Quan hệ Mỹ- Ai Cập dưới thời ông Trump: Rạn nứt sẽ được hàn gắn?

VOV.VN - Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry ngày 27/2 đã có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Tillerson để thảo luận về một loạt vấn đề an ninh ở Trung Đông.

Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã khẳng định mối quan hệ đối tác với Ai Cập, đồng thời nhấn mạnh sẽ hỗ trợ Ai Cập vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay cả về kinh tế và an ninh.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry (trái) và người đồng cấp Mỹ Tillerson. Ảnh: Reuters

Về phần mình, Ngoại trưởng Ai Cập bày tỏ hi vọng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, bởi theo ông, đây là mối đe dọa chung của cả khu vực và quốc tế.

Hai ngoại trưởng cũng nhất trí những biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương trong giai đoạn mới.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai quan chức ngoại giao Mỹ và Ai Cập kể từ khi ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ hồi tháng 1 vừa qua.

Chuyến đi được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hai nước sau giai đoạn sóng gió dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Obama. Theo Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry, dù trải qua giai đoạn sóng gió, song Ai Cập vẫn luôn muốn củng cố mối quan hệ chiến lược với Mỹ.

“Chúng tôi chắc chắn mong muốn củng cố và tăng cường mối quan hệ Mỹ- Ai cập. Đây vẫn luôn là mục tiêu của chúng tôi. Ai Cập đang trong giai đoạn chuyển tiếp và chúng tôi vẫn đang trên con đường cải cách”, ông Shoukry nói.

Trước đó, phát biểu ngày hôm qua trong chuyến thăm ngắn tới Ai Cập, Người đứng đầu Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, Tướng Joseph Votel cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có kế hoạch nối lại các cuộc tập trận quân sự lớn với Ai Cập.

Theo ông Votel, mong muốn của Mỹ là đưa hợp tác quân sự với Ai Cập trở về quỹ đạo, coi đây là một phần quan trọng trong các mối quan hệ quân sự của Mỹ.  

Được tiến hành lần đầu tiên vào năm 1980, các cuộc tập trận quân sự chung hàng năm là một biểu tượng cho mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Ai Cập, đồng thời cho thấy ảnh hưởng của mối quan hệ này đối với khu vực. Cuộc tập trận năm 1990 đã huy động được sự tham gia của 70.000 binh sĩ đến từ 11 nước và là một trong những cuộc tập trận có quy mô lớn nhất khi đó.

Ai Cập từng một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Ðông và Bắc Phi. Tuy nhiên, mối quan hệ chiến lược giữa hai nước bị suy yếu dưới thời Tổng thống Mỹ Obama, với quyết định đóng băng các khoản hỗ trợ quân sự dành cho Ai Cập sau khi chính quyền của Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ.

Lệnh cấm của ông Obama đã khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Ai Cập trở nên xấu đi, đồng thời buộc Ai Cập phải thay đổi chiến lược, hướng sang các nước khác như Nga hay Pháp. Mặc dù viện trợ của Mỹ đã được khôi phục sau đó, song lại đi kèm với vô số những điều kiện.

Báo chí Ai Cập và khu vực nhận định, quan hệ Ai Cập- Mỹ sẽ “nồng ấm” trở lại dưới thời Tổng thống Trump và chuyến thăm Mỹ của Ngoại trưởng Shoukry có thể là điểm khởi đầu.

Bản thân Ai Cập cũng đang tìm cách khôi phục  các mối quan hệ với Mỹ về trước năm 2013, khi Ai Cập luôn nằm trong nhóm 5 nước ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ và nhận được khoản hỗ trợ quân sự hàng năm lên tới hơn 1 tỷ đôla của nước này.

Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry nói: “Chúng tôi kỳ vọng chính quyền Tổng thống Mỹ Trump sẽ khác với chính quyền của Tổng thống Obama. Điều này thể hiện rõ qua những phát biểu của tân Tổng thống Mỹ, trong đó xác định một tầm nhìn rõ ràng liên quan tới những điều kiện và thách thức ở Trung Đông. Và chúng ta có rất nhiều điểm chung trong những vấn đề liên quan tới làm thế nào để đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố hay khôi phục sự ổn định của khu vực”.

Trên thực tế, quan hệ Mỹ và Ai Cập cũng đã từng bước được hâm nóng trở lại  kể từ khi ông Trump chính thức bước chân vào Nhà trắng. Một số nguồn tin cho biết, sau chuyến thăm Mỹ của Ngoại trưởng Shoukry, dự kiến trong vài tháng tới, một phái đoàn gồm nhiều quan chức chính phủ Ai Cập sẽ lên đường sang Mỹ và có cuộc gặp với Tổng thống Trump.

Với nền tảng mối quan hệ đồng minh lâu đời, cũng như lập trường chung trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan, Mỹ và Ai cập đang đứng trước cơ hội lớn để khôi phục quan hệ.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những dấu hiệu cải thiện quan hệ mới đây không đồng nghĩa sẽ có sự cải thiện đáng kể về quy mô viện trợ quân sự của Mỹ trong "một sớm một chiều" dành cho đất nước Bắc Phi này. 

Hơn nữa, kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Ai Cập của Tổng thống Mỹ Trump có thể sẽ gặp thử thách tại Quốc hội khi mà nhiều nghị sĩ, trong đó có cả Đảng Cộng hòa đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ vấn đề này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ, Ai Cập hâm nóng quan hệ vì lợi ích song phương
Mỹ, Ai Cập hâm nóng quan hệ vì lợi ích song phương

VOV.VN - Tân Tổng thống Ai Cập hoan nghênh ủng hộ của Mỹ với chính phủ mới của mình.

Mỹ, Ai Cập hâm nóng quan hệ vì lợi ích song phương

Mỹ, Ai Cập hâm nóng quan hệ vì lợi ích song phương

VOV.VN - Tân Tổng thống Ai Cập hoan nghênh ủng hộ của Mỹ với chính phủ mới của mình.

Quan hệ Mỹ - Ai Cập: Gương vỡ khó lành
Quan hệ Mỹ - Ai Cập: Gương vỡ khó lành

VOV.VN - Đang xuất hiện nhiều phỏng đoán không rõ ràng về bản chất quan hệ giữa Mỹ và Ai Cập trong tương lai.

Quan hệ Mỹ - Ai Cập: Gương vỡ khó lành

Quan hệ Mỹ - Ai Cập: Gương vỡ khó lành

VOV.VN - Đang xuất hiện nhiều phỏng đoán không rõ ràng về bản chất quan hệ giữa Mỹ và Ai Cập trong tương lai.

Tương lai quan hệ Mỹ - Ai Cập thời hậu Mubarak
Tương lai quan hệ Mỹ - Ai Cập thời hậu Mubarak

Sau khi chính quyền của Tổng thống Mubarak sụp đổ, chính sách đối ngoại của Ai Cập với Mỹ đã có những điều chỉnh tinh tế.

Tương lai quan hệ Mỹ - Ai Cập thời hậu Mubarak

Tương lai quan hệ Mỹ - Ai Cập thời hậu Mubarak

Sau khi chính quyền của Tổng thống Mubarak sụp đổ, chính sách đối ngoại của Ai Cập với Mỹ đã có những điều chỉnh tinh tế.