Tai nạn trong trường học: Trách nhiệm thuộc về ai?

VOV.VN -Các trường chưa thực sự coi trọng việc quản lý chất lượng công trình. Tự thân các trường không đủ năng lực chuyên môn để quản lý xây dựng

Nhiều vụ tai nạn trong trường học dẫn đến thương vong cho học sinh, sinh viên xuất hiện thời gian gần đây khiến dư luận băn khoăn về sự an toàn và trách nhiệm của nhà trường.

Không ít người cho rằng, các trường phải thường xuyên kiểm tra, bảo trì các công trình nhằm đảm bảo tối đa an toàn cho người học.

Khi có sự cố, nhà trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, kể cả truy tố trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nên nhìn vấn đề này từ nhiều góc độ khác nhau trước khi phân rõ trách nhiệm và bản thân các trường cũng cần được hỗ trợ về mặt chuyên môn để quản lý chất lượng công trình.

Phụ huynh học sinh luôn mong muốn con họ được học tập trong môi trường an toàn, thân thiện.

Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ việc sập la-phông tại một trường tiểu học ở tỉnh Vĩnh Long vào ngày 17/10 qua khiến 9 học sinh phải nhập viện cấp cứu.

Cách đó không lâu, 10 học sinh trường Trung học cơ sở- Trung học phổ thông Đống Đa tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng bị trọng thương sau sự cố sập phòng học. Hay như mới đây, một sinh viên trường Đại học Công nghệ TP HCM đã tử vong trong khi đợi thang máy lên phòng học.

Theo nhận định từ phía nhà trường, nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của sinh viên này là do bê-tông rơi trúng đầu.

Những vụ việc đáng tiếc nói trên đang khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Các trường đã quan tâm đúng mức đến việc bảo trì và quản lý chất lượng các công trình?

Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ TP HCM cho hay, nhà trường luôn quan tâm đến chất lượng các công trình do mình đầu tư, thế nhưng tai nạn là điều khó lường trước.

“Chúng tôi vẫn kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất để ngăn trừ những trường hợp rủi ro có thể xảy ra đối với các em sinh viên. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp rủi ro ngoài dự đoán của nhà trường. Do vậy, từ sự việc lần này, nhà trường sẽ tăng cường cao hơn nữa tính an toàn của các tòa nhà, cố gắng tránh cả những trường hợp ngoài ý muốn hoặc không nghĩ tới”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh cho hay.

Sau sự cố tại trường Đại học Công nghệ TP HCM, không ít ý kiến cho rằng cần truy tố trách nhiệm hình sự đối với sai sót này.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP HCM, tùy trường hợp mà xem xét trách nhiệm hình sự, hành chính hay dân sự.

“Đối với trường hợp các công trình đang xây dựng mà không có biện pháp bảo vệ, khi xảy ra tai nạn thì phải xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư, trách nhiệm của người đang thi công và người đang có trách nhiệm quản lý công trình đó. Còn với những công trình đã xây xong thì nếu xảy ra tai nạn thì phải tùy trường hợp mà chúng ta xem xét có trách nhiệm hình sự hay không chứ không phải tất cả các trường hợp đều thể hiện là trách nhiệm đó phải quy về hình sự”, luật sư Chánh phân tích.

Về mặt dân sự, luật sư Nguyễn Đức Chánh cho rằng, khi xảy ra bất kỳ tai nạn nào trong trường học mà xuất phát từ các vấn đề liên quan đến công trình thì chủ đầu tư công trình phải bồi thường thiệt hại cho người bị nạn.

Đó là những bồi thường về mặt tính mạng cho người tử vong hoặc các chi phí bồi thường do xâm hại đến sức khỏe người bị nạn tại công trình.

Đứng ở góc độ của người công tác lâu năm trong ngành xây dựng, kỹ sư Nguyễn Văn Đực, Ủy viên Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn tại công trình trường học.

Nhưng yếu tố quan trọng nhất là từ trước đến nay, các trường chưa thực sự coi trọng việc quản lý chất lượng công trình.

Tự thân các trường không đủ năng lực chuyên môn để quản lý xây dựng, quản lý chất lượng công trình mà phải nhờ đến các công ty tư vấn, đơn vị giám sát, kiểm định độc lập hoặc ít ra cũng là người có chuyên môn.

Nơi mảng vữa rơi xuống khiến nam sinh viên ĐH Hutech tử vong đang được nhà trường phong tỏa phục vụ cho việc sửa chữa, bảo trì.

Kỹ sư Nguyễn Văn Đực nói: “Trường phải có cán bộ chuyên trách về xây dựng. Trường có thể đưa một phụ huynh học sinh nào đó có chuyên môn như là kiến trúc sư, kỹ sư vào Ban đại diện cha mẹ học sinh. Khi đó, hiệu trưởng có thể nhờ phụ huynh này tư vấn xem công trình hiện tại của trường có dấu hiệu nguy hiểm chưa để cần đến sự giúp đỡ của Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng”.

Công tác thanh kiểm tra mức độ an toàn cơ sở vật chất tại hệ thống trường học luôn là vấn đề được ngành giáo dục– đào tạo TP HCM quan tâm.

Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, bên cạnh sự chỉ đạo, giám sát của cơ quan chủ quản, tự bản thân mỗi ban giám hiệu phải coi trọng vấn đề an toàn trường lớp cho học sinh. Đừng làm qua loa, chống chế mà nghĩ đến nhiều tình huống phát sinh rồi đưa ra biện pháp phòng ngừa thì mới hiệu quả.

“Ngoài việc chỉ đạo của Sở Giáo dục – Đào tạo TP HCM, chúng tôi rất mong các trường sẽ tự kiểm tra cơ sở vật chất của mình. Đối với những sửa chữa trong điều kiện cho phép thì nhà trường có thể tự sửa chữa. Còn với những hạng mục sửa chữa lớn thì nhà trường có thể đề xuất lên Sở GD-ĐT trong thời gian sớm nhất để chúng tôi có chỉ đạo tiếp”, bà Thu nói.

Tai nạn là điều không ai mong muốn. Nhưng nếu kiểm soát tốt mọi thứ đồng nghĩa với việc các yếu tố rủi ro sẽ được hạn chế. Mong rằng, từ những sự cố đáng tiếc vừa qua, các trường sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm để có thêm các phương án đảm bảo tốt nhất an toàn cho người học./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Điều tra nguyên nhân học sinh lớp 10 rơi từ tầng 5 ở trường học
Điều tra nguyên nhân học sinh lớp 10 rơi từ tầng 5 ở trường học

VOV.VN - Vào khoảng 18h30 tối 30/9, tại trường THPT Hòn Gai, TP Hạ Long, Quảng Ninh một học sinh lớp 10, sau giờ học đã rơi từ tầng 5 xuống sân trường

Điều tra nguyên nhân học sinh lớp 10 rơi từ tầng 5 ở trường học

Điều tra nguyên nhân học sinh lớp 10 rơi từ tầng 5 ở trường học

VOV.VN - Vào khoảng 18h30 tối 30/9, tại trường THPT Hòn Gai, TP Hạ Long, Quảng Ninh một học sinh lớp 10, sau giờ học đã rơi từ tầng 5 xuống sân trường