Thái Lan - Campuchia thoả thuận được về tranh chấp biên giới

Đây cũng là nguyện vọng chung của nhân dân hai quốc gia láng giềng và cả khu vực Đông Nam Á.

Cuối cùng, ngày 28/6, các quan chức Campuchia và Thái Lan đã tiến thêm một bước hướng tới việc rút quân ra khỏi khu vực tranh chấp quanh ngôi đền cổ Preah Vihear, theo lệnh của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Điều này đã tưởng không thể diễn ra sau 2 ngày của cuộc họp thứ 2 Nhóm công tác hỗn hợp Campuchia - Thái Lan. Tuy nhiên, lịch trình rút quân cụ thể vẫn chưa được nêu ra và 2 bên vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều để hóa giải các bất đồng nhằm đẩy nhanh việc thực thi phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế, đem lại hòa bình, ổn định cho hai nước, cũng như khu vực.

Căng thẳng giữa Campuchia và Thái Lan quanh khu vực đền cổ Preah Vihear tạm thời đã được giải toả (Ảnh: Internet)
Đây là lần thứ 2 Nhóm Công tác hỗn hợp Campuchia - Thái Lan họp tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia nhằm thống nhất về vấn đề rút quân khỏi khu vực biên giới tranh chấp xung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear. Mặc dù cuộc họp dự kiến chỉ diễn ra trong một ngày 27/6, nhưng nó đã được kéo dài sang ngày 28/6, với hy vọng 2 bên sẽ tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này. Những khúc mắc trong đàm phán khiến Campuchia và Thái Lan chưa thể đạt được đồng thuận về việc thực thi phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế tuyên ngày 18/7/2011.

Một trong những điểm mâu thuẫn mấu chốt là 2 bên không ấn định ngày tháng cụ thể cho lịch trình rút quân. Thêm vào đó, việc tháo gỡ bom mìn tại khu vực tranh chấp này cũng là vấn đề gây tranh cãi. Điều này khiến một số ý kiến tỏ ra lo ngại rằng, nếu đàm phán biên giới giữa Campuchia và Thái Lan không nhanh chóng đạt được kết quả tích cực, thì những nỗ lực cải thiện tình hình căng thẳng giữa 2 quốc gia láng giềng rất dễ bị đổ “xuống sông, xuống biển”.

Trên thực tế, thời gian gần đây, chính phủ Campuchia và Thái Lan đã cùng thể hiện thiện chí hướng tới hòa bình, chấm dứt những cuộc đụng độ giữa quân đội 2 nước vì tranh chấp chủ quyền tại khu vực đền Preah Vihear. Tia hy vọng mới thực sự được thắp lên sau chuyến thăm Campuchia của Thủ tướng Thái Lan Yingluck vào tháng 9/2011. Phnom Penh có thiện cảm với chính quyền của bà Yingluck do chính sách của nhà lãnh đạo này có phần hòa dịu hơn và một phần cũng do mối quan hệ tốt đẹp giữa Campuchia và Thái Lan dưới thời cựu Thủ tướng Thaksin - anh trai bà Yingluck.

Bầu không khí tại biên giới 2 nước sau đó đã bớt ngột ngạt đi nhiều khi 2 nước đồng tình với phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế. Theo đó, Campuchia và Thái Lan phải lập tức rút binh sĩ khỏi Khu phi quân sự tạm thời xung quanh đền Preah Vihear và cho phép các quan sát viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp cận khu vực này để giám sát lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, cho đến nay, cả Campuchia và Thái Lan đều chưa rút quân khỏi khu vực chỉ có diện tích hơn 17 km2 này.

Có thể thấy rằng, những vấn đề tranh chấp liên quan tới chủ quyền, lợi ích quốc gia thường rất khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Mâu thuẫn Thái Lan - Campuchia càng gay gắt nhất là khi ngôi đền Preah Vihear được đưa vào danh sách Di sản thế giới hồi tháng 7/2008. Các cuộc đụng độ giữa quân đội 2 nước đã khiến hàng chục người thiệt mạng và hơn 80 người ở khu vực biên giới phải sơ tán do giao tranh. Khẩu chiến và đọ súng diễn ra thường xuyên khiến dư luận lo ngại về một cuộc chiến có thể nổ ra giữa Thái Lan và Campuchia.

Tại cuộc họp của Nhóm hỗn hợp vừa qua, hai bên nhất trí sẽ duy trì tình trạng yên tĩnh tại vùng biên giới chung, nhưng rõ ràng nguy cơ xung đột vẫn luôn tiềm ẩn nếu 2 bên tiếp tục triển khai lực lượng quân sự tại khu vực tranh chấp. Tiến trình thực thi phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế càng chậm trễ càng không có lợi.

Có lẽ cả hai bên đều đã hiểu rõ điều này nên cuối cùng, một Tuyên bố chung đã được đưa ra sau cuộc họp thứ 2 của Nhóm công tác hỗn hợp Campuchia - Thái Lan mà theo đó, Trung tâm khai mỏ Campuchia và Trung Tâm khai mỏ Thái Lan sẽ tổ chức một cuộc đối thoại tại Bangkok (Thái Lan) vào tuần thứ 3 của tháng 7 năm nay, để thảo luận các biện pháp và kế hoạch cho một hoạt động rà phá bom mìn chung tại Khu vực phi quân sự tạm thời xung quanh ngôi đền, trước khi quân đội rút quân và các quan sát viên được triển khai.

Dư luận chung đã có thể “thở phào nhẹ nhõm” bởi dẫu sao thì cuối cùng hai bên đã đạt được cơ sở bước đầu cho việc rút quân khỏi khu vực tranh chấp và triển khai lực lượng quan sát viên để duy trì hòa bình ở đây. Phát biểu sau cuộc họp, Tham mưu trưởng liên quân thuộc Lục quân Hoàng gia Thái Lan Worapong Sanganetra cũng cho biết là bầu không khí giữa hai bên trong cuộc họp là thân thiện và gần gũi, khiến mang lại kết quả rất tích cực khi hai bên nhắc lại cam kết tuân theo các phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế. Có lẽ, đây cũng là nguyện vọng chung của nhân dân hai quốc gia láng giềng và cả khu vực Đông Nam Á này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên