Báo nước ngoài: Việt Nam có nguy cơ khủng hoảng quỹ lương hưu

VOV.VN -Thách thức lớn nhất là Chính phủ không thể đảm bảo hệ thống lương hưu bền vững nếu không có thêm nguồn thu.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam có lẽ buộc phải trấn an dư luận bằng cách giữ nguyên quy định về bảo hiểm hưu trí sau khi hàng ngàn công nhân đình công.

Theo bài viết đăng tải trên Bloomberg sáng 6/4, hơn 90.000 công nhân của bốn nhà máy giày Pou Chen Corp. đã đình công vào tuần trước để phản đối các quy định trong luật bảo hiểm mới về chế độ hưu trí, dự kiến sẽ có hiệu lực vào 1/1/2016.

Công nhân đình công đã quay trở lại làm việc.
Các công nhân nhà máy bày tỏ bất bình trước quy định người lao động không được nhận hỗ trợ một lần ngay sau nghỉ việc như trước đây, mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu.

Đáp lại động thái này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhất trí với kiến nghị của các Bộ, cơ quan, địa phương và sẽ kiến nghị Quốc hội sửa đổi điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2014 theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH một lần.

Tác giả bài báo nhận định, cuộc đình công cho thấy Chính phủ Việt Nam gặp phải sự lựa chọn khó khăn để đảm bảo ổn định hệ thống lương hưu. Quỹ bảo hiểm xã hội dự kiến sẽ bị âm vào năm 2021 và có nguy cơ vỡ vào năm 2034 nếu Việt Nam không tiến hành cải cách, theo Tổ chức Lao động Thế giới (ILO).

Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đang ở trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan.” Thách thức lớn nhất là Chính phủ không thể đảm bảo hệ thống lương hưu bền vững nếu không có thêm nguồn thu, ông nói.

Còn theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp, sự thay đổi về quy định trong Luật BHXH sửa đổi nhằm giúp công nhân tiết kiệm được khoản tiền lớn khi họ đến tuổi nghỉ hưu. Theo quy định hiện hành, người lao động được phép rút tiền bảo hiểm xã hội một lần nếu họ nghỉ việc. Còn theo quy định mới, chỉ đến khi hết tuổi lao động, người lao động mới được sử dụng khoản tiền đã đóng BHXH, và điều này sẽ giúp làm giảm gánh nặng chi trả lương hưu trong tương lai, và đảm bảo an sinh lâu dài cho người lao động.

Thứ trưởng Diệp cho biết, trong thời gian Bộ luật BHXH 2014 chính thức có hiệu lực vào 1/1/2016 sẽ tổ chức nhiều cuộc tham vấn, ghi nhận các ý kiến.

Trước đó, trả lời phỏng vấn VOV, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, quan điểm của Chính phủ và Quốc hội mong muốn thực hiện mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của BCHTW khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.

Ông Bùi Sỹ Lợi khuyên người lao động cân nhắc kỹ khi quyết định lựa chọn để tránh được rủi ro khi tuổi già.

Mục đích của việc sửa đổi quy định của luật bảo hiểm là để đảm bảo an sinh cho người lao động khi họ về hưu. Tuy nhiên, nếu bản thân người lao động không muốn như vậy, thì chúng tôi sẽ giữ nguyên, và đó cũng chỉ là một sự lựa chọn để chúng ta có thêm quy định mới, ông nói.

Với tư cách là một chuyên gia, ông Lợi khuyên người lao động cân nhắc kỹ khi quyết định lựa chọn để cố gắng có đủ điều kiện hưởng chính sách hưu trí khi hết tuổi lao động, tránh được rủi ro khi tuổi già./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Điều 60 Luật BHXH: Người dân nói gì?
Điều 60 Luật BHXH: Người dân nói gì?

VOV.VN - Một số ý kiến cho rằng: các nhà làm Luật ở Việt Nam cần sát thực tế hơn.

Điều 60 Luật BHXH: Người dân nói gì?

Điều 60 Luật BHXH: Người dân nói gì?

VOV.VN - Một số ý kiến cho rằng: các nhà làm Luật ở Việt Nam cần sát thực tế hơn.