Biến chứng do Covid-19 ngày càng nặng khiến số ca ghép phổi tại Mỹ gia tăng?

VOV.VN - Việc cấy ghép phổi cho những bệnh nhân bị tổn thương phổi nghiêm trọng do Covid-19 được xem là một gánh nặng đối với những người sống sót sau khi điều trị và các nguồn lực chăm sóc sức khỏe.

Cuộc chiến với Covid-19 của John Micklus bắt đầu vào Giáng sinh năm 2020 và kết thúc 5 tuần sau đó với tình trạng phổi bị tổn thương nặng nề tới mức các bác sĩ nói rằng họ không thể làm gì để cứu ông.  

“Các bác sĩ nói rằng tôi nên chuẩn bị tinh thần cho cái chết”, Micklus nói. Người đàn ông 62 tuổi đã gọi điện cho vợ từ giường bệnh ở phía Nam bang Maryland. Vợ ông tuyệt vọng gọi cho một số bác sĩ và nhận được phương pháp điều trị cuối cùng là cấy ghép 2 lá phổi.

Ông Micklus được chuyển đến Trung tâm Y tế Đại học Maryland ở thành phố Baltimore. Tại đây, cuộc đánh giá nghiêm ngặt cho thấy ông đủ điều kiện để nhận phổi từ một người hiến tặng phù hợp. Ông Micklus xuất viện vào ngày 30/3, đánh dấu ca ghép phổi thành công thứ 2 của Trung tâm Y tế Đại học Maryland cho một bệnh nhân Covid-19.

Tuần trước, Cleveland Clinic, một trong những trung tâm y tế hàng đầu của Mỹ, cho biết, các bệnh viện trên khắp đất nước đã báo cáo sự gia tăng số ca cấy ghép phổi cho các trường hợp mắc Covid-19 nghiêm trọng. Phẫu thuật ghép phổi có thể là giải pháp duy nhất cho những bệnh nhân đã trải qua một loạt các tổn thương phổi đe dọa đến tính mạng do virus SARS-CoV-2 gây ra và cơ thể không thể tự làm lành vết thương đúng cách.

Số ca ghép phổi đang gia tăng

“Tất cả những tổn thương đó có thể gây ra sự lắng đọng của mô sẹo sợi màu vàng, tạo ra xơ hóa dạng tổ ong khiến phổi trở nên rắn chắc”, David Kleiner, người đứng đầu khoa giải phẫu bệnh tại Trung tâm Lâm sàng Viện Y tế Quốc gia ở Bethesda, Maryland, cho biết.

Trong một bài giảng về khám nghiệm tử thi bệnh nhân Covid-19 vào tháng 7, ông Kleiner cho biết, bệnh nhân chỉ có thể sống sót đến giai đoạn xơ hóa đó nếu họ được đặt nội khí quản. Ông nói thêm rằng sẹo có hại có thể xảy ra trong vòng vài tuần sau khi phổi bị tổn thương.

Theo một nghiên cứu trên tạp chí y khoa Lancet vào tháng 5, những trường hợp tổn thương như vậy đã dẫn đến việc cấy ghép phổi trên khắp thế giới. Đây được xem là một gánh nặng của đại dịch Covid-19 đối với những người sống sót sau khi điều trị Covid-19 và các nguồn lực chăm sóc sức khỏe.

Các bác sĩ tại Mỹ, Ấn Độ, Áo và Italy cho biết, quá trình cấy ghép phổi có thể thực hiện thành công ở những bệnh nhân đã được lựa chọn kĩ càng.

Theo các bác sĩ tại bệnh viện Northwestern Memorial ở Chicago, nơi thực hiện ca ghép cả 2 lá phổi đầu tiên cho bệnh nhân Covid-19, những bệnh nhân không thể ngừng sử dụng máy thở hoặc phổi nhân tạo cung cấp oxy cho máu, cấy ghép phổi được hiến tặng có thể là phương pháp cứu sống duy nhất. Ca cấy ghép phổi đầu tiên ở Mỹ diễn ra vào tháng 6/2020. Ankit Bharat, trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực và Giám đốc phẫu thuật ghép phổi của Northwestern Memorial cho biết, kể từ đó, bệnh viện thực hiện thêm 18 ca cấy ghép và có ít nhất 5 bệnh nhân đang chờ cấy ghép nội tạng được hiến tặng.

“Chúng tôi đang chứng kiến những bệnh nhân đã hồi phục từ Covid-19 từ tình trạng bình thường đến nặng và hiện đang đến điều trị ngoại trú với nhu cầu oxy ngày càng tăng và gặp chứng xơ phổi”, ông Bharat nói.

Quá trình phẫu thuật phức tạp

Trong một nghiên cứu trên tạp chí Science Translational Medicine vào tháng 12/2020, Bharat và các đồng nghiệp đã mô tả ca phẫu thuật cấy ghép phổi của 3 bệnh nhân ở độ tuổi 28, 43 và 62. Theo đó, mỗi ca phẫu thuật kéo dài khoảng 9,5 giờ, cần gấp đôi lượng máu bình thường được truyền trong quá trình phẫu thuật và bệnh nhân cần 2 tuần chăm sóc đặc biệt sau phẫu thuật.

Theo Mạng lưới chia sẻ nội tạng Mỹ, hơn 107.000 người ở Mỹ đang chờ đợi một ca cấy ghép nội tạng để có thể sống sót.

Ông Bharat lo ngại rằng dịch Covid-19 có thể khiến nguồn nội tạng hiến tặng hiện tại trở nên khan hiếm và ảnh hưởng đến khả năng có sẵn trong tương lai. Ông cho biết, hiện tại Mỹ có hơn 34 triệu người mắc Covid-19 và có tới 80% trong số đó, bao gồm nhiều người không có triệu chứng mắc bệnh, có thể bị tổn thương phổi.

“Phải xem liệu những bệnh nhân Covid-19 đã phục hồi ở mức độ nhẹ, trung bình hoặc thậm chí nặng có được hiến tặng nội tạng hay không. Nếu không, điều này sẽ khiến nguồn hiến tặng nội tạng của chúng tôi bị thu hẹp đáng kể”, ông Bharat nói.

Thời gian cấy ghép rất quan trọng

Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 cần ghép phổi, thời điểm thực hiện phẫu thuật là điều rất quan trọng. Robert Reed, Phó Giám đốc y tế của chương trình cấy ghép phổi tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland, người đã giúp chăm sóc cho Micklus, cho biết, nếu quá trình cấy ghép phổi được thực hiện quá sớm, có nguy cơ bệnh nhân vẫn chưa hết nhiễm virus SARS-CoV-2.

“Tuy nhiên, quá trình cấy ghép cũng không thể diễn ra quá muộn, bởi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có thể yếu đến mức không thể sống sót sau cuộc phẫu thuẫn hoặc bước vào quá trình phục hồi chức năng”, ông Reed nói.

Vào tháng 4, các bác sĩ tại bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản đã thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên trên thế giới từ 2 người hiến còn sống cho một người bệnh mắc Covid-19. Ca phẫu thuật kéo dài 11 giờ và có sự tham gia của 30 nhân viên y tế.

“Chúng tôi đã chứng minh rằng hiện có một lựa chọn cấy ghép phổi từ những người hiến tặng còn sống”, Hiroshi Date, một bác sĩ phẫu thuật lồng ngực tại bệnh viện và là người dẫn đầu cuộc phẫu thuật ở Nhật Bản, nói với các phóng viên.

Ông Reed cho biết, phẫu thuật cấy ghép không nên được coi là một phương pháp để tăng tốc độ hồi phục sau khi mắc Covid-19. Những người đã được cấy ghép phổi phải dùng thuốc trong suốt quãng đời còn lại để ngăn ngừa việc đào thải tạng ghép và nhiễm trùng của các bộ phận, và nhiều loại thuốc đi kèm với các tác dụng phụ có hại.

“Sẽ là điều tốt hơn nếu bạn trải qua thời gian phục hồi chậm sau Covid-19 và có lá phổi của chính mình hơn là phải thực hiện cấy ghép. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân có nguy cơ tử vong trong 2 năm sau khi mắc Covid-19 và những người bị tổn thương phổi nặng nề, đây là một phương pháp hữu ích”, ông Reed nói trong một cuộc phỏng vấn. 

Ông Micklus muốn những người bị tổn thương phổi giai đoạn cuối do Covid-19 biết rằng, việc cấy ghép phổi có thể mang lại hy vọng. “Điều đó thật khó thực hiện. Nó ảnh hưởng về cả mặt thể chất lẫn tinh thần, nhưng đó là cơ hội để sống sót”, ông Micklus nói./.  

*Loạt bài/bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ sắp hoàn tất phân bổ 80 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước
Mỹ sắp hoàn tất phân bổ 80 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước

VOV.VN - Mỹ sẽ hoàn tất việc phân bổ 80 triệu liều vaccine ngừa  Covid-19 cho thế giới trong những ngày tới ngay sau khi các nước được chia sẻ sẵn sàng đón nhận.

Mỹ sắp hoàn tất phân bổ 80 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước

Mỹ sắp hoàn tất phân bổ 80 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước

VOV.VN - Mỹ sẽ hoàn tất việc phân bổ 80 triệu liều vaccine ngừa  Covid-19 cho thế giới trong những ngày tới ngay sau khi các nước được chia sẻ sẵn sàng đón nhận.

5 bang ở Mỹ từng có người mắc Covid-19 trước khi ca đầu tiên chính thức được công bố
5 bang ở Mỹ từng có người mắc Covid-19 trước khi ca đầu tiên chính thức được công bố

VOV.VN - Theo nghiên cứu mới nhất của chính phủ Mỹ, ít nhất 7 người ở 5 bang từng nhiễm SARS-CoV-2 trước khi các ca bệnh đầu tiên chính thức được công bố. Điều này cho thấy virus này có thể đã xuất hiện tại Mỹ sớm nhất vào tháng 12/2019.

5 bang ở Mỹ từng có người mắc Covid-19 trước khi ca đầu tiên chính thức được công bố

5 bang ở Mỹ từng có người mắc Covid-19 trước khi ca đầu tiên chính thức được công bố

VOV.VN - Theo nghiên cứu mới nhất của chính phủ Mỹ, ít nhất 7 người ở 5 bang từng nhiễm SARS-CoV-2 trước khi các ca bệnh đầu tiên chính thức được công bố. Điều này cho thấy virus này có thể đã xuất hiện tại Mỹ sớm nhất vào tháng 12/2019.

Số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ vượt ngưỡng 600.000
Số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ vượt ngưỡng 600.000

VOV.VN - Số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ đã vượt qua ngưỡng 600.000 trong ngày 15/6 (theo giờ Mỹ). Tuy nhiên, số ca mới, nhập viện và tử vong đã giảm đáng kể trong thời gian qua nhờ chương trình tiêm phòng rộng rãi trên khắp nước Mỹ.

Số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ vượt ngưỡng 600.000

Số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ vượt ngưỡng 600.000

VOV.VN - Số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ đã vượt qua ngưỡng 600.000 trong ngày 15/6 (theo giờ Mỹ). Tuy nhiên, số ca mới, nhập viện và tử vong đã giảm đáng kể trong thời gian qua nhờ chương trình tiêm phòng rộng rãi trên khắp nước Mỹ.