Phòng, chống tham nhũng lãng phí: Thành bại là ở người đứng đầu

Đấu tranh với “quốc nạn” tham nhũng, cần có một bộ máy tinh thông, tinh nhuệ, thiện chiến và chuyên nghiệp.

Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành Kết luận Hội nghị lần thứ V: “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí” với 6 giải pháp lớn. Nghị quyết lần này đang mang đến cho đông đảo cán bộ đảng viên và nhân dân cả nước sự kỳ vọng về quyết tâm của Đảng trong việc chống đến cùng quốc nạn tham nhũng.

Mặc dù ghi nhận kết quả bước đầu sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X nhưng Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa XI cũng thẳn thắn nhìn nhận là: “Công tác phòng chống tham nhũng lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu. Tham nhũng lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành... gây bức xúc trong xã hội và thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”.    

Trong nhiều nguyên nhân khiến người dân chưa hài lòng về bộ máy công quyền thì tình trạng tham nhũng, lãng phí là nguyên nhân cơ bản nhất. Ai cũng biết, đất nước ta vừa bước vào ngưỡng nước thu nhập trung bình, nhưng mục tiêu trở thành nước giàu vẫn còn ở phía trước. Từng đồng vốn chắt chiu, dành dụm của dân phải được đặt đúng nơi đúng chỗ để phục vụ sự phát triển của đất nước.

Thế mà bằng nhiều con đường, những đồng vốn quí giá ấy đã không được quản lý hiệu quả, như hàng lậu theo đường tiểu ngạch chảy vào túi một số quan tham. Trong khi hàng vạn doanh nghiệp phải sống dở chết dở vì thiếu vốn sản xuất kinh doanh thì các tổng công ty, tập đoàn nắm trong tay nguồn vốn chủ sở hữu Nhà nước tới 700.000 tỉ đồng, lớn hơn tổng thu ngân sách hằng năm của quốc gia, song hiệu quả kinh doanh lại không tương xứng với sự kỳ vọng của Chính phủ và nhân dân.

Từ cuối năm ngoái đến nay, mới thanh tra 5 tập đoàn lớn, đã phát hiện sai phạm trên 30.000 tỉ đồng, mà 2 con tàu đắm Vinashin và Vinalines là những điển hình của tình trạng tham nhũng, lãng phí, vung tiền tấn của dân xuống biển. Rồi với 365.000 ha đất bỏ hoang hóa, cấp sai đối tượng, chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả, nhiều dự án treo xuyên thế kỷ của gần 10.800 tổ chức, cá nhân, đơn vị trong cả nước cũng là mảnh đất màu mỡ của tham nhũng đất đai mà những người có trách nhiệm với nước, với dân không thể xem thường.      

Chính vì vậy, Hội nghị Trung ương 5 đã đề ra 6 giải pháp để phòng chống tham nhũng lãng phí là: “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; Hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế; Thực hiện nghiêm cơ chế chính sách về công tác tổ chức cán bộ; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân; Đổi mới, nâng cao năng lực cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan thường trực, tham mưu về công tác phòng chống tham nhũng”.

Trong 6 giải pháp ấy thì việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban được xem là quyết định mang tính đột phá, tạo sự thay đổi căn bản bộ máy tổ chức cũng như cơ chế vận hành để cơ quan này thực sự là công cụ đấu tranh hữu hiệu cho Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, nhà nước ta ngày càng vững mạnh hơn.  

Trong lần tiếp xúc cử tri 2 quận Hoàn Kiếm và Ba Đình (Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Phòng, chống tham nhũng lần này Trung ương quyết tâm cao, biện pháp đủ rồi, cắt thuốc trúng rồi, song lo là liệu có chịu uống thuốc không và có uống đủ liều không”. Đó là nỗi lo có căn cứ. Bởi tham nhũng bây giờ đã có mặt khắp nơi với nhiều mặt nạ, nhiều vỏ bọc khác nhau, trở thành quốc nạn, thách đố kỷ cương phép nước. 

Có một thực tế lâu nay chúng ta chưa chú trọng là: ở đâu phát sinh tham nhũng, ở đó sẽ có cơ chế phòng ngừa; ở đâu có quyền lực, ở đó cần có cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh lạm quyền, chuyên quyền. Vì vậy, khi đã bắt trúng mạch, bắt được trọng bệnh, cắt đúng thuốc mà con bệnh không chịu uống thì chỉ còn cách cưỡng chế phải uống. Trọng trách này không ai khác người đứng đầu các cấp ủy, người có thẩm quyền trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.  

Đấu tranh với “quốc nạn” tham nhũng, cần có một bộ máy tinh thông, tinh nhuệ, thiện chiến và chuyên nghiệp. Nhiệm vụ cao cả này đang đòi hỏi trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ đứng đầu. Đó là nói phải đi đôi với làm, mà đã làm là làm kiên quyết, làm hết mình, không nể nang né tránh, không do dự, chần chừ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên