Luật Trẻ em sửa đổi 1/6 có tạo được “hành lang” an toàn bảo vệ trẻ?

VOV.VN - Từ ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em được sửa đổi bổ sung hoàn thiện hơn so với những luật bảo vệ trẻ em trước đó.

Quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư
Trên các trang mạng xã hội, thậm chí cả các trang báo dễ dàng bắt gặp hình ảnh trẻ em với đủ các hoạt động từ đi học, đi chơi đến những cảnh sinh hoạt thường nhật trong gia đình. Hỏi chuyện chị Thu Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) khi chị vừa chia sẻ ảnh con đi nghỉ mát cùng gia đình rằng chị có xin phép con trước khi đăng ảnh, chị Lan hồn nhiên trả lời: “Con mình thì mình có quyền quyết định, hỏi trẻ con nó biết gì đâu”.

Mọi tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho trẻ.
Không chỉ chị Lan, nhiều người khác cũng nghĩ đơn giản rằng, ảnh các thành viên trong gia đình thì họ được quyền quyết định đăng hay không. Tuy nhiên, theo Luật Trẻ em, trẻ được quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, trong Luật Trẻ em và trong Hiến pháp 2013, bí mật đời sống riêng tư là quyền bất khả xâm phạm. Cha mẹ và các thành viên trong gia đình phải bảo vệ quyền này cho các em. Khi sử dụng ảnh của trẻ phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ, chăm sóc. Với trẻ từ 7 tuổi trở lên, việc sử dụng ảnh phải có ý kiến của trẻ, trừ một số trường hợp loại trừ đã được quy định cụ thể trong luật. “Cha mẹ nên cân nhắc khi đưa ảnh con trên mạng vì khi thông tin được đưa lên mạng đôi khi đẩy con mình “làm mồi” cho kẻ xấu’ - ông Nam cảnh báo.
Trẻ được bảo vệ ở 3 cấp độ
Trong Luật Trẻ em quy định rõ, các biện pháp bảo vệ trẻ ở 3 cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp). Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, theo Luật, đối tượng quan trọng bảo vệ trẻ em là cán bộ chăm sóc và bảo vệ trẻ cấp xã. Vì thế, UBND cấp xã cần nhanh chóng củng cố và kiện toàn lực lượng này để Luật được thực hiện nghiêm túc. “Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em đã và đang hướng dẫn chính quyền địa phương thực hiện trách nhiệm của mình theo luật, đặc biệt UBND các cấp có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực, kinh phí để khi luật có hiệu lực có thể áp dụng các biện pháp để phòng ngừa các vụ xâm hại trẻ” - ông Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, Luật Trẻ em và Nghị định 56 quy định rõ, mọi cá nhân, tổ chức phát hiện, hoặc nghi ngờ trẻ có dấu hiệu bị xâm hại phải có trách nhiệm thông báo tới cơ quan công an, chính quyền các cấp, sở LĐ-TB&XH. Điều này phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi nhận được thông báo, các cơ quan này phải có trách nhiệm phối hợp với nhau trong việc triển khai các biện pháp để xác minh và bảo vệ trẻ một cách nhanh nhất”.
Theo PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trẻ bị xâm hại là vấn đề nóng gây nhức nhối xã hội thời gian qua. Để Luật Trẻ em được thực thi phải hoàn thiện và sửa đổi một số luật có liên quan, ví dụ Luật Hình sự phải sửa đổi có những quy định rõ về cơ chế cũng như hình phạt đủ mạnh để bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục.

Cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp
Chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 là “Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Theo ông Đặng Hoa Nam, Luật Trẻ em có nhiều điểm mới, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, phổ biến những quy định mới; tuyên truyền để cha mẹ và các em có kiến thức phòng ngừa những nguy bị cơ xâm hại. “Chúng tôi hy vọng Tháng hành động vì trẻ em tạo cú hích để các bên có liên quan, từ cơ quan Nhà nước đến các tổ chức, gia đình, cá nhân… hiểu về luật và có những nỗ lực thực hiện luật để trẻ được bảo vệ tốt hơn và được thực hiện các quyền trẻ em theo quy định” - ông Nam nói.
Theo luật sư Phạm Thị Bích Hảo, công tác trẻ em liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, do đó Luật Trẻ em quy định về Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình thực hiện quyền trẻ em giữa các cơ quan ở Trung ương, các tổ chức, các địa phương. Để góp phần đưa Luật Trẻ em tiếp cận sâu rộng tới người dân cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục tới cộng đồng dân cư, đặc biệt chú trọng tuyên truyền tại các trường học để trẻ em biết tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân khi tham gia các quan hệ pháp luật.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56 quy định chi tiết Luật Trẻ em 2016. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị 18 tăng cường các biện pháp phòng ngừa và xử lý các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của UBND cấp tỉnh: Chịu trách nhiệm về sự chậm trễ khi các vụ bạo lực trẻ em xảy ra trên địa bàn mà không có sự can thiệp, hỗ trợ kịp thời. Chỉ thị cũng chỉ rõ, UBND cấp tỉnh, thành phố chuẩn bị nguồn lực để đảm bảo Luật Trẻ em được thực hiện./.
Một số điểm mới của Luật Trẻ em 2016
Theo Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An. Luật trẻ em đã quy định cụ thể về các quyền và bổn phận của trẻ em; sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; các biện pháp bảo vệ trẻ em ba cấp độ; chăm sóc thay thế cho trẻ em; trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em; các hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm…
Một trong những điểm mới và nhận được sự quan tâm của xã hội là các quyền và bổn phận của trẻ em
Luật Trẻ em quy định 25 nhóm quyền của trẻ em (Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em 2004 quy định 10 quyền). Theo bà Hảo, việc tăng số quyền của trẻ em thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội với thế hệ tương lai của đất nước. Một số quyền đáng chú ý:
- Quyền bí mật đời sống riêng tư.
- Trẻ em có quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi.
- Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục.
- Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt. Trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính.
- Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội...; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật, được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng...
Về bổn phận trẻ em được quy định từ Điều 39-41, phù hợp với chế định về nghĩa vụ công dân của Hiến pháp năm 2013, 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng và phù hợp với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng con người Việt Nam trong bối cảnh mới.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bùng nổ gameshow “nhí”: Ai bảo vệ quyền trẻ em?
Bùng nổ gameshow “nhí”: Ai bảo vệ quyền trẻ em?

VOV.VN - Các gameshow “nhí” trên truyền hình Việt đã có rất nhiều sự cố, “điều tiếng” xảy ra với trẻ dự thi, nhưng cơ quan bảo vệ quyền trẻ em vẫn chưa quan tâm

Bùng nổ gameshow “nhí”: Ai bảo vệ quyền trẻ em?

Bùng nổ gameshow “nhí”: Ai bảo vệ quyền trẻ em?

VOV.VN - Các gameshow “nhí” trên truyền hình Việt đã có rất nhiều sự cố, “điều tiếng” xảy ra với trẻ dự thi, nhưng cơ quan bảo vệ quyền trẻ em vẫn chưa quan tâm

Thông qua Luật Trẻ em: Làm sao để bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại?
Thông qua Luật Trẻ em: Làm sao để bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại?

VOV.VN -Việt Nam được đánh giá có khung pháp lý bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em tương đối hoàn chỉnh, nhưng công tác thực thi và giám sát kém hiệu quả.

Thông qua Luật Trẻ em: Làm sao để bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại?

Thông qua Luật Trẻ em: Làm sao để bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại?

VOV.VN -Việt Nam được đánh giá có khung pháp lý bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em tương đối hoàn chỉnh, nhưng công tác thực thi và giám sát kém hiệu quả.

Đề xuất giải thưởng thực hiện quyền trẻ em cho doanh nghiệp
Đề xuất giải thưởng thực hiện quyền trẻ em cho doanh nghiệp

VOV.VN -Giải thưởng hướng tới trách nhiệm của các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp các dịch vụ an toàn, thân thiện cho trẻ em, không xâm hại trẻ em.

Đề xuất giải thưởng thực hiện quyền trẻ em cho doanh nghiệp

Đề xuất giải thưởng thực hiện quyền trẻ em cho doanh nghiệp

VOV.VN -Giải thưởng hướng tới trách nhiệm của các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp các dịch vụ an toàn, thân thiện cho trẻ em, không xâm hại trẻ em.