Joe Biden là tổng thống thứ 4 của Mỹ chịu trách nhiệm về sự hiện diện của các binh sỹ Mỹ ở Afghanistan và ông tuyên bố sẽ không chuyển giao trách nhiệm này cho người thứ 5. Cuộc chiến ở Afghanistan không nên kéo dài nhiều thế hệ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Mỹ từ lâu đã hoàn thành nhiệm vụ không để những kẻ khủng bố sử dụng Afghanistan như một thiên đường an toàn và ngày 14/4 ông tuyên bố toàn bộ binh sỹ Mỹ sẽ rời khỏi quốc gia Nam Á này trước ngày 11/9. Cuộc chiến kéo dài qua 4 đời tổng thống Mỹ cuối cùng cũng đi đến hồi kết.

“Cuộc chiến ở Afghanistan không nên là một cuộc chiến kéo dài nhiều thế hệ”, ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 14/4.

Ông cũng thừa nhận rằng, sau gần 20 năm, cuộc chiến dài nhất của Mỹ ở nước ngoài đã không thể đưa Afghanistan thành một nền dân chủ ổn định và hiện đại.

Tổng thống Biden tuyên bố đã đến lúc kết thúc cuộc chiến Afghanistan

Theo tuyên bố mới nhất này, khoảng 2.500-3.500 binh sỹ Mỹ sẽ trở về nhà trước ngày 11/9/2021, thời điểm tròn 20 năm vụ tấn công khủng bố xảy ra với nước Mỹ - sự kiện chấn động dẫn tới việc Mỹ đưa quân tới Afghanistan.

Tổng thống Mỹ cam kết vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ Afghanistan và mục tiêu của Mỹ ở quốc gia Nam Á này không thay đổi: đảm bảo rằng Afghanistan sẽ không bao giờ một lần nữa được sử dụng làm nơi lên kế hoạch và tiến hành các cuộc tấn công khủng bố.

Vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/09/2001 là khởi nguồn của cuộc chiến Afghanistan (Ảnh Getty Images)

Vài tuần sau khi Al Qaeda tấn công khủng bố nước Mỹ vào ngày 11/9/2001, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush tuyên bố rằng, các lực lượng Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các nhóm khủng bố và các mục tiêu Taliban ở Afghanistan.

 “Những hành động được định hướng mục tiêu cẩn trọng này là nhằm ngăn chặn Afghanistan trở thành căn cứ hoạt động của những kẻ khủng bố, và cũng nhằm tấn công vào năng lực quân sự của chế độ Taliban”, Tổng thống Bush nhấn mạnh khi đó.

Ông Bush nói rằng, chính quyền Taliban đã bác bỏ đề nghị giao nộp các thủ lĩnh của Al Qaeda - những kẻ đã lên kế hoạch tấn công từ các căn cứ bên trong Afghanistan. Ý định của ông là đưa các thủ lĩnh của Al Qaeda ra trước pháp luật. Taliban đã từ chối, “và giờ họ sẽ phải trả giá”.

Tổng thống Bush cùng phu nhân bất ngờ thăm các binh sĩ Mỹ ở Afghanistan (Ảnh Getty Images)

Dù vậy, Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo, Chiến dịch Tự do Bền vững (Operation Enduring Freedom) sẽ là “một chiến dịch dài, không giống với bất cứ chiến dịch nào chúng ta từng chứng kiến”.

Đến tháng 12/2001, thủ lĩnh Al Qaeda Osama bin Laden và các thủ lĩnh hàng đầu khác đã tháo chạy an toàn sang Pakistan, một đồng minh trên danh nghĩa của Mỹ. Các lực lượng Mỹ đã không truy đuổi và cuối cùng Pakistan lại trở thành thiên đường an toàn của Taliban - lực lượng trong những năm sau đó đã tiến hành các cuộc tấn công qua biên giới nhằm vào các lực lượng Mỹ và Afghanistan.

Bên trong Afghanistan, lực lượng Mỹ nhanh chóng lật đổ chính phủ Taliban. Sau đó, Mỹ và NATO xoay trục sang tái thiết một nhà nước đã thất bại và thiết lập một nền dân chủ kiểu phương Tây, chi hàng triệu USD để xây dựng lại một đất nước nghèo khó vốn đã bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh kéo dài 2 thập kỷ, đầu tiên là khi Liên Xô đưa quân tới Afghanistan những năm 1980 và sau đó là trong thời kỳ nội chiến.

Lực lượng Mỹ nhanh chóng lật đổ chính phủ Taliban nhưng cuộc chiến chưa thể kết thúc (Ảnh: AFP, Reuters)

Đã có những thành công ban đầu. Afghanistan có một chính phủ được phương Tây hậu thuẫn. Các trường học, bệnh viện, các cơ sở hạ tầng công được xây dựng. Hàng nghìn trẻ em gái được đến trường. Phụ nữ có thể theo học cao đẳng, đại học, tham gia vào lực lượng lao động, làm việc trong Quốc hội và chính phủ.

Tuy nhiên, tham nhũng lan tràn, hàng trăm triệu USD trong các khoản tiền tái thiết và đầu tư bị biển thủ. Chính phủ không đủ năng lực đáp ứng các nhu cầu cơ bản nhất của người dân.

Trong khi đó, Taliban đã tái xây dựng khả năng chiến đấu, bất chấp sự hiện diện của Mỹ và NATO. Tổng thống Barack Obama đã triển khai thêm hàng nghìn binh sỹ tới Afghanistan, lên tới gần 100.000 binh sỹ vào giữa năm 2010. Dù vậy, Taliban vẫn ngày càng mạnh lên, tiến hành các vụ tấn công đẫm máu hơn vào lực lượng an ninh Afghanistan bất chấp sức mạnh chiến đấu và các cuộc không kích của Mỹ.

Tháng 5/2011, Đội đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ tiêu diệt Osama bin Laden tại một căn cứ ở Abbottabad, Pakistan, nơi trùm khủng bố ẩn náu suốt nhiều năm. Tháng 6 năm đó, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ đưa các binh sỹ Mỹ về nhà và chuyển giao trách nhiệm cho lực lượng an ninh Afghanistan vào năm 2014.

Mỹ chấm dứt các chiến dịch chiến đấu lớn tại Afghanistan vào ngày 31/12/2014, và chuyển sang huấn luyện và hỗ trợ cho các lực lượng an ninh Afghanistan.

Gần 3 năm sau đó, Tổng thống Donald Trump mặc dù muốn rút toàn bộ binh sỹ khỏi quốc gia Nam Á này, nhưng ông vẫn phải tiếp tục cuộc chiến. Bất cứ việc rút quân nào cũng phải dựa trên các điều kiện thực tế, chứ không thể được định trước về mốc thời gian.

Chính quyền Donald Trump đã đàm phán với Taliban từ năm 2018, nhưng các cuộc đàm phán chính thức lại không có sự tham gia của chính phủ Afghanistan do Tổng thống Ashraf Ghani dẫn đầu.

Tháng 2/2020, chính quyền Trump ký thỏa thuận với Taliban, theo đó toàn bộ binh sỹ Mỹ sẽ rời khỏi Afghanistan trước ngày 1/5/2021. Đổi lại, Taliban cam kết cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố như Al Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Afghanistan, giảm tình trạng bạo lực và đàm phán với chính phủ Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn.

Đại diện Mỹ (trái) và đại diện Taliban (phải) ký kết thỏa thuận tại Thủ đô Doha (Qatar), ngày 29/2/2020 - (Ảnh Getty Images)

Với sự thuyết phục của chính quyền Donald Trump, Tổng thống Ghani thả 5.500 tù binh Taliban nhưng không được đáp lại đáng kể. Điều này khiến chính phủ Afghanistan lạnh nhạt hơn với Mỹ.

Mục tiêu ban đầu của thỏa thuận là để các lãnh đạo Afghanistan và Taliban có thể đàm phán về một lộ trình chính trị cho chính phủ mới, hiến pháp mới, giảm căng thẳng và sau cùng là một lệnh ngừng bắn kéo dài.

Với những lợi thế trên thực địa, cùng với việc Mỹ sắp rút quân, Taliban ở thế trên cơ trong đối thoại với chính phủ Afghanistan. Các cuộc đối thoại này bắt đầu từ tháng 9/2020 ở Doha, Qatar nhưng sau đó đã bị đình trệ.

Chính quyền Biden tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ đàm phán hòa bình, nhưng Taliban có vẻ như không vội vàng. Lực lượng này không nói rõ là sẽ đồng ý về một chính phủ chia sẻ quyền lực, mà lại tỏ ý muốn tìm kiếm sự độc quyền về quyền lực.

Thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban có mang lại hòa bình cho Afghanistan? - (Ảnh Daily Mail, AFP, Reuters)

Mỹ đã chi ít nhất 4 tỷ USD mỗi năm cho quân đội Afghanistan. Chính quyền Biden cũng cam kết sẽ vẫn hỗ trợ các lực lượng Afghanistan sau khi binh sỹ Mỹ rời khỏi chiến trường Nam Á này.

Dù vậy, bản đánh giá tình báo về các mối đe dọa đối với nước Mỹ công bố ngày 13/4 nói rằng, Afghanistan có thể rơi vào sự kiểm soát đáng kể của Taliban trong 2-3 năm sau khi các lực lượng quốc tế rút khỏi nước này.

“Taliban nhiều khả năng sẽ giành lợi thế trên chiến trường và chính phủ Afghanistan sẽ phải vật lộn để ngăn chặn lực lượng này nếu không còn sự hỗ trợ của lực lượng liên quân”, bản báo cáo kết luận.

Cũng trong bản báo cáo 27 trang này, mối đe dọa về chủ nghĩa khủng bố chỉ được được nêu vẻn vẹn trong hơn 1 trang. Theo đánh giá của các quan chức tình báo, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sẽ không khiến quốc gia Nam Á này trở thành “thiên đường khủng bố” một lần nữa, ít nhất là trong tương lai gần. Al Qaeda hay các nhóm khủng bố khác sẽ không dấy lên mối đe dọa tức thì về khả năng tấn công nước Mỹ từ Afghanistan.

Giai đoạn 2010 đến 2012, khi số binh sỹ Mỹ tại Afghanistan có thời điểm lên đến hơn 100.000, chi phí cho cuộc chiến tại đây cũng lên tới gần 100 tỷ USD/năm.

Đến 2018, chi phí hàng năm là khoảng 45 tỷ USD, theo báo cáo của quan chức cấp cao Lầu Năm Góc gửi lên Quốc hội vào năm đó.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tổng chi phí quân sự ở Afghanistan từ tháng 10/2001 - tháng 9/2019 lên tới 778 tỷ USD. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng các cơ quan khác của chính phủ Mỹ đã chi 44 tỷ USD vào các dự án tái thiết. Điều này nâng tổng chi phí lên 822 tỷ USD từ 2001-2019, nhưng vẫn chưa bao gồm các chi phí ở Pakistan, nơi Mỹ sử dụng như một căn cứ để triển khai các chiến dịch liên quan đến Afghanistan.

Theo một nghiên cứu của Đại học Brown vào năm 2019, dựa theo các dữ liệu chính thức, Mỹ đã chi khoảng 978 tỷ USD (con số này bao gồm cả số tiền phân bổ cho tài khóa 2020) cho cuộc chiến 20 năm của Mỹ ở Afghanistan. Trong khi đó, một ước tính khác cho rằng, tổng chi phí có thể lên tới 2.000 tỷ.

Nghiên cứu của Đại học Brown cũng nêu rõ, trên thực tế, rất khó để đánh giá chi phí của cuộc chiến dài nhất của Mỹ ở nước ngoài, bởi các phương pháp tính toán có sự khác biệt giữa các bộ ngành của chính phủ Mỹ, và điều này cũng thay đổi theo thời gian, dẫn tới việc có nhiều con số khác nhau.

Số tiền khổng lồ kể trên được chi vào các chiến dịch chống khủng bố, các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm, quân trang, quân dụng, chi phí y tế, các khoản chi đặc biệt và các lợi ích khác.

Dữ liệu chính thức cho thấy từ năm 2002, Mỹ cũng đã chi khoảng 143 tỷ USD vào các hoạt động tái thiết ở Afghanistan. Hơn một nửa trong đó (88,32 tỷ USD) là chi vào việc xây dựng các lực lượng an ninh Afghanistan. Gần 36 tỷ được phân bổ cho việc quản lý và phát triển trong khi các khoản tiền nhỏ hơn được chi vào các nỗ lực chống buôn lậu ma túy và viện trợ nhân đạo.

Mỹ cũng phải trả một cái giá không nhỏ về người. Kể từ khicuộc chiến chống Taliban bắt đầu năm 2001 - Ảnh: AP

Một phần trong các khoản tiền này bị thất thoát do lãng phí, tham nhũng, lạm dụng trong nhiều năm. Trong một báo cáo gửi lên Quốc hội Mỹ tháng 10/2020, khoảng 19 tỷ USD đã bị thất thoát theo cách này từ tháng 9/2009 đến 31/12/2019.

Ngoài chi phí “khủng” về tiền bạc, Mỹ cũng phải trả một cái giá không nhỏ về người. Kể từ khi cuộc chiến chống Taliban bắt đầu năm 2001, hơn 2.300 binh sỹ Mỹ thiệt mạng và khoảng 20.660 binh sỹ khác bị thương trong thời gian làm nhiệm vụ tại chiến trường Nam Á này.

Tuy nhiên, con số thương vong này chỉ là một phần nhỏ so với những mất mát của lực lượng an ninh và dân thường Afghanistan. Tổng thống Ghani năm 2019 nói rằng, hơn 45.000 thành viên lực lượng an ninh Afghanistan đã thiệt mạng kể từ khi ông lên nắm quyền vào 5 năm trước đó.

Nghiên cứu của Đại học Brown năm 2019 ước tính thiệt hại của quân đội và cảnh sát Afghanistan kể từ tháng 10/2001, khi cuộc chiến bắt đầu tới nay có thể lên tới hơn 64.100 người. Trong khi đó, theo Phái bộ hỗ trợ của Liên Hợp Quốc ở Afghanistan (UNAMA), gần 111.000 dân thường thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi phái bộ này ghi lại con số thương vong một cách có hệ thống từ năm 2009./.

Thứ Ba, 06:30, 27/04/2021