Người dân Dĩ An, Bình Dương mong mỏi một con đường dân sinh

VOV.VN - Hàng nghìn hộ dân ở Bình Dương nhiều năm qua phải đi lại trên con đường xuống cấp trầm trọng, không được sửa chữa, nâng cấp.

“Đau khổ” đường dân sinh

Người dân 2 khu phố Tây A, Tây B (phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An) khẳng định, hàng chục năm nay con đường dân sinh chạy qua 2 khu phố chưa hề được sửa chữa hay nâng cấp đáng kể.

Toàn bộ con đường đầy rẫy ổ gà, ổ voi khiến việc đi lại khó khăn, nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập. Mỗi ngày, người dân, các cháu học sinh đi làm, đi học rất vất vả, trượt ngã thường xuyên.

Mỗi khi trời mưa đường trở thành những bãi sình lầy

Theo ghi nhận của phóng viên VOV, con đường chiều dài chưa tới 2 km có nhiều đoạn lồi lõm, được vá víu qua loa. Có đoạn đường đổ đá kích thước 4x6 to bằng nắm tay, rất bất lợi cho phương tiện, nhất là xe 2 bánh.

Ông Đặng Văn Hưng, một người dân đã sinh sống nhiều năm trong khu vực này cho hay, việc vá đường là có nhưng chủ yếu do người dân tự bảo nhau mua đất đá về lấp hố nên càng xuống cấp nhanh. Cơ quan chức năng cũng thỉnh thoảng đổ đá vá đường nhưng không hiệu quả.

Con đường “đau khổ” này cũng không có hệ thống thoát nước, mỗi khi trời mưa đường trở thành những bãi sình lầy không xác định được đâu là đường, đâu là hố sâu.

Người dân cho hay, sau nhiều lần đổ đá, nhiều nhà có cốt nền thấp hơn mặt đường, khi đường ngập thì nhà cũng ngập sau mỗi lần mưa lớn.

Ông Huỳnh Ngọc Phú, người dân khu phố Tây B, phường Đông Hòa nói: “Bây giờ đổ đá như vậy nhưng mà mưa là ngập, đi không được. Nó tràn vô nhà dân, người ta phải kè bờ kè đất, mưa lầy lội mà không có chính sách nào ưu đãi để làm đường cho người ta đi. Đời sống của bà con ở đây đi lại, buôn bán kinh doanh rất khó khăn”.

Nhiều người dân ở đây cũng cho biết, cứ sau mỗi lần tiếp xúc cử tri với những phản ánh gay gắt về sự tệ hại của con đường, lại có đơn vị chức năng xuống đổ đá, dặm vá. Nhưng việc thi công dặm vá một cách qua loa, cẩu thả, không lu lèn khiến còn đường ngày càng lồi lõm, nhếch nhác, thách thức cư dân và người đi đường.

UBND thị xã Dĩ An xác nhận, đây là con đường cuối cùng nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn của thị xã chưa được đầu tư xây dựng.

Hơn 150 tỷ cho gần 1,2km đường

Thừa nhận những bức xúc của người dân, ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết, con đường khu phố Tây A, Tây B là con đường cuối cùng của thị xã chưa được đầu tư xây dựng dù đã nằm trong quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị của thị xã này từ nhiều năm nay.

Nhiều "ao tù" đọng trên tuyến đường.

Vì một số lý do, dự án chưa được triển khai thực hiện, chủ yếu là vấn đề kinh phí và vướng mắc từ việc đồng bộ hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước trong khu vực.

Tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An đã có quyết định số 4845 phê duyệt dự án Xây dựng đường nối đường Trần Hưng Đạo với đường Võ Thị Sáu (đây chính là con đường Tây A, Tây B mà người dân phản ánh).

Hiện dự toán công trình đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thị xã.

Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An Nguyễn Thanh Phong thông tin: “Trong kế hoạch đầu tư công, thị xã đặt ra là sẽ kiên quyết thực hiện tuyến đường này để đảm bảo việc bà con đi lại. Đến thời điểm này thiết kế đã phê duyệt rồi, đã bàn giao mốc cho trung tâm phát triển quỹ đất tiến hành động thái tiếp theo là đo đạc, rồi triển khai đền bù”.

Theo quyết định của Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An, dự án Đường nối đường Trần Hưng Đạo và Võ Thị Sáu có tổng chiều dài gần 1,2km với chiều rộng mặt đường 12m nhưng tổng mức đầu tư theo dự toán lên tới hơn 150 tỷ đồng.

Tính toán sơ bộ cho thấy, chi phí cho 10m đường lên tới hơn 1,2 tỷ đồng. Dù mới là dự toán, nhưng có thể thấy đây là con số đầu tư “khủng” cho một con đường dân sinh rất ngắn.

Lý giải vấn đề này, Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An Nguyễn Thanh Phong cho hay, do khu vực này nằm giáp ranh với địa bàn TP.HCM nên giá bồi thường cao hơn các khu vực khác.

Bằng chứng là chỉ riêng chi phí giải phóng mặt bằng theo dự toán chiếm hơn 85 tỷ đồng.

Người dân Dĩ An (Bình Dương) mong mỏi có một con đường dân sinh

Cũng theo ông Phong, đây cũng mới chỉ là dự toán, chưa phải con số chính thức cuối cùng nên phải tới khi triển khai thực hiện mới xác định được chính xác số tiền đầu tư. 

Theo kế hoạch của UBND thị xã Dĩ An, nếu việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, cuối năm 2018 dự án sẽ được khởi công xây dựng, đáp ứng mong mỏi của hàng ngàn hộ dân phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, địa phương vừa được công nhận đô thị loại 3 vào tháng 4 vừa qua./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Con đường “đau khổ” dài 2,1 km ở Hà Nội làm 15 năm chưa xong
Con đường “đau khổ” dài 2,1 km ở Hà Nội làm 15 năm chưa xong

Bắt đầu cho triển khai từ năm 2002, nhưng đến nay, sau 15 năm, tuyến đường vành đai 2,5 nối từ Đầm Hồng ra đường Giải Phóng vẫn chưa thể hoàn thành.

Con đường “đau khổ” dài 2,1 km ở Hà Nội làm 15 năm chưa xong

Con đường “đau khổ” dài 2,1 km ở Hà Nội làm 15 năm chưa xong

Bắt đầu cho triển khai từ năm 2002, nhưng đến nay, sau 15 năm, tuyến đường vành đai 2,5 nối từ Đầm Hồng ra đường Giải Phóng vẫn chưa thể hoàn thành.