Chúng ta sẽ giữ vững Trường Sa, Hoàng Sa

Bây giờ đến đảo thì ở đâu cũng thấy màu xanh. Ở đâu cũng thấy khí thế của người lính, của quân và dân trên đảo

Tối 2/9, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp Đài Tiếng nói Việt Nam và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật “Trường Sa - Biển đảo Việt Nam mến yêu”.
Tham dự buổi giao lưu, chia sẻ những cảm xúc về chuyến đi của mình tới Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ Quốc, ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nói về đêm cuối cùng thức trắng để sáng tác bài thơ "Bâng khuâng Trường Sa": “Đó là bài thơ thứ hai của tôi về Trường Sa. Tôi có khoe với anh Khoa năm 1997, tôi có làm một bài thơ lục bát về Trường Sa có 4 câu là: "Đêm qua trong giấc chiêm bao/Có anh lính trẻ giục trâu ra đồng/Luống cày tha thiết bên sông/Bỗng tung sóng trắng điệp trùng Trường Sa".
 
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng ông Nguyễn Thế Kỷ (áo trắng) chia sẻ những cảm xúc khi đặt chân tới Trường Sa (Ảnh:VOV)

Người lính ra Trường Sa để giữ gìn tổ quốc mà vẫn mơ về bên luống cày của mình. Rất bình yên, hòa bình! Gần đây tôi với anh Trần Đăng Khoa cùng một số người khác trong đoàn công tác ra Trường Sa, đến mỗi hòn đảo thì trước hết là mình rất mừng.

Tôi đọc “Đảo chìm” của anh Trần Đăng Khoa, thời ấy thì cũng như anh Khoa nói về hòn đảo của chúng ta: cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đảo hạn chế so với bây giờ rất nhiều. Bây giờ đến đảo thì ở đâu cũng thấy màu xanh. Ở đâu cũng thấy khí thế của người lính, của quân và dân Trường Sa. Ở đó chúng ta đã có những mái chùa, những trường học, đền thờ Bác Hồ, những đứa trẻ ra đời… Cuộc sống ở Trường Sa rất bình yên. 

Còn bài thơ này (bài thơ Bâng khuâng Trường Sa) thực ra tôi nghĩ là mình đã làm một bài thơ về Trường Sa và bài thơ ấy rất xúc động. Bây giờ mình viết một bài thơ nữa về Trường Sa, tất nhiên cảm xúc của lần này khác với lần trước, nhưng mình nói sao đây về trái tim và tình cảm của mình đối với quân và dân Trường Sa.

Và đặc biệt tôi nhớ nhất là về những người lính đảo: "Ôm lính đảo yêu tin bao gương mặt/Tuổi đôi mươi lồng lộng biển trời/Mắt trong vắt chưa một lần hò hẹn/Đêm mơ còn nũng nịu gọi “Mẹ ơi!”". 

Những người lính đảo như đứa con trai của tôi thậm chí còn ít tuổi hơn đứa con trai của tôi. Tôi thương các em bởi các em thay mặt cho cả dân tộc, thay mặt cho cả đất nước giữ vững chủ quyền biển đảo cho Tổ Quốc.

"Cảm xúc mỗi lần ra đảo một khác"


Tôi đã đi ra một số nước, những năm gần đây bà con hỏi là: “Chúng ta có giữ được Trường Sa không?” thì tôi nói là: “Đương nhiên là chúng ta giữ được. Vì chúng ta có một lịch sử hàng nghìn năm khẳng định chủ quyền của chúng ta tại hai quần đảo này. Thứ hai là chúng ta có Công ước Luật Biển 1982. Thứ ba là chúng ta có đầy đủ những cơ sở pháp lý để chứng minh Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam". 

Ông Kỷ xúc động mạnh: "Bằng tất cả ý chí và quyết tâm của người Việt Nam cả ở trong nước và nước ngoài chúng ta sẽ giữ vững Trường Sa, Hoàng Sa và vùng biển thân yêu của chúng ta".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa là một trong các khách mời của chương trình. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, người từng là lính biển từ năm 1979 đến 1983, tác giả tập truyện “Đảo chìm” kể về cuộc sống lính đảo Trường Sa ngậm ngùi nói: "Trường Sa giữ cho tấm lưng còng mẹ Việt Nam khỏi lạnh"

Ông nói: "Những ngày này, cả nước hướng về Trường Sa. Vậy Trường Sa là gì? Trường Sa ở đâu? Nếu tôi đọc số kinh tuyến, vĩ tuyến vị trí của từng hòn đảo của Quần đảo thiêng liêng ấy thì chắc cũng khó mà hình dung được. Bởi trừu tượng quá, mung lung quá. Thôi thì hãy nhìn lên bản đồ.

Tổ quốc của chúng ta trên bản đồ thế giới mang hình dáng một bà mẹ gày gò đội nón lá, lưng còng gập có lẽ vì phải gánh quá nhiều sứ mệnh lịch sử. Bà mẹ ấy vẫn lặn lội thân cò, bước thập thững bên bờ sóng. Tấm lưng còng gập quay ra Biển Đông. Cái phên dậu giữ cho tấm lưng còng ấy khỏi lạnh chính là Trường Sa!".

Với những tình cảm dành cho người lính đảo nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: “Bây giờ những người lính đảo có thể gặp được người thân trong tích tắc và ngay bây giờ chúng ta đang nhớ về Trường Sa thì những người lính cũng đang theo dõi sự nhớ thương của chúng ta đối với đảo. Tôi cho rằng đó là một giấc mơ, một giấc mơ tuyệt vời khi chúng ta vẫn còn đang tỉnh thức".

Chia sẻ những cảm xúc của mình về mảnh đất "Sóng xô mãi cũng không mòn - Ngàn năm sau vẫn cứ còn Trường Sa", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói tiếp:

“Người lính Hải quân trong chiến tranh cũng như bây giờ, trước sau họ vẫn là những người lính kiên cường trước sóng gió mà sóng gió chỉ có thể làm cho họ vững mạnh thêm. 

"Từ trước đến nay và cả sau này thì người lính luôn vững vàng trước sóng gió”

Tôi vẫn còn nhớ trong những năm xa xưa đó, thời ấy rất gian khổ. Những người lính thời ấy ở biển không phải chỉ có hai năm mà có khi còn đến 4 năm, có người còn ở đến 10 năm thậm chí họ còn ít cả nghỉ phép bởi vì nói như Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương: Mỗi người chỉ cần bớt đi 1 lần về phép là có thể giúp được cho rất nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhiều nghĩa trang liệt sỹ... thế nên rất nhiều người lính đảo đã bám trụ trên các đảo. Từ trước đến nay và cả sau này thì người lính luôn vững vàng trước sóng gió”… 

Tại buổi giao lưu, nhạc sỹ Phạm Tuyên và ca sỹ Minh Quân cũng đã chia sẻ về chuyến đi đầy cảm xúc của mình tới Trường Sa. Và cũng tại buổi giao lưu này, khán giả cả nước đã được thưởng thức nhiều thước phim quý giá cùng nhiều bức ảnh được thực hiện từ trên cao về lá Quốc kỳ bằng gốm trên đảo Trường Sa lớn…
Diễn ra trong khoảng 90 phút, đêm giao lưu "Trường Sa – Biển đảo Việt Nam mến yêu" mang ý nghĩa thực sự to lớn chào mừng kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên