Đối đầu Israel – Iran: Kịch bản khó lường

Israel mất kiên nhẫn trước các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại Iran không phát huy hiệu quả, trong khi Iran hùng hồn tuyên bố sẵn sàng xóa sổ Israel.

Trong cuộc gặp mới đây với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Leon Panetta, các nhà lãnh đạo Israel đã không che giấu được sự mất kiên nhẫn khi cho rằng, các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại Iran đã không phát huy hiệu quả. Cộng với những động thái gần đây của chính quyền Israel, dư luận có lý do để nghi ngờ một khả năng tấn công quân sự vào Iran.

Iran thử thành công tên lửa tầm ngắn Fateh 110 thế hệ thứ 4 với độ chính xác cao.

Mặc dù các chuyên gia phân tích dự báo, sẽ khó xảy ra khả năng này trong năm bầu cử Mỹ, nhưng mọi chuyện là không thể nói trước nếu như lại xảy ra “một giọt nước tràn ly” như vụ đánh bom xe chở khách ở Bungaria hồi giữa tháng 7 vừa qua. Như thế, câu chuyện Israel - Iran vẫn còn là một kịch bản khó lường.

Đầu tháng này, Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu đã gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta một thông điệp công khai và thẳng thắn rằng, đã sắp hết thời gian để quyết định có tấn công Iran hay không, và các chính sách của Mỹ nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Teheran hiện giờ cũng đã thất bại.

Để trấn an người đồng minh Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Leon Panetta nhấn mạnh, Mỹ sẽ không bao giờ cho phép chính quyền Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, lời trấn an này rõ ràng không đủ thuyết phục chính quyền của Thủ tướng Netanyahu.

Về phía Iran, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cũng vừa khẳng định lại tuyên bố sẵn sàng xóa sổ Israel nếu quốc gia Hồi giáo bị tấn công. Thậm chí, Phó tư lệnh Mohammad Hejazi còn khẳng định, chiến lược của Iran giờ đây là nếu cảm thấy các kẻ thù muốn gây nguy hiểm cho các lợi ích quốc gia và muốn quyết định làm như vậy, Iran sẽ hành động trước mà không đợi hành động của đối phương.

Để thể hiện quyết tâm này, trong diễn biến mới nhất, Iran thông báo đã thử thành công tên lửa tầm ngắn Fateh 110 thế hệ thứ 4 với độ chính xác cao, có khả năng tấn công các mục tiêu trên đất liền và trên biển.

Những động thái này của Iran dường như cho thấy một sự chuẩn bị sẵn sàng cho những cuộc chiến có thể xảy ra. Thậm chí, cuộc chiến ấy có thể do chính người Iran mở màn. Không phải vô căn cứ khi nói như vậy, trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đang liên tục gây sức ép bằng những biện pháp trừng phạt ngặt nghèo hơn, đánh vào rất nhiều “chân trụ” của Iran.

Mặc dù chính quyền Teheran đã lên tiếng phủ nhận những tác động của các biện pháp trừng phạt này, nhưng thực tế Iran đang phải gồng mình để chống cự một cách khó khăn.

Bởi thế mà trong một phát biểu của mình, Chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ của Iran đã phải thừa nhận, mối đe dọa lớn nhất đối với nước ông là một cuộc “chiến tranh mềm” nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Tướng Mohammad Ali Jafari cho rằng, Iran đang ở trong một “giai đoạn nhạy cảm và hiểm nghèo”, có thể hiểu là ám chỉ những biện pháp phi quân sự như cấm vận kinh tế, gián điệp và những vụ tấn công mạng máy tính. Như thế, trong trường hợp bị dồn ép tới đường cùng, Iran rất có thể sẽ “làm một việc gì đó”.

Còn ở thế đối đầu là Israel, như các chuyên gia phân tích, nước này sẽ thiệt hại rất nhiều khi chủ động tấn công Iran mà không có cái gật đầu của đồng minh Washington. Bên cạnh đó, xét về tiềm lực quốc phòng, giữa Iran và Ixraen chưa biết “mèo nào ngoạm mỉu nào”. Thế nhưng, không ai dám khẳng định một kịch bản chắc chắn rằng, Israel sẽ có thể ngậm bồ hòn ngồi quá lâu trên đống lửa như hiện nay.

Nhìn lại hồi cuối năm ngoái, khi những thông tin “giật mình” của Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) về chương trình hạt nhân của Iran bị rò rỉ ra bên ngoài. Lúc đó, Israel đã lập tức tuyên bố rằng sẽ có khả năng tấn công phủ đầu Iran mà không cần thông qua Mỹ. Hay như vụ đánh bom xe vào du khách Israel vào Bungaria hồi giữa tháng 7 vừa qua cũng đã là một nấc thang rất dài trong chuỗi căng thẳng Iran - Israel.

Rõ ràng, một khi những mối đe dọa trở nên quá hiện hữu và nguy hiểm, cộng với những giọt nước tràn xuất hiện ngày một nhiều, rất có thể, Israel sẽ buộc phải đối mặt với sự đánh đổi những lợi ích trước mắt và sự tồn tại của cả quốc gia. Nhất là khi, Iran liên tục đe dọa sẽ xóa sổ Israel trên bản đồ thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên