Không thể chủ quan với việc lạm phát có thể sẽ tăng nhẹ

VOV.VN - Từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng nên vẫn cần thận trọng trong việc kiểm soát lạm phát.

Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với việc chuẩn bị nguồn cung vốn đáp ứng cầu dịp cuối năm, việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu cũng là lực đẩy dẫn đến lạm phát. Nhưng với sự điều hành linh hoạt trong hệ thống tài chính tiền tệ của Nhà nước, dự báo lạm phát sẽ chỉ tăng nhẹ, tuy nhiên cũng nên thận trọng, không chủ quan. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 9 tháng qua tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 9 so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,64% - 1,88%.

Từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng. (Ảnh minh họa: KT)
Mặc dù mức lạm phát 9 tháng qua thấp và cách khá xa mục tiêu kiểm soát, song đây vẫn là một biến số khó lường và đòi hỏi cẩn trọng trong điều hành. Bởi lẽ, từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng, trong đó  các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh, tăng lương cơ bản, độ trễ của tăng cung tiền; áp lực tỷ giá…

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, lạm phát cả năm sẽ tăng khoảng 3,5 - 4% so với cuối năm ngoái, trước khi tăng mạnh hơn vào năm 2017. Mức tăng này chưa đáng lo ngại và một phần rất lớn trong dự báo lạm phát tăng lên này là do điều chỉnh giá dịch vụ.

“Lạm phát có yếu tố về cung cầu hàng hóa trong thị trường nội địa nên thị trường không có nhiều biến động lớn, nhất là khi hệ thống phân phối cũng có nhiều cải thiện, hàng hóa dồi dào phong phú. Chỉ có một số giá về khí, dịch vụ y tế, đặc biệt là giá dầu đang phải phụ thuộc 70% vào giá dầu thế giới. Nếu giá dầu biến động lên 55 – 60 USD/thùng sẽ tác động làm cho gía vận chuyển tăng lên, góp phần làm lạm phát 4 tháng cuối năm tăng lên nhưng ước tính cũng không vượt quá 5%”, ông Phú nhận định.

Thông thường theo quy luật, chỉ số giá của những tháng cuối năm thường có xu hướng cao hơn so với chỉ số giá của những tháng trước đó. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, từ đầu năm đến nay và đến cuối năm, chính sách tài khóa cũng như chính sách tiền tệ được điều hành ở mức độ tương đối thận trọng, lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm trọng tâm, không phải ưu tiên cho tốc độ tăng trưởng kinh tế cao bằng mọi giá.

“Năm nay về cơ bản thị trường thế giới vẫn diễn biến theo xu hướng giá cả ổn định. Tỷ giá hối đoái của các đồng tiền cũng như các vấn đề trên thị trường tài chính quốc tế cũng tương đối ổn định, xu thế này có thể sẽ tiếp tục từ nay đến cuối năm. Do đó, vấn đề nhập khẩu giảm phát đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ khó có thể xảy ra. Xét những nguyên nhân có thể gây ra lạm phát cao trong những tháng cuối của năm nay hầu như không. Vì thế có thể khẳng định năm nay sẽ tiếp tục là một năm có lạm phát thấp, tương tự như một số năm gần đây nhưng có thể cao hơn so với mức quá thấp của năm 2015”, Chuyên gia Vũ Đình Ánh phân tích.

Nhìn nhận lạm phát ở một khía cạnh khác, ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam phân tích, tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến ở mức 18-20%, vẫn  tạo áp lực nhất định đến lạm phát ngay trong năm nay và sẽ tác động sang năm sau theo độ trễ.

Trong bối cảnh hiện nay, tăng tín dụng chưa hẳn đã hiệu quả, còn có thể gây áp lực lên lạm phát. Việc lãi suất khó giảm vào cuối năm cũng là yếu tố dẫn đến lạm phát, do đó cần giữ lãi suất ở mức ổn định như hiện nay.

“Về cơ bản mặt bằng lãi suất cũng đã giảm từ 0,5-1% từ đầu năm đến nay. Từ nay đến cuối nếu giữ được mức độ ổn định về mặt bằng lãi suất như thời gian vừa qua cũng là rất tốt. Mặc dù 8 tháng đầu năm lạm phát ở mức độ thấp nhưng khả năng lạm phát có thể quay trở lại và tăng cao lên cũng là một khả năng có thể xảy ra. Lạm phát năm nay tăng khoảng 4-4,5%, nếu chúng ta ko giữ cẩn thận lên mức gần 5%”, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân đẩy lạm phát năm 2016 là do yếu tố tiền tệ tác động. Do vậy, không thể chủ quan bởi nhiều khả năng mục tiêu lạm phát không quá 5% của năm 2016 sẽ bị phá vỡ nếu không kiểm soát chặt lượng cung tiền ra nền kinh tế. Đặc biệt cần cẩn trọng với nguy cơ phát triển mạnh của thị trường bất động sản - lĩnh vực cho thấy cầu của nền kinh tế đã có sự khởi sắc mạnh.

Để kiềm chế lạm phát dưới 5%, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung, cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác phân tích, dự báo thông tin thị trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phó Thống đốc: Không chủ quan với diễn biến lạm phát
Phó Thống đốc: Không chủ quan với diễn biến lạm phát

VOV.VN-Từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, gỡ khó cho doanh nghiệp… nhưng không chủ quan với lạm phát.

Phó Thống đốc: Không chủ quan với diễn biến lạm phát

Phó Thống đốc: Không chủ quan với diễn biến lạm phát

VOV.VN-Từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, gỡ khó cho doanh nghiệp… nhưng không chủ quan với lạm phát.

Cuối năm, áp lực lạm phát vẫn tồn tại
Cuối năm, áp lực lạm phát vẫn tồn tại

Từ nay đến cuối năm 2016 có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, đặc biệt khi các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh.

Cuối năm, áp lực lạm phát vẫn tồn tại

Cuối năm, áp lực lạm phát vẫn tồn tại

Từ nay đến cuối năm 2016 có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, đặc biệt khi các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh.

Lạm phát cả năm 2016 sẽ ở khoảng 3,5 - 4%
Lạm phát cả năm 2016 sẽ ở khoảng 3,5 - 4%

VOV.VN -Theo Ủy ban Giám sát Tài chính, nếu chưa tính tới tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục trong 6 tháng cuối năm, lạm phát cả năm 2016 sẽ ở khoảng 3,5 - 4%.

Lạm phát cả năm 2016 sẽ ở khoảng 3,5 - 4%

Lạm phát cả năm 2016 sẽ ở khoảng 3,5 - 4%

VOV.VN -Theo Ủy ban Giám sát Tài chính, nếu chưa tính tới tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục trong 6 tháng cuối năm, lạm phát cả năm 2016 sẽ ở khoảng 3,5 - 4%.