Mạng sống của thường dân Syria tiếp tục bị tước đoạt

Chia rẽ của cộng đồng quốc tế tiếp tục là rào cản lớn nhất đối với hy vọng hoà bình tại Syria.

Cuộc xung đột đẫm máu kéo dài một năm rưỡi qua tại Syria vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy có thể sẽ sớm chấm dứt. Ngược lại, chiến sự đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng trở nên đẫm máu hơn. Mạng sống của những người dân vô tội tiếp tục bị tước đoạt trước sự bất lực của cộng đồng quốc tế, làm lu mờ các nỗ lực ngoại giao mà nhiều bên đang theo đuổi.

Ngôi mộ tập thể dành cho các nạn nhân trong vụ thảm sát ở thị trấn Daraya (Ảnh: Reuters)

Truyền hình Nhà nước Syria ngày 26/8 công bố những hình ảnh khiến nhiều người phải rùng mình về hậu quả thảm khốc mới nhất mà chiến sự để lại tại thị trấn Daraya, phía tây nam Thủ đô Damascus. Những thi thể của nhiều dân thường, gồm cả phụ nữ và trẻ em, nằm rải rác ở nhiều nơi trong thị trấn vừa được quân đội Chính phủ Syria giải phóng khỏi sự chiếm giữ của phe nổi dậy. Kênh Truyền hình quốc tế Syria khẳng định, những gì vừa xảy ra tại Daraya là một cuộc thảm sát dã man, một bằng chứng không thể chối cãi về những tội ác mà các nhóm khủng bố vũ trang gây ra.

Một số nguồn tin cho biết, hơn 300 thi thể đã được tìm thấy tại Daraya. Đây là vụ thảm sát kinh hoàng nhất tại Syria kể từ khi chiến sự bùng phát cách đây gần 1 năm rưỡi. Nhiều người dân Daraya, những nhân chứng và cũng là nạn nhân của vụ thảm sát, khẳng định, những kẻ vũ trang mạo danh là quân đội Syria đã gây ra tội ác này.

 “Đã 3 ngày rồi, tôi không dám ra khỏi nhà. Chúng tôi đang náu dưới tầng hầm thì chúng tới. Chúng nói với chúng tôi rằng, giao tranh đang diễn ra và quân đội đang ở đây. Khi chúng nói quân đội đang ở đây, tôi đã rất mừng. Nhưng ngay sau đó, chúng lột hết giấy tờ của chúng tôi và bắt chúng tôi đứng úp mặt vào tường. Những người phụ nữ bắt đầu kêu khóc. Đến khi ra khỏi tầng hầm toà nhà, chúng tôi thấy rất nhiều xác chết xung quanh. Hiện nay, tôi cũng không biết vợ và con tôi ở đâu”, một nhân chứng nói.

Trong khi đó, giao tranh ác liệt giữa quân đội Chính phủ và phe nổi dậy tiếp tục nổ ra tại nhiều khu vực khác nhau, trong đó có thủ đô Damascus và thành phố chiến lược Aleppo. Làn sóng người Syria chạy nạn sang các nước láng giềng cũng tăng lên hàng ngày.

Theo các thống kê mới nhất, hơn 200.000 người Syria đã vượt biên giới sang các nước láng giềng tỵ nạn, cao hơn mức 185.000 người mà Liên Hợp Quốc dự đoán trước đó về số người tỵ nạn Syria sẽ chạy ra nước ngoài trong năm 2012 này.

Người tỵ nạn Syria ồ ạt đổ về đã khiến nhiều khu trại tỵ nạn tại các quốc gia láng giềng rơi vào tình trạng quá tải. Từ nhiều ngày qua, nhà chức trách Thổ Nhỹ Kỳ đã phải áp dụng biện pháp hạn chế số người chạy nạn qua biên giới nước này do các khu trại tỵ nạn đã vượt khả năng tiếp nhận. Hàng ngàn người Syria bị mắc kẹt tại khu vực biên giới với Thổ Nhỹ Kỳ và cuộc sống của họ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Một người tỵ nạn Syria đang chờ giấy phép vào Thổ Nhỹ Kỳ từ nhiều ngày qua cho biết: “Tôi và gia đình chờ ở đây đã 7 ngày rồi. Ngày nào họ cũng nói là “ngày mai” sẽ cho chúng tôi qua biên giới. Nước uống chỉ có rất ít. Nhà vệ sinh thì cách xa tới hơn 200m. Những người chờ chực như chúng tôi đang xếp hàng dài và ngày một nhiều hơn, trong khi lượng bánh mỳ mà chúng tôi có được ngày một ít đi”.    

Một số tổ chức nhân đạo khu vực và quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra thảm hoạ nhân đạo nghiêm trọng tại Syria cũng các khu trại tỵ nạn ở các nước láng giềng trong thời gian tới. Cuộc sống và mạng sống của người dân Syria đang bị đe dọa, là điều mà cả thế giới nhìn thấy rõ. Thế nhưng, một giải pháp khả thi giúp mang lại hy vọng sớm chấm dứt thảm cảnh cho những người dân vô tội Syria vẫn chưa định hình. Chia rẽ trong quan điểm và cách tiếp cận vấn đề của những thế lực quốc tế có vai trò và ảnh hưởng, tiếp tục là rào cản lớn nhất đối với hy vọng tái lập hoà bình tại Syria./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên