Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Người dân quá dễ dãi về an toàn thông tin

VOV.VN - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, người dân quá dễ dãi về an toàn thông tin. Có chỉ số liên quan ý thức và hành vi của người dân thuộc loại yếu nhất.

Chiều 17/11, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ, tập trung vào 3 vấn đề chính được cử tri quan tâm.

Đề cập về xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta rất tích cực, cố gắng nhưng hiện mới chỉ đứng thứ 89 thế giới. Tiêu chí đánh giá xếp hạng này là hạ tầng, nhân lực, xung quanh cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Cả ba mặt chúng ta còn nhiều hạn chế và cần làm tốt hơn. Về dịch vụ công trực tuyến, hiện chúng ta đang có 109.644 dịch vụ công, trong đó 95% nằm ở cấp tỉnh trở xuống, cấp bộ là 5%. Dù đã giao nhiệm vụ cụ thể nhưng hiện mới chỉ có 1% số dịch vụ công được cung cấp ở mức cao nhất là cấp độ 4 (tức là có kèm theo thanh toán), 5% số dịch vụ ở cấp độ 3.  

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ trong chiều 17/11 (ảnh: Quang Vinh)

"Công nghệ thông tin chỉ là công cụ để cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Vì vậy, cần phải xác định quyết tâm nhiệm vụ chính trị cụ thể là phải ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ điện tử, không chỉ là vấn đề biên chế, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp, mà quan trọng hơn hết đó là công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng", Phó Thủ tướng phân tích và cho rằng điều quan trọng hàng đầu là nhận thức của tất cả mọi người.

Vừa qua, môi trường cạnh tranh của Việt Nam tăng được 14 bậc (mức tăng lớn nhất trong nhiều năm qua). Trong đó, có hai lĩnh vực thuế và bảo hiểm (tăng 81 bậc) vì bảo hiểm 3 năm vừa qua làm được hệ thống công nghệ thông tin quản lý. Ngoài ra, chỉ số tiếp cận điện tăng 32 bậc bởi vì ngành Điện lực đã hoàn thành được hệ thống lưới điện.

“Tiền có thiếu không? Bao giờ cũng là chưa đủ nhưng làm tốt hơn thì kết quả tốt hơn. Phải vượt qua tâm lý “ngại” sợ mất quyền vì không giỏi. Một bộ phận ngại công khai minh bạch, lo ứng dụng thì sợ bị giám sát. Dữ liệu nhiều nhưng nằm mỗi nơi một ít, không liên thông. Rồi muốn tự mình làm hết, không ra dịch vụ nên thành lãng phí”, Phó Thủ tướng nói.

Vì vậy, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt sắp tới thuê dịch vụ thì người chuyên nghiệp sẽ làm, từ đó có cơ sở dữ liệu, đo đếm được từng bộ, cuối năm xem từng bộ làm được bao nhiêu dịch vụ công.

Về báo chí và mạng xã hội, theo thống kê, Việt Nam hiện có 67% số người dùng internet, 60% số người dùng mạng xã hội. Nhiều quốc gia họ quản lý mạng xã hội rất tốt, ví dụ như Nga, facebook chỉ đứng thứ 5, Nhật Bản đứng thứ 6 và ở Hàn Quốc facebook đứng thứ 7. Ở Đức chỉ có 30% người dân dùng mạng xã hội, vì họ ý thức lên mạng xã hội sẽ mất thông tin cá nhân. 

"Tinh thần chung là tạo điều kiện phát triển mạnh nhưng đi đôi là quản lý phải thật tốt, đúng với quy định pháp luật, thông lệ quốc tế nhưng theo hướng cương quyết hơn", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh. 

Ý thức, hành vi của người dân về an toàn thông tin còn yếu

Về an toàn thông tin, Phó Thủ tướng nêu quan điểm không thể không ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng nếu không đảm bảo an toàn thông tin thì nguy hại vô cùng: Hiện về ứng dụng công nghệ thông tin, Việt Nam đứng thứ 89 thế giới – nhóm trung bình, nhưng về an toàn thông tin chúng ta đứng ngoài nhóm 100, tức nhóm trung bình yếu. Đặc biệt, có những chỉ số liên quan ý thức và hành vi của người dân ta thuộc loại yếu nhất trên thế giới.

Trên thế giới, cứ 1 giây có 176 sự cố liên quan an toàn thông tin, có 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích, 4 mã độc phát tán. Cứ một giờ có 200 tỷ thư trên thế giới được phát đi, 53% số đó là thư rác trong đó có mã độc. Tỉ lệ phát tán thư rác từ Việt Nam là số 1 thế giới. Tỉ lệ lây nhiễm qua cả thiết bị cá nhân ở Việt Nam cũng là cao nhất thế giới.  

Theo đánh giá năm 2016, Việt Nam có 71,3% thiết bị bị lây nhiễm mã độc. Ở các nước, 60% số người được phỏng vấn nhận ra nguy cơ từ chính các thiết bị mình đang dùng gây ra, còn Việt Nam số này chỉ là 11%. Về máy tính cá nhân của từng người dân, Việt Nam cũng đứng đầu khi có 61% máy nhiễm mã độc so với con số 19% trung bình trên thế giới. 

Dẫn ra các số liệu trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, người dân chưa nhận thức được nguy cơ mất an toàn thông tin.

Phó Thủ tướng chia sẻ, khi hỏi các chuyên gia nước ngoài, họ dùng từ “dễ dãi” để nói về ý thức an toàn an ninh thông tin của người dân Việt Nam vì gần như không nhận thức được nguy cơ, ví dụ điện thoại khi có tin nhắn hay gì đến lập tức bấm vào ngay, mà không biết rằng các thông tin cá nhân của mình đều đã được các công ty thu thập về, thông tin này về lý thuyết phục vụ công ty đó nhưng hoàn toàn có thể bị lợi dụng lừa đảo, tống tiền, làm nhiều việc có hại cho mình. Hay như có USB sử dụng rất nhiều đầu máy khác nhau mà không hề lo ngại nguy cơ tiềm ẩn.

"Đây là điều đáng báo động nhất về an toàn an ninh thông tin của chúng ta. Điều này phải nhiều năm mới gỡ hết, nếu không ý thức ngay từ bây giờ thì vô cùng nguy hiểm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Không có chuyện truyền hình thương mại lấn lướt truyền hình công
Không có chuyện truyền hình thương mại lấn lướt truyền hình công

VOV.VN- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Các kênh truyền hình thiết yếu vẫn chiếm ưu thế nên không có chuyện truyền hình thương mại lấn lướt truyền hình công...

Không có chuyện truyền hình thương mại lấn lướt truyền hình công

Không có chuyện truyền hình thương mại lấn lướt truyền hình công

VOV.VN- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Các kênh truyền hình thiết yếu vẫn chiếm ưu thế nên không có chuyện truyền hình thương mại lấn lướt truyền hình công...

Lợi dụng mạng xã hội quảng cáo mặt hàng bị cấm
Lợi dụng mạng xã hội quảng cáo mặt hàng bị cấm

VOV.VN - Một số tổ chức, cá nhân vì lợi ích đã sử dụng mạng xã hội để thực hiện đăng tin, quảng cáo mặt hàng bị cấm, hàng giả, hàng nhái...

Lợi dụng mạng xã hội quảng cáo mặt hàng bị cấm

Lợi dụng mạng xã hội quảng cáo mặt hàng bị cấm

VOV.VN - Một số tổ chức, cá nhân vì lợi ích đã sử dụng mạng xã hội để thực hiện đăng tin, quảng cáo mặt hàng bị cấm, hàng giả, hàng nhái...

"Ném đá" tập thể, lăng mạ người khác tràn lan trên mạng xã hội
"Ném đá" tập thể, lăng mạ người khác tràn lan trên mạng xã hội

VOV.VN - Tình trạng “ném đá” tập thể, tung ra lời nói lăng mạ bất chấp không đặt mình vào là nạn nhân dẫn đến năng lượng xấu bắt đầu lấn lướt trên mạng xã hội.

"Ném đá" tập thể, lăng mạ người khác tràn lan trên mạng xã hội

"Ném đá" tập thể, lăng mạ người khác tràn lan trên mạng xã hội

VOV.VN - Tình trạng “ném đá” tập thể, tung ra lời nói lăng mạ bất chấp không đặt mình vào là nạn nhân dẫn đến năng lượng xấu bắt đầu lấn lướt trên mạng xã hội.