Brussels tùy thuộc vào từng lĩnh vực.

Theo CNN, Trung Quốc đã vượt Mỹ và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU. Mặc dù EU có cùng mối lo ngại với Mỹ về những hoạt động thương mại và công nghệ của Trung Quốc nhưng cuối năm ngoái, khu vực này đã hoàn tất một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc tiếp cận thị trường. Những thay đổi này có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm thiết lập lại quan hệ với các đồng minh và xây dựng một liên minh toàn cầu nhằm khiến Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình.

Trung Quốc đã vượt Mỹ và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU. Ảnh: FPRI

Tuy nhiên, theo nhà quan sát Michael Schuman nhận định trên Politico, Trung Quốc là mối đe dọa kinh tế dài hạn với châu Âu. Một báo cáo hồi tháng 10/2020 của Quỹ Bảo vệ Các nền Dân chủ nhận định, Trung Quốc đang nhắm đến các ngành chủ chốt của Đức như thiết bị công nghiệp và điện tử. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, khi hợp tác với Bắc Kinh, Berlin phải chấp nhận "nay được, mai mất". Có rất ít khả năng các chính trị gia châu Âu có thể thảo luận với Trung Quốc để hướng tới một mối quan hệ tốt đẹp hơn.

Sau 7 năm đàm phán, thỏa thuận đầu tư gần đây của EU với Trung đạt được những kết quả rất hạn chế khi thiếu các cam kết và phương pháp thực hiện.

Nhà quan sát Michael Schuman cũng cho rằng việc tin là Trung Quốc sẽ gia nhập sân chơi một cách công bằng là một quan điểm "ngây thơ". Trong khi Bắc Kinh đe dọa châu Âu phải mở cửa thị trường cho tập đoàn Huawei phát triển mạng lưới 5G thì các công ty viễn thông châu Âu đang bị "cho ra rìa" ở thị trường Trung Quốc.

Với Mỹ, mặc dù Tổng thống Biden đã sử dụng cuộc gặp mặt công khai đầu tiên với các đồng minh châu Âu tại Hội nghị Munich hồi tháng 2 để khẳng định về tầm quan trọng của việc làm hồi sinh các liên minh và tái cam kết bảo vệ châu Âu nhưng châu Âu tin là “mọi thứ không thể quay về như cũ”.

Đã có những ý kiến bất đồng với ông Biden, đáng chú ý là lập trường từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi nhà lãnh đạo này nhấn mạnh đến việc châu Âu "tự chủ chiến lược" với Mỹ, theo đó, tuyên bố rằng khu vực này sẽ không còn phục thuộc quá nhiều vào Mỹ, mà sẽ hướng sự tập trung nhiều hơn sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự Hội nghị An ninh Munich trực tuyến ngày 19/2/2021. Ảnh: Reuters

Thậm chí, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người sẽ rời nhiệm sở trong năm nay, mặc dù khen ngợi quyết định hủy kế hoạch rút 12.000 quân Mỹ khỏi Đức nhưng cũng cảnh báo Washington rằng "lợi ích của chúng ta không phải lúc nào cũng đồng nhất".

Ông Macron khẳng định định quá trình châu Âu tự dựa vào sức mình phải bắt đầu ngay từ bây giờ qua việc tăng cường khả năng về công nghệ của EU, để khối này ít phụ thuộc hơn vào các nguồn cung từ Mỹ và Trung Quốc.

"Chúng tôi có những thách thức chung ở châu Phi và Trung Đông. Nhưng chúng tôi (châu Âu và Mỹ) có những chính sách mặc dù không hoàn toàn khác nhau nhưng cũng không hoàn toàn có mức độ ưu tiên như nhau", Tổng thống Pháp Macron nhận định.

Khi Đại sứ Australia tại Pháp gặp Tổng thống Emmanuel Macron lần đầu tiên vào cuối năm 2017, ông nghĩ rằng Tổng thống Pháp sẽ tiếp đón ông bằng những câu chào xã giao và những cuộc trao đổi nhỏ. Tuy nhiên, ông Macron đã đi thẳng vào vấn đề.

"Tổng thống nói rằng ông ấy hiểu về mối đe dọa ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và Australia sẽ không đơn độc", Brendan Berne, nhà ngoại giao Australia nhận định với Nikkei Asia.

Chưa đầy 6 tháng sau, trong chuyến thăm Australia, ông Macron đã tiết lộ bản phác thảo kế hoạch Ấn Độ - Thái Bình Dương, cam kết với G7 rằng sẽ bảo vệ an ninh hàng hải và trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc. Pháp là quốc gia châu Âu đầu tiên công bố một kế hoạch như vậy nhằm tăng cường tham gia vào khu vực này và sau đó, Đức cùng với Hà Lan cũng nối bước Pháp bằng những động thái tương tự. 3 quốc gia này đang dẫn đầu trong việc vạch ra chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu (EU) mà các nhà ngoại giao hy vọng sẽ công bố trong năm nay. Mặc dù rời EU nhưng Anh cũng chia sẻ cùng nỗi lo ngại với khối này và Mỹ về những thách thức ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Có thể thấy, chuyển hướng sang Ấn Độ - Thái Bình Dương với những tham vọng đa cực là lựa chọn của châu Âu để không phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Một châu Âu hợp tác sẽ dễ dàng tham gia vào cấu trúc an ninh khu vực, Kanti Bajpai, giáo sư tại Trường Chính sách công Lee Kuan Yew ở Singapore cho hay.

"Việc này phù hợp với chiến lược của ASEAN bởi khi tất cả nước lớn đều nhập cuộc, họ sẽ cân bằng nhau ở một mức độ nào đó".

Tàu khu trục Pháp Surcouf tham gia chiến dịch thường niên Jeanne d’Arc của Pháp ở Biển Đông. Ảnh: Twitter

Dấu hiệu rõ nhất cho sự quan tâm của châu Âu tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là việc triển khai các khí tài quân sự.

Lần đầu tiên trong gần 20 năm, tháng 8/2021, sau khi tập trận cùng hải quân Nhật Bản, chiến hạm của Đức sẽ đi ngang qua Biển Đông. Đây là một động thái hiếm hoi bởi không giống như Anh và Pháp, Đức không có vùng lãnh thổ nào ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mùa thu năm ngoái, nội các Đức đã thông qua các chỉ dẫn mới về Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng của thượng tôn pháp luật và việc thúc đẩy các thị trường mở cửa trong khu vực.

Theo Thomas Silberhorn, Quốc vụ khanh tại Bộ Quốc phòng Đức nhận định với Nikkei Asia: "Đức muốn làm sâu sắc mối quan hệ với các đối tác" và kế hoạch trên "không nhằm vào bất kỳ ai" nhưng theo Nikkei Asia, rõ ràng, Berlin đang muốn đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc.

Ông Silberhorn cũng thẳng thắn tuyên bố không thể chấp nhận việc "áp đặt trật tự thông qua sức mạnh". Quan chức Đức này cũng cho rằng châu Âu cần có trách nhiệm hơn với an ninh của mình và không nên quá phụ thuộc vào quân đội Mỹ. Chuyến hải trình trên của Đức được tiến hành ngoài ý nghĩa về quân sự còn nhằm thúc đẩy sự hợp tác với các quốc gia châu Á khác.

Theo Nikkei, việc Đức tăng cường chú ý đến vấn đề thượng tôn pháp luật và thị trường rộng mở ở Ấn Độ - Thái Bình Dương lá dấu hiệu cho thấy Berlin đang từ bỏ lập trường lâu dài trong quan hệ với Bắc Kinh, vốn đặt trọng tâm về hợp tác kinh tế, thương mại và né tránh các vấn đề chính trị.

Trong khi đó, Anh chuẩn bị triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới châu Á. Người phát ngôn của Hải quân Anh nhận định với Nikkei rằng tàu sân bay này sẽ được triển khai từ tháng 4 - tháng 6/2021. Đây là một bước đi mang tính biểu tượng trong chính sách của châu Âu với châu Á khi khu vực này ngày càng thận trọng với Trung Quốc. Khi được hỏi tại sao sứ mệnh đầu tiên của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth lại ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Đô đốc Tony Radakin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này với tương lai của Anh.

"Ấn Độ - Thái Bình Dương là một trung tâm phát triển ấn tượng, vì thế, Anh đang tìm cách để có tiếng nói lớn hơn ở đây. Nơi nào hải quân đi tới thì thương mại đi tới và nơi nào thương mại đi tới thì hải quân cũng đi tới". Chính phủ Anh coi khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương có vai trò quan trọng với tương lai của nước Anh hậu Brexit.

Pháp có khoảng 8.000 quân ở những khu vực như Reunion (Reunion – đảo thuộc sở hữu của Pháp nằm ở Ấn Độ Dương – ND) và cũng ngày càng để ý đến tham vọng của Trung Quốc tại khu vực này.  Ngày 19/2, Pháp đã điều một tàu khu trục tới vùng biển gần Nhật Bản để tiến hành cuộc tập trận quân sự chung với các lực lượng của Nhật Bản và Mỹ.

Rõ ràng, khi mà các vấn đề an ninh và kinh tế ngày càng liên kết với nhau, việc tách rời chúng là điều bất khả thi. Lợi ích kinh tế có thể là động lực thúc đẩy Anh, Pháp, Đức nói riêng và EU nói chung quan tâm đến tự do hàng hải trên Biển Đông. Trang Nikkei ngày 9/2 cho biết: Thương mại 2 chiều EU - Trung Quốc đạt 480 tỷ euro (tương đương 574 tỷ USD) năm 2020, trong khi đầu tư trực tiếp của EU vào 10 quốc gia ASEAN lên đến 337 tỷ USD (403 tỷ USD) năm 2017, nhiều hơn bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào khác. Từ 8 - 12% giao dịch thương mại giữa Anh, Pháp và Đức với khu vực đều đi qua Biển Đông.

Trên thực tế, dù trung lập, chọn phe hay tự lập cánh sinh, châu Âu đều không dễ dàng xoay xở trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Trung lập giúp châu Âu không phải rơi vào tình thế khó xử vì làm mất lòng một trong 2 bên nhưng khi Mỹ - Trung cạnh tranh ngày càng quyết liệt, sự trung lập sẽ ngày càng mong manh. Chọn phe dường như là cũng không phải lựa chọn lý tưởng khi sự gắn kết trong quan hệ của châu Âu với 2 bên quá chặt chẽ, không phải lúc nào cũng rạch rõ giữa đối tác và đối thủ, đồng minh và kẻ thù. Cuối cùng, tự lập cánh sinh qua việc thúc đẩy quan hệ với các quốc gia ở Ấn Độ - Thái Bình Dương để hạn chế phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc dường như là lựa chọn mà châu Âu đang hướng tới nhưng rõ ràng, ở một khu vực mà châu Âu đã lâu không trở lại, cuộc chơi này sẽ không dễ dàng./.

Thứ Tư, 06:03, 17/03/2021