Dạy học tích hợp: Khó nhất là đội ngũ giáo viên

VOV.VN -Để thực hiện dạy học tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông, khó khăn nhất là đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng ngay được với phương pháp mới.

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ GD-ĐT vừa công bố khẳng định việc đổi mới căn bản việc dạy và học trong nhà trường phổ thông, trong đó nhấn mạnh việc dạy tích hợp.

Cụ thể, ở cấp THCS sẽ có những môn tích hợp mới là Khoa học tự nhiên được phát triển chủ yếu từ môn Vật lý, Hóa học và Sinh học; Khoa học xã hội được phát triển chủ yếu từ môn Lịch sử và Địa lý.

Theo Bộ GD-ĐT, dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng... thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và cuộc sống. Điều này cũng giảm tải thời gian dạy và tránh chồng chéo kiến thức giữa các môn.

Giáo viên đã đáp ứng được dạy tích hợp?

Theo ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu: Đội ngũ giáo viên có thể chưa đáp ứng ngay được việc dạy tích hợp. Vấn đề đào tạo mới, đào tạo lại giáo viên cần có một quá trình. Tuy nhiên, để đáp ứng theo yêu cầu đặt ra, có thể sử dụng giáo viên liên môn. Bởi vì có giáo viên không cần đào tạo lại vẫn có thể dạy được. Rất nhiều giáo viên giỏi Toán vẫn có thể đồng thời giỏi tiếng Anh, nhiều giáo viên cùng một lúc có thể dạy được 3  môn.

Dạy học tích hợp đòi hỏi giáo viên vừa vững kiến thức, vừa giỏi phương pháp (Ảnh minh họa)

Ông Đỗ Văn Hán nói: “Bài toán đào tạo lại để phù hợp với cách dạy mới phải được đặt ra cho từng giáo viên, chứ không thể đặt chung vào tổng thể. Theo tôi, việc này ít nhất cũng phải một năm”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu nhấn mạnh, đổi mới giáo dục như đề án là đi từ “ngọn”. Các trường ĐH, CĐ sư phạm đào tạo chưa gắn với các trường phổ thông. Do đó, chính các trường sư phạm nên tranh thủ kinh nghiệm của các trường phổ thông để tính đến câu chuyện đào tạo lại giáo viên.

Đối với giáo dục địa phương, ông Đỗ Văn Hán thừa nhận có 2 khó khăn để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đó là đội ngũ giáo viên chưa thể đáp ứng ngay được; thứ hai là người quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu của điều kiện mới, chưa kể khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất.

“Trước hết, chúng tôi thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, đầu tiên là tất cả thầy cô giáo phải nghiên cứu chương trình, góp ý kiến cho Bộ và tự trang bị cho mình kiến thức. Trên cơ sở đó tính toán, đáp ứng được nhu cầu dạy và học hiện nay” – ông Đỗ Văn Hán nói.

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cũng khẳng định, khó nhất trong chương trình giáo dục phổ thông dạy học tích hợp là đội ngũ giáo viên. Hiện chúng ta đang dạy theo từng môn, do đó chuyển sang phương án một giáo viên dạy tích hợp sẽ rất khó khăn. Đối với Khoa học xã hội hay Khoa học tự nhiên thì điều này không phải dễ dàng.

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ dẫn chứng: “Trước đây ta chỉ đào tạo chuyên sâu. Ví dụ tôi chuyên dạy Vật lý, Sinh học hay Tin học thì nay một lúc tôi phải dạy cả 3 môn đó trong Khoa học tự nhiên, nhất là với cấp 2 thì chuyện đó không phải dễ dàng. Phải rất công phu, bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên thì chúng ta mới có thể làm được”.

Như thế nào là dạy tích hợp?

PGS.TS. Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, từ xưa đến nay mô hình dạy tích hợp nhiều môn chưa có ở Việt Nam. Trước đây chỉ có trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có dạy xuyên ban. Có nghĩa ai học Hóa – Sinh thì sẽ học 2 ban này và dạy một môn, ví dụ như dạy Hóa học hoặc Sinh học. Khi chuyển sang nâng cao trình độ, học thạc sĩ thì giáo viên phải học thêm.

PGS.TS. Lê Kim Long chia sẻ: “Nếu nói rằng các thầy cô có 3 tháng hè bồi dưỡng thêm, ôn lại để dạy thì chuyện đó không khả thi. Các cụ đã nói biết 10 dạy 1. Bây giờ chưa đạt đến 10 thì ít nhất phải đạt đến 5. Nói như thế có thể chưa hiểu hết ý tưởng của lãnh đạo Bộ trong chuyện chỉ đạo dạy tích hợp”.

PGS.TS. Lê Kim Long cho biết, Trường ĐH Giáo dục đã từng mời một số chuyên gia đến thảo luận về chuyện dạy tích hợp. Vị Hiệu trưởng này dẫn chứng: “Tôi lấy ví dụ, ông Christopher – Tổng Hiệu trưởng Trường Olympia đến trình bày một bài tích hợp. Ông ấy hỏi tôi là dạy cái gì? Tôi bảo ông ấy dạy bài Quốc ca của Mỹ. Trong bài đó tích hợp cả lịch sử - tại sao có bài Quốc ca ấy, có cả âm nhạc, cả lời văn trong bài hát”.

Theo đó, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cho biết, dạy tích hợp có nghĩa phần nội dung này phải gồm cả nội dung kia; dạy chính môn gì thì phải đưa các nội dung khác vào, và giáo viên hiểu biết đến đâu thì đưa đến đấy. Còn bắt buộc phải dạy 2 môn thì là khó.

Tuy nhiên, trong trình độ tiểu học hoặc THCS, với môn Khoa học chẳng hạn, có thể tập hợp một số vấn đề nào đó hoặc dạy theo chủ đề. Cái đó không phải là điều khó khăn bởi vấn đề quan trọng là phải điều chỉnh hài hòa giữa một bên là kiến thức và một bên là phương pháp. Giáo viên rất giỏi về kiến thức nhưng không có phương pháp tốt thì hiệu quả giảng dạy sẽ thấp. Ngược lại, kiến thức không tốt nhưng phương pháp giỏi thì cũng không đi đến đâu cả./.

Theo dự thảo: Ở cấp tiểu học sẽ xây dựng một số môn học tích hợp mới trên cơ sở phát triển các môn học tích hợp đã có như: Cuộc sống quanh ta (được phát triển từ môn Tự nhiên và Xã hội ở các lớp 1, 2, 3 trong chương trình hiện hành), Tìm hiểu xã hội và Tìm hiểu tự nhiên (được phát triển từ các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở các lớp 4, 5 trong chương trình hiện hành).

Với cấp THCS xây dựng hai môn học tích hợp mới là Khoa học tự nhiên (được hình thành chủ yếu từ các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trong chương trình hiện hành) và Khoa học xã hội (được hình thành chủ yếu từ các môn Lịch sử, Địa lý trong chương trình hiện hành). Nhà trường lựa chọn giáo viên có năng lực phù hợp nhất để phân công dạy từng phân môn hoặc chuyên đề cụ thể.

Đối với cấp THPT: Xây dựng 3 môn học tích hợp mới là Công dân với Tổ quốc (được hình thành chủ yếu từ các môn Giáo dục công dân, Giáo dục Quốc phòng - An ninh và một số nội dung Lịch sử, Địa lý trong chương trình hiện hành); Khoa học tự nhiên là môn học tự chọn ở lớp 10 và lớp 11 nhằm hình thành những tri thức khái quát nhất của giới tự nhiên (dành cho học sinh định hướng KHXH, không học các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học); Khoa học xã hội là môn học tự chọn ở lớp 10 và lớp 11 nhằm hình thành những tri thức khái quát nhất về xã hội (dành cho học sinh định hướng KHTN, không học các môn Lịch sử, Địa lý).

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đề xuất 6 kiến nghị đổi mới giáo dục lên Bộ GD&ĐT
Đề xuất 6 kiến nghị đổi mới giáo dục lên Bộ GD&ĐT

VOV.VN - 6 kiến nghị gồm: triển khai thông tư 30; tổ chức 2 chung trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, triển khai Nghị định 115…

Đề xuất 6 kiến nghị đổi mới giáo dục lên Bộ GD&ĐT

Đề xuất 6 kiến nghị đổi mới giáo dục lên Bộ GD&ĐT

VOV.VN - 6 kiến nghị gồm: triển khai thông tư 30; tổ chức 2 chung trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, triển khai Nghị định 115…

Đổi mới giáo dục phổ thông: Sẽ có nhiều tên môn học mới
Đổi mới giáo dục phổ thông: Sẽ có nhiều tên môn học mới

VOV.VN -Theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tên của từng môn học được gọi dựa theo các môn học trong chương trình hiện hành.

Đổi mới giáo dục phổ thông: Sẽ có nhiều tên môn học mới

Đổi mới giáo dục phổ thông: Sẽ có nhiều tên môn học mới

VOV.VN -Theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tên của từng môn học được gọi dựa theo các môn học trong chương trình hiện hành.

Đổi mới giáo dục phổ thông: Hướng đi đúng, nhưng chưa đủ
Đổi mới giáo dục phổ thông: Hướng đi đúng, nhưng chưa đủ

VOV.VN -Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên để thay đổi toàn diện, cơ bản, nhiều vấn đề cần được giải quyết đồng bộ.

Đổi mới giáo dục phổ thông: Hướng đi đúng, nhưng chưa đủ

Đổi mới giáo dục phổ thông: Hướng đi đúng, nhưng chưa đủ

VOV.VN -Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên để thay đổi toàn diện, cơ bản, nhiều vấn đề cần được giải quyết đồng bộ.

Đổi mới giáo dục phổ thông: Sách chưa, thầy chưa, sao thực hiện được?
Đổi mới giáo dục phổ thông: Sách chưa, thầy chưa, sao thực hiện được?

VOV.VN -Đổi mới giáo dục phổ thông, theo Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, cần giải quyết những vướng mắc về sách giáo khoa, giáo viên, cơ sở vật chất.

Đổi mới giáo dục phổ thông: Sách chưa, thầy chưa, sao thực hiện được?

Đổi mới giáo dục phổ thông: Sách chưa, thầy chưa, sao thực hiện được?

VOV.VN -Đổi mới giáo dục phổ thông, theo Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, cần giải quyết những vướng mắc về sách giáo khoa, giáo viên, cơ sở vật chất.