Giám đốc CISAC nói về vấn đề thu tiền tác quyền âm nhạc ở Việt Nam

VOV.VN - Giám đốc CISAC, Hiệp hội các Nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế lên tiếng về vấn đề thu tiền tác quyền âm nhạc tại Việt Nam.

Ông Ang Kwee Tiang, Giám đốc Hiệp hội soạn nhạc và soạn lời quốc tế khu vực Châu Á- Thái Bình Dương – CISAC đã viết thư gửi đến báo chí Việt Nam liên quan đến vấn đề thu phí tác quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc tại các khách sạn.

Sự việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu tiền tác quyền âm nhạc ở các khách sạn Đà Nẵng đang nhận được những phản ứng trái chiều từ dư luận.

Theo ông Ang Kewee Tiang, lý do ông viết thư này bởi ông và CISAC được biết rằng tại Việt Nam đang có những quan điểm khác nhau về việc liệu có phải trả phí tác quyền cho các tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong khuôn viên khách sạn và các phòng nghỉ của khách sạn. Bởi vậy, với tư cách là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận quốc tế đại diện cho hầu hết các tác giả, nhạc sĩ và các nhà xuất bản trên thế giới, tôi nghĩ rằng CISAC cần phải chia sẻ những thông lệ phổ biến tại hầu hết các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực này với mong muốn rằng những kinh nghiệm này sẽ là nguồn tham khảo để giải quyết những khác biệt trong các ý kiến đưa ra.

“Âm nhạc được sử dụng thường xuyên tại các khách sạn, ở những khu vực chung như nhà hàng, quán bar, quán rượu, sảnh chờ, thang máy, hành lang, và những không gian mở khác, cũng như trong các phòng nghỉ thông qua các dịch vụ phát thanh, truyền hình. Khi các tác phẩm âm nhạc được sử dụng tại những nơi như vậy có nghĩa là đã nằm trong phạm vi các hoạt động sử dụng quyền tác giả được quy định trong luật bản quyền Việt Nam. Thêm nữa, Việt Nam đã tham gia Công ước Berne ngày 26/10/2004, do đó, tất cả các tác phẩm âm nhạc trong nước và quốc tế được sử dụng trong các khách sạn tại Việt Nam sẽ nằm trong phạm vi bảo hộ của pháp luật và việc sử dụng các tác phẩm này trong các phòng nghỉ và khuôn viên khách sạn phải thực hiện trả phí tác quyền cho các tác phẩm này”, bức thư nêu rõ.

Giám đốc CISAC cho biết thêm: “Đâu đó cũng có một ý kiến cho rằng việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc thông qua việc phát sóng các kênh phát thanh, truyền hình, cáp… trong các phòng nghỉ khách sạn là sử dụng với mục đích cá nhân và do đó không cần phải trả phí tác quyền cho những mục đích sử dụng như vậy. Tuy nhiên, thực tế thì ý kiến này là không đúng.

Các tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong khuôn viên khách sạn và trong các phòng nghỉ được coi là một trong những hoạt động biểu diễn công cộng. Việc biểu diễn được coi là biểu diễn công cộng “nếu việc biểu diễn đó được diễn ra ở những nơi công chúng có thể tiếp cận được hoặc ở bất cứ nơi nào mà những người ngoài các thành viên gia đình hoặc người quen của có thể tiếp cận.

Ngoài ra, bất cứ một công dân nào trả tiền thuê phòng nghỉ của khách sạn là có quyền vào phòng nghỉ và sử dụng các dịch vụ của khách sạn, nên việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc trong phòng nghỉ sách sạn đã được coi là biểu diễn công cộng do đó phải trả phí tác quyền cho VCPMC, đơn vị đại diện cho cả tác giả Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực này.

Trên thực tế, cũng bởi sự hiểu nhầm trên, luật bản quyền ở một số quốc gia như Ấn Độ hiện nay đã phải quy định cụ thể, rõ ràng và khẳng định rằng “việc truyền đạt thông qua vệ tinh, cáp hay bất cứ các phương triện truyền thông đồng bộ nào khác tới nhiều hơn 1 hộ hay 1 địa điểm cư trú bao gồm các phòng ở của bất cứ nhà nghỉ hay khách sạn nào sẽ được coi là phương tiện truyền đạt tới công chúng.

Các đơn vị kinh doanh khách sạn ở các quốc gia láng giềng với Việt Nam như Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Sing-ga-po, hay Phi-líp-pin (và cả những nước ở các châu lục khác như Mỹ, Anh, Ai Len, Úc, Pháp và Đức, v.v..) đều phải trả phí tác quyền cho việc sử dụng nhạc, bất kể là họ sử dụng ở những khu vực công cộng hay ở trong các phòng nghỉ của khách sạn.

Sau khi Việt Nam gia nhập Công Ước Berne, từ năm 2005 trở đi, CISAC đã ủy quyền quản lý kho nhạc quốc tế tại lãnh thổ Việt Nam cho VCPMC. Việc ủy quyền này bao gồm các tác phẩm âm nhạc từ các quốc gia như Mĩ, Anh, Nhật Bản, Hồng Công, Pháp, Tây Ban Nha, Ma-lai-xia, Sing-ga-po, Trung Quốc, Ấn Độ, v.v…

Do vậy, chúng tôi muốn nhấn mạnh lại rằng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, VCPMC hiện được cộng đồng quốc tế của các nhạc sĩ, tác giả và nhà xuất bản quốc tế ủy quyền để cấp phép và thu phí tác quyền đối với các hoạt biểu diễn công cộng hoặc truyền đạt các tác phẩm âm nhạc trong kho nhạc mà Trung tâm kiểm soát tới công chúng. Điều này tất nhiên là bao gồm cả hoạt động sử dụng tác phẩm âm nhạc trong các khuôn viên khách sạn.

CISAC sẵn sàng hỗ trợ theo bất cứ cách nào nhằm giúp cho việc cấp phép sử dụng tác phẩm âm nhạc trong phạm vi các khách sạn được diễn ra thành công. Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc nào khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi”, ông Ang Kewee Tiang viết.

Hiệp hội các Nhà soạn nhạc và Soạn lời Quốc tế (CISAC) là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1926. Trụ sở chính của CISAC đặt tại Paris, các Văn phòng Khu vực đặt tại Buenos Aires và Singapore.

CISAC hoạt động nhằm nâng cao việc thừa nhận và bảo hộ các quyền của các nhà soạn nhạc và soạn lời, đảm bảo thực thi một cách có hiệu quả việc thúc đẩy quyền tinh thần và các quyền lợi vật chất của tác giả; thu và phân chia tiền bản quyền, đảm bảo những hoạt động liên quan tới việc quản lý những quyền mà các tác giả, chủ sở hữu quyền giao phó cho họ; và nâng cao chất lượng quản lý tập thể các quyền của các nhà soạn nhạc và soạn lời  trên toàn thế giới.

Tính đến tháng 1 năm 2004, CISAC đại diện cho 290 hiệp hội tác giả của 109 quốc gia. Như vậy, CISAC gián tiếp đại diện cho hơn 2 triệu người sáng tạo ở các lĩnh vực nghệ thuật như: âm nhạc, kịch, văn học, tác phẩm nghe nhìn.

VCPMC là thành viên chính thức của CISAC từ năm 2005./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói gì về việc thu tiền tác quyền qua tivi?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói gì về việc thu tiền tác quyền qua tivi?

VOV.VN - “Ở Hà Nội và Sài Gòn chúng tôi đã thu hơn 10 năm nay. Nếu các đơn vị Đà Nẵng thắc mắc thì phải tự đi tìm hiểu”, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói gì về việc thu tiền tác quyền qua tivi?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói gì về việc thu tiền tác quyền qua tivi?

VOV.VN - “Ở Hà Nội và Sài Gòn chúng tôi đã thu hơn 10 năm nay. Nếu các đơn vị Đà Nẵng thắc mắc thì phải tự đi tìm hiểu”, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết.

Bộ VH-TT-DL khẳng định, thu tiền tác quyền tại Đà Nẵng là đúng
Bộ VH-TT-DL khẳng định, thu tiền tác quyền tại Đà Nẵng là đúng

VOV.VN - Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, khẳng định VCPMC thu tiền bản quyền tại Đà Nẵng là hoàn toàn đúng với quy định.

Bộ VH-TT-DL khẳng định, thu tiền tác quyền tại Đà Nẵng là đúng

Bộ VH-TT-DL khẳng định, thu tiền tác quyền tại Đà Nẵng là đúng

VOV.VN - Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, khẳng định VCPMC thu tiền bản quyền tại Đà Nẵng là hoàn toàn đúng với quy định.