Lá phổi ngoại binh

Chúng tôi có cuộc nói chuyện với HLV Lê Huỳnh Đức sau khi cuộc thư hùng SHB.Đà Nẵng - Sài Gòn Xuân Thành kết thúc được 2 ngày.

Dù rất vui mừng với thành tích hiện tại (kém đội đầu bảng Hà Nội T&T 1 điểm và thi đấu ít hơn 1 trận) song vị tướng trẻ vẫn không giấu được sự lo âu với chấn thương của tiền đạo chủ lực người Argentina. “Việc thiếu vắng tiền đạo G.Merlo khiến tham vọng vô địch của chúng tôi đang gặp những thách thức nghiêm trọng” - Lê Huỳnh Đức than thở.

Với đội hình “toàn sao” hiện có, thật khó tin khi thiếu vắng một tiền đạo, tham vọng vô địch của “đội bóng áo cam” lại được chính “người trong cuộc” đặt dấu hỏi lớn. ấy vậy nhưng một thực tế không thể phủ nhận là sân chơi bóng đá cao nhất quốc gia đã và đang tiếp tục tồn tại sự thật hiển nhiên: hầu hết các CLB đều đang “thở” bằng phổi ngoại binh. Với sự vượt trội về thể hình, thể lực và phần nào là kỹ thuật, những ông “Tây đen”, “Tây trắng” đang trở thành niềm hy vọng của không ít ông thầy trên băng ghế huấn luyện viên.

Không chỉ SHB.Đà Nẵng thăng hoa với phong độ chói sáng của Merlo, ở xứ Thanh, Triệu Quang Hà cũng luôn giành một suất đá chính cho tiền đạo da màu Sunday. Tình trạng tương tự đang diễn ra với Sài Gòn Xuân Thành: “bộ ba” Antonio - Kesley Huỳnh Alves - Nsi bao giờ cũng có tên trong đội hình xuất phát. Cần nói thêm là trước thời Trần Tiền Đại, HLV tiền nhiệm của đội bóng Sài thành là Lư Đình Tuấn cũng không có sự lựa chọn nào khác. Vài ba mùa giải trước, chuyện một cá nhân “kéo” cả một đội bóng đã từng xảy ra như trường hợp Hòa Phát Hà Nội quá “lụy” Das Silva (năm 2007), hay Thể Công khoán trắng việc ghi bàn cho Francois Endene (năm 2009). Chưa hết, 2 năm qua, Vicem Hải Phòng chẳng còn là chính mình khi Leandro “tung cánh” tìm bến đậu mới... Không còn nghi ngờ gì nữa, hội chứng quá phụ thuộc “Tây” đã và đang là câu chuyện không của riêng ai.

Lần giở lịch sử SHB. Đà Nẵng ở sân chơi cao nhất quốc nội, ai cũng có thể nhận ra: đây không phải lần đầu tiên, mọi đường phát động tấn công của đội bóng bên bờ sông Hàn đều hướng đến vị trí của một chân sút “ngoại nhập”: những năm 2007-2008, một mình Almeida đoạt danh hiệu vua phá lưới 2 năm liên tiếp; từ năm 2009 trở lại đây, người thay thế Almeida là G.Merlo còn xuất sắc hơn với 3 lần đăng quang (2009-2010-2011) và hiện G.Merlo vẫn đang dẫn đầu danh sách “dội bom” ở V.League 2012.

Chuyện một đội bóng “thở” qua lá phổi ngoại binh đương nhiên không hoàn toàn mang lại màu hồng và niềm vui, nụ cười chiến thắng. Giải chuyên nghiệp nước nhà từng ghi nhận không ít trái đắng khi một tập thể “dựa dẫm, ỷ lại” quá nhiều vào một chân sút. Mùa giải 2007, bóng đá Thanh Hoá bay bổng khi có thủ thành gốc Ukraina Mykola nhưng 2 năm sau đó (2009), Mikola vượt đèo Ba Dội theo tiếng gọi của đồng tiền (đến Ninh Bình) thì đội bóng xứ Thanh trở thành một trong những CLB có hàng phòng thủ kém nhất. Cũng trong năm 2009, câu chuyện buồn ở xứ Thanh lại tái diễn với người Đồng Tháp khi “bò mộng” Timothy dính án kỷ luật do phản ứng thái quá với trọng tài Dương Văn Hiền (vòng 15, V.League 2009)…

Việc các ngoại binh có vai trò không thể thay thế ở các đội bóng phản ánh sự thực: cuộc khủng hoảng tiền đạo nội hiện là bài toán chưa có lời giải. Chưa nói đến, hệ quả buồn từ chuyện “khoán” việc ghi bàn cho lực lượng cầu thủ “Tây” một ngày kia sẽ là mầm mống cho nạn “kiêu binh” mà bài học từ Agostinho với đội bóng cao nguyên (2009) và Das Silva với Hòa Phát Hà Nội (2007) vẫn chưa hề cũ: cả hai anh này đều đóng góp rất lớn cho đội nhà song đều tự đặt ra những yêu sách vượt quá sức chịu đựng của các “ông chủ”, buộc họ phải khai đao “trảm công thần”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên