Diễn biến phức tạp tội phạm mua bán người ở miền núi Sơn La

VOV.VN - Các địa bàn vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới đang có chiều hướng lan rộng loại tội phạm buôn bán phụ nữ.

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc diễn biến phức tạp. Tại tỉnh Sơn La, công tác phòng chống, đấu tranh với loại tội phạm này đã được các lực lượng chức năng tập trung triển khai, nhưng vẫn có chiều hướng lan rộng sang các địa bàn vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới, với nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau.

Các đoàn thể cơ sở đến thăm hỏi động viên em Quàng Thị Oan.

Đã hơn 2 tháng về với gia đình, nhưng em Quàng Thị Oan, dân tộc Thái, sinh năm 1998, ở bản Sàng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La vẫn chưa hết sợ hãi vì bị lừa bán sang Trung Quốc. Chỉ vì nhẹ dạ cả tin, Oan đã bị đối tượng Quàng Văn Định, cũng dân tộc Thái, trú tại xã Chiềng En, huyện Sông Mã làm quen, rủ đi làm việc bên Trung Quốc với lời hứa sẽ được trả mức lương từ 7 đến 8 triệu đồng. 

Khi đến Lào Cai, đối tượng bên Trung Quốc được Định bắt mối từ trước chờ sẵn, chở Oan qua đò vượt qua sông sang Hà Khẩu, rồi vào sâu trong nội địa nước bạn. Không như lời hứa của Định, chẳng những đồng lương không thấy đâu mà cứ vài ngày Oan lại bị chuyển địa điểm, lúc làm chân rửa bát, lúc làm ôsin, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa. Bơ vơ nơi xứ người, tiếng không biết, may mà Oan được một người chủ tốt bụng giúp trốn trở về Việt Nam, nên em chưa bị các đối tượng bán vào hang động mại dâm.

Quàng Thị Oan nói:  “Em rất sợ. Từ bây giờ, thấy người nào lạ lừa mình thì mình không đi nữa. Có người lạ đến lừa đừng tin”.

Quàng Thị Oan còn may mắn vì được trở về nhà. Nhiều chị em bị lừa bán sang xứ người giờ còn không biết trôi dạt nơi nào. Theo số liệu khảo sát của Công an tỉnh Sơn La: Cho đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có khoảng 200 phụ nữ vắng mặt ở địa phương không có tin tức, nghi đã bị lừa bán. Như trường hợp em Quàng Thị Thế, sinh năm 1996, em gái chị Quàng Thị Thởi, dân tộc Thái, ở bản Co Cại, cũng thuộc xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu là một ví dụ. 

Cha mẹ mất sớm, nhà nghèo, em Thế rời nhà nói là theo người quen đi làm ăn xa từ năm 2013. Từ đó đến nay, chỉ duy nhất một lần Thế gọi điện về từ số điện thoại của Trung Quốc, còn lại là bặt vô âm tín, gia đình không thể liên lạc được, giờ không biết tin tức em ra sao. Chị Quàng Thị Thởi buồn rầu: “Muốn tìm em về, gia đình rất nhớ em. Em nó đi được 2-3 năm rồi nhưng mà từ lúc đi đến nay chẳng thấy liên lạc nữa, gọi cũng không được nữa rồi. Gia đình mong chính quyền giúp đỡ đưa em về”.

Tại tỉnh Sơn La, đặc điểm của đối tượng gây án đa dạng, có cả nam và nữ, cá biệt có nhiều đối tượng trước đây cũng là nạn nhân bị mua bán nay có chồng con hoặc hành nghề mại dâm bên Trung Quốc, giờ trở về lừa tiếp đồng bào mình. 

Thủ đoạn của các đối tượng buôn bán người chủ yếu là đến các bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tìm những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức hạn chế, không có việc làm ổn định. Chúng dùng thủ đoạn tạo lòng tin, hứa hẹn tìm việc làm ở thành phố, các tỉnh biên giới có thu nhập cao. Hoặc chúng dùng điện thoại di động với tên giả, địa chỉ giả, giả vờ kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương những chị em này, rủ lên biên giới Việt Nam-Trung Quốc mua sắm, móc nối với các đối tượng người Trung Quốc, sau đó thực hiện hành vi mua bán người. 

Với các chiêu thức này, riêng đối tượng Quàng Văn Định, trú tại xã Chiềng En, huyện Sông Mã đã lừa bán gần chục nạn nhân sang Trung Quốc, với giá 5 triệu đồng/người. Đối tượng Định hiện đã bị lực lượng chức năng bắt giữ, nhưng còn số chị em bị hắn lừa bán giờ cũng chưa biết số phận ra sao, vì không có địa chỉ cụ thể nên không thể giải cứu được. 

Thượng tá Nguyễn Văn Thành, phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, công an tỉnh Sơn La cho biết: “Trên địa bàn Sơn La hiện nay còn rất nhiều phụ nữ, trẻ em có thông tin đang ở bên Trung Quốc, nhưng không có địa chỉ cụ thể nên không giải cứu được. Có trường hợp nạn nhân đã bị đưa sâu vào lục địa Trung Quốc nên không có điều kiện để giải cứu. 

Một số nạn nhân tuy đã được giải cứu trở về nhưng họ lại không biết rõ đối tượng lừa họ vì các đối tượng đã sử dụng tên tuổi, địa chỉ giả nên không xác minh được. Việc đấu tranh mở rộng án, thu thập tài liệu chứng cứ trong các vụ mua bán người cũng khó khăn do việc mua bán giữa các đối tượng với nhau nạn nhân không biết. Trong khi đó, việc điều tra các đối tượng bên Trung Quốc không thể tiến hành được”.

Chị Quàng Thị Thởi mong chờ em trở về.

Tăng cường các biện pháp đấu tranh, từ đầu năm 2015 đến nay, công an tỉnh Sơn La đã điều tra, làm rõ 5 vụ, bắt 8 đối tượng lừa bán 21 phụ nữ, trong đó có 2 trẻ em. Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng chủ động lập 3 chuyên án đấu tranh, bắt 5 đối tượng, giải cứu 7 nạn nhân đưa về đoàn tụ với gia đình. 

Tuy nhiên, Sơn La là địa bàn biên giới, nhiều dân tộc, trình độ dân trí của một bộ phận bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới, chưa cao; phong tục tập quán của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong quan hệ nam nữ, lấy vợ lấy chồng thường dễ bị lợi dụng, dụ dỗ. Đồng bào có tập quán làm nương rẫy xa nhà nên việc đăng ký khai báo tạm trú tạm vắng và quản lý nhân hộ khẩu còn nhiều thiếu sót. Công tác tuyên truyền đã được các cấp ngành triển khai nhưng chưa thực sự làm chuyển biến nhận thức hoặc còn chung chung, chưa sâu sát cơ sở, đến nhóm đối tượng chính.

Tiếp tục các biện pháp đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm mua bán người, đại tá Nguyễn Văn Đức, chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La nói: “Chúng tôi xác định các giải pháp. Một là chủ động nắm chắc tình hình, tích cực lập các chuyên án đấu tranh với các đối tượng này trên địa bàn biên giới. Chúng tôi phối hợp với các cấp, ngành, các lực lượng tổ chức xét xử lưu động đối với các đối tượng mua bán người tại khu vực biên giới để bà con nắm được âm mưu, phương thức của tội phạm, vừa giáo dục răn đe.

Tổ chức các đợt tuyên truyền chuyên đề về công tác phòng chống mua bán người qua biên giới. Đẩy mạnh chương trình phát triển kinh tế văn hóa xã hội trên biên giới. Đặc biệt, tạo điều kiện cho cá Hội Phụ nữ, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho chị em”.  

Để công tác phòng chống tội phạm mua bán người ở miền núi Sơn La hiệu quả hơn, ngoài các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh trấn áp của các lực lượng chức năng, cần thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bắt nhóm người buôn bán phụ nữ qua Trung Quốc
Bắt nhóm người buôn bán phụ nữ qua Trung Quốc

Hiếu khai nhận từ năm 2010 đến lúc bị bắt đã mang bán 11 thiếu nữ

Bắt nhóm người buôn bán phụ nữ qua Trung Quốc

Bắt nhóm người buôn bán phụ nữ qua Trung Quốc

Hiếu khai nhận từ năm 2010 đến lúc bị bắt đã mang bán 11 thiếu nữ

Bắt đường dây buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc
Bắt đường dây buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc

Từ tháng 5/2013 đến khi bị bắt, nhóm này đã bán tổng cộng 12 phụ nữ sang Trung Quốc

Bắt đường dây buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc

Bắt đường dây buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc

Từ tháng 5/2013 đến khi bị bắt, nhóm này đã bán tổng cộng 12 phụ nữ sang Trung Quốc

Bắt hai đối tượng buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc
Bắt hai đối tượng buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc

(VOV) -Theo lời khai của các đối tượng, mỗi nạn nhân được chúng bán với giá 10.000 NDT.

Bắt hai đối tượng buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc

Bắt hai đối tượng buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc

(VOV) -Theo lời khai của các đối tượng, mỗi nạn nhân được chúng bán với giá 10.000 NDT.

Tây Ninh: Cả gia đình cùng nhau buôn bán phụ nữ
Tây Ninh: Cả gia đình cùng nhau buôn bán phụ nữ

Vợ chồng Vương Văn Cu cùng con gái móc nối tuyển phụ nữ bán sang Trung Quốc theo hình thức "lấy chồng ngoại"

Tây Ninh: Cả gia đình cùng nhau buôn bán phụ nữ

Tây Ninh: Cả gia đình cùng nhau buôn bán phụ nữ

Vợ chồng Vương Văn Cu cùng con gái móc nối tuyển phụ nữ bán sang Trung Quốc theo hình thức "lấy chồng ngoại"