Sự thật về cái chết của Gaddafi và nhóm tùy tùng

(VOV) - Nhiều bằng chứng cho thấy phe nổi dậy đã cố ý sát hại Gaddafi, con trai ông và nhiều người trung thành với cựu lãnh đạo Libya.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 17/10 công bố bản báo cáo điều tra chi tiết dài hơn 50 trang về những giờ phút cuối cùng trong đời cựu lãnh đạo Libya bị lật đổ Muammar Gaddafi (qua đời vào ngày 20/10/2011).

Theo bản báo cáo này, ông Gaddafi và đoàn hộ tống của ông trong lúc trốn chạy đã bị lực lượng dân quân đối lập bắt giữ, tước vũ khí, trói, chửi rủa và đánh đập dã man. Phiến quân ngay sau đó đã hành quyết ít nhất 67 người trong số những người bị bắt. Con trai của Gaddafi là Mutassim nằm trong số các nạn nhân bị xử tử. Riêng đối với Gaddafi có 3 giả thuyết: (1) người ta cố tình hạ sát ông bằng súng dù ông đã thành tù nhân, (2) ông đã chết do các vết thương từ các vụ đụng độ ngay trước đó, và (3) ông tử vong vì các hành vi bạo lực của phiến quân trong cơn căm phẫn.

Muammar Gaddafi ngay sau khi bị bắt ở ngoại ô Sirte (ảnh: HRW)

Báo cáo này một lần nữa đặt nghi vấn đối với lời khẳng định của nhà chức trách Libya cho rằng Muammar Gaddafi chết trong lúc giao tranh chứ không phải sau khi đã bị bắt giữ.

HRW đã tập hợp bằng chứng từ rất nhiều nguồn, gồm khám nghiệm hiện trường thời gian ngắn sau khi Gaddafi bị bắt rồi chết, thực hiện phỏng vấn các nhân chứng, nghiên cứu các hồ sơ, bức ảnh tại nhà xác bệnh viện Sirte, và khảo sát kỹ một lượng lớn các đoạn video do các chiến binh nổi dậy quay (các đoạn video này HRW thu được tại chỗ hoặc lấy từ các mạng xã hội).

Các nhân chứng được HRW phỏng vấn bao gồm những người sống sót sau các vụ bắt giữ và tấn công trong đó có Mansour Dhao - trưởng lực lượng Vệ binh Nhân dân thân Gaddafi, cũng như các lãnh đạo dân quân đối lập và các tình nguyện viên tham gia vào các hoạt động nhân đạo.

Chạy trốn

Sau 8 tháng nội chiến tại Libya cùng với sự can thiệp quân sự của NATO, cuối cùng Muammar Gaddafi và phe nhóm của mình đã bị dồn ép về thành phố ven biển Sirte, quê hương của lãnh tụ này. Tại đây, Gaddafi và những người thân cận phải di chuyển giữa các ngôi nhà bỏ hoang để tránh đạn pháo của phiến quân bao vây thành phố này.

Sáng 20/10/2011, con trai của Gaddafi là Mutassim (phụ trách phòng thủ Sirte) tổ chức một đoàn xe 50 chiếc được vũ trang mạnh, rút khỏi thành phố. Theo RT và HRW, trong lúc đoàn xe (chở 250 người, gồm cả thường dân ủng hộ Gaddafi) tháo chạy, một quả tên lửa bắn từ máy bay không người lái của NATO đánh trúng một chiếc xe trong đoàn, nổ tung ngay cạnh chiếc xe chở Gaddafi. Đoàn xe chọn đi theo một con đường khác mong được an toàn hơn nhưng ngay lập tức vấp phải một nhóm dân quân Misrata rồi sau đó là một trận bom của chiến đấu cơ NATO, khiến hàng chục chiến binh của Gaddafi bỏ mạng.

Lúc này, Gaddafi chỉ còn 10 người bên cạnh, bao gồm cả vệ sĩ riêng của ông. Cực chẳng đã, họ tìm cách trú ẩn trong một ống cống, nhưng một lần nữa lại bị dân quân phát hiện và truy kích. Theo các nhân chứng sống sót được HRW phỏng vấn, một vệ sĩ của Gaddafi quăng 3 quả lựu đạn về phía phiến quân, nhưng rủi thay, một quả chạm vào một bức vách bằng xi-măng bật ngược trở lại và nổ ngay giữa nhóm thân cận của Gaddafi khiến bộ trưởng quốc phòng của ông này là Abu Bakr Younis thiệt mạng còn Gaddafi và những người khác bị thương vì các mảnh lựu đạn văng ra. Nhóm truy đuổi liền xông lên đánh Gaddafi tới tấp.

Nguyên nhân cái chết của Gaddafi

Bản báo cáo của HRW có đoạn: “Ngay khi các phiến binh bắt được Gaddafi, họ liền hành hạ ông ta. Máu phun ra từ vết thương ở đầu do mảnh lựu đạn. Khi ông bị lôi ra con đường lớn, một dân quân dùng một vật trông giống lưỡi lê đâm vào hậu môn Gaddafi, tạo thêm một vết thương chảy nhiều máu.” Đám dân quân sau đó tiếp tục đấm đá Gaddafi liên hồi.

Thi thể của các nạn nhân bị nghi hành quyết tại khách sạn Mahari ở Sirte hôm 21/10/2011 (ảnh: HRW/RT)

Tại thời điểm bắt được Gaddafi, nhóm dân quân hoàn toàn bất ngờ về sự có mặt của cựu lãnh đạo Libya ở Sirte.

Đoạn video clip (quay bằng di động) mà HRW thu được ghi lại quãng thời gian 3 phút rưỡi sau khi Gaddafi bị bắt. Đám dân quân vây quanh Gaddafi, miệng liên tục hét to “Allahu Akbar!”.

Khalid Ahmed Raid, tư lệnh lữ đoàn dân quân Bờ biển phía Đông của Misrata thừa nhận với HRW rằng tình hình khi ấy ngoài vòng kiểm soát. Khalid nhớ lại: “Khi chúng tôi bắt được Gaddafi, tình hình thật hỗn độn. Rất nhiều chiến binh vây quanh, họ giật tóc và đánh ông ta. Ông ta còn sống khi tôi nhìn thấy ông ta, nên chắc hẳn ông ta đã bị bắn sau đó, chứ không phải lúc chúng tôi thấy ông ta ở đó. Chúng tôi hiểu là cần phải có việc xét xử, nhưng chúng tôi không thể kiểm soát được.”

Nhóm quân nổi dậy cuối cùng đặt Gaddafi lên xe cứu thương và đưa ông tới Misrata. Video clip mà HRW có được cho thấy Gaddafi gần như bị lột trần truồng và có vẻ như đã không còn sống nữa lúc được chất lên chiếc xe cấp cứu. Khi tới được Misrata (đi mất ít nhất 2 tiếng đồng hồ), Gaddafi gần như chắc chắn đã chết. Ở đó, thi thể Gaddafi được trưng bày cho dân chúng xem.

Nguyên nhân chính xác khiến Gaddafi chết vẫn chưa rõ. Theo HRW, một số chiến binh đến từ Benghazi nhận đã bắn chết Gaddafi trong lúc tranh cãi với các chiến binh Misrata về việc chuyển Gaddafi đi đâu, nhưng các tuyên bố vẫn chưa được xác nhận. Như vậy ngoài lý do bị bắn, Gaddafi có thể đã chết vì vết thương do lựu đạn hoặc vì bị phiến quân hành hạ.

Những vụ hành quyết chóng vánh

Đội nghiên cứu của HRW đếm (và chụp ảnh) được 103 xác người ủng hộ Gaddafi tại hiện trường vụ bỏ chạy. HRW ước tính một nửa trong số này chết vì bom NATO. Số còn lại chết vì đấu súng sau đó hoặc bị hành quyết. Số xác chết này còn nằm lại ở hiện trường trận đánh cuối cùng của Gaddafi cho đến ngày 25/10/2011, khi các tình nguyện viên thành phố Sirte thu gom lại và chôn trong mộ tập thể.

HRW đã điều tra và phân tích các đoạn video liên quan, từ đó kết luận, trong số 103 người này, ít nhất một vài người đàn ông đã bị hành quyết sau khi bị bắt giữ.

Bản đồ chi tiết các vị trí trên hành trình trốn chạy của đoàn xe Gaddafi (hình ảnh: HRW, đồ họa chú thích: Quang Trung/VOV)

Ngoài ra, lực lượng nổi dậy bắt sống tiếp khoảng 140 người trung thành với Gaddafi quanh khu vực nói trên. Đại diện của HRW đã quan sát được 1 nhóm khoảng 70 tù binh (gồm các nhân vật quan trọng) được đưa lên xe tải quân sự đi Misrata vào trưa ngày 20/10/2011. Nhưng không phải tất cả số 140 người bị bắt này được chuyển tới Misrata. Ngay sáng hôm 21/10/2011, thi thể của ít nhất 66 người trong số họ được phát hiện tại khách sạn Mahari, chỉ cách vị trí Gaddafi bị bắt vài trăm mét. Có nhiều dấu hiệu (tại hiện trường và từ video), theo HRW, cho thấy sau khi bị bắt giữ họ đã được mang đến khách sạn rồi bị hành quyết vào hôm 20/10/2011.

Đến ngày 23/10/2011, xác đang trong giai đoạn phân hủy của 53 nạn nhân trong số này vẫn còn tại khách sạn Mahari khi các điều tra viên của HRW đến thăm (số còn lại đã được gia đình hoặc bạn bè nhận diện và đưa đi.)  Các thi thể được gom thành từng nhóm, có vẻ như ở chính vị trí bị giết, trên thảm cỏ trong khu vườn nhìn ra biển của khách sạn Mahari. Cỏ bên dưới và xung quanh các thi thể có dính máu. Một số người đàn ông trong số này bị trói quặt tay sau lưng bằng dây thừng hoặc chun. Vỏ đạn tiểu liên AK và FAL nằm rải rác quanh chỗ này.

HRW không tìm thấy bằng chứng về trận đấu súng nào tại khu vực 53 tử thi nói trên cũng như trên các bức tường của khách sạn nhìn ra chỗ đó.

Một đoạn video mà HRW có được cho thấy các dân quân đến từ Misrata đang đánh đập, xỉ vả và hăm dọa 29 thành viên trong đoàn xe của Gaddafi sau khi kết thúc giao chiến giữa đôi bên. Nhiều người trong số bị bắt cũng bị trói quặt tay ra sau. Ít nhất 12 trong số 29 người này được ghi nhận là nạn nhân bị hành quyết ở khách sạn Mahari (thông qua các bức ảnh chụp tử thi ở khách sạn và xác nhận của nhân viên bệnh viện Ibn Sina ở Sirte.) Trong số 5 xác chết khác nữa được người nhà hoặc bàn bè nhận diện, có 1 quan chức cấp cao của Gaddafi và 1 sĩ quan quân đội.

Trong số 17 người này, có một người là tân binh Hải quân thời Gaddafi, Ahmed Ali Yusuf al-Ghariyani (29 tuổi). Anh này còn sống trong đoạn video lúc bị bắt. Sau đó anh đã nằm trong nhà xác và được đánh số 86 trước khi chôn. Gia đình về sau đã nhận diện ra anh thông qua các bức ảnh của bệnh viện.

Khi thăm khách sạn Mahari vào ngày 23 và 24/10, điều tra viên của HRW phát hiện thêm dấu hiệu cho thấy phiến quân Misrata từng đóng trong khách sạn này. Tên của nhiều đơn vị Misrata (có thể đặt dưới quyền chỉ huy của lữ đoàn dân quân Tiger) được viết trên nhiều bức tường của khách sạn.

Tối 24/10/2011, điều tra viên của HRW gặp gỡ 2 tư lệnh chính của lữ đoàn Tiger, tên là Omran al-Oweib và Abdal-Salaam. Hai vị này thừa nhận lữ đoàn Tiger và các nhóm dân quân liên quan từng kiểm soát khách sạn Mahari trong ít nhất vài tuần trước khi xảy ra vụ đụng độ với đoàn xe Gaddafi.

Hai tư lệnh này công nhận rằng một lượng lớn người trung thành với Gaddafi bị trói tay và hành quyết tại khách sạn nhưng từ chối biết trước sự kiện này. Omran al-Oweib cho biết, sáng 20/10/2011, các chiến binh của họ rời khách sạn để đi giao tranh với Gaddafi, đến trưa khi họ quay trở lại khách sạn thì họ đã thấy các tử thi nằm sẵn ở đó.

Một bức ảnh khác về các nạn nhân tại khách sạn Mahari (nguồn: HRW)

“Khi quay lại khách sạn, chúng tôi thấy rất nhiều thi thể ở đó. Chúng tôi cảm thấy buồn khi những người này bị hành quyết và họ không còn có thể chia sẻ thông tin nữa,” al-Oweib nói. “Họ bị giết một cách bừa bãi và chóng vánh. Chúng tôi không đếm lượng thi thể nằm đó. Đấy không phải là mối quan tâm của chúng tôi – mục tiêu của chúng tôi là Gaddafi cơ. Sau 12h 30 trưa, chúng tôi rút về Misrata và không quay lại Sirte nữa… Chúng tôi không thể làm gì với các thi thể vì họ không mang theo chứng minh thư và không thể nhận diện được.”

Tuy nhiên, HRW cho rằng lời nói của tư lệnh lữ đoàn Tiger về việc họ không biết gì hoặc không tham gia hành quyết là… hơi khó tin. Bởi vì từ lúc Gaddafi bị bắt lúc 11h sáng cho đến khi lữ đoàn này rút khỏi khách sạn lúc 12h 30 có tới 90 phút. Mà địa điểm Gaddafi bị bắt cũng chỉ cách khách sạn vài trăm mét.

HRW đi sâu phân tích thêm: Trong các video clip, hàng chục người thuộc phe Gaddafi đã bị thẩm vấn. Công tác hậu cần để vận chuyển và giết rất nhiều người trong một khoảng thời gian ngắn đòi hỏi sự tham dự một lượng lớn người. Việc hành quyết bài bản như thế khó có thể là hành động bột phát của một vài dân quân cấp thấp.

Con trai Gaddafi cũng không thoát

Mutassim Gaddafi, con trai của Muammar Gaddafi, cũng bị bắt sống hôm 20/10/2011 trong lúc cố gắng tìm đường thoát khỏi vòng vây của lực lượng đối lập. Mutassim chịu trách nhiệm phòng thủ thành phố Sirte.

Có tới 3 đoạn video do phiến quân quay và được tải lên mạng YouTube, cho thấy Mutassim vẫn sống và chỉ bị thương nhẹ lúc bị bắt. Clip thứ 1 quay lúc Mutassim mới bị bắt, clip thứ 2 quay lúc ông được đưa lên xe tải đi Misrata. Trong đoạn video thứ 3, Mutassim đang ở trong phòng, hút thuốc và uống nước trong lúc nói chuyện đầy thù địch với các dân quân. Nhóm dân quân này sau đó thừa nhận với HRW rằng họ đã bắt và quay phim Mutassim, nhưng khi phát hiện HRW đang điều tra vụ việc, họ đã ngừng hợp tác với HRW.

 
 Mutassim vẫn còn sống, hút thuốc và uống nước ở trong phòng sau khi bị bắt giữ (Ảnh: Getty Images)

Nhưng chỉ đến chiều 20/10/2011 (vài tiếng sau khi bị bắt giữ), Mutassim đã qua đời. Đoạn phát sóng của truyền hình Libya cho thấy ông đã chết, nằm trên cáng bệnh viện vào chiều hôm đó. Ngày 21/10/2011, HRW đã xem thi thể của Mutassim được trưng bày công khai và phát hiện ra một vết thương lớn ở họng của ông này. Vết thương này không hề thấy trong các video trước đó. Ngoài ra HRW còn phát hiện một vết rạch lớn ở bụng dưới của Mutassim.

Theo luật quốc tế, việc giết hại tù binh là tội ác chiến tranh. HRW cho biết họ đã hối thúc nhà chức trách Libya (cả khối dân sự và quân sự) điều tra các tội ác chiến tranh và các vi phạm khác đối với luật nhân đạo quốc tế, liên quan đến cái chết của ông Gaddafi và những người ủng hộ ông này. Đài RT cho biết, cả Liên Hợp Quốc và Tòa án Hình sự Quốc tế cũng đã kêu gọi Libya điều tra cái chết của ông Gaddafi. Riêng Tòa án Hình sự Quốc tế đã tuyên bố có các dấu hiệu lớn cho thấy Gaddafi bị giết trong lúc bị giam giữ nhưng tổ chức này để cho Libya tự mình tiến hành điều tra.

Các quan chức của chính phủ Libya chuyển tiếp đã hứa hẹn với HRW sẽ tiến hành điều tra về các vụ việc này. Tuy nhiên, HRW cho biết công việc vẫn chưa được xúc tiến nhiều. Theo Đài RT, con gái của Gaddafi là Aisha cũng đã thuê một luật sư Israel tên Nick Kaufman thuyết phục Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra toàn diện về cái chết của cha mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tiết lộ gây sốc: Quá nhiều thế lực mong cái chết của Gaddafi
Tiết lộ gây sốc: Quá nhiều thế lực mong cái chết của Gaddafi

Cái chết của Đại tá Muammar Gaddafi là điều được trông đợi để những bí mật của ông cũng được chôn vùi.

Tiết lộ gây sốc: Quá nhiều thế lực mong cái chết của Gaddafi

Tiết lộ gây sốc: Quá nhiều thế lực mong cái chết của Gaddafi

Cái chết của Đại tá Muammar Gaddafi là điều được trông đợi để những bí mật của ông cũng được chôn vùi.

Nga cáo buộc đặc nhiệm Mỹ tham gia giết hại ông Gaddafi
Nga cáo buộc đặc nhiệm Mỹ tham gia giết hại ông Gaddafi

Các máy bay không người lái, gồm cả máy bay của Mỹ đã tấn công đoàn xe của ông Gaddafi

Nga cáo buộc đặc nhiệm Mỹ tham gia giết hại ông Gaddafi

Nga cáo buộc đặc nhiệm Mỹ tham gia giết hại ông Gaddafi

Các máy bay không người lái, gồm cả máy bay của Mỹ đã tấn công đoàn xe của ông Gaddafi

Libya bác bỏ cáo buộc tra tấn người ủng hộ ông Gaddafi
Libya bác bỏ cáo buộc tra tấn người ủng hộ ông Gaddafi

 Libya khẳng định, tất cả những người ủng hộ chế độ cũ bị thương trong các cuộc giao tranh đều nhận được những hỗ trợ y tế cần thiết.  

Libya bác bỏ cáo buộc tra tấn người ủng hộ ông Gaddafi

Libya bác bỏ cáo buộc tra tấn người ủng hộ ông Gaddafi

 Libya khẳng định, tất cả những người ủng hộ chế độ cũ bị thương trong các cuộc giao tranh đều nhận được những hỗ trợ y tế cần thiết.  

Lybia điều tra cái chết của ông Gaddafi
Lybia điều tra cái chết của ông Gaddafi

Dưới sức ép của các đồng minh phương Tây, NTC hứa sẽ điều tra nguyên nhân việc ông Gaddafi và con trai là Motasim.

Lybia điều tra cái chết của ông Gaddafi

Lybia điều tra cái chết của ông Gaddafi

Dưới sức ép của các đồng minh phương Tây, NTC hứa sẽ điều tra nguyên nhân việc ông Gaddafi và con trai là Motasim.

Sốc trước hình ảnh thi thể nhà lãnh đạo Gaddafi bị đem ra đùa giỡn
Sốc trước hình ảnh thi thể nhà lãnh đạo Gaddafi bị đem ra đùa giỡn

Video cho thấy khung cảnh những nam thanh niên chúc tụng, ăn mừng bên cạnh thi thể ngực trần, đầy máu của Đại tá Gaddafi.

Sốc trước hình ảnh thi thể nhà lãnh đạo Gaddafi bị đem ra đùa giỡn

Sốc trước hình ảnh thi thể nhà lãnh đạo Gaddafi bị đem ra đùa giỡn

Video cho thấy khung cảnh những nam thanh niên chúc tụng, ăn mừng bên cạnh thi thể ngực trần, đầy máu của Đại tá Gaddafi.

Cựu giám đốc tình báo thời Gaddafi bị dẫn độ về nước
Cựu giám đốc tình báo thời Gaddafi bị dẫn độ về nước

Bị dẫn độ về Libya, ông Senussi sẽ phải đối mặt với cáo buộc vi phạm tội ác chống lại loài người.

Cựu giám đốc tình báo thời Gaddafi bị dẫn độ về nước

Cựu giám đốc tình báo thời Gaddafi bị dẫn độ về nước

Bị dẫn độ về Libya, ông Senussi sẽ phải đối mặt với cáo buộc vi phạm tội ác chống lại loài người.

Libya cáo buộc tình báo Pháp sát hại ông Gaddafi
Libya cáo buộc tình báo Pháp sát hại ông Gaddafi

Tạp chí Focus dẫn lời Chủ tịch NTC cho biết một nhân viên tình báo Pháp đã bắn chết Gaddafi.

Libya cáo buộc tình báo Pháp sát hại ông Gaddafi

Libya cáo buộc tình báo Pháp sát hại ông Gaddafi

Tạp chí Focus dẫn lời Chủ tịch NTC cho biết một nhân viên tình báo Pháp đã bắn chết Gaddafi.