Vụ nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung dã man: Công an vào cuộc

VOV.VN - Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội đang phối hợp với Công an quận Hoàng Mai thu thập chứng cứ, xác minh điều tra làm rõ vụ việc.

Trước vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo Lao Động đang trên đường tác nghiệp bị 3 đối tượng lạ mặt dùng gậy đánh gây nhiều vết thương nặng và dập ngón tay, chiều 25/3, lãnh đạo báo Lao Động đã có buổi họp mặt báo chí thông tin chi tiết về vụ việc.

Lãnh đạo báo Lao Động cho biết, sự việc xảy ra  vào khoảng 7h45 phút sáng ngày 23/3 tại khu vực chung cư Kim Lũ (phía sau Đại học Thăng Long, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khi đang trên đường đi thực hiện nhiệm vụ do cơ quan giao, bị ba đối tượng lạ mặt dùng gậy đánh tới tấp khiến anh Hoàng bị nhiều vết thương nặng, ngón tay bị dập…

Lãnh đạo báo Lao Động cung cấp thông tin cho phóng viên

Theo lãnh đạo báo Lao Động,  lúc đó do bị đánh bất ngờ nên nhà báo Hoàng không thể chống cự được mà nằm co người xuống đất để thủ thế chống đỡ. Ba đối tượng đã dùng gậy, tay và chân đánh, đá liên tiếp, thậm chí, các đối tượng còn dùng chân đạp vào đầu anh Hoàng.

Do vẫn đội mũ bảo hiểm nên phần đầu không bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên, ngón tay trỏ của bàn tay phải đã bị đánh nát, nhiều vết trên người bị sưng to, trầy xước, bầm tím…Các đối tượng đã cố tình giật mũ của anh Hoàng ra khỏi đầu, dùng nhiều vật khác nhau để gây tổn thương trên thân thể anh, có ít nhất là 3 loại vật cứng.

Cho đến khi nhà báo Hoàng nằm bất động thì các đối tượng mới chịu bỏ đi. Ông Nguyễn Đăng Hiển, Phó Tổng biên tập báo Lao Động cho biết, ngay tại thời điểm nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị đánh thì cơ quan đã xuống hiện trường và thấy nhà báo Hoàng bị nhiều vết thương: “Mức manh động cao hơn mức dằn mặt, cố tình giật mũ ra để đánh mà mục tiêu là đánh vào đầu chứ không phải đánh vào người. Hiện nay, lãnh đạo báo đã làm việc với Công an phường bởi vì 3 đối tượng đã đi theo xe của anh Hoàng từ nhà riêng khi đưa con đi học đến khi đi làm thì bị hành hung. Chúng tôi yêu cầu cơ quan công an tăng cường bảo vệ khu vực nhà riêng của anh Hoàng để đề phòng trường hợp xấu hơn nữa có thể xảy ra”.

Trước đó, sáng 25/3, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn gửi Công an TP Hà Nội, Công an quận Hoàng Mai đề nghị điều tra vụ việc. Công văn nêu rõ, vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo Lao Động bị một số đối tượng hành hung gây thương tích khi đang thực hiện nhiệm vụ do cơ quan giao gây phản ứng trong dư luận báo chí và xã hội. Để bảo vệ quyền hành nghề và các quyền khác của nhà báo theo điều 15 Luật Báo chí, Cục Báo chí đề nghị Công an TP Hà Nội chỉ đạo Công an quận Hoàng Mai nhanh chóng điều tra, làm rõ hành vi và xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định.

Cùng ngày, lãnh đạo phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an thành phố Hà Nội cho biết đã nhận được thông tin từ báo Lao Động về việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung. Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội đang phối hợp với Công an quận Hoàng Mai thu thập chứng cứ, xác minh điều tra làm rõ vụ việc./.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam:

Khi được tin nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung, bản thân tôi rất bức xúc và tôi muốn bày tỏ tình cảm thân thiết của tôi, với tư cách là một nhà báo, một đồng nghiệp đối với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - là một nhà báo mà tôi rất là yêu quý. Đây là một cây bút viết phóng sự, điều tra có uy tín trong làng báo Việt Nam và là người luôn luôn tỏ rõ tinh thần, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mình trong hoạt động nghề nghiệp, có nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng và được bạn đọc yêu quý và đánh giá cao.

Một nhà báo như vậy mà bị hành hung là điều rất đáng tiếc, là tiếng chuông cảnh tỉnh cho chúng ta, những người làm báo và dư luận xã hội cần phải quan tâm hơn nữa trong việc bảo vệ các nhà báo - là những người bảo đảm quyền thông tin cho xã hội.

Sáng nay, tôi đang dự sự kiện về văn hóa thì nhận được cú điện thoại của một đồng nghiệp và được biết thông tin về vụ hành hung nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Lập tức tôi đã gọi điện cho cơ quan Ủy ban kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam khẩn trương tiếp cận các thông tin cần thiết bước đầu để báo cáo lãnh đạo Hội.

Sau đó, tôi yêu cầu phải soạn thảo một công văn ngay lập tức để sau khi rời khỏi sự kiện văn hóa đó là về tôi ký ngay. Công văn đã được gửi đi theo con đường khẩn cấp nhất đến tất cả các cơ quan chức năng có trách nhiệm. Đồng thời, tôi đã cho liên hệ với các cơ quan chức năng bằng điện thoại để họ trực tiếp báo cáo về diễn biến xảy ra vụ việc.

Bản thân tôi đã trực tiếp gọi điện cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai, nơi xảy ra sự việc này, đề nghị các đồng chí chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật mà trực tiếp là Công an quận Hoàng Mai nhanh chóng điều tra xác minh để truy tìm thủ phạm đã gây ra vụ hành hung nhà báo vừa xảy ra.

Đây là một vụ việc hành hung nghiêm trọng nhà báo đang trong quá trình tác nghiệp. Sự việc này gây một sự bức xúc và một sự phản ứng mạnh mẽ trong dư luận báo chí và trong công chúng báo chí. Hội nhà báo Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ các nhà báo hoạt động đúng pháp luật.

Và Hội nhà báo Việt Nam thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc bảo vệ các nhà báo. Chúng tôi ngay lập tức đã trao đổi với nhau và đã làm những việc cần thiết như trước đây vẫn làm và bây giờ sẽ tiếp tục làm với tinh thần ngày càng quyết liệt hơn để bảo vệ các nhà báo đang tác nghiệp trong những điều kiện khó khăn, làm sao để các nhà báo yên tâm hoạt động để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên