Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Australia phát triển tốt đẹp

Quan hệ Đối tác hai nước phát triển trên tất cả các lĩnh vực: chính trị - đối ngoại, quốc phòng – an ninh, kinh tế - thương mại – đầu tư, giáo dục – đào tạo…

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia, sáng 11/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngân khố nước chủ nhà Wayne Swan.  

Tại cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Wayne Swan đánh giá cao những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị - đối ngoại, quốc phòng – an ninh đến kinh tế - thương mại – đầu tư, giáo dục – đào tạo, văn hóa – du lịch…

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ lạc quan về triển vọng của quan hệ song phương và nhất trí về nhiều biện pháp, nhằm đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển sâu rộng và hiệu quả, đặc biệt là việc tăng cường giao lưu nhân dân, coi đó là nền tảng thúc đẩy quan hệ hai nước.

Hai bên khẳng định quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ Chương trình Hành động Việt Nam - Australia giai đoạn 2010-2013 và sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2013).  

Hai bên đánh giá cao việc kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều mỗi năm (đạt 4,6 tỷ USD năm 2011, tăng 12% so với năm 2010); nhất trí phối hợp xúc tiến thương mại, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước.

Phó Thủ tướng Wayne Swan khẳng định, Australia sẽ nỗ lực với Việt Nam thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại phát triển tương xứng với tiềm năng và quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.

Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn hợp tác đa phương, cũng như ủng hộ nhau ứng cử vào các tổ chức khu vực và quốc tế, trong đó có các cơ quan của LHQ. Australia khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, đồng thời cho rằng, những tranh chấp giữa các bên liên quan cần được giải quyết hòa bình thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên