Bạo hành y tế: Đã đến lúc báo động

VOV.VN -  Liên tục trong thời gian gần đây, tại nhiều bệnh viện đã xảy ra tình trạng nhân viên y tế bị bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân hành hung.

Theo các y bác sĩ, đã đến lúc không thể im lặng trước tình trạng này. Cần phải chung tay chống lại nạn bạo hành đối với các cán bộ, nhân viên đang làm việc tại các cơ sở  y tế.

Tháng 8 vừa qua, một nữ bác sĩ Bệnh viện quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh đã rơi vào tình trạng hoảng loạn vì bị mẹ của một bệnh nhi tát thẳng vào mặt. Dù phụ huynh này sau đó thừa nhận đã sai nhưng vẫn không có lời xin lỗi nào dành cho nữ bác sĩ.

 

Nhân viên y tế bị hành hung (ảnh minh họa, nguồn: Vietnamnet)

Sau đó vài ngày, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện quận Thủ Đức cũng đã xảy ra hỗn chiến giữa bảo vệ bệnh viện và người nhà bệnh nhân. Đầu tháng 10, tại Bệnh viện Việt – Tiệp, thành phố Hải Phòng, một nam bệnh nhân nhảy xuống khỏi cáng cấp cứu và tấn công một bác sĩ trực.

Còn cách đây ít ngày, tại Bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi, một nhóm côn đồ xông vào bệnh viện chém bệnh nhân và đập phá tài sản bệnh viện. Theo các y bác sĩ, tình trạng mất an ninh trong bệnh viện, tình trạng nhân viên y tế bị người nhà hoặc bệnh nhân bạo hành bằng lời nói hoặc dùng bạo lực đã có từ nhiều năm nay nhưng thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều. Những vụ việc được đưa lên mặt báo chỉ là những phần nổi của "tảng băng chìm". 

Điều đáng nói ở đây là phản ứng của y bác sĩ và của cả ngành y trước những vụ bạo hành còn quá yếu ớt. Đa phần những vụ bạo hành y tế đều rơi vào im lặng. Người bị bạo hành im lặng, cơ sở y tế im lặng và ngay cả Bộ Y tế cũng im lặng. Hầu như chưa có vụ bạo hành y tế nào mà người đứng đầu cơ sở y tế và cả người bị bạo hành lên tiếng đòi lại công bằng cho mình.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã liên lạc với một số bệnh viện xảy ra vụ nhân viên y tế bị bạo hành đều nhận được lời từ chối khéo của lãnh đạo bệnh viện. Một số y bác sĩ khác cũng từ chối thể hiện quan điểm của mình trước những vụ bạo hành y tế. Đây thực sự là điều rất khó hiểu.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 – một trong số ít bác sĩ có ý kiến thẳng thắn về vấn đề này:  “Tất cả bệnh viện đều nên xử lý đến nơi đến chốn những trường hợp bạo hành bác sĩ. Ra cơ quan công an lập biên bản xử phạt. Thứ hai, một số lãnh đạo hay cho qua. Điều này là không nên. Phải làm đến nơi và công bố phương án xử lý. Nhân viên y tế dù có buồn thì vẫn phải làm. Nên có camera trong bệnh viện để biết câu chuyện nhân viên y tế bị chửi bới, bạo hành như thế nào”.

Bức xúc trước tình trạng nhân viên y tế liên tục bị bạo hành, Bác sĩ Võ Xuân Sơn, Giám đốc Phòng khám y khoa Exson, người có một thời gian dài làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã đứng ra thành lập một trang web có tên gọi chongbaohanhyte vào tháng 4 năm nay.

Thông qua trang web này, Bác sĩ Võ Xuân Sơn muốn kêu gọi nhân viên y tế phải lên tiếng bảo vệ mình, kêu gọi kí tên chống bạo hành y tế và thu thập các kiến nghị gửi cho một số cơ quan liên quan như Bộ Y tế, Bộ Công an nhằm chấn chỉnh tình trạng nhân viên y tế bị bạo hành như trong thời gian qua.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn cũng nhận định: giới trí thức trong đó có đội ngũ nhân viên y tế phản ứng quá yếu ớt khi bị hành hung: “Chúng ta phản kháng rất kém trong mọi khâu. Theo tôi, rõ ràng là do hầu hết cơ sở y tế, nhân viên bị bạo hành nhưng sếp không có ý kiến. Thậm chí sếp còn kỷ luật nhân viên bị bạo hành. Người ta rất sợ kiện cáo nên cứ đè nhân viên ra chịu trách nhiệm mà không nghĩ rằng chuyện đó nhân viên mình đang bị oan”. 

Khi chính những người trong cuộc không lên tiếng bảo vệ mình cũng thật khó để dư luận xã hội có những cái nhìn thông cảm cho công việc của các y bác sĩ. Rõ ràng, khi xảy ra các vụ bạo hành y tế, trong dư luận vẫn đặt vấn đề từ chính cách hành xử của các nhân viên y tế dẫn đến việc bệnh nhân hoặc người nhà bức xúc. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong 9 tháng qua, trong 4.500 cuộc gọi đến đường dây nóng 13% là phản ánh về tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất, nội quy cơ sở y tế; 10% là phản ánh về quy trình chuyên môn.

Chỉ có 4,5% số cuộc gọi là phản ánh về thái độ, tinh thần của y bác sĩ và chỉ có 1,7% số cuộc gọi phản ánh về các vấn đề tiêu cực như vòi vĩnh, nhận hối lộ. Tuy vậy, chính các nhân viên y tế lại là người phải hứng chịu những tất cả bức xúc của người bệnh gây ra bởi những bất cập của ngành y tế. Họ vẫn phải khám chữa bệnh cho dù không biết sẽ bị hành hung bất cứ khi nào và ở đâu. 

Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh, có rất nhiều lí do dẫn đến các vụ bạo hành y tế chứ không thể đổ lỗi cho nhân viên y tế. 

Cho dù xuất phát từ bất cứ lí do gì, việc các nhân viên y tế bị bạo hành là điều không thể chấp nhận được. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Những người hành hung người khác đều phải bị xử lý theo pháp luật và phải công khai hình thức xử lý những người hành hung nhân viên y tế. Theo Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chính quyền phải vào cuộc quyết liệt những vụ việc gây rối và hành hung y bác sĩ.Bác sĩ Thượng nói: “Một nơi khám chữa bệnh mà bị bạo hành chính quyền phải làm mạnh, xử lí nghiêm. Sở đã ra khuyến cáo an toàn bệnh viện và các bệnh viện đang triển khai. Nhưng xã hội càng lúc càng phức tạp. Vì thế, giải pháp trước mắt là các bệnh viện phải rà soát lại tình hình an ninh bệnh viện”. 

Trong khi chờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý tại địa phương mỗi nhân viên y tế cần phải tuyên chiến mạnh mẽ với nạn bạo hành y tế đang có xu hướng ngày càng lan rộng. Trong đó, cần lắm tiếng nói mạnh mẽ của lãnh đạo các cơ sở y tế và nhất là của Bộ Y tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bắt khẩn cấp kẻ hành hung bác sỹ trong bệnh viện Bạch Mai
Bắt khẩn cấp kẻ hành hung bác sỹ trong bệnh viện Bạch Mai

Đối tượng Dũng đã cầm chiếc ví da đập vào gáy chị Ngọc Anh và xông vào quầy lễ tân cầm ghế sắt bọc da hành hung bác sỹ và các nhân viên khác.

Bắt khẩn cấp kẻ hành hung bác sỹ trong bệnh viện Bạch Mai

Bắt khẩn cấp kẻ hành hung bác sỹ trong bệnh viện Bạch Mai

Đối tượng Dũng đã cầm chiếc ví da đập vào gáy chị Ngọc Anh và xông vào quầy lễ tân cầm ghế sắt bọc da hành hung bác sỹ và các nhân viên khác.

Khởi tố đối tượng hành hung bác sĩ bệnh viện Bạch Mai
Khởi tố đối tượng hành hung bác sĩ bệnh viện Bạch Mai

VOV.VN - Nguyễn Tiến Dũng vừa bị khởi tố về hành vi gây rối trật tự công cộng, sau khi đập phá, hành hung các bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai.

Khởi tố đối tượng hành hung bác sĩ bệnh viện Bạch Mai

Khởi tố đối tượng hành hung bác sĩ bệnh viện Bạch Mai

VOV.VN - Nguyễn Tiến Dũng vừa bị khởi tố về hành vi gây rối trật tự công cộng, sau khi đập phá, hành hung các bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai.