Xung quanh vụ sữa nhiễm melamine

Người sản xuất và kinh doanh sữa điêu đứng

Những thông tin về sữa nhiễm melamine khiến nhiều người tiêu dùng “tẩy chay” một số sản phẩm sữa làm nhiều doanh nghiệp sữa và người nông dân nuôi bò sữa lao đao.

Những ngày này, xã Phù Đổng, Gia Lâm Hà Nội, một trong những xã chăn nuôi nhiều bò sữa nhất của miền Bắc, khá ảm đạm. Nỗi buồn, sự lo lắng hiện rõ trên những khuôn mặt gầy guộc, sạm nắng của người chăn nuôi bò sữa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Trọng Thuyên, Chủ nhiệm hợp tác xã bò sữa Phù Đổng cho biết, hiện nay toàn xã có 1200 con bò sữa với sản lượng 9,5 tấn/ngày, trong đó cung cấp chủ yếu cho Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk) với 6,5 – 7 tấn/ngày.

Nhiều năm qua, cuộc sống người dân đã khấm khá hơn nhờ chăn nuôi bò sữa. Nhưng từ khi có thông tin trong kho của Hanoimilk có gần 300 tấn sữa bột nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, doanh số bán sữa của Hanoimilk giảm hẳn từ 1,5 tỷ đồng xuống còn vài trăm triệu đồng, khiến công ty chỉ nhập một nửa lượng sữa nguyên liệu từ xã Phù Đổng so với những ngày thường. Và nếu như tình trạng này còn tiếp diễn thì chỉ trong một vài ngày nữa, Hanoimilk sẽ ngừng thu mua sữa của người nông dân. 

Bò thì vẫn tiếp tục cho ra sữa, còn sữa thì lại không bán được, nợ ngân hàng vẫn phải trả khiến nhiều nông dân đứng trước nguy cơ phá sản.

Ông Hoàng Trọng Thuyên, cho biết: “Trước tình hình nhà máy sữa chỉ thu mua với lượng hạn chế 50% so với ngày bình thường thì chỉ một ngày lượng sữa không bán được là 3,5 tấn sữa, có nguy cơ phải đổ đi. Người nông dân không biết và rất lo sợ. Trong khi chi phí cho một con bò sản xuất ra một lít sữa phải mất 5.000 đồng”.

Hiện nay, Hanoimilk đã công khai kết quả kiểm nghiệm đối với các sản phẩm sữa của công ty, trong đó có 2 sản phẩm sữa Hi-P cacao và Whole milk 2 là nhiễm melamine. Công ty cũng đã có lời xin lỗi đối với người dân và cam kết sẽ thu hồi và tiêu huỷ toàn bộ số sữa và bột sữa nhập khẩu nhiễm melamine.

Ông Đinh Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Hanoimilk nói: “Chúng tôi khẳng định với người tiêu dùng sản phẩm sữa uống và một số sản phẩm khác của Hanoimilk đang lưu hành trên thị trường không có melamine. Hai lô nguyên liệu có melamine Hanoimilk xin hủy đúng theo quy định của Nhà nước”.

Việc một số doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất sữa như Hanoimilk hay Anco thành thực công bố danh sách các loại sữa có nhiễm melamine đồng thời cam kết giải quyết mọi hậu quả là việc cần làm ngay. Hiện nay câu hỏi có bao nhiêu loại sữa được tiêu thụ tại thị trường trong nước có nhiễm melamine vẫn chưa được trả lời một cách rõ ràng. Bộ Y tế đã  phải thành lập 15 đoàn thanh tra đột xuất về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh sữa và cơ sở sử dụng nguyên liệu sữa trên toàn quốc để trả lời câu hỏi này.  Có lẽ phải mất một thời gian nữa lòng tin của người tiêu dùng với các sản phẩm sữa mới có thể khôi phục. Vậy những doanh nghiệp làm ăn chân chính, không cố ý sản xuất, kinh doanh sữa và sử dụng bột sữa nhiễm melanine, những doanh nghiệp bị “tai bay vạ gió” do sữa bột Trung Quốc nhiễm melanie và cả những người nông dân nuôi bò sữa sẽ vượt qua giai đoạn này như thế nào? Chắc chắn nếu không có những biện pháp hợp lý và hiệu quả thì ngành chăn nuôi bò sữa mà cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đã mất bao công sức gây dựng sẽ bị tổn thương nặng nề.

Lão nông Nguyễn Như Tám, xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Tôi có 30 con bò, chi phí 1,9 triệu đồng/ngày mà hiện nay bán được rất ít sữa. Vốn chúng tôi hoàn toàn phải vay ngân hàng và nay trở thành nợ nần. Nếu cứ đổ sữa đi như vậy, không bán được thì chỉ trong vòng 1-2 tuần nữa là sạt nghiệp”.

Để giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa, người nông dân chăn nuôi bò sữa lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, vượt quan giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Y tế cần nhanh chóng thực hiện việc kiểm tra các doanh nghiệp sữa trong phạm vi toàn quốc, công khai tên những doanh nghiệp những sản phẩm sữa có liên quan đến melamine trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân được biết.

Qua vụ việc này, các cơ quan chức năng cũng cần rút kinh nghiệm phải làm tốt công tác quản lý, kiểm tra chất lượng và nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm nhập khẩu, đảm bảo sức an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, tránh tình trạng bị động như hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên