Các trường ĐH-CĐ vẫn còn nguồn tuyển sinh dồi dào

Năm nay, không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước, thí sinh có thể đăng ký vào nhiều trường còn chỉ tiêu.  

Trong sáng 8/8, Hội đồng điểm sàn quốc gia đã ấn định mức điểm sàn đại học (ĐH) khối A, A1 là 13 điểm; khối B là 14 điểm; khối C 14,5 và khối D 13,5. Điểm sàn cao đẳng (CĐ) thấp hơn 3 điểm với những khối thi tương ứng của điểm sàn ĐH. Như vậy, điểm sàn năm nay của khối A và B bằng năm 2011; khối C và D, điểm sàn tăng 0,5 điểm.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, năm nay, tỷ lệ giữa thí sinh thừa và thiếu cho các trường là tương đối cao. Với số lượng dư như vậy thì các trường ĐH, CĐ sẽ có nguồn tuyển dồi dào. Đồng thời với quy chế mới về xét tuyển, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển vào ĐH, CĐ hơn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV online phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Thí sinh tham gia kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012

Thí sinh và các trường đều có lợi

PV: Thưa Thứ trưởng, với số điểm sàn vừa được Bộ GD-ĐT công bố, cơ hội để thí sinh trúng tuyển vào các  trường ĐH, CĐ năm nay sẽ như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Với mức điểm sàn như trên, hệ số dư (dịch chuyển) giữa thí sinh thừa và thiếu năm nay cao hơn năm 2011. Cụ thể là khối A, tỷ lệ giữa thí sinh thừa và thiếu cho các trường là 1,8 lần. Khối B là trên 10 lần; khối C, D là trên 2,5 lần. Với số lượng dư như vậy thì các trường ĐH, CĐ sẽ có nguồn tuyển dồi dào.

Hệ số dư này đã được Bộ GD-ĐT tính đến đối với thí sinh ảo, thí sinh ở các vùng, miền khác nhau.

Cơ hội thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ dựa vào những yếu tố: Tỷ lệ hệ số dư giữa thí sinh thừa và thiếu của các khối ngành, thí sinh dịch chuyển từ vùng này sang vùng kia. Để đảm bảo cơ hội cho thí sinh trúng tuyển cao, Bộ GD-ĐT đã đưa ra quy định mới là không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước; cho phép các trường đăng ký xét tuyển làm nhiều đợt và thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ với nhiều nguyện vọng khác nhau.

PV: Với quy định mới như trên, thí sinh và các trường ĐH, CĐ sẽ được lợi gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Mọi năm, nhiều trường ĐH còn chỉ tiêu nhưng vẫn không tuyển đủ. Nhiều thí sinh đạt điểm thi ĐH trên điểm sàn rất nhiều nhưng cũng không đỗ được vào trường nào là vì thí sinh chỉ có 2 nguyện vọng để nộp vào 2 trường mà không rõ xác suất trúng tuyển.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Tuy nhiên, với quy định mới như trên thì các trường có thể tuyển đủ số lượng chỉ tiêu và thí sinh có điểm thi trên điểm sàn có thể tìm được trường học phù hợp.

Bộ sẽ yêu cầu các trường cấp 2 giấy báo điểm để thí sinh có thể nộp ở nhiều trường khác nhau. Một số trường cũng chấp nhận nộp bản sao điểm thi (có công chứng) nên thí sinh sẽ có rất nhiều trường để chọn lựa cho phù hợp với số điểm đạt được.

Mọi năm, số đợt, ngày xét tuyển của các trường có giới hạn nhưng năm nay, số đợt và ngày xét tuyển được kéo dài đến ngày 20/11 và có thể mở rộng việc xét tuyển sao cho đủ chỉ tiêu.

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, các trường ĐH, CĐ, sẽ căn cứ vào đó để đưa ra mức điểm chuẩn xét tuyển vào trường mình. Những thí sinh nào không trúng nguyện vọng 1 thì các trường sẽ cấp cho các em 2 giấy báo điểm thi. Các em sẽ dùng những giấy báo này để nộp vào những trường còn chỉ tiêu. Như vậy năm nay các em sẽ có rất nhiều sự lựa chọn vào các trường ĐH, CĐ.

PV: Như Thứ trưởng vừa đề cập, năm nay nhiều trường có thể tuyển đủ chỉ tiêu và thí sinh sẽ nhiều cơ hội để học tập. Tuy nhiên, nhiều thí sinh đang lo lắng sẽ có sự chồng chéo trong việc xét tuyển. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay có khoảng 70% thí sinh đỗ nguyện vọng 1 còn 30% là thí sinh còn lại sẽ đỗ  nguyện vọng 2 và các trường chưa đăng ký xét tuyển.

Mặc dù với quy định mới, các trường có thể tuyển đủ thí sinh nhưng từng trường sẽ có những quy định xét tuyển khác nhau nên sẽ không có sự xáo trộn nhiều trong khâu xét tuyển.

Quan trọng vẫn là chất lượng giảng dạy

PV: Với quy chế mới, có thể sẽ dẫn tới tình trạng, các trường ĐH, CĐ sẽ tuyển sinh ồ ạt để thu lợi nhuận. Tuy nhiên, thí sinh và phụ huynh hiện đang rất lo lắng, việc tuyển sinh ồ ạt đó có thể không đảm bảo chất lượng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Với hệ số dư thí sinh như năm nay, các trường có thể tuyển đủ số lượng chỉ tiêu nhưng điều quan trọng vẫn là phải đảm bảo được chất lượng để thu hút người học. Bởi vì như mọi năm, có rất nhiều thí sinh đạt trên điểm sàn, nhưng vẫn không chọn những trường còn chỉ tiêu vì những trường đó không tạo được uy tín, chất lượng giảng dạy.

Do vậy, nếu các trường không tự đổi mới, cạnh tranh về chất lượng giảng dạy để thu hút người học thì có nghĩa là họ sẽ tự đào thải mình. Người học sẽ dần quay lưng lại với trường đó.

Sẽ có nhiều điểm mới trong thi và xét tuyển ĐH, CĐ

PV: Để khắc phục những thiếu sót trong công tác thi và xét tuyển của những năm trước, năm nay, Bộ GD-ĐT đã đưa ra quy chế mới như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, nhiều học sinh và phụ huynh vẫn rất băn khoăn muốn biết liệu những năm tới, Bộ có thay đổi gì nữa không?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Từ nay đến năm 2015, Bộ GD-ĐT vẫn giữ nguyên tổ chức thi và xét tuyển ĐH – CĐ theo hình thức 3 chung (chung đề, chung đợt thi, chung kết quả xét tuyển). Đồng thời, Bộ sẽ tiếp thu những thế mạnh đã đạt được trong những kỳ thi và xét tuyển trước; đưa ra những phương án đổi mới để đảm bảo thi và xét tuyển ĐH, CĐ ngày càng tốt hơn.

Sau năm 2015, trong kỳ thi ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT có thể áp dụng cho thí sinh thi nhiều môn. Ví dụ như thí sinh vẫn thi 3 môn vào một ngành của một trường nào đó, nhưng vẫn có thể thi môn thứ 4 vào một trường khác. Khi Luật Giáo dục ĐH phát huy hiệu quả thì Bộ GD-ĐT cũng sẽ nghĩ tới phương án phân tầng giáo dục ĐH, để cho các trường tự tổ chức và xét tuyển riêng…

Trong 2 năm qua, Bộ GD-ĐT cũng đã giao cho những trường ĐH hàng đầu nghiên cứu phương thức tổ chức và xét tuyển riêng. Nếu thấy phương án nào phù hợp, Bộ GD-ĐT sẽ đồng ý cho các trường ĐH này tổ chức thi riêng. Tuy nhiên, việc tổ chức thi và xét tuyển phải đảm bảo an toàn, nghiêm túc, khắc phục được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.

Đối với những trường có đặc thù riêng như văn hóa nghệ thuật hay thể dục thể thao, Bộ sẽ giao cho các trường phối hợp với các ban, ngành nghiên cứu phương thức tổ chức thi và xét tuyển riêng.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên