Chủ tịch Hà Nội nhận trách nhiệm việc chậm xử lý tòa nhà 8B Lê Trực

VOV.VN - Liên quan toà nhà 8B Lê Trực, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận trách nhiệm trong việc xử lý sai phạm còn chậm.

Trả lời một số nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến quy hoạch xây dựng đô thị của TP Hà Nội, tại phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sáng 16/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội những năm qua, việc chủ đầu tư có vi phạm liên quan đến quy hoạch chi tiết tại các khu đô thị là có thật.

Xử lý nghiêm toà nhà 8B Lê Trực

Liên quan toà nhà 8B Lê Trực, ông Nguyễn Đức Chung nhận trách nhiệm của Hà Nội trong việc xử lý sai phạm còn chậm.

Chủ tịch Hà Nội cho biết, hiện đã hạ được toàn bộ tầng 19, tuy nhiên để hạ được các tầng tiếp theo đảm bảo đúng theo quy hoạch phê duyệt chi tiết và đảm bảo về mặt kiến trúc (từ tầng 14-18), chủ đầu tư đang cùng với TP.Hà Nội trình Bộ Xây dựng thẩm định phương án kỹ thuật. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

“Theo tôi biết, hiện Bộ cũng đang mời một số nhà khoa học, trình thẩm định phương án kỹ thuật xem cắt như vậy có đảm bảo về mặt kỹ thuật để người dân sau này ở được hay không, vì đặt vấn đề an toàn của toà nhà lên trên. Thời gian qua chậm trễ là vì nguyên nhân này”, ông Nguyễn Đức Chung cho hay.

“Trong thời gian tới, với trách nhiệm cá nhân, tôi xin hứa với Chủ tịch Quốc hội, cũng như Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các ban ngành, Thành phố sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thẩm định kỹ thuật liên quan việc cắt ngọn đảm bảo kĩ thuật hay không, sẽ công khai với dư luận. Chúng tôi cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với nhà số 8 Lê Trực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Báo cáo thêm trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công trình này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết thêm, liên quan kết cấu an toàn của công trình nên dù trách nhiệm thuộc UBND TP Hà Nội nhưng Bộ Xây dựng thấy đây là vấn đề lớn nên cùng với Hà Nội mời chuyên gia thẩm định phương án khẳng định vấn đề an toàn. Trong tháng 8 sẽ có ý kiến chính thức với Hà Nội về việc này.

Chủ đầu tư cố tình vi phạm 

Quá trình phê duyệt quy hoạch chi tiết đều được UBND TP Hà Nội, các cơ quan tham mưu của Thành phố trình trên cơ sở phê duyệt của Bộ Xây dựng, phê duyệt này đúng theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu Chính phủ phê duyệt, nhưng có một số chủ đầu tư vi phạm liên quan đến quy định về mật độ xây dựng, chiều cao.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội dẫn chứng Khu đô thị Đại Thanh, Tả Thanh Trì của Tập đoàn Điện Biên vi phạm về chiều cao và mật độ.

“Trách nhiệm trước hết thuộc về TP Hà Nội trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đã thiếu giám sát, kiểm tra, đặc biệt là liên quan đến lực lượng thanh tra chuyên ngành” – ông Nguyễn Đức Chung thẳng thắn và cho biết ý thức chủ quan thuộc về chủ đầu tư trong quá trình xây dựng đã cố tình vi phạm.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã tăng cường phối hợp với thanh tra Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra, kiểm tra, giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, giao trách nhiệm cụ thể cho thanh tra chuyên ngành, giao Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ thành lập đoàn kiểm tra đối với việc quản lý, giám sát, trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương … Với các biện pháp quyết liệt như vậy, thời gian qua đã xử lý nhiều công trình vi phạm và cán bộ có vi phạm.

Từ đầu năm 2016 đến nay, các đoàn kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra đã kiểm tra và xử lý 18 trường hợp cán bộ lãnh đạo các quận, huyện, phường, xã, Chánh Thanh tra có vi phạm.

Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Đức Chung cho biết TP Hà Nội có đề xuất cho thí điểm chuyển lực lượng thanh tra xây dựng của Sở Xây dựng trực tiếp giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các quận, huyện quản lý. Hà Nội sẽ đề xuất với Thủ tướng thời gian tới.

Về chỉnh trang đô thị, khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo, vào cuộc rà soát, tiến hành xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường. Trước 2015 toàn thành phố có trên 300 trường hợp siêu mỏng, siêu méo, hiện còn 132 trường hợp.

"Những nhà diện tích dưới 30m2 thành phố kiên quyết thu hồi hoặc tiến hành cho các chủ hộ hợp khối, hợp thửa, hạn chế không làm phát sinh thêm các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo mới. Hà Nội hứa trong thời gian tới sẽ chấm dứt tình trạng này" - ông Nguyễn Đức Chung khẳng định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng về quy hoạch kiến trúc đô thị
Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng về quy hoạch kiến trúc đô thị

VOV.VN - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị.

Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng về quy hoạch kiến trúc đô thị

Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng về quy hoạch kiến trúc đô thị

VOV.VN - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị.

Bộ trưởng Xây dựng:Khi nào chấm dứt xây dựng không phép là câu hỏi khó
Bộ trưởng Xây dựng:Khi nào chấm dứt xây dựng không phép là câu hỏi khó

VOV.VN -Trước câu hỏi của đại biểu về việc Bộ trưởng có cam kết chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép hay không, Bộ trưởng Xây dựng chia sẻ rằng đây là câu hỏi rất khó.

Bộ trưởng Xây dựng:Khi nào chấm dứt xây dựng không phép là câu hỏi khó

Bộ trưởng Xây dựng:Khi nào chấm dứt xây dựng không phép là câu hỏi khó

VOV.VN -Trước câu hỏi của đại biểu về việc Bộ trưởng có cam kết chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép hay không, Bộ trưởng Xây dựng chia sẻ rằng đây là câu hỏi rất khó.