Lãi suất giảm, bỏ tiền vào đâu?

Lãi suất trần huy động giảm mạnh xuống còn 9%/năm, mức mà nhiều người đánh giá là không còn hấp dẫn người gửi. Hệ lụy gì sẽ xảy ra?

Bất động sản không còn “bất động”?

Tiền sẽ vào BĐS thời gian tới? Niềm hy vọng này hoàn toàn có cơ sở, khi động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN bằng cách giảm lãi suất đã lóe lên những ánh sáng hy vọng cho thị trường BĐS. Những người có nhu cầu thực sẽ mạnh dạn vay ngân hàng để mua nhà ở, sửa chữa nhà. Đồng tiền sẽ không chảy về những doanh nghiệp BĐS đang kiệt sức. Người mua sẽ tìm tới những dự án mà chủ đầu tư có năng lực tài chính, tiến độ công trình đảm bảo theo cam kết.

Có nhiều nhận định cho rằng, mức lãi suất tiền gửi 9%/năm không còn hấp dẫn những người có tiền, giá BĐS ở một số phân khúc đã ở mức đáy cũng là sức hút với các nhà đầu tư. Khả năng thời gian tới người có tiền nhàn rỗi sẽ rút tiền để đầu tư BĐS với kỳ vọng ôm hàng giá rẻ, sinh lợi hơn từ việc gửi tiền ngân hàng.

Tín dụng đen trỗi dậy

Nhiều chuyên gia nhận định: khi lãi suất cứ giảm và nếu giảm dưới mức lạm phát, sẽ xuất hiện xu hướng người dân rút tiền từ ngân hàng về cho vay lẫn nhau để lấy lãi suất cao hơn. Tình trạng này kéo dài, các ngân hàng lại phải cạnh tranh, lách luật để giữ chân khách hàng…

Ở một kịch bản khác, các ngân hàng đang phải siết chặt điều kiện cho vay. Chính vì vậy, dù lãi suất giảm song sẽ không có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Để duy trì, mở rộng sản xuất, doanh nghiệp sẵn sàng tìm nguồn tín dụng ngoài ngân hàng, tín dụng đen hoàn toàn có cơ hội trỗi dậy.

Từ đầu năm, lãi suất giảm liên tục song tăng trưởng tín dụng vẫn âm mà nguyên nhân được xác định là do nợ xấu. Điều này được các chuyên gia mô tả, “nó như cục máu đông” chặn dòng chảy vốn từ ngân hàng tới các doanh nghiệp. Giải quyết tình trạng này, có thông tin NHNN sẽ thành lập Công ty mua bán nợ xấu với số vốn lên tới 100.000 tỷ đồng. Đón nhận thông tin  này, các ngân hàng “chiếu dưới” có phần hoan hỉ khi nợ xấu của ngân hàng sẽ được giải quyết. Họ sẽ có tiền, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ, sản xuất được kích hoạt, đà giảm phát sẽ được chặn lại.

Nhìn tổng quan thì gói giải quyết này sẽ là một tín hiệu tốt với các ngân hàng và doanh nghiệp. Song theo các chuyên gia kinh tế cảnh báo: Thứ nhất, cần có những quy định rõ ràng về mục đích, quy chế hoạt động của Công ty mua bán nợ xấu, để việc mua bán nợ xấu được giải quyết triệt để, giúp các ngân hàng đạt tới mục tiêu phát triển bền vững. Thứ hai, việc giao thoa giữa tín dụng đen và việc mua bán nợ xấu là hoàn toàn có thể xảy ra khi nó có thể len lỏi vào để mua tài sản thế chấp (với giá rẻ) trước đây thuộc ngân hàng thì nay sẽ thuộc về Công ty mua bán nợ xấu, để đem lại lợi ích cho một nhóm người.

Tiền sẽ vào sản xuất, dịch vụ

Trần lãi suất huy động xuống 9%/năm, lãi suất cho vay từng bước giảm xuống mức 13 -14%/năm cùng với hàng loạt chính sách hỗ trợ DN đang được thực hiện như: Giãn, giảm thuế, giảm tiền thuê đất… Theo dự báo sẽ có một luồng tiền chảy vào sản xuất, cung ứng dịch vụ.

Thông tin cũng được nhiều người quan tâm: Tiền sẽ đổ vào thị trường chứng khoán, vàng? Thực sự khó dự báo khi thị trường chứng khoán còn phụ thuộc vào những chính sách của Nhà nước, niềm tin của nhà đầu tư; thị trường vàng thì đầy rủi ro khi giá cả liên tục trồi, sụt…/. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên