Từ vụ tiến sĩ 76 tuổi bị đánh: Làm gì để thói hung hăng không còn?

VOV.VN -Từ vụ tiến sĩ 76 tuổi bị đánh khiến chúng ta phải nghĩ cách dẹp bỏ thói côn đồ, hung hãn đang có chiều hướng gia tăng...

Hiện nay, không ít người Việt, nhất là những người trẻ có tính hung hăng, thiếu khả năng kiểm soát hành vi, thích dùng“nắm đấm” để giải quyết những xô xát, mâu thuẫn, bất đồng. Phải làm gì để dẹp bỏ thói côn đồ, hung hãn đang có chiều hướng gia tăng?

Hằng ngày, lướt báo không khó bắt gặp những thông tin về ẩu đả ở nơi này nơi nọ. Tranh giành khách đánh nhau, va quệt xe đánh nhau, thậm chí “nhìn đểu” cũng đánh nhau. Dường như người Việt đang ngày càng trở nên hung hãn.

Điều đáng buồn là những người thích dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn, xô xát gần đây xảy ra nhiều trong giới trí thức, công chức. Vụ việc mới đây nhất xảy ra ngày 5/11, TS. Nguyễn K (76 tuổi) đi tập thể dục trên đường Trần Đại Nghĩa (Hà Nội)  đã xảy ra va chạm với một cô gái đi xe máy. Trong khi cả 2 chưa kịp phản ứng gì thì một người đàn ông (chồng cô gái đi xe máy bị ngã) đi ô tô phía sau đã nhảy xuống xe đấm túi bụi vào mặt ông K.

Người đàn ông đó sau được xác định tên Hoàng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ đối ngoại (Sở Ngoại vụ Hà Nội). Trước đó, ngày 18/10, 2 hành khách Trần Dương Tùng (32 tuổi) và Đào Vịnh Thuấn (37 tuổi, cán bộ Sở GTVT Hà Nội) đã xô xát và hành hung một nữ nhân viên mặt đất của hãng Vietnam Airlines khiến nữ nhân viên phải đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe.

Một con số đáng buồn là trong 9 ngày Tết Bính Thân, các bệnh viện trong cả nước tiếp nhận khoảng 5.500 trường hợp nhập viện vì đánh nhau. Còn Tết Nguyên đán 2015, Bộ Y tế công bố có hơn 6.000 người đánh nhau phải nhập viện. Đấy mới chỉ là con số mà Bộ Y tế nắm được, còn thực tế chắc chắn là cao hơn nhiều.

Không chỉ người lớn thích dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn mà bạo lực học đường cũng đang gióng lên hồi chuông báo động. Những vụ ẩu đả, đánh lộn trong trường học được quay clip tung lên mạng xã hội đã trở thành chuyện “thường ngày”.

Người Việt vốn có truyền thống yêu chuộng chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình, là những con người trung hậu, nhân nghĩa, thế nhưng nếu cứ đà này thì người Việt đang tự mình làm xấu đi hình ảnh mà bao năm nay cha ông ta đã mất công gây dựng.

Làm thế nào để thói hung hăng của một bộ phận người Việt không còn đất sống? Phải giáo dục trẻ như thế nào để chúng khỏi nhiễm những thói xấu từ các bậc cha chú?

Bà Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt: Dạy học sinh cách tự vệ và phản biện

Bà Lê Thị Lan Anh

Trong quá trình đào tạo kỹ năng sống cho học sinh, tôi thấy những em nào được sống, được trải nghiệm trong môi trường mà con người biết yêu thương, chia sẻ với nhau thì em đó sẽ ngấm dần tình yêu thương, sự sẻ chia với những người xung quanh và ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố bạo lực ngoài xã hội hơn. Nhân cách con người được hình thành một cách tự nhiên trong gia đình, sau đó mới đến nhà trường, cộng đồng. Chúng ta không thể quy trách nhiệm con hư tại nhà trường.

Trong trường học môn Giáo dục công dân còn bị coi nhẹ, hầu hết thầy cô dạy môn này là kiêm nhiệm. Những người kiêm nhiệm như vậy xét về mặt kỹ năng không thể dạy cho học sinh cảm nhận sâu sắc các giá trị mà các thầy cô muốn truyền đạt. Cách khắc phục là nên mời các thầy cô khác bên ngoài có chuyên môn sâu tổ chức những khóa ngắn hạn, dài hạn, cho các em có những hoạt động thực tế để các em không những được dạy lý thuyết mà còn có sự trải nghiệm.

Chúng ta không xây dựng một hình ảnh mỹ miều trong trường học hay một hình ảnh hoàn hảo trong cuộc sống mà nên dạy học sinh cách tự vệ và phản biện với những gì đã học để các em nhận biết đúng sai, từ đó biết cách miễn dịch với cái xấu.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng: Học sinh cần được tư vấn tâm lý

TS. Nguyễn Tùng Lâm

Việc giáo dục phải được đặt lên hàng đầu. Hiện, các thầy cô  dạy cho học sinh vẫn nặng về lý thuyết chứ không phải bằng sự trải nghiệm, bằng sự tâm phục khẩu phục. Riêng Trường Đinh Tiên Hoàng đã đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống và giá trị sống vào giảng dạy cho các em trong cả 3 năm học TPHT. Bên cạnh giáo dục, việc xử lý học sinh vi phạm hiện nay chưa rõ ràng, chưa đủ mạnh.

Trường học không đuổi học sinh, nhưng phải để cho các em tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, ví dụ có thể để cho các em cải tạo lao động, từ đó các em suy ngẫm về việc làm sai trái. Khi sự việc đánh lộn xảy ra cần tư vấn tâm lý cho học sinh, không chỉ những học sinh bị đánh mà cả học sinh đánh bạn, bởi không chỉ người bị đánh bị tổn thương mà cả người đánh cũng bị biến đổi về nhân cách.

Nếu học sinh đó không được giúp đỡ, không được phân tích đúng sai, không được tư vấn tâm lý thì sẽ dẫn đến hậu quả sau này lớn lên đánh vợ con hay gây lộn ngoài xã hội.

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa  Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:  Ngăn chặn bạo lực không phải việc của riêng ai

Bà Ngô Thị Minh

Mọi thứ đều xuất phát từ gia đình. Những thành viên trong gia đình phải hiểu đúng hai từ trách nhiệm. Cha mẹ phải học cách kiềm chế, kiểm soát bản tính nóng nảy bởi sự hung hãn thiếu kiểm soát sẽ gây ra bạo lực, bạo lực từ trong gia đình dễ dẫn đến bạo lực ngoài xã hội. Những người thiếu trách nhiệm với gia đình, thờ ơ với vợ con cũng thường thiếu trách nhiệm, thờ ơ với những sự việc xảy ra ngoài xã hội. Nếu ai nhìn thấy cảnh ẩu đả cũng không muốn can thiệp thì thói hung hãn sẽ ngày càng có đất sống.

Ngăn chặn bạo lực không phải là việc riêng của ai mà là việc của tất cả mọi người. Từ các ban, ngành chức năng đến các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Thanh niên… đều phải vào cuộc để giáo dục thành viên của mình, cũng như giải tỏa mâu thuẫn khi nó xảy ra. Như thế mới góp phần đẩy lùi cái ác, hướng thiện.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quan tâm đến nơi vui chơi cho giới trẻ. Bởi khi các em được tham gia các trò chơi lành mạnh, bổ ích các em được giải tỏa những áp lực từ cuộc sống, không còn sa vào những trò tiêu khiển vô bổ, thậm chí có hại cho bản thân và xã hội.

Với vai trò của mình, chúng tôi cũng đã giám sát và kiến nghị với Chính phủ để có những giải pháp tổng thể. Tôi cũng mong rằng khi có giải pháp sẽ có sự chỉ đạo theo ngành dọc, theo hệ thống chân rết để có sự thay đổi trong vấn đề giáo dục trong và ngoài nhà trường.

TS. Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu phát triển XH: Không dạy trẻ theo kiểu “yêu cho roi cho vọt”

Trong cuộc sống hằng ngày những mâu thuẫn và xung đột nhỏ xảy ra là điều bình thường, tuy nhiên bạo lực gia tăng gần đây cho thấy chúng ta đang thiếu hụt kỹ năng vượt qua xung đột. Những kỹ năng này cần được dạy ngay từ khi trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nền văn hóa của chúng ta thường dạy trẻ theo cách “yêu cho roi cho vọt”. Triết lý giáo dục như vậy là không đúng. Khi người lớn bạo lực trẻ em cần nhìn nhận như là vi phạm về quyền trẻ em, vi phạm Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em và vi phạm những luật khác chứ không thể nhìn nhận như vấn đề dạy dỗ trẻ, dạy dỗ con cái.

Anh Đỗ Văn An, Cầu Giấy, Hà Nội: Trang bị kiến thức pháp luật cho người dân

Cần trang bị cho người dân những kiến thức pháp luật cơ bản bởi không ít người tham gia vào ẩu đả, đánh lộn khi bị xử lý mới té ngửa ra là mình đã phạm luật này, luật khác.

Các vụ ẩu đả không ngừng gia tăng cũng một phần bởi các cơ quan chức năng khá thờ ơ khi ẩu đả xảy ra, chỉ những vụ nghiêm trọng họ mới can thiệp, còn thì để cho người dân tự xử lý. Những kẻ đánh người mà không bị xử lý, họ sẽ lại tiếp tục tái phạm và người khác nhìn vào thấy ông này đánh người được thì tôi cũng đánh được, và cứ vậy những kẻ hung hãn ngày càng lộng hành./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xác định nguyên nhân đồ đạc trong nhà cụ bà 76 tuổi “thích là cháy”
Xác định nguyên nhân đồ đạc trong nhà cụ bà 76 tuổi “thích là cháy”

Cơ quan chức năng xác định các mẫu đất, không khí… ở nhà bà lão 76 tuổi - được cho có nhiều đồ đạc tự cháy- là hoàn toàn bình thường.

Xác định nguyên nhân đồ đạc trong nhà cụ bà 76 tuổi “thích là cháy”

Xác định nguyên nhân đồ đạc trong nhà cụ bà 76 tuổi “thích là cháy”

Cơ quan chức năng xác định các mẫu đất, không khí… ở nhà bà lão 76 tuổi - được cho có nhiều đồ đạc tự cháy- là hoàn toàn bình thường.

Chủ tịch Hà Nội: Có thể buộc thôi việc Phó giám đốc đánh Tiến sĩ 76 tuổi
Chủ tịch Hà Nội: Có thể buộc thôi việc Phó giám đốc đánh Tiến sĩ 76 tuổi

VOV.VN - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu xử lý nghiêm và có thể buộc thôi việc đối với Phó giám đốc đánh Tiến sĩ 76 tuổi.

Chủ tịch Hà Nội: Có thể buộc thôi việc Phó giám đốc đánh Tiến sĩ 76 tuổi

Chủ tịch Hà Nội: Có thể buộc thôi việc Phó giám đốc đánh Tiến sĩ 76 tuổi

VOV.VN - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu xử lý nghiêm và có thể buộc thôi việc đối với Phó giám đốc đánh Tiến sĩ 76 tuổi.

ĐBQH lên án hành xử của Phó giám đốc đánh Tiến sĩ 76 tuổi
ĐBQH lên án hành xử của Phó giám đốc đánh Tiến sĩ 76 tuổi

VOV.VN - ĐBQH Trần Văn Mão: Một xã hội văn minh, con người với con người xử sự với nhau phải văn minh hơn, nhân ái, có lòng vị tha…

ĐBQH lên án hành xử của Phó giám đốc đánh Tiến sĩ 76 tuổi

ĐBQH lên án hành xử của Phó giám đốc đánh Tiến sĩ 76 tuổi

VOV.VN - ĐBQH Trần Văn Mão: Một xã hội văn minh, con người với con người xử sự với nhau phải văn minh hơn, nhân ái, có lòng vị tha…

Phó Giám đốc đánh tiến sĩ 76 tuổi: Hành vi không thể chấp nhận
Phó Giám đốc đánh tiến sĩ 76 tuổi: Hành vi không thể chấp nhận

VOV.VN - Phó Giám đốc đánh tiến sĩ 76 tuổi có làm to tới mức nào thì trước khi làm quan ông phải có thái độ ứng xử đúng mực với mọi người.

Phó Giám đốc đánh tiến sĩ 76 tuổi: Hành vi không thể chấp nhận

Phó Giám đốc đánh tiến sĩ 76 tuổi: Hành vi không thể chấp nhận

VOV.VN - Phó Giám đốc đánh tiến sĩ 76 tuổi có làm to tới mức nào thì trước khi làm quan ông phải có thái độ ứng xử đúng mực với mọi người.