Mỹ tăng cường quan hệ với các nước đồng minh châu Á

Trong số các đồng minh của Mỹ ở châu Á chỉ có Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc là có tiềm năng quân sự, số còn lại là quan hệ phụ thuộc.

Để thực hiện chiến lược tăng cường “trở lại châu Á”, Mỹ đã đề ra 6 định hướng: tăng cường quan hệ với các nước đồng minh; tăng cường quan hệ với các cường quốc mới nổi (kể cả Trung Quốc); tham gia vào các tổ chức đa phương khu vực; mở rộng thương mại và đầu tư; tạo dựng sự hiện diện quân sự trên diện rộng; và thúc đẩy dân chủ-nhân quyền. Trong đó, tăng cường quan hệ với các đồng minh truyền thống có vai trò đặc biệt quan trọng.

Một cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn vào tháng 6 vừa qua tại tỉnh Chung Cheong của Hàn Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã)

Đổi mới quan điểm chiến lược

Trong thời điểm hiện nay, Mỹ cần có các đồng minh và đối tác chiến lược trong khu vực để tăng cường hơn nữa khả năng phòng vệ và phản ứng linh hoạt trước các động thái của một số nước lớn tại khu vực, để Mỹ có đủ thời gian triển khai lực lượng, chi viện và can thiệp nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, hiện nay, trong số các đồng minh của Mỹ ở châu Á chỉ có Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc là có tiềm năng quân sự, các nước đồng minh còn lại đa phần chỉ là quan hệ phụ thuộc.

Để tiếp tục duy trì vai trò đi đầu trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, trước tình hình đó Mỹ cần phải thay đổi chính sách công nghệ và công nghiệp quốc phòng, tức là sẽ khuyến khích, mở cửa chuyển giao công nghệ, vũ khí mới chứ không còn cần chính sách kìm hãm như trước đây.

Mỹ phải luôn sẵn sàng trang bị cho mình cũng như bán cho đồng minh những loại vũ khí, trang bị mà các nước đồng minh có thể sử dụng và có khả năng chi trả. Trước xu thế trang bị và sử dụng tàu ngầm của các nước trong khu vực, bao gồm cả các nước đồng minh, Mỹ sẽ không phải đưa tàu ngầm vào tham chiến mà sẽ hỗ trợ công nghệ quốc phòng, đào tạo nhân lực để sản xuất chúng ngay tại châu Á. Vì thế, Mỹ đã quyết định bán gói vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc) trị giá 5,85 tỷ USD bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Những thách thức với Mỹ và phản ứng của đồng minh

Hiện nay, một số nước lớn tại khu vực đang sở hữu kho vũ khí hiện đại trên mọi chiến trường, có thể kiềm chế hiệu quả khả năng phản ứng nhanh của Mỹ tại các căn cứ tiền phương khi có tình huống xảy ra. Việc một số nước tạo ra  “vùng tranh chấp” để loại bỏ sự ảnh hưởng của Mỹ hoặc để cô lập, phân hóa các nước khác trong khu vực, trong đó có đồng minh của Mỹ là đáng quan tâm.

Trước những nguy cơ hiện hữu đang cận kề, bản thân các nước đồng minh của Mỹ cũng đã phải tự hiện đại hóa quân đội, nâng cấp và mua sắm vũ khí trang bị, trong đó có cả tàu ngầm, tàu chiến, phương tiện phòng không, máy bay và tên lửa hành trình.

 Trong quá trình nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống vũ khí, trang thiết bị, các nước đồng minh của Mỹ cũng đã tính tới khả năng trang bị các phương tiện, vũ khí tích hợp với vũ khí trang bị của Mỹ để có thể tác chiến hợp đồng, tạo cơ sở, nền móng cho một kết cấu đồng minh chặt chẽ hơn. Việc sở hữu vũ khí giống nhau đồng nghĩa với việc thúc đẩy quan hệ công nghiệp quốc phòng của Mỹ và các nước đồng minh phát triển và hợp pháp hóa. Quan hệ công nghiệp quốc phòng phát triển sẽ thúc đẩy thói quen hợp tác chung giữa Mỹ và các nước đồng minh phát triển theo. Đây là điểm then chốt trong xây dựng và củng cố quan hệ đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Hợp tác giữa các nước đồng minh châu Á với Mỹ là khẳng định cho đối phương biết rằng, động đến bất kỳ nước đồng minh nào cũng đồng nghĩa với việc thách thức các nước còn lại. Hoạt động này sẽ góp phần củng cố sự ổn định khu vực và đảm bảo xây dựng một khu vực không có vai trò bá chủ. Vì vậy, Mỹ cần sự hỗ trợ từ các nước đồng minh để dễ dàng can dự vào khu vực hoặc trong trường hợp xấu nhất, có thể kịp thời sử dụng vũ lực khi cần thiết để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của Mỹ và đồng minh trong khu vực.

Các nguyên tắc liên kết đồng minh

Một là, phải thay đổi mô hình đồng minh thời “Chiến tranh Lạnh” và áp dụng một mô hình cụ thể, chi tiết hơn. Đó là mạng lưới đồng minh và đối tác tạm thời. Các nước phải có đủ khả năng tự phòng vệ bằng cách tự tạo “vùng tranh chấp” dù cho Mỹ có thể hoặc không thể tham gia hỗ trợ.

Hai là, các nước đồng minh phải đảm bảo tự do hoạt động cho Mỹ trên tất cả các môi trường tác chiến, đặc biệt là trên tuyến đường biển nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, khi cần có thể kiểm soát hoàn toàn.

Ba là, các nước đồng minh phải hỗ trợ Mỹ triển khai lực lượng nhanh chóng và có hiệu quả khi có tình huống xảy ra.

Bốn là, chính phủ Mỹ phải thay đổi, cân nhắc xem liệu Mỹ có thể phát triển hay chuyển giao cho đồng minh loại vũ khí, công nghệ nào cho phù hợp.

Năm là, trước các đối thủ tiềm tàng sở hữu vũ khí hạt nhân, các nước đồng minh phải có phương án đối phó linh hoạt để tránh một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực có thể xảy ra.

Các tình huống chiến lược

Trong khi Mỹ và cộng đồng quốc tế đang chú ý tới những điểm nóng ở Trung Đông, Bắc Phi, Afghanistan thì Đài Loan (Trung Quốc) có thể là mục tiêu bị tấn công và Biển Đông bị khống chế, Mỹ và Nhật Bản sẽ mất đi vị thế vốn có của mình. Vì vậy, các nước cần hình thành một mạng lưới phản ứng cho dù việc đó không có hiệu quả đáng kể nhưng nó lại có giá trị tâm lý và chiến lược không nhỏ. Nếu tình huống này xảy ra thì đây sẽ là trận chiến không đối không đầu tiên của Mỹ sau “Chiến tranh Lạnh”.

Mỹ coi bán đảo Triều Tiên là một là nguy cơ tiềm ẩn cho nhiều nước, đặc biệt là Hàn Quốc. Do vậy, Hàn Quốc - Nhật Bản - Mỹ sẽ phối hợp tác chiến ngăn chặn tên lửa, phòng bị hạt nhân và thi hành cấm vận. Trong trường hợp này, quân đội các nước đồng minh cần phải tỏ rõ quan điểm về một bán đảo Triều Tiên thống nhất dưới sự lãnh đạo của Hàn Quốc.

Với tham vọng về lãnh hải, một số nước lớn đã tổ chức tập trận kết hợp giữa hải quân và không quân trên các vùng biển kéo dài bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và tới tận Eo biển Malacka. Hành động tập trận trên chứng tỏ, họ sẵn sàng sử dụng vũ lực để ép các nước thừa nhận “lợi ích cốt lõi” của họ trên Biển Đông. Vì thế, các nước cần phải được trang bị tàu nổi cỡ nhỏ, tàu ngầm mang tên lửa hành trình đối hạm.

Indonesia với hệ thống phòng thủ tên lửa trên tàu hiện đại mang tên Oswald Siahaan có thể thiết lập những khu vực tranh chấp không cho phép bất cứ thế lực đối địch nào xâm phạm. Các nhà nghiên cứu chiến lược của Mỹ cho rằng, Mỹ cần đẩy nhanh tiến trình cung cấp vũ khí cho Indonesia và các nước trong khu vực có nhu cầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên