Tăng tuổi nghỉ hưu: Không phải tăng luôn và tăng đồng loạt

VOV.VN -Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần phải thực hiện theo lộ trình, không nâng đồng loạt và xét theo khía cạnh ngành nghề đặc thù.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến về “Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 28/10, các khách mời cho rằng, việc điều chỉnh cần phải thực hiện theo lộ trình, không nâng đồng loạt và xét theo khía cạnh ngành nghề đặc thù.

Nâng tuổi nghỉ hưu là “đi trước đón đầu”

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh 3 điểm chủ chốt cần quan tâm khi tăng tuổi nghỉ hưu. Đó là cần căn cứ vào sức khỏe của người lao động; điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, áp lực xã hội lớn nhất hiện nay là quan hệ giữa cung lao động và cầu sử dụng lao động. Cho nên cần phải có lời giải cho bài toán “nâng tuổi nghỉ hưu thì sinh viên ra trường ngồi ở đâu?”.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân (giữa), ông Bùi Sỹ Lợi (phải) tại buổi tọa đàm

Ông Bùi Sỹ Lợi phân tích: Về lâu dài, hệ thống pháp luật xây dựng không phải để thực hiện cho trước mắt, mà phải xây dựng cho tương lai và “đi trước đón đầu”. Nếu chúng ta không chuẩn bị thì sẽ dẫn đến áp lực và tạo phản ứng của xã hội khi áp ngay tuổi nghỉ hưu, cho nên cần phải có lộ trình.

Chính phủ cần tính toán, cân đối, đánh giá tác động việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để xin ý kiến Quốc hội. Vấn đề là thời điểm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là khi nào? Đối tượng nào điều chỉnh trước, đối tượng nào điều chỉnh sau? Lên bao nhiêu là hợp lý - để có thể ứng phó với già hóa dân số đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là bảo đảm an sinh xã hội. Nhà nước là chủ đạo, BHXH là trụ cột của an sinh xã hội, nhưng cần huy động toàn dân tham gia.  

“Nếu ai nói nâng tuổi nghỉ hưu để chống đỡ mất cân bằng quỹ BHXH thì không hoàn toàn như vậy. Nó có tác động, nhưng nguyên nhân cơ bản chính là số lượng người đóng để cho số lượng người hưởng hiện đang có xu hướng giảm dần. Đây là một nguy cơ. Bản chất của vấn đề là đóng ít, hưởng nhiều, tuổi thọ người lao động lại nâng lên. Cho nên phải nghĩ đến nguồn để đảm bảo an sinh xã hội, đảm lương hưu đủ sống” – ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: “Vấn đề này mới đưa ra xin ý kiến, Quốc hội còn phải bàn, nhưng tôi khẳng định: Ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại và lao động trực tiếp, lao động ở vùng sâu, vùng sa, lao động bị suy giảm khả năng trong quá trình lao động chúng ta chưa bàn đến điều chỉnh. Có chăng những ngành nghề nào được cải thiện môi trường lao động, điều kiện làm việc tốt hơn có thể điều chỉnh một chút, nhưng phải đảm bảo được sức khỏe của người lao động”.

Ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất: “Về ý kiến nâng tuổi nghỉ hưu thì một bộ phận cố bám ghế. Theo tôi, vấn đề này cũng có nhưng chỉ rơi vào một số cán bộ quản lý. Tôi muốn phải tách tuổi nghề và tuổi đời nghỉ hưu. Có thể 60 tuổi nghỉ hưu, tôi đồng ý, nhưng vẫn muốn làm việc đến 65 tuổi thì BHXH cho đóng tiếp 5 năm, để khi về hưu lương cao hơn chút, đỡ phải dựa vào con cái. Bây giờ đóng thì thấp, hưởng cao, tuổi thọ nâng lên, rõ ràng ảnh hưởng đến nhiều yếu tố. Đây là bài toán kinh tế nhưng gắn rất chặt với xã hội, cho nên dư luận rất quan tâm”.

Tăng đối tượng nào và bao giờ tăng?

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết, phương án chung là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nam và nữ cao hơn so với hiện nay (nam 60, nữ 55). Ở đây là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nói chung. Tất nhiên phải tính đến những đối tượng làm ngành nghề nặng nhọc, độc hại thì nghỉ thấp hơn mức trên; các trường hợp đặc biệt trước mắt vẫn giữ nguyên.

Các đối tượng như các nhà khoa học, quản lý có được kéo dài hơn hay không thì vẫn chưa tính đến. Tuy nhiên, trong cái chung phải tính đến các ngành nghề để có hướng tăng trước – sau; không phải tăng luôn và tăng đồng bộ.

Ông Phạm Minh Huân nói: “Tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình. Nếu năm 2017, Quốc hội thông qua phương án này thì bắt đầu thực hiện từ năm 2020, để có quá trình đánh giá tất cả các tác động về việc làm, thị trường lao động, sức khỏe, năng suất lao động cũng như tâm lý của người lao động và doanh nghiệp.

Thông thường, các nước mỗi năm tăng thêm khoảng 3 – 4 tháng,  thậm chí có nước mỗi năm chỉ tăng 2 tháng. Đây là quá trình tính toán phải kết hợp cả khoa học, thực tiễn để làm sao đưa ra các phương án thích hợp trình Quốc hội”.

Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tước đi cơ hội việc làm cho giới trẻ, Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định, Việt Nam đang trong quá trình phát triển, cho nên nếu tổng khối lượng việc làm không thay đổi, số người ở lại sẽ ảnh hưởng đến số người vào. Tuy nhiên, khi thị trường lao động sôi động hơn, thì ảnh hưởng cũng không lớn.

Do chúng ta không phải tăng tuổi lao động ngay và đồng loạt ở tất cả ngành nghề, cho nên các bạn sinh viên mới ra trường cũng yên tâm, không phải chính sách này mà hạn chế việc làm. Quan trọng là đào tạo có đáp ứng được yêu cầu thị trường hay không./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tăng tuổi nghỉ hưu có tước cơ hội lao động của giới trẻ?
Tăng tuổi nghỉ hưu có tước cơ hội lao động của giới trẻ?

VOV.VN -Kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến việc làm cho giới trẻ, bởi tỷ lệ cử nhân chưa có việc làm năm hàng vẫn tăng cao.

Tăng tuổi nghỉ hưu có tước cơ hội lao động của giới trẻ?

Tăng tuổi nghỉ hưu có tước cơ hội lao động của giới trẻ?

VOV.VN -Kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến việc làm cho giới trẻ, bởi tỷ lệ cử nhân chưa có việc làm năm hàng vẫn tăng cao.

Tăng tuổi nghỉ hưu để sử dụng hiệu quả lực lượng lao động?
Tăng tuổi nghỉ hưu để sử dụng hiệu quả lực lượng lao động?

VOV.VN - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã giải đáp 1 số vấn đề liên quan đến dự thảo nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu.

Tăng tuổi nghỉ hưu để sử dụng hiệu quả lực lượng lao động?

Tăng tuổi nghỉ hưu để sử dụng hiệu quả lực lượng lao động?

VOV.VN - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã giải đáp 1 số vấn đề liên quan đến dự thảo nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu.

ĐBQH: Tăng tuổi nghỉ hưu không thể làm đại trà
ĐBQH: Tăng tuổi nghỉ hưu không thể làm đại trà

VOV.VN - ĐBQH Trần Anh Tuấn: Tăng tuổi nghỉ hưu không thể làm đại trà mà phụ thuộc từng đối tượng, ai có nguyện vọng nghỉ nên tạo điều kiện cho họ.

ĐBQH: Tăng tuổi nghỉ hưu không thể làm đại trà

ĐBQH: Tăng tuổi nghỉ hưu không thể làm đại trà

VOV.VN - ĐBQH Trần Anh Tuấn: Tăng tuổi nghỉ hưu không thể làm đại trà mà phụ thuộc từng đối tượng, ai có nguyện vọng nghỉ nên tạo điều kiện cho họ.