Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 nhằm tập trung đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng qua.

Trong hai ngày 30/9 và 1/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 nhằm tập trung đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng qua, thống nhất các biện pháp chỉ đạo điều hành nền kinh tế với tinh thần quyết tâm đạt cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong cả năm nay. Chính phủ cũng đóng góp nhiều ý kiến xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm tới.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên nhất trí với đánh giá, từ đầu năm đến nay, nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi rõ nét và đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm trước. Rõ nhất GDP 9 tháng qua đã chạm mốc 6,5%, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Như vậy cả năm nay tăng trưởng sẽ vào khoảng 6,5% là khả thi nếu tiếp tục kiên trì, quyết liệt và đồng bộ các biện pháp mà Chính phủ đã đề ra.

Toàn cảnh phiên họp

Niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh cũng được cải thiện rõ nét với hơn 68.300 doanh nghiệp thành lập mới và tổng số vốn đăng ký gần 430.000 tỷ đồng. Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí…Các thành viên Chính phủ cũng phân tích những khó khăn, thách thức nổi lên liên quan đến giá dầu thô giảm mạnh, thị trường tài chính thế giới diễn biến phức tạp, thiên tai, hạn hán, mưa, lũ cũng như khó khăn về thị trường, giá xuất khẩu giảm mạnh…

Trên cơ sở đà phục hồi kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm, các thành viên Chính phủ cũng đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020, trong đó phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân từ 6,5-7%/năm, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GDP đạt trên 85%, thu nhập bình quân đầu người khoảng từ 3.680 USD.v.v…

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, tình hình kinh tế thế giới diễn biến khó lường nhưng với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, dự báo 13/14 chỉ tiêu sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra trong cả năm nay, trong đó tăng trưởng đã đạt 6,5%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9

“Từ đây đến cuối năm chúng ta cố gắng theo dõi kịp thời tình hình diễn biến để phản ứng chính sách kịp thời, phát huy kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế để đạt được kết quả cao nhất. Tập trung quyết liệt phát triển nông nghiệp, đây là thu nhập đời sống của nông dân nhưng vừa là góp phần tăng trưởng; phải rà soát tìm hết cách để cạnh tranh phát triển du lịch. Bây giờ xung quanh cạnh tranh du lịch rất quyết liệt với chúng ta.

Các đồng chí bộ trưởng cố gắng chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu danh nghiệp nhà nước, giải quyết nợ xấu gắn với tái cơ cấu ngân hàng, đẩy mạnh cải cách hành chính, dứt khoát nâng cao năng lực cạnh tranh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tôi đề nghị Bộ Tài chính 3 cái: thuế, hải quan, bảo hiểm dứt khoát phải đạt ngang bằng với ASEAN-4. Đạt trong giấy tờ và đạt cả trong thực tiễn và thực thi nữa.

Còn Bộ Công Thương là chỗ tiếp cận điện năng rồi Bộ Tài nguyên & Môi trường là đất đai…Bây giờ các đồng chí Bộ trưởng 9 bộ kết nối với Bộ Tài chính, nhưng trước hết là nông nghiệp với y tế, để rồi thông quan thủ tục cho dễ dàng mà cái này hoàn toàn, tôi nhấn đi nhấn lại, nhắc lại các đồng chí là hoàn toàn chúng ta cải cách được, trong tầm tay của chúng ta, chứ không phải xa với gì cả…”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, không để tiếp diễn tình trạng nợ đọng văn bản; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm đưa ra các tiêu chí giảm nghèo đa chiều để thảo luận, thống nhất sớm đưa vào thực hiện từ năm 2016; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán đề xuất phần trăm khả thi số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020.

Thủ tướng nêu rõ cả 2 tiêu chí giảm nghèo mới và số xã đạt chuẩn nông thôn mới phải phù hợp với thực tế và có tính toán tới nguồn lực khả thi để thực hiện. Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật, tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016-2020 báo cáo Quốc hội và Trung ương; Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch ngân sách 5 năm tới trên tinh thần cơ cấu lại theo hướng tích cực: giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư, bội chi ngân sách được sử dụng để đầu tư phát triển và tăng thu nội địa; bảo đảm an toàn nợ công và quỹ bảo hiểm xã hội không chỉ cho 5 năm tới mà cho cả những năm tiếp theo.

Thủ tướng đồng tình với đề xuất trình Quốc hội xem xét chủ trương đa dạng thời gian phát hành trái phiếu Chính phủ ra nước ngoài, đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường quốc tế; đồng thời giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu ban hành một số chính sách ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ thông tin. Thủ tướng cũng lưu ý các bộ trưởng, trưởng ngành chuẩn bị tốt để trả lời chất vấn về các lĩnh vực được giao tại kỳ họp Quốc hội sắp tới…

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện đối với xe mô tô từ ngày 1/1/2016; cho ý kiến về thực trạng và giải pháp nâng cao năng suất lao động của Việt Nam; việc tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế thanh toán bảo hiểm y tế cũng như báo cáo về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2015 và một số dự thảo nghị định, dự án luật quan trọng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên