Chanh leo xuất khẩu - cây làm giàu cho người dân Sơn La

VOV.VN - Chanh leo của Sơn La đã chính thức xuất khẩu sang thị trường Pháp, mở ra triển vọng làm giàu cho nông dân ở tỉnh Sơn La.

Ở Sơn La trước đây, cây chanh leo chỉ được trồng rải rác để lấy quả ăn. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, chanh leo đã và đang dần thay thế cây trồng không hiệu quả như ngô, sắn. Đặc biệt, cuối tháng 11 vừa qua, sản phẩm chanh leo của Sơn La đã chính thức xuất khẩu sang thị trường Pháp. Đây thực sự là tin vui, mở ra triển vọng làm giàu cho nông dân trồng chanh leo ở Sơn La.

Đến xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu vào thời gian này, câu chuyện thường xuyên được người nông dân ở đây nhắc tới là chăm sóc chanh leo. Hiện toàn xã đã có 19 hộ tham gia Hợp tác xã trồng chanh leo, với tổng diện tích gần 20ha. Cây chanh leo được công ty Cổ phần Na Fooods Tây Bắc đầu tư khép kín từ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc đến bao tiêu sản phẩm.

Chanh leo sau khi thu hoạch.
Tuy là giống cây mới tại địa phương này, song gia đình chị Hoàng Thị Xiêm ở bản Mô Cổng đã mạnh dạn đầu tư hơn 30 triệu đồng để cải tạo 5.000 mét vuông vườn đồi trồng chanh leo. Chị đang rất hy vọng vào loại cây trồng này.

“Trước đây đất này gia đình trồng ngô nhưng năng suất thấp nên vẫn muốn tìm 1 loại cây khác thay thế. Khi được xã tuyên truyền trồng cây chanh leo, có doanh nghiệp cam kết hỗ trợ giống và thu mua đầu ra nên gia đình tôi quyết định chuyển trồng, hy vọng doanh nghiệp sẽ thu mua theo như cam kết”, chị Xiêm cho biết.

Hiện nay, huyện Thuận Châu đã triển khai nhân rộng mô hình trồng chanh leo lên trên 50ha; cây đã lên tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Trong quá trình thực hiện, phòng nông nghiệp đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn tuyên truyền đến các hộ dân, đồng thời phối hợp với công ty Cổ phần Na Foods Tây Bắc hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chanh leo và ký cam kết hợp đồng với các hộ dân về bao tiêu sản phẩm, giá cả thu mua sẽ điều chỉnh theo giá thị trường; trong đó, giá thấp nhất là 4.500 đồng/kg.

Ông Sùng A Mang, Phó Chủ tịch UBND xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La cho biết, người dân trong xã đều muốn trồng nhiều, nhưng vì đây là loại cây trồng mới thí điểm. Chính quyền xã mong muốn công ty giữ cam kết bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định. Khi đó, diện tích chanh leo sẽ không chỉ là 20 ha mà có thể tăng lên 200 - 300 ha”, ông A Mang cho biết.

Từ 5ha ban đầu trồng thử nghiệm trên đất Mộc Châu, đến nay toàn tỉnh Sơn La đã có gần 700 ha chanh leo trên địa bàn các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu, Mai Sơn... với hàng trăm hộ dân đăng ký trồng chanh leo bằng giống của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc.

Anh Lò Văn Trường, Bản Búc xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho hay, sau một thời gian thử nghiệm, chanh leo phát triển bình thường. “Từ đợt thu hoạch đầu tiên, gia đình thu được khoảng 8 tạ chanh sau 6 tháng, bán cho công ty bao tiêu được 8 triệu đồng trồng. Với thu nhập từ chanh leo như vậy đang cao hơn trồng ngô khoảng 3 lần”, anh Trường cho biết.

Để phát triển nguồn nguyên liệu bền vững, cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy chế biến chanh leo khi nhà máy này đi vào hoạt động đầu năm 2018,  tỉnh Sơn La đã bổ sung, đưa vào quy hoạch, phấn đấu đến năm 2021 toàn tỉnh có 5.000 ha chanh leo.

HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 57 về chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có cây chanh leo. Các chính sách ưu đãi này của tỉnh đã và đang tạo đà cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã đăng ký tham gia phát triển sản xuất, tiêu thụ chế biến nông sản nói chung và quả chanh leo nói riêng. 

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La cho biết, cần đặc biệt lưu ý đến công tác quản lý chất lượng giống cây trồng, từ đó cung cấp cho nông dân giống cây đảm bảo chất lượng, sạch bệnh. Đặc biệt, việc liên kết mô hình sản xuất theo chuỗi, từ người nông dân đến các doanh nghiệp thu mua tạo thành một chuỗi khép kín, tránh được việc tranh mua, tranh bán trên thị trường.   

Cuối tháng 11 vừa qua, 2 tấn chanh leo đầu tiên của Sơn La chính thức được xuất khẩu sang Pháp qua đường hàng không. Đây thực sự là một dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào sản xuất của ngành nông nghiệp Sơn La; cũng là cơ hội để quảng bá, giới thiệu về thương hiệu các loại nông sản của địa phương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chàng trai dân tộc Mông làm giàu từ mô hình gia trại
Chàng trai dân tộc Mông làm giàu từ mô hình gia trại

VOV.VN - Sinh năm 1984, Vàng A Lai, ở bản Sin Suối Hồ được rất nhiều người trong vùng biết đến bởi sự năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế.

Chàng trai dân tộc Mông làm giàu từ mô hình gia trại

Chàng trai dân tộc Mông làm giàu từ mô hình gia trại

VOV.VN - Sinh năm 1984, Vàng A Lai, ở bản Sin Suối Hồ được rất nhiều người trong vùng biết đến bởi sự năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế.

Làm giàu từ cây bưởi đỏ, bưởi da xanh
Làm giàu từ cây bưởi đỏ, bưởi da xanh

Nhờ trồng bưởi đỏ, bưởi da xanh mà nông dân ở xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, Hòa Bình có thêm nguồn thu nhập ổn định, lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Làm giàu từ cây bưởi đỏ, bưởi da xanh

Làm giàu từ cây bưởi đỏ, bưởi da xanh

Nhờ trồng bưởi đỏ, bưởi da xanh mà nông dân ở xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, Hòa Bình có thêm nguồn thu nhập ổn định, lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Cựu chiến binh làm giàu từ nghề trồng hoa
Cựu chiến binh làm giàu từ nghề trồng hoa

VOV.VN - Mỗi năm người cựu chiến binh thu lãi khoảng từ 100 -150 triệu đồng từ vườn hoa cúc và tạo việc làm thường xuyên cho 20 - 30 lao động.

Cựu chiến binh làm giàu từ nghề trồng hoa

Cựu chiến binh làm giàu từ nghề trồng hoa

VOV.VN - Mỗi năm người cựu chiến binh thu lãi khoảng từ 100 -150 triệu đồng từ vườn hoa cúc và tạo việc làm thường xuyên cho 20 - 30 lao động.