Chiến lược gia diều hâu hàng đầu của Mỹ: Cố vấn Brzezinski

VOV.VN - Tiến sĩ Brzezinski là nhà lý luận đối ngoại và chiến lược nổi bật của Mỹ, từng góp phần định hình chính sách ngoại giao của Mỹ cuối thập niên 1970.

Zbigniew Brzezinski, nhà lý luận chiến lược diều hâu nổi tiếng của Mỹ, vừa mới qua đời ở tuổi 89 tại bang Virginia của nước này.

Ông Brzezinski, người gốc Ba Lan, từng làm cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Mỹ Jimmy Carter vào cuối thập niên 1970, khi nước Mỹ đối mặt với cuộc khủng hoảng con tin bị giam giữ ở Iran và việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan.

Zbigniew Brzezinski năm 1987. Ảnh: LIFE.

Cả Brzezinski và người tiền nhiệm Henry A. Kissinger đều là các học giả sinh ra ở ngoài lãnh thổ Mỹ. Brzezinski sinh ra ở Ba Lan còn Kissinger chào đời ở Đức.

Brzezinski tốt nghiệp Đại học McGill ở Montreal năm 1949 và nhận bằng thạc sĩ cũng ở đó vào năm 1950. Sau đó ông lấy bằng tiến sĩ chính trị học ở Havard và làm giảng viên tại ngôi trường này.

Brzezinski có tầm ảnh hưởng đáng kể trong các vấn đề toàn cầu, cả trước và sau nhiệm kỳ của ông tại Nhà Trắng. Thông qua các bài luận, phỏng vấn và buổi xuất hiện trên truyền hình, ông đã thể hiện cái nhìn sâu sắc đối với 6 chính quyền Mỹ kế tiếp nhau, kể cả chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump.

Về danh nghĩa, Brzezinski là một đảng viên Dân chủ. Trên tinh thần này, ông đã nói khá thẳng về sự bất bình đẳng trong hệ thống Mỹ. Ông cũng là một trong số ít các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo và phản đối việc Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003.

Tuy nhiên có ít nhất một khía cạnh đã xếp ông vào chung hàng ngũ với phe Cộng hòa, trong đó có những nhân vật khét tiếng như Kissinger và Tổng thống Richard M. Nixon, đó là sự hận thù không lay chuyển nhằm vào Liên Xô. Trong thời kỳ 4 năm ông ta phục vụ cho Tổng thống Carter, bắt đầu từ năm 1977, việc ngăn chặn Liên Xô mở rộng ảnh hưởng bằng bất cứ giá nào đã trở thành kim chỉ nam cho phần lớn chính sách đối ngoại của Mỹ.

Cụ thể, Brzezinski đã hỗ trợ hàng tỷ USD cho các chiến binh Hồi giáo chiến đấu chống lại quân đội Xô viết ở Afghanistan. Ông còn kín đáo bật đèn xanh cho một cường quốc Đông Bắc Á tiếp tục hậu thuẫn cho chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia.

Không những vậy, Brzezinski còn cố gắng trì hoãn việc thực thi hiệp ước SALT II (về cắt giảm vũ khí chiến lược) vào năm 1979, bằng việc đưa ra các phản đối nhằm vào các động thái của Liên Xô ở Việt Nam, châu Phi và Cuba. Khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan cuối năm đó, “SALT đã biến mất khỏi chương trình nghị sự Mỹ-Xô” như những gì ông viết trong hồi ký 4 năm sau đó.

Brzezinski có gốc gác quý tộc Ba Lan và là một nhân vật hà khắc, đầy vẻ hăm dọa, với cặp mắt nhìn xoáy sâu và chất giọng Ba Lan đặc sệt. Washington sớm nhận ra Brzezinski cũng là một người đầy tham vọng, không ngại va chạm để đạt mục đích. Ông ta giỏi giành sự chú ý và bài xích người phát ngôn chính thức về chính sách đối ngoại – Ngoại trưởng Cyrus R. Vance. Brzezinski đã khơi mào các xung đột với hệ quả là ông Vance phải từ chức.

Trong khi Ngoại trưởng Vance nhất trí với chính sách của Nixon và Kissinger về thế cân bằng quyền lực giữa bộ ba Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô thì Brzezinski lại khinh bỉ coi đó là trò “đu dây”. Thay vào đó, ông ta cổ xúy cái mà ông gọi là “việc làm xấu đi ở cấp chiến lược” quan hệ với Moscow và tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.

Chơi với Trung Quốc

Brzezinski đã liên tục tác động lên Tổng thống Carter để được phép sang Bắc Kinh vào tháng 5/1978, bất chấp sự phản đối của Bộ Ngoại giao Mỹ. Sang Bắc Kinh, ông khởi động đàm phán dẫn tới việc khôi phục quan hệ ngoại giao bình thường giữa Mỹ và Trung Quốc 7 tháng sau đó.

Cố vấn Zbigniew Brzezinski và Tổng thống Jimmy Carter trong một buổi tiếp đại diện Trung Quốc vào năm 1977. Ảnh: AP.

Ngay sau chuyến đi trên, Brzezinski đã đăng đàn chỉ trích Liên Xô một cách cay nghiệt.

Brzezinski cũng là nhân vật chủ đạo đằng sau cuộc đột kích bằng đặc nhiệm để giải cứu các con tin Mỹ bị lực lượng của giáo chủ Iran Ruhollah Khomeini bắt giữ sau Cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran 1979 lật đổ Quốc vương Mohammed Reza Pahlavi do Mỹ hậu thuẫn.

Cuộc giải cứu trở thành một thảm họa vào tháng 4/1980 với 8 người thiệt mạng và nhóm giải cứu đã không tới nổi Tehran. Ngoại trưởng Vance không hề được thông báo cho tới vài ngày trước đó. Giọt nước tràn ly, ông Vance đã từ chức trong sự tức giận và ngỡ ngàng.

Lý do Brzezinski ủng hộ cuộc giải cứu nằm sâu trong mối bận tâm của ông ta về ảnh hưởng của Liên Xô. Brzezinski lập luận rằng việc cố công dùng lệnh trừng phạt hoặc biện pháp ngoại giao để buộc Iran thả con tin sẽ chỉ khiến “Iran ngả về Liên Xô”. Tuy nhiên nhiều người khi đó nghĩ khả năng này không cao do tính chất Hồi giáo cấp tiến của nhóm tăng lữ kiểm soát Iran khi đó.

Brzezinski còn tính toán rằng, nếu chiến dịch giải cứu thành công thì điều này sẽ tạo ra sự khích lệ lớn cho Mỹ vào hoàn cảnh lúc đó, khi Mỹ đã vướng vào “bãi lầy” Chiến tranh Việt Nam trong suốt 20 năm.

Thực sự thì Brzezinski đã bị ám ảnh quá mức về cái gọi là sự bành trướng của Liên Xô. Chính trong giới đối ngoại Mỹ lúc đó có nhiều người đi theo quan điểm “hòa hoãn”, coi đây là tiến trình tốt nhất trong quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô để giảm căng thẳng địa chính trị giữa đôi bên.

Tư tưởng bất nhất?

Brzezinski không phải lúc nào cũng nhất quán trong quan điểm chính trị của mình. Khi được bổ nhiệm về Ủy ban Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 1966, ông ta luôn hùng hổ bảo vệ việc Mỹ can dự vào xung đột Việt Nam. Năm 1968, sau một loạt cuộc biểu tình bạo lực phản chiến ở Columbia và những nơi khác, ông viết trên tờ The New Republic rằng các sinh viên (tham gia biểu tình) cần bị xét xử.

Ông viết: “Nếu đám lãnh đạo sinh viên đó không bị thanh toán thì ít nhất cũng phải bị đuổi khỏi đất nước này”.

Tuy nhiên cùng năm đó, ông lại rút lui khỏi Ủy ban Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ để phản đối việc mở rộng sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến ở Đông Dương dưới thời Tổng thống Lyndon B. Johnson.

Và rồi sau đó, ông lại làm cố vấn chính sách đối ngoại cho Phó Tổng thống Hubert H. Humphrey, người bảo vệ việc mở rộng sự can thiệp này!

Ganh đua tầm ảnh hưởng

Ngay từ đầu nhiệm kỳ làm cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Carter, ông Brzezinski đã thích đấu đá. Ông giành cho mình độc quyền cung cấp thông tin tình báo hàng ngày cho Tổng thống mà trước đó vốn là đặc quyền của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Brzezinski còn thường xuyên gọi cánh báo chí tới văn phòng mình để ông tự trình bày quan điểm về nhiều vấn đề trước sự khó chịu của Ngoại trưởng Vance.

Nếu có phóng viên nào dám vặn lại quan điểm của Brzezinski, ông ta sẽ dằn mặt phóng viên đó ngay. Ông từng nói thẳng thừng với một phóng viên như thế này: “Tôi sẽ cắt đầu anh”.

Ông Brzezinski thăm một tiền đồn của quân đội Pakistan, gần biên giới với Afghanistan. Ảnh: Bettmann.

Trong đời, Brzezinski viết khá nhiều sách. Trong hồi ký năm 1983, ông ta nhớ lại một loạt các mục tiêu chính sách nằm ngoài việc kiềm chế Liên Xô.

Ông viết: Điều quan trọng đầu tiên là cố gắng gia tăng ảnh hưởng ý thức hệ của Mỹ lên toàn thế giới, để Mỹ trở thành người mang hy vọng của loài người, trở thành “làn sóng của tương lai”.

Ông cũng có nói rằng mình nhắm tới việc khôi phục sự hấp dẫn của nước Mỹ đối với thế giới đang phát triển thông qua các mối quan hệ kinh tế tốt đẹp hơn. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận luôn là mình đã tập trung quá nhiều vào các nước mà ông cảm thấy bị “đe dọa” bởi Liên Xô và Cuba.

Liên quan đến việc Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003, Brzezinski khi đó đã phản đối và dự báo rằng “một nước Mỹ tự ý hành động” sẽ “trở nên cô độc khi phải đương đầu với các chi phí và gáng nặng do hậu quả chiến tranh, chưa nói tới sự thù địch ngày càng gia tăng ở nước ngoài”.

Trong một cuốn sách năm 2007, Brzezinski đánh giá hậu quả của Chiến tranh Iraq 2003 và chỉ trích các chính quyền của các vị Tổng thống kế tiếp là George Bush, Bill Clinton và George W. Bush là đã không biết tận dụng cơ hội để Mỹ lãnh đạo từ thời khắc Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989. Ông coi những gì mà Tổng thống Bush con đã làm là “thảm họa”. Trong đợt bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008, ông đã nhiệt thành ủng hộ ứng viên Barack Obama.

Bốn năm sau, Brzezinski một lần nữa đánh giá vị thế toàn cầu của Mỹ trong tác phẩm “Tầm nhìn Chiến lược: Nước Mỹ và Cuộc khủng hoàng Quyền lực Toàn cầu”. Ở đây, ông lập luận rằng việc duy trì sức mạnh Mỹ ở nước ngoài đóng vai trò thiết yếu đối với ổn định toàn cầu nhưng điều đó lại phụ thuộc vào khả năng của quốc gia này trong việc nuôi dưỡng “đồng thuận xã hội và ổn định dân chủ” trong nước.

Điều quan trọng để đạt được các mục tiêu này, ông viết, là phải thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa những người giàu nhất và những người còn lại, tái cấu trúc hệ thống tài chính để hệ thống này không còn chủ yếu mang lại lợi ích cho “những kẻ đầu cơ tham lam ở Phố Wall”, và phải phản ứng có trách nhiệm với biến đổi khí hậu.

Đến khi trên 80 tuổi, Brzezinski vẫn tích cực hoạt động với tư cách là giảng viên, tác gia, và tư vấn viên. Ông làm giáo sư về chính sách đối ngoại tại Đại học Johns Hopkins, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế và là một chuyên gia bình luận cho các hãng truyền thông PBS và ABC News.

Nói ngắn gọn, Brzezinski là một người có những quan điểm mạnh và vô cùng háo hức muốn chia sẻ các quan điểm đó.

Có lần, vào năm 1994, ông đề xuất một chương trình mang phong cách “giải giáp vũ trang” để giải quyết vấn đề hòa trong trận chung kết World Cup bóng đá.

Ông viết cho biên tập viên thể thao của tờ The Times: “Trong trường hợp hòa, hai bên sẽ bị buộc phải loại bỏ 2 hậu vệ và mỗi đội sẽ chỉ còn 9 người. Điều này tăng xác suất ghi bàn và hướng tới lối chơi tấn công. Nếu chơi 10 phút mà không có chiến thắng, trận đấu sẽ tiếp tục với việc mỗi đội mất 4 cầu thủ chuyên về phòng ngự”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kỹ thuật đảo chính của tình báo Mỹ tại Iran
Kỹ thuật đảo chính của tình báo Mỹ tại Iran

VOV.VN - Lịch sử quốc gia Tây Á này có lẽ đã sang một ngả khác nếu không có sự can thiệp sắc lẹm của CIA vào mùa thu năm 1953.

Kỹ thuật đảo chính của tình báo Mỹ tại Iran

Kỹ thuật đảo chính của tình báo Mỹ tại Iran

VOV.VN - Lịch sử quốc gia Tây Á này có lẽ đã sang một ngả khác nếu không có sự can thiệp sắc lẹm của CIA vào mùa thu năm 1953.

Bài học xương máu từ chế độ diệt chủng Pol Pot - Khmer Đỏ
Bài học xương máu từ chế độ diệt chủng Pol Pot - Khmer Đỏ

VOV.VN - Tập đoàn Pol Pot khéo che giấu bản chất trong thời gian dài, cố gắng lợi dụng niềm tin và sự trợ giúp chí tình của Việt Nam.

Bài học xương máu từ chế độ diệt chủng Pol Pot - Khmer Đỏ

Bài học xương máu từ chế độ diệt chủng Pol Pot - Khmer Đỏ

VOV.VN - Tập đoàn Pol Pot khéo che giấu bản chất trong thời gian dài, cố gắng lợi dụng niềm tin và sự trợ giúp chí tình của Việt Nam.

Kịch bản quốc tế nếu Liên Xô không tan rã
Kịch bản quốc tế nếu Liên Xô không tan rã

VOV.VN - Tiến sĩ Papadopoulos của tạp chí Anh khẳng định: sau khi Liên Xô tan rã, thế giới liên tục bất ổn và trở nên nguy hiểm vì thiếu vắng Liên Xô.

Kịch bản quốc tế nếu Liên Xô không tan rã

Kịch bản quốc tế nếu Liên Xô không tan rã

VOV.VN - Tiến sĩ Papadopoulos của tạp chí Anh khẳng định: sau khi Liên Xô tan rã, thế giới liên tục bất ổn và trở nên nguy hiểm vì thiếu vắng Liên Xô.

“Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc là gì?
“Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc là gì?

VOV.VN - Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là một dự án khổng lồ đầy tham vọng, hứa hẹn mang lại lợi ích cho nhiều nước nếu thành công.

“Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc là gì?

“Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc là gì?

VOV.VN - Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là một dự án khổng lồ đầy tham vọng, hứa hẹn mang lại lợi ích cho nhiều nước nếu thành công.

Hậu khủng bố 11/9: Mỹ “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”
Hậu khủng bố 11/9: Mỹ “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”

VOV.VN - Câu chuyện phong trào Hồi giáo tàn bạo IS không hoàn toàn là sự phát triển ngẫu nhiên của lịch sử.

Hậu khủng bố 11/9: Mỹ “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”

Hậu khủng bố 11/9: Mỹ “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”

VOV.VN - Câu chuyện phong trào Hồi giáo tàn bạo IS không hoàn toàn là sự phát triển ngẫu nhiên của lịch sử.