“Thông tin mật mà có người vẫn biết nên giàu lên sau một đêm”

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ về thông tin mật, vì chỉ cần biết thông tin về quy hoạch mở đường hay dự án là có thể giàu lên sau một đêm.

Chiều 24/3, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về dự thảo Luật Tiếp cận thông tin. Quy định về thông tin nào công dân được tiếp cận, không được tiếp cận và tiếp cận có điều kiện là một trong những nội dung được các đại biểu tập trung cho ý kiến.

Điều 6 dự thảo Luật quy định thông tin công dân không được tiếp cận, bao gồm: Tin thuộc bí mật nhà nước, tin bí mật công tác, thông tin về các cuộc họp nội bộ, các tài liệu do cơ quan, tổ chức, đơn vị soạn thảo cho công việc nội bộ, thông tin mà nếu tiếp cận sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tính mạng, cuộc sống, tài sản của người dân hoặc an toàn và lợi ích của cộng đồng.

Về thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện, dự thảo Luật quy định bao bao gồm: Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý, theo quy định của pháp luật hiện hành thì đây là những thông tin công dân không được tự do tiếp cận; trường hợp công dân muốn được tiếp cận thì phải được chính các chủ thể có liên quan đồng ý.

Về ý kiến đề nghị quy định rõ loại thông tin thuộc bí mật nhà nước trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay, thông tin thuộc bí mật nhà nước đang được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành về vấn đề này, nhất là Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000.

Tuy nhiên, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII này, dự án Luật bảo vệ bí mật nhà nước để thay thế Pháp lệnh nói trên đã được đưa vào chương trình và hiện đang được các cơ quan tích cực chuẩn bị. Trong Luật tiếp cận thông tin không thể pháp điển đưa các nội dung thông tin về bí mật nhà nước vào điều chỉnh hết được.

Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Ngọc Vinh – Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách TP Hải Phòng bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định như điều 6.

Theo ông Vinh, cách quy định này không cụ thể, không rõ ràng. Hiện tại ngoài thông tin thuộc bí mật Nhà nước được quy định trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000 còn nhiều thông tin công dân không được tiếp cận quy định trong các luật chuyên ngành. Đó sẽ là khó khăn lớn cho công dân xác định đâu là thông tin mình không được tiếp cận vì có quá nhiều văn bản pháp luật quy định mà người dân thì không thể nào nắm rõ được.

“Nếu chúng ta pháp điển hoá các thông tin công dân không được tiếp cận trong luật này sẽ tạo thuận lợi cho người dân biết rõ thông tin nào không được tiếp cận, thông tin tiếp cận có điều kiện và thông tin được tiếp cận,  qua đó có ý thức trách nhiệm bảo vệ thông tin”, ông Vinh nói.

Về quy định tại khoản 2 về thông tin không được tiếp cận là “thông tin do người đứng đầu cơ quan nhà nước xác định theo thẩm quyền mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia..., đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng như là cái bẫy cản trở quyền tiếp cận thông tin của công dân, là cơ sở để các cơ quan tổ chức lợi dụng tạo rào cản trong cung cấp thông tin cho công dân.

Theo ông Vinh, bởi đã là thông tin gây nguy hại đến lợi ích Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng an ninh quốc gia thì đương nhiên công dân không được tiếp cận, làm gì có chuyện “nếu để tiếp cận”.

“Quy phạm pháp luật phải cụ thể, rõ ràng, để người dân biết phải đi thế nào, đi chỗ nào và đâu là vùng cấm. Không nên quy định mập mờ khiến người dân không xác định được hướng phải đi thì vô hình trung luật trở thành cái bẫy với công dân. Do đó ban soạn thảo cần xem xét thấu đáo quy định theo hướng quy định cụ thể thông tin không được tiếp cận”, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị.

Liên quan đến thông tin mật, đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đề nghị, luật quy định cần rõ ràng để đề phòng thông tin không mật nhưng cơ quan có thông tin nhưng không công bố.

“Ví dụ như thông tin quy hoạch ở Hà Nội, TPHCM hay Đà Nẵng chỉ cần biêt trước thông tin quy hoạch mở đường, dự án thì sau một đêm, một ngày hay một tuần giàu lên rất nhanh. Người ta nói bí mật nhưng rất nhiều người vẫn biết được”, bà Bùi Thị An dẫn chứng.

Từ thực tế trên, đại biểu Bùi Thị An đề nghị: “Cái nào mật liệt kê luôn thì tốt nhất để người dân biết thông tin nào được lấy, thông tin nào không, tránh trường hợp không mật thành mật, không mật cũng đóng dấu mật để phục vụ lợi ích nhóm”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người dân có quyền tiếp cận thông tin: Thực thi không dễ?
Người dân có quyền tiếp cận thông tin: Thực thi không dễ?

VOV.VN - Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cũng là nhằm bảo đảm các quyền khác của con người, của công dân mà Hiến pháp đã quy định.

Người dân có quyền tiếp cận thông tin: Thực thi không dễ?

Người dân có quyền tiếp cận thông tin: Thực thi không dễ?

VOV.VN - Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cũng là nhằm bảo đảm các quyền khác của con người, của công dân mà Hiến pháp đã quy định.

70% doanh nghiệp cần quan hệ cá nhân để tiếp cận thông tin nhà nước
70% doanh nghiệp cần quan hệ cá nhân để tiếp cận thông tin nhà nước

VOV.VN -Theo khảo sát của VCCI, trung bình 10 doanh nghiệp thì có 7 doanh nghiệp cần tới mối quan hệ cá nhân với cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin.

70% doanh nghiệp cần quan hệ cá nhân để tiếp cận thông tin nhà nước

70% doanh nghiệp cần quan hệ cá nhân để tiếp cận thông tin nhà nước

VOV.VN -Theo khảo sát của VCCI, trung bình 10 doanh nghiệp thì có 7 doanh nghiệp cần tới mối quan hệ cá nhân với cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin.

Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin: Cái gì cấm thì nói rõ luôn đi!
Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin: Cái gì cấm thì nói rõ luôn đi!

VOV.VN - Thông tin nào phải công khai, thông tin nào bị hạn chế tiếp cận cần được quy định rõ trong luật. Không phải không muốn cung cấp thì có thể đóng dấu "mật".

Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin: Cái gì cấm thì nói rõ luôn đi!

Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin: Cái gì cấm thì nói rõ luôn đi!

VOV.VN - Thông tin nào phải công khai, thông tin nào bị hạn chế tiếp cận cần được quy định rõ trong luật. Không phải không muốn cung cấp thì có thể đóng dấu "mật".