“Óc Eo- Phù Nam”- giá trị "kiến trúc" trường tồn

Sáng 25/7, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức lễ khánh thành phòng trưng bày “Óc Eo – Phù Nam”.

Đến tham quan trưng bày, công chúng có cơ hội được thưởng lãm hơn 100 cổ vật quý của nền văn hóa Óc Eo - một nền văn hóa cổ được hình thành và phát triển trên cơ tầng bản địa trong khoảng 10 thế kỉ đầu công nguyên, cách ngày nay khoảng 2000 năm ở khu vực đồng bằng Nam bộ.

Tên gọi nền văn hóa này do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Mallerret đặt ra sau cuộc khai quật khảo cổ học đầu tiên năm 1944 tại khu di tích Óc Eo thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Hiện vật được trưng bày gồm các chất liệu gốm, kim loại quý, đá, gỗ và một số ít bằng đồng. Trong hầu hết các di tích được khai quật đều thấy có xuất hiện hiện vật gốm. Các hiện vật gốm là đồ gia dụng gồm: bình, hũ, nồi, nắp, bát, cốc, chai… và cả bếp lò, vật dụng quen thuộc, thiết yếu của cư dân vùng sông nước.

Vật liệu xây dựng và phù điêu trang trí kiến trúc bằng đất nung được tìm thấy là những di vật chủ yếu trong các di tích kiến trúc đền tháp của văn hóa Óc Eo.

Hiện vật kim loại quý như vàng, đá, mã não, thạch anh, thủy tinh….được chế tác thành vòng, nhẫn, bông tai, dây chuyền, hạt chuỗi, dùng làm đồ trang sức với nhiều màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng khác nhau.

Đáng chú ý là các lá vàng dập nổi hình mặt người, chạm khắc tạo hình hoa văn trang trí và chữ Phạn cổ. Ngoài ra còn có những con dấu, mặt nhẫn khắc hình người, động vật và các loại tiền vàng, bạc, hợp kim thiếc…

Nhiều cổ vật tượng Phật giáo và Hindu giáo được trưng bày tại đây

Hiện vật bằng đá, gỗ và một số ít bằng đồng gồm các tượng thờ Phật giáo và Hindu giáo. Những hiện vật này được tìm thấy trong nhiều di tích và rải rác trên khắp vùng Nam bộ. Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất cuả nghệ thuật điêu khắc Hindu giáo và Phật giáo là từ thế kỷ V đến thế kỷ VII. Phong cách điêu khắc vừa phản ánh rõ nguồn gốc ảnh hưởng từ nghệ thuật Ấn Độ, vừa thể hiện xu hướng bản điạ hóa. Truyền thống nghệ thuật này còn được duy trì và phát triển trong giai đoạn sau, từ thế kỷ VIII trở đi, mà nhiều nhà nghiên cứu tạm gọi là giai đoạn hậu Óc Eo.

Chân đồng bằng đồng, hình người (thế kỷ IV - VI)

Thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn khách tham quan trong và ngoài nước hình dung được những đặc trưng cơ bản về văn hóa Óc Eo trong bối cảnh 10 thế kỷ đầu công nguyên, hiểu thêm về lịch sử Việt Nam, thấy được công sức lao động, trình độ chế tác của người xưa, từ đó thêm trân trọng và có ý thức tốt hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Tiền bằng kim loại (thế kỷ III - VIII)

Phòng trưng bày “Óc Eo – Phù Nam” được tổ chức thực hiện trên cơ sở Dự án cải tạo, nâng cấp phòng trưng bày văn hóa Óc Eo – Phù Nam đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các cục vụ, chức năng phê duyệt và được triển khai từ năm 2010. Qua quá trình cải tạo sửa chữa, nâng cấp nội thất, kiến trúc: tường, trần, sàn, các khu vực phụ trợ liên hoàn với các phần trưng bày khác trong bảo tàng, hệ thống điện, chiếu sáng được trang bị mới, hệ thống tủ bục trưng bày đạt tiêu chuẩn quốc tế...

Với diện tích hơn 200m2 ở tầng 2 tòa nhà trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại số 1, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, phòng trưng bày “Óc Eo – Phù Nam” là phòng trưng bày đẹp, trang trọng, hiện đại và đảm bảo tính thống nhất trong tổng thể hệ thống trưng bày thường trực của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Cùng nhiều cổ vật quý và đặc sắc khác hiện đang được trưng bày tại đây, trưng bày “Óc Eo – Phù Nam” góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về tiến trình lịch sử Việt Nam của đông đảo du khách trong nước và quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên