VEPR: Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng

VOV.VN - Theo VEPR, đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. 

Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II/2017 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố chiều 10/7 cho thấy, trong bối cảnh phục hồi của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam trong Quý II đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực, với mức tăng trưởng 6,17%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (5,78%). Tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 5,73%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016.

Nông nghiệp đưa tăng trưởng hồi phục

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, dịch vụ và nông nghiệp tăng trưởng tốt được cho là động lực chính đóng góp vào sự phục hồi trong Quý II khi đạt đạt mức tăng 2,01% trong nửa đầu năm 2017. Tăng trưởng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp trong nửa đầu năm đạt 2,65%, thậm chí cao hơn mức tăng 2,22% của năm 2015. Riêng ngành thủy sản tăng trưởng mạnh nhờ những thuận lợi về cả thời tiết và giá cả.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận xét về Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II/2017.
Đặc biệt, các chỉ báo sản xuất công nghiệp cải thiện rõ rệt trong quý. Chỉ số VEPI cũng tăng nhẹ lên mức 6,0% trong Quý II. Doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng cũng như vốn đăng ký trung bình. “Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đáng kể, cùng với sự suy giảm trong số lượng lao động khu vực công nghiệp cũng như tổng số việc làm tạo mới phần nào cho thấy thành quả của tăng trưởng không đến từ khu vực nội địa, mà có thể đang lệ thuộc vào một số doanh nghiệp FDI lớn”, TS. Nguyễn Đức Thành đánh giá.

Chỉ số lạm phát Quý II tiếp tục lao dốc. CPI tháng 6 chỉ đạt 2,54% so với cùng kỳ năm trước và 0,2% so với năm 2016. Giá thực phẩm giảm mạnh do khủng hoảng dư cung thịt lợn cùng với giá xăng dầu được điều chỉnh giảm đã bù đắp hầu hết tác động của các đợt điều chỉnh giá dịch vụ công. Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán tăng trưởng thấp khiến lạm phát cơ bản cũng liên tục suy giảm trong nửa đầu năm nay.

Thương mại quốc tế gia tăng mạnh trong Quý II. Tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu trong quý lần lượt đạt 24,5% và 26,8%, cao nhất trong vòng hơn nửa thập kỷ. Xuất khẩu tăng tốc mạnh đã giúp cán cân thương mại được cải thiện đáng kể. Đáng chú ý, lần đầu tiên thâm hụt thương mại với Hàn Quốc (15,9 tỷ USD) đã vượt Trung Quốc (14,1 tỷ USD).

Bội chi Ngân sách Nhà nước giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm, đạt mức 32.500 tỷ đồng so với 89.200 tỷ đồng năm 2016. “Tuy nhiên, sự cải thiện này lại bắt nguồn từ thực trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Trong khi đó, chi thường xuyên và chi trả nợ tiếp tục tăng cao gây áp lực lên cán cân ngân sách cũng như nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển”, báo cáo nhận xét.

Đáng chú ý, tiêu dùng cải thiện mạnh mẽ cả về giá và lượng trong Quý II, tăng trưởng tương ứng 10,1% và 8,4%. Đầu tư phục hồi nhẹ, chủ yếu nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Lượng vốn FDI đăng ký mới tăng vọt lên mức 8,92 tỷ USD trong Quý II, chủ yếu do một số dự án lớn mới được triển khai.

Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong khi tăng trưởng huy động giảm khiến chênh lệch huy động-tín dụng bị đẩy lên cao trong Quý II. Tuy nhiên, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công khiến lượng tiền gửi của KBNN vào hệ thống NHTM gia tăng, qua đó làm giảm áp lực thanh khoản trên thị trường và duy trì ổn định mặt bằng lãi suất.

Thị trường ngoại hối và thị trường vàng tiếp tục diễn biến ổn định bất chấp những biến động trên thị trường thế giới trong Quý II. Trong lĩnh vực bất động sản, số lượng mở bán và giao dịch các căn hộ giảm cả so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu vào phân khúc trung cấp và bình dân.

Chất lượng tăng trưởng là quan trọng

Đại diện VEPR cho rằng, đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Đã đến lúc nên đặt câu hỏi về chất lượng tăng trưởng một cách thực tế, hay là hướng đến một mức tăng trưởng chung đạt cao nhưng có phản ánh thực lực của nền kinh tế hay không?

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, các biện pháp nêu ra để đạt mục tiêu tăng trưởng mang tính kế hoạch hóa cao, chi tiết đến từng bộ ngành. Đặc biệt, ngành dầu khí được chỉ thị tăng cường sản lượng khai thác để tăng mức đóng góp vào GDP.

“Tuy nhiên, việc áp đặt chỉ tiêu cho từng bộ ngành có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, do không tạo ra động lực phát triển cho các thành phần kinh tế”, TS. Nguyễn Đức Thành cho hay.

Trong bối cảnh kinh tế có dấu hiệu phục hồi trong quý II, VEPR dự báo tăng trưởng 2 quý tiếp theo của năm 2017 sẽ ở mức 6,7% và 7,0%, đưa tăng trưởng cả năm lên mức 6,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo VEPR đưa ra hồi quý trước.

Đồng thời, với chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng cũng như ảnh hưởng của cú sốc về giá thực phẩm, VEPR cho rằng lạm phát năm 2017 sẽ duy trì ở mức thấp dưới 2,5%. Cụ thể, lạm phát cuối Quý III có thể giảm xuống 1,8% trước khi tăng lên 2,2% vào cuối năm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ trưởng KHĐT: Giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7% nhưng không bằng mọi giá
Bộ trưởng KHĐT: Giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7% nhưng không bằng mọi giá

VOV.VN - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ quyết giữ vững mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, nhưng không bằng mọi giá.

Bộ trưởng KHĐT: Giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7% nhưng không bằng mọi giá

Bộ trưởng KHĐT: Giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7% nhưng không bằng mọi giá

VOV.VN - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ quyết giữ vững mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, nhưng không bằng mọi giá.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017 là việc làm khó nhưng không phải là "nhiệm vụ bất khả thi".

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017 là việc làm khó nhưng không phải là "nhiệm vụ bất khả thi".

Thách thức lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017
Thách thức lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017

VOV.VN - Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,4%.

Thách thức lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017

Thách thức lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017

VOV.VN - Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,4%.