Gần 200 hộ dân ở Điện Biên mất đất sản xuất vì dự án đường 60 mét

VOV.VN - Hàng nghìn mét vuông ao cá vẫn đã bị mất trắng khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn và trở nên điêu đứng.

Dự án đường 60 mét là một trong nhiều công trình trọng điểm hiện tại của tỉnh Điện Biên.

Đây là tuyến đường quan trọng nối trục đường chính Võ Nguyên Giáp của thành phố Điện Biên Phủ đến khu tái định cư Noong Bua, phường Noong Bua. Từ đó kết nối trung tâm hành chính thành phố Điện Biên Phủ với trung tâm hành chính của tỉnh, khu tái định cư Noong Bua và các vùng lân cận, hình thành mạng lưới giao thông trong khu vực theo định hướng quy hoạch chung xây dựng thành phố và quy hoạch khu đô thị mới phía đông.

Hơn 16 héc ta ruộng và ao của gần 200 hộ dân nơi đây luôn trong tình trạng ngập úng.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công xây dựng tuyến đường này, việc thiếu tính toán của đơn vị thi công, chủ đầu tư đã khiến gần 200 hộ dân trong khu vực bị mất đất sản xuất, đời sống lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn.

Theo những người dân sống tại các tổ dân phố 17, 18, bản Huổi Phạ, Him Lam 1,2 của 2 phường Him Lam và Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết từ khi tuyến đường 60 mét được triển khai thi công đến nay thì những diện tích đất nông nghiệp của họ đã bị ngập sâu trong nước, không thể sản xuất nông nghiệp.

Ghi nhận thực tế của phóng viên VOV tại hiện trường vào ngày 7/11, dù trời không mưa, thế nhưng hơn 16 ha ruộng và ao của gần 200 hộ dân nơi đây luôn trong tình trạng ngập úng.

Trong quá trình thi công đắp nền đường đã ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước chung trong khu vực. 

Đất sản xuất ngập úng, mất tư liệu sản xuất, mất kế mưu sinh, trong khi những người dân sinh sống ở khu vực này đa phần sống dựa vào sản xuất nông nghiệp khiến cuộc sống của họ vốn đã khó khăn nay lại bị đè nặng về nỗi lo kinh tế.

Không chỉ vậy, mỗi khi mùa mưa đến nước bẩn tràn cả vào khuôn viên của các gia đình, kéo theo mầm bệnh và cả những bất cập trong sinh hoạt đời thường. Dù người dân đã gửi đơn nhiều lần đến các cấp chính quyền của thành phố Điện Biên Phủ và tỉnh Điện Biên tuy nhiên đến hiện nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Ông Vũ Khắc Nhụ, người dân phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ nói: “Chúng tôi là người dân, bây giờ ruộng không có, đời sống rất vất vả, khó khăn. Chúng tôi không có lương, đất đai thì nước ngập mênh mông như thế này, trước còn cấy 2 vụ, từ khi làm đường coi như không cấy hái, không làm được gì, bỏ hoang như thế. Đất thì bỏ hoang, trong khi người dân không có công ăn việc làm”.

Cũng là một trong nhiều hộ dân bị mất đất, nước tràn thường xuyên vào nhà, bà Nguyễn Thị Lê cho biết: “Ao ngập. Cây cối lâu năm thế mà vẫn chết hết. Chúng tôi kiến nghị mà chả thấy ai trả lời, đền bù cho dân, bây giờ dân quá khổ”.

Nguyên nhân được xác định, là do trong quá trình thi công đắp nền đường, đoạn tuyến từ cọc 29 lý trình km0+396 đến cọc 48 lý trình km0+567 và từ cọc A38 lý trình km0+945 đến cọc B09 lý trình km1+440 đã ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước chung trong khu vực.

Hệ thống thoát nước có độ chênh cao dẫn đến việc nước tràn vào đất sản xuất của người dân, gây ngập úng cục bộ diện tích đất lúa 2 vụ, đất ao của các hộ dân sinh sống trên địa bàn 2 phường Him Lam và Noong Bua của thành phố Điện Biên Phủ.

Để bảo toàn thủy sản mỗi khi nước dâng, bất đắc dĩ người dân cũng đã phải tự bỏ tiền mua lưới quây quanh các diện tích ao của mình. Tuy nhiên, hàng nghìn mét vuông ao cá vẫn bị mất trắng.

Người dân trong khu vực này cho biết, cuộc sống của họ đang bị đảo lộn và trở nên điêu đứng. Thế nhưng dù đã nhiều lần gửi đơn lên các cấp có thẩm quyền đề nghị xem xét, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Để bảo toàn thủy sản mỗi khi nước dâng, bất đắc dĩ người dân cũng đã phải tự bỏ tiền mua lưới quây quanh các diện tích ao của mình.

Chị Lò Thị My Na ở tổ 18, phường Him Lam cho biết, hiện tại cuộc sống gia đình chị vô cùng khó khăn, phải nuôi 2 con nhỏ, cả gia đình giờ không biết phải trông cậy vào đâu.

“Sống chủ yếu là về nông nghiệp mà bây giờ ruộng, ao đều phải bỏ hoang không trồng cấy được gì, không còn thu nhập quá ảnh hưởng đến cuộc sống. Đề nghị cấp trên khơi thông dòng chảy để người dân tiếp tục sản xuất, trồng cấy và cũng phải có hỗ trợ người dân bao nhiêu năm bị ngập lụt không trồng cấy được gì”, chị My Na than thở.

Nhiều ý kiến của người dân bất bình cho rằng, việc chính quyền thành phố Điện Biên Phủ tiếp tục có chủ trương thu hồi đất để làm dự án hạ tầng khung, xây dựng khu trụ sở cơ quan, khu công cộng, thương mại dịch vụ dọc trục đường 60 mét là bất hợp lý, chưa đảm bảo quyền lợi của người dân. Từ đó kiên quyết sẽ không đồng thuận việc tiếp tục thu hồi đất để làm dự án này vì trước đó thành phố Điện Biên Phủ chi trả đền bù dự án đường 60 mét cho người dân với giá thành quá rẻ.

Hệ thống thoát nước có độ chênh cao dẫn đến việc nước tràn vào đất sản xuất của người dân, gây ngập úng cục bộ diện tích đất lúa 2 vụ, đất ao của các hộ dân.

Bà Trịnh Thị Tịnh, người dân phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên bức xúc nói: “Bây giờ bà con lấy đất 2 bên của bà con để bán đấu giá, có nghĩa là ai có tiền thì mua, như chúng tôi có tiền chúng tôi cũng được mua. Bán đấu giá để lấy tiền thêm vào làm con đường này, nếu như còn thừa nhập vào công quỹ thì chúng tôi thấy bất hợp lý.

Đền bù tất cả tài sản, hoa màu trên đất được hơn 500.000đồng/m2. Tính ra 100m2 không được đáng bao nhiêu tiền, thế mà bây giờ bán lại 375 triệu/100m2 thế chúng tôi lấy đâu ra tiền để mua. Bây giờ lại còn nói lừa dân sẽ lấy hạ tầng khung con đường 60 mét để cho dân tái định cư, nói như vậy là nói sai. Chúng tôi nhìn trong bản đồ đất của chúng tôi những cơ quan nào vào ở là đã có hết, cho nên chúng tôi không nhất trí dự án hạ tầng khung”.

Về vấn đề này, trao đổi với lãnh đạo UBND thành phố Điện Biên Phủ được biết, trên cơ sở rà soát hiện trạng và kiến nghị của UBND 2 phường Him Lam và Noong Bua, ngày 16/3/2017, UBND thành phố Điện Biên Phủ đã có báo cáo số 71 kiến nghị lên UBND tỉnh Điện Biên xin chủ trương hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng, hỗ trợ 1 lần bằng tiền cho người dân.

Cụ thể đối với diện tích lúa không thể sản xuất được sẽ bồi thường mức 8.400 đồng/m2; diện tích đất lúa đã và đang khắc phục cấy bù nhưng không đảm bảo thu hoạch sẽ được bồi thường 6.600 đồng/m2; diện tích đất nuôi trồng thủy sản bị ngập úng không sản xuất được, mức bồi thường 15.000 đồng/m2.

Cũng theo báo cáo này, sau khi thực hiện xong dự án đường 60m và hạ tầng khung, chủ đầu tư sẽ phải đảm bảo hoàn thiện phương án tiêu thoát nước trong khu vực.

Người dân đã nhiều lần gửi đơn lên các cấp có thẩm quyền đề nghị xem xét, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Ông Phạm Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên nói: “Chúng tôi đã lập phương án và đã báo cáo đề xuất với UBND tỉnh phương án hỗ trợ cho các đối tượng này với tổng kinh phí là khoảng 1,7 tỷ đồng.

UBND tỉnh cũng đã chấp thuận về mặt chủ trương. Thành phố cũng đã có văn bản giao nhiệm vụ cho các phòng ban có liên quan, trực tiếp là đề nghị Trung tâm phát triển quỹ đất tiến hành lập phương án hỗ trợ cụ thể cho từng gia đình và thông báo cho người dân về việc tiến độ xử lý phần việc này là sẽ được giải quyết dứt điểm trong tháng 11 này. Đồng thời yêu cầu các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công nghiên cứu phương án khai thông để thoát nước, hạn chế tối thiểu phần phạm vi bị ngập úng để bà con đảm bảo ổn định về sản xuất”.

Chủ trương là vậy, tuy nhiên đến nay dự án đường 60m và hạ tầng khung kỹ thuật của thành phố Điện Biên Phủ vẫn chưa thể đẩy mạnh tiến độ thi công do nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Khi nào dự án mới hoàn thiện xong? Khi nào lãnh đạo thành phố Điện Biên Phủ mới quyết liệt triển khai phương án tiêu thoát nước, đảm bảo đời sống cho người dân vẫn là câu hỏi đang được cần có câu trả lời ngay? Bởi trong thời gian hiện tại, miếng cơm manh áo, đời sống của người dân vẫn đang bị treo lơ lửng, còn số tiền hỗ trợ cho người dân thì vẫn còn đang nằm im trên giấy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Điện Biên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tắc đường trên Quốc lộ 279
Điện Biên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tắc đường trên Quốc lộ 279

VOV.VN - Tỉnh Điện Biên đã nỗ lực khắc phục và thông tuyến quốc lộ 279 trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, tuyến đường vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sụt trượt.

Điện Biên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tắc đường trên Quốc lộ 279

Điện Biên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tắc đường trên Quốc lộ 279

VOV.VN - Tỉnh Điện Biên đã nỗ lực khắc phục và thông tuyến quốc lộ 279 trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, tuyến đường vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sụt trượt.

 Điện Biên: Bao giờ rừng Mường Phăng thôi “nhỏ máu“?
Điện Biên: Bao giờ rừng Mường Phăng thôi “nhỏ máu“?

VOV.VN - Lực lượng kiểm lâm chuyên trách thiếu và yếu, dân cư phân bố chưa hợp lý... là những nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng chặt phá rừng chưa chấm dứt.

 Điện Biên: Bao giờ rừng Mường Phăng thôi “nhỏ máu“?

Điện Biên: Bao giờ rừng Mường Phăng thôi “nhỏ máu“?

VOV.VN - Lực lượng kiểm lâm chuyên trách thiếu và yếu, dân cư phân bố chưa hợp lý... là những nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng chặt phá rừng chưa chấm dứt.