Giá xăng tăng nhiều giảm ít là do khâu quản lý

Từ khi giao quyền định giá xăng dầu trở về sau này, nếu có chuyện tăng nhiều giảm ít là lỗi của doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Sau hơn 10 ngày giá xăng dầu tăng 400 đồng/lít, đến 13/8, giá xăng tiếp tục được điều chỉnh tăng 1.000 đồng. Đây là lần đầu tiên, chu kỳ điều chỉnh tăng giá được co hẹp lại khiến người tiêu dùng cảm thấy “chưa hoàn hồn” vì đợt tăng trước đã phải đón tiếp đợt tăng thứ hai. Phóng viên VOV online có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền xung quanh vấn đề này.

PV: Theo bà, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong 10 ngày liệu có quá nhanh?

TS Nguyễn Thị Hiền: Chu kỳ này không nhanh. Các nước trên thế giới còn điều chỉnh theo ngày. Tất nhiên mình chưa theo được như các nước nên đưa ra chu kỳ 10 ngày. Hiện tại là 10 ngày, sau này phải để DN tăng giảm lúc nào tùy thuộc quy luật thị trường. Khi đó, các cây xăng cạnh tranh với nhau. Người tiêu dùng có thể lựa chọn cây xăng có mức giá cạnh tranh.

PV: Việc trao quyền tự định giá cho DN xăng dầu như hiện nay có phải là cơ hội để các DN “tự tung, tự tác”, thưa bà?

TS Nguyễn Thị Hiền: Việc giao quyền định giá cho DN kinh doanh xăng dầu là hướng mình phải tiến tới. Việc giao quyền này cũng đã có những cái “neo”, đó là chu kỳ giữa các đợt điều chỉnh giá phải là 10 ngày và biên độ tăng giảm là không quá 7%. Cái “neo” này khiến DN không thể tự tung, tự tác được. Đấy là cử chỉ quản lý rõ ràng. DN được tự định giá nhưng trong kiểm soát chặt chẽ của Bộ Tài chính – Công thương. Việc để DN tự định giá là hoàn toàn có lý, không có gì phải băn khoăn. Mặc dù Petrolimex có thị phần tương đối lớn nhưng nó đã bị quản lý theo kiểu một DN độc quyền rồi. Lộ trình để thị trường hóa kinh doanh xăng dầu phải sớm thực hiện, không nên quá chậm trễ. Nếu chậm thì về lâu dài người tiêu dùng sẽ bị thiệt.

PV: Việc để cho DN tự định giá có nghĩa là sẽ tăng tính độc quyền, thưa bà?

TS Nguyễn Thị Hiền: Giảm độc quyền là ở thị phần của DN chứ không phải việc tự định giá. Thị phần của DN là trách nhiệm của nhà nước. Nhà nước “đẻ” ra DN rồi nếu thấy rằng nó độc quyền thì phải chia nhỏ ra. Hoặc phải cho những DN khác lớn lên để tăng thị phần lên. Nhà nước hiện đang giảm dần tính độc quyền của DN. Cho nên, thị phần của Petrolimex cũng đang dần giảm.

Việc để DN định giá không ảnh hưởng đến độc quyền, mà chỉ là tiến dần đến việc theo cơ chế thị trường. Nước nào cũng để DN tự định giá, chứ không phải theo cơ chế cứng nhắc là Nhà nước định giá. Nhà nước chỉ định giá một vài mặt hàng nhưng vẫn phải đảm bảo cho DN hoạt động bình thường.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, từ đầu năm tới nay, việc giảm giá xăng dầu chưa tương xứng với mức tăng. Bà có thấy điều này?

TS Nguyễn Thị Hiền: Thực ra, việc tăng giá nhiều là từ thời Bộ Tài chính – Công thương định giá chứ DN không được định giá. Vì thế tăng nhiều giảm ít là tại hai bộ này. DN mới được tăng 2 lần giá này thôi. Vì thế, việc giảm ít, tăng nhiều nếu có lỗi thì là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước, chưa phải lỗi của DN. Từ nay về sau, nếu có chuyện đó là lỗi của doanh nghiệp cùng với lỗi của cơ quan quản lý.

Người tiêu dùng phải mua với mức giá tăng bao giờ cũng phàn nàn. Đó là chuyện đương nhiên. DN kinh doanh phải làm thế nào có lãi tối đa. Nhà nước phải làm sao hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng và DN. Nếu có việc để doanh nghiệp định giá nhưng lợi ích người tiêu dùng bị thiệt là lỗi của nhà nước chứ đừng đổ lên đầu DN. Đây là DN kinh doanh bình thường thì để họ kinh doanh theo qui luật thị trường.

Nếu không để DN tự định giá thì lại quay trở lại xu hướng cũ và tôi không tán thành phương án này.

PV: Bà đánh giá thế nào về cách điều hành giá xăng dầu hiện nay?

TS Nguyễn Thị Hiền: Nhà nước mình hiện nay vất vả quá, vì cứ ôm vào những việc quản lý không đâu. Lâu nay Nhà nước đứng ra bảo vệ người tiêu dùng nhưng thực ra thị trường đã bảo vệ họ rồi. Ít nói đến sự quản lý của Nhà nước thì thị trường sẽ thông thoáng và hoạt động bình thường. Còn như bây giờ, mỗi lần tăng giá xăng dầu là cảm thấy sốc quá.

PV: Cảm ơn bà!

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:

“Tại sao các nước để cho các DN xăng dầu tự định giá? Vì họ có thị trường xăng dầu cạnh tranh thực sự. Còn VN thì chưa. Cái gốc là sai ngay từ cơ chế định giá. Thêm nữa Luật Giá vừa được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 cùng với Pháp lệnh Giá hiện đang được thực hiện có quy định rất rõ ràng là xăng dầu cùng với điện, nước, hàng không là sản phẩm độc quyền.

Luật Giá và Pháp lệnh Giá đã quy định thế mà lại để cho DN xăng dầu tự định giá? Chính vì sai ở gốc vấn đề, nên mới dẫn tới rất nhiều thứ lủng củng. Chính cái lủng củng này đã dẫn tới việc là khi xăng dầu thế giới chớm tăng giá là các DN đòi tăng ngay. Nhưng khi giá thế giới giảm rất sâu và dưới áp lực của cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng thì DN mới giảm”. (theo Lao động)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên