Muốn thành công, nghệ sĩ trước hết phải biết tự quảng bá bản thân

VOV.VN - Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chỉ ra những hướng đi cần có để phát triển ngành Công nghiệp Văn hoá Việt Nam.

Thưa PSG.TS Bùi Hoài Sơn, trong cuộc trao đổi lần trước ông có nhắc đến chi tiết: Nếu phát triển đúng hướng, Công nghiệp Văn hoá (CNVH) có thể trở thành quyền lực mềm của Việt Nam trên trường quốc tế. Vậy xét tổng thể trong những giá trị văn hóa cả truyền thống lẫn hiện đại của nước ta, ông thấy ngành nghề gì, lĩnh vực gì là thế mạnh, có yếu tố đặc sắc, lạ, chưa từng có trên thế giới, có thể biến nó thành lợi thế cạnh tranh của CNVH Việt Nam?

- Câu hỏi rất hay! Đúng là khi xây dựng chiến lược CNVH, chính phủ các quốc gia phải tính đến yếu tố lợi thế cạnh tranh. Mà lợi thế cạnh tranh chỉ có thể tạo ra từ sự khác biệt. Chúng ta cần cân nhắc xem mình có thể làm hay hơn nước khác không.

Ở châu Á, nói đến âm nhạc, thời trang và vũ đạo bây giờ thì chúng ta phải nhắc đến Hàn Quốc. Các nghệ sỹ Hàn Quốc đã chinh phục được các thị trường âm nhạc khó tính nhất thế giới. Chúng ta biết, trên Youtube video clip Gangnam Style đang là clip được xem nhiều nhất (2,6 tỷ lượt xem).

Nói đến khai thác các giá trị văn hoá truyền thống thì đó là Nhật Bản, họ có trà đạo, kiếm đạo, nghệ thuật gấp giấy truyền thống, nghệ thuật cắm hoa (Ikebana)...

Xét trở lại Việt Nam, trên thực tế các ngành CNVH của chúng ta ngành nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Với tư cách là một nhà nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này, tôi thấy Việt Nam có một số ngành có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chúng ta ở tầm thế giới.

Cái đầu tiên tôi đánh giá cao là ẩm thực Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam rất phong phú, đa dạng, cũng tạo dựng được uy tín và thương hiệu nhất định trên thế giới.

Khi người ta nói về Việt Nam, người ta nói về rất nhiều về các món ăn như phở, nem rán, nem cuốn, bún chả… Chúng ta cũng đã có những chiến lược để quảng bá ẩm thực rồi.

Một số nhân vật nổi tiếng và phương tiện truyền thông quốc tế khi gắn với hình ảnh các món ăn Việt thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, như bún chả Obama, nem rán CNN... Một mặt, đó cũng đã là một hình thức quảng bá cho ẩm thực Việt Nam, mặt khác, là do bản thân sự hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam đã khiến các nhân vật nổi tiếng và truyền thông thế giới để ý tới.

Du lịch văn hoá Việt Nam cũng có những giá trị tốt: Chúng ta có bờ biển dài, đẹp, bãi cát trắng, hoang sơ; rồi hệ thống những hang động mới được tìm thấy… kết với với những giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội hay các phong tục đọc đáo chính là những lợi thế so sánh.

Thậm chí, những show truyền hình nổi tiếng nhất thế giới cũng đã đưa tin về hang Sơn Đoòng. Hollywood cũng đã có đoàn phim đến quay tại Ninh Bình.

Không chỉ khai thác tự nhiên, trí tuệ người Việt rất sáng tạo để tạo ra những phần mềm trên máy tính và smartphone. Trò chơi Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông gây bão trên các kho ứng dụng của Google và Apple là ví dụ cho thấy chúng ta có tiềm năng trong lĩnh vực này, bởi những con người rất thông minh, sáng tạo, khéo léo, trẻ tuổi, có đam mê hoài bão, thích nghi tốt với thị trường.

Nếu chính phủ có thể ra được những chính sách tập trung nguồn lực hỗ trợ những ngành vừa nêu, chúng ta sẽ có những thành tựu rất lớn trong tương lai.

Ông Bùi Hoài Sơn (áo trắng - giữa).

Bây giờ tôi muốn hỏi ông về những thành tố đi kèm hỗ trợ CNVH ví dụ như đội ngũ Marketing, quảng cáo, kĩ thuật viên, quay phim, thiết kế, chụp ảnh. Từ góc nhìn bản thân, ông thấy sự phát triển của đội ngũ này ở nước ta như thế nào?

- Bản thân tôi nhận thấy thế này: Tất cả những kiến thức bạn vừa nói đó phải tồn tại tích hợp ở trong mỗi một con người nghệ sỹ của CNVH, chứ không phải họa sĩ chỉ biết vẽ, ca sỹ chỉ biết hát hay nhạc sỹ chỉ sáng tác. Kỹ năng sáng tạo sản phẩm văn hoá chỉ là một trong các kỹ năng cần thiết của người nghệ sỹ trong thời đại mới ngày nay.

Để tôi kể cho bạn một câu chuyện như thế này. Một bạn học thạc sỹ piano ở Anh, khi sang Mỹ học lên tiến sỹ thì điều đầu tiên người Mỹ dạy bạn ấy là lập nên trang web của cá nhân mình, và quản trị nó.

Tôi kể ra câu chuyện ấy để thấy rằng, từ lâu rồi thế giới đã nhận thức được câu chuyện, người quảng bá tốt nhất cho sản phẩm của chúng ta phải là chính chúng ta chứ không phải ai khác.

Khi nghệ sĩ biết quảng bá bản thân, giao tiếp với công chúng để hoàn thiện tác phẩm nghệ thuật của mình, họ mới thực sự đang làm công nghiệp văn hóa.

Tất nhiên, ở những nền CNVH chuyên nghiệp thực sự họ có những đội ngũ marketing - quảng cáo riêng biệt có tay nghề để hỗ trợ các nghệ sỹ, nhưng đầu tiên, chính bản thân các nghệ sỹ phải hiểu biết về cách thức tiếp cận thị trường và là nhà tiếp thị đầu tiên cho sản phẩm của chính mình.

Người họa sĩ trong thời đại Internet, ngoài kỹ năng chuyên môn  phải có kiến thức về kinh doanh, kỹ năng bán sản phẩm, kỹ năng tiếp cận thị trường, hiểu biết thị hiếu công chúng. Tất cả những yếu tố đó phải cùng tồn tại trong một con người, tất nhiên không thể đòi hỏi kỹ năng nào cũng phải xuất sắc ngang nhau. Nhưng phải biết!

Từ hiểu biết đó, các nghệ sỹ mới có cơ hội phát triển nghề nghiệp của mình. Nếu làm được như vậy, chúng ta mới có khả năng tạo ra phát triển đột biến, vuợt bậc cho ngành CNVH ở Việt Nam.

Nhưng từ thực tế ở nước ta, tôi nghĩ rằng, để tới được ngày đó vẫn là một con đường dài. Thay đổi đầu tiên phải đến từ việc giáo dục trong các trường nghệ thuật. Các trường như Học viện Âm nhạc Quốc gia, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp... nên đưa thêm các môn học về kinh doanh vào chương trình giảng dạy.

Một số trường văn hóa mà tôi biết (như trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Hà Nội) thì người ta đã giảng dạy chuyên ngành Marketing riêng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho các em sinh viên, tuy nhiên đó chỉ là lý thuyết và công tác áp dụng cho thực tế vẫn có vấn đề.

Theo tôi, các chương trình học cần phải tạo ra những nghệ sĩ năng động hơn, có thể tiếp cận tốt hơn với thị trường, có kỹ năng đưa ngay các sản phẩm văn hóa nghệ thuật đến với công chúng. Thậm chí, những hiểu biết về luật pháp, quyền tác giả ở Việt Nam và thế giới cũng cần được học, vì chúng ta đang sống trong thế giới phẳng.

 

Một việc quan trọng nữa là chúng ta cũng phải biết cách tạo ra thương hiệu riêng cho mình, cho sản phẩm của mình và bảo vệ những sản phẩm đó. Khi người nghệ sĩ có thể sống bằng công việc sáng tạo của mình thì lúc đó họ mới chuyên tâm hơn vào việc tạo ra những tác phẩm có ích cho xã hội.

Nguồn thu từ việc kinh doanh các sản phẩm quay ngược trở lại sẽ giúp cho nghệ thuật phát triển hơn, tạo ra những sản phẩm giá trị hơn, không chỉ về mặt kinh tế thu về ngoại tệ cho đất nước, mà còn góp phần xây dựng sức mạnh mềm cho Việt Nam trên trường quốc tế.

Thưa ông, chúng ta đang sống trong bối cảnh mạng xã hội rất phát triển như Facebook, Youtube, Twitter, Instagram… Đó vừa là cơ hội vừa là thách thức với các nghệ sỹ trong việc quảng bá sản phẩm. Ông có nghĩ vậy không?

- Mạng xã hội, môi trường Internet là chủ lưu trong dòng chảy phát triển thế giới. Thậm chí, như bạn biết, Facebook còn đang có tham vọng phủ sóng wifi miễn phí toàn cầu qua vệ tinh cơ mà! Nói thế để thấy, và tôi lại phải nhấn mạnh rằng, việc khó nhất để phát triển một thế hệ các nghệ sỹ mới cho CNVH Việt Nam là làm sao kết hợp được tài năng sáng tạo, vốn văn hóa với công nghệ.

Bên cạnh đó, hạ tầng Internet cũng cần được nâng cao để bắt kịp xu thế về nội dung sáng tạo. Chúng ta biết là từ năm 1994, khi người Mỹ còn đang loay hoay với những chiếc băng VHS thì Hàn Quốc đã tiến hành đào núi lặn biển để mắc cáp Internet.

Và ngày nay thì Internet ở Hàn Quốc là một trong những hệ thống Internet nhanh nhất thế giới. Thậm chí, bạn đang ở dưới tàu điện ngầm sâu dưới đất vài trăm mét vẫn có thể có mạng 4G để xem phim trên thiết bị dị động như thường.

Thế thì, làm thế nào để Internet phát triển hơn nữa công việc kinh doanh, công việc nghệ thuật của các nghệ sỹ là mối quan tâm hàng đầu. Nó vừa là cơ hội lại vừa là thách thức.

Cơ hội khi giờ đây việc quảng bá sản phẩm chưa bao giờ dễ đến thế. Chỉ một cú vuốt trên facebook là cả thế giới sẽ biết sản phẩm của chúng ta. Nhưng thách thức đến từ việc đi tìm sự khác biệt trong những sản phẩm văn hoá. Phải đủ lạ, đủ mới để thu hút khán giả. Làm sao để vượt qua thách thức, đón bắt cơ hội là vấn đề then chốt trong việc phát triển CNVH ở Việt Nam.

Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Hoài Sơn về những chia sẻ!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Để tiềm năng văn hóa có thể trở thành nguồn lực kinh tế, chính trị
Để tiềm năng văn hóa có thể trở thành nguồn lực kinh tế, chính trị

VOV.VN- Ông Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), chia sẻ góc nhìn về thực trạng ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam.

Để tiềm năng văn hóa có thể trở thành nguồn lực kinh tế, chính trị

Để tiềm năng văn hóa có thể trở thành nguồn lực kinh tế, chính trị

VOV.VN- Ông Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), chia sẻ góc nhìn về thực trạng ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam.