Công nghiệp hỗ trợ trong nước có nguy cơ “mất sân”

Nhiều chuyên gia cảnh báo, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước nếu không vươn lên mạnh, có nguy cơ phải nhường sân chơi cho các doanh nghiệp trong khu vực.  

Chiều 23/5, tại Hà Nội, Công ty TNHH Reed Tradex (Thái Lan) chủ trì Hội thảo “Cơ hội và Thách thức trong phát triển Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, hướng tới Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC)”. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Chương trình Khảo sát doanh nghiệp 2012 thuộc chuỗi các hoạt động kết nối của METALEX và NEPCON Vietnam 2012 sẽ được tổ chức vào tháng 10/2012 tại TP HCM và Vietnam Manufacturing Expo 2013, là các triển lãm tập hợp công nghệ, máy móc và hội thảo dành cho ngành công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, tại Hà Nội.

Ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Ông Duangdej Yuakiwarmdee, Phó Giám đốc điều hành công ty Reed Tradex cho biết, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cho các nhà công nghiệp trên khắp Việt Nam về việc làm thế nào để duy trì khả năng cạnh tranh và phát triển trong Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN vào năm 2015.

Trên cơ sở các dự báo và phân tích tổng quan về công nghiệp, Reed Tradex đã nhận thấy vai trò ngày càng quan trọng của các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có rất nhiều cơ hội phát triển. Đặc biệt, các công ty nước ngoài lớn đã thiết lập các nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam và các công ty này rất kỳ vọng sẽ có nhiều các nhà cung cấp phụ tùng trong nước hơn nữa để có thể cắt giảm chi phí vận chuyển và rủi ro.

Khi Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN hiện thực hóa vào năm 2015, việc trao đổi máy móc, công nghệ, tri thức và các sản phẩm khác trở nên dễ dàng hơn nhiều so với trước đây. Một mặt, việc gia nhập này sẽ giúp đẩy nhanh sự phát triển của khu vực công nghiệp và thương mại nhưng mặt khác cũng phải tự cải thiện bản thân để bắt kịp với sự cạnh tranh ngày càng tăng của các quốc gia trong khu vực bằng năng lực sản xuất đầy hứa hẹn.

“Diễn đàn này và các triễn lãm liên quan tại Việt Nam sẽ đóng góp cho năng suất công nghiệp và sự chuẩn bị cần thiết để đối mặt với những thách thức tới đây khi hiện thực hóa AEC”- ông Duangdej Yuakiwarmdee khẳng định.

Ông Hoàng Thái An, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện cho biết: “Việt Nam là một trong những ngôi sao sáng nhất trong các quốc gia Đông Nam Á xét về tốc độ phát triển kinh tế và ổn định chính trị. Chính phủ luôn có những hỗ trợ có ý nghĩa cho khu vực công nghiệp là một trong những khu vực thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất. Tuy nhiên, các nhân tố cần thiết như là phát triển sản phẩm, đào tạo nhân lực nên được chú trọng vì đây sẽ là lực lượng giúp các ngành công nghiệp chế tạo phát triển ngày càng vững mạnh hơn nữa với năng suất cao hơn cũng như khả năng cạnh tranh đáng ngạc nhiên”.

Đối mặt với những thách thức đang ngày càng gia tăng trên thế giới, cộng đồng chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng, từng bước chuyển dịch các thiết bị từ thiết bị sử dụng nhiều lao động, các nhà công nghiệp phải tìm kiếm các giải pháp đáp ứng môi trường ngày càng thay đổi. Với nhiều hơn nữa các dự án đầu tư vào ngành điện tử đang đổ dồn vào Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội.

Chương trình khảo sát thị trường, một sự kiện giống như hôm nay sẽ là cơ hội tiềm năng để mở rộng hợp tác, xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực công nghệ và khoa học trong tiến trình hội nhập quốc tế vào thị trường toàn cầu.

Mặc dù Hà Nội đang được coi là trung tâm công nghiệp hàng đầu cả nước, nhưng trước những thách thức hiện tại và tương lai, bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thẳng thắn cảnh báo: “Các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước nếu không vươn lên mạnh mẽ, thì ngay tại Việt Nam các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước đang đứng trước nguy cơ phải nhường sân chơi cho các DN công nghiệp hỗ trợ đến từ các nước khác trong khu vực”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên