Nghỉ hè - Sốt học kỹ năng

VOV.VN - Mùa hè là thời điểm các trung tâm dạy kỹ năng cho trẻ nở rộ. Tuy nhiên, việc lựa chọn hoạt động hè cho con cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng. 

Nghỉ hè là thời điểm phụ huynh đau đầu tìm địa chỉ phù hợp để gửi con và  giúp cho con em tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nắm bắt được nhu cầu đó, các trung tâm giáo dục tập trung phát triển mạnh những khóa học cho trẻ. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ nhỏ ngày càng thiếu kỹ năng sống cần thiết để ứng phó với các tình huống bất ngờ khiến cho các bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng. “Không có thời gian” hay “không biết phương pháp thích hợp để dạy con” là hai lý do chủ yếu biến khóa học kỹ năng sống thành địa chỉ tin cậy để gửi gắm con em khi đáp ứng được yêu cầu “trông trẻ” và “dạy trẻ” mà các phụ huynh tìm kiếm.

Hầu hết phụ huynh gửi con đi học kỹ năng sống đều có chung mong muốn sau khi kết thúc khóa học, con mình sẽ thay đổi hành vi, cách ứng xử trong các tình huống cụ thể. Tuy nhiên nhiều người quên mất rằng gia đình mới là môi trường tốt nhất để trẻ rèn luyện các kỹ năng này thông qua việc người thân trong gia đình làm gương cho các bạn nhỏ, nhiều phụ huynh chưa sát sao với việc dạy con từ những kỹ năng đơn giản như chi tiêu, chăm sóc bản thân, kỹ năng giao tiếp... Có phải các trung tâm nắm được sự thiếu hụt, chưa hợp lý trong cách giáo dục trẻ của các bậc phụ huynh ngày nay? Tại một số khóa học, các con được trải nghiệm tập làm những công việc thường ngày một mình như: quản lý quỹ thời gian, vệ sinh cá nhân, rèn luyện sức khỏe…Những công việc hết sức cơ bản mà bố mẹ nào cũng có thể dạy con tại nhà, nhưng lại phải bỏ ra tiền triệu để con đi học tại trung tâm, liệu có phải một sự lãng phí?

Nhận xét về ý kiến này, anh Bùi Văn Lâm  (thành viên Ban tổ chức chương trình Học kỳ quân đội) cho rằng: Có những bố mẹ quá bận, không có nhiều thời gian dành cho con nên gửi con đến trung tâm. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người lại muốn con mình tự học qua bạn bè. Khi ở nhà, chỉ có mình con nên bố mẹ thường chiều và làm hết mọi việc, từ đó con không có sự tự giác mà ỷ lại vào bố mẹ. Hơn nữa, có những việc bố mẹ chỉ dạy con theo cảm tính, hay theo những gì mình được dạy trước đây nên đôi khi không đạt được kết quả như mong muốn.

Tìm kiếm từ khóa “Lớp học Kỹ năng sống cho trẻ” trên Google sẽ ra hàng nghìn kết quả. Các trung tâm ở khắp nơi trên cả nước với nhiều tên gọi, hình thức khóa học và mức học phí khác nhau nhưng nhìn chung, tất cả đều hướng đến các kỹ năng như:  bồi dưỡng đạo đức, thái độ ứng xử lễ phép; kiềm chế nóng giận; tư tin thể hiện mình, mạnh dạn phát biểu ý kiến giữa đám đông…Thậm chí, ở nhiều trung tâm, các bạn trẻ được học cả cách gấp chăn màn, vệ sinh cá nhân, gấp quần áo, cách qua đường hay ứng phó khi gặp người lạ.

Đến trung tâm đào tạo kỹ năng S.F.K. (đường Nguyễn Chí Thanh), tôi được tư vấn nhiệt tình về các khóa học. Một khóa học ở đây kéo dài 5 tuần (2 buổi/tuần), mỗi buổi học về các chủ đề khác nhau, từ những thứ đơn giản như: Chào hỏi làm quen, ăn mặc đi đứng lịch sự cho đến ứng xử trong bữa ăn hay khám phá thiên nhiên xung quanh… Lượng phụ huynh đăng ký cho con học khá đông, vì vậy lớp mở xoay vòng liên tục theo tuần.

Năm nay, khóa học Chiến sỹ tí hon do Trung tâm Hoạt động và Giao lưu thanh thiếu niên Việt Nam tổ chức thu hút đến 650 bạn nhỏ tham gia, được chia làm 3 đợt. Các bạn trẻ được tập hợp thành tiểu đội, sinh hoạt và rèn luyện tập thể dưới sự dẫn dắt của các thầy giáo là các sĩ quan quân đội, cùng sự quan tâm sát sao từ các bạn tình nguyện viên chương trình.

Bạn Hoàng Thu Thủy, giáo viên dạy kỹ năng sống tại khóa học Chiến sỹ tí hon cho biết: “Phụ huynh gửi con đến đây đều với mong muốn con bớt rụt rè, vui vẻ hơn, hòa đồng hơn khi sống trong môi trường tập thể”.

Theo góc nhìn của phụ huynh, chị Ngô Hồng Gấm (Cầu Giấy, Hà Nội), có con đang theo học khóa học kỳ quân đội giải thích lý do gửi con đến lớp học kỹ năng sống: “Ở trung tâm, giáo viên dạy con theo hệ thống giáo dục đã được các chuyên gia nghiên cứu, cô giáo đều là những người được đào tạo bài bản nên có hiệu quả hơn nhiều so với việc bố mẹ dạy con tại nhà”.

Việc trông chờ vào nhà trường giáo dục học sinh hoặc phó mặc con cho các trung tâm đào tạo kỹ năng sống vô tình thúc đẩy loại hình kinh doanh này phát triển mạnh, nhưng chất lượng của các trung tâm vẫn cần được kiểm chứng.

Gia đình luôn là môi trường nuôi dạy trẻ tốt nhất. Học kỹ năng tại trung tâm chỉ là thời gian ngắn, để tạo được “kỹ năng” thực sự cho con mình lại là một con đường dài cần sự trải nghiệm, đồng hành, quan tâm từ các bậc phụ huynh. Trước khi gửi con đến các trung tâm, mỗi bố mẹ hãy trở thành một người thầy mẫu mực, để con em mình có được môi trường phát triển toàn diện nhất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giới trẻ chưa thực sự quan tâm tới kỹ năng sống
Giới trẻ chưa thực sự quan tâm tới kỹ năng sống

VOV.VN - Việc thiếu kỹ năng sống đã khiến một bộ phận giới trẻ hiện nay sống lệch lạc.

Giới trẻ chưa thực sự quan tâm tới kỹ năng sống

Giới trẻ chưa thực sự quan tâm tới kỹ năng sống

VOV.VN - Việc thiếu kỹ năng sống đã khiến một bộ phận giới trẻ hiện nay sống lệch lạc.

Cho con học kỹ năng sống: Nên hay không?
Cho con học kỹ năng sống: Nên hay không?

VOV.VN -Sự nở rộ của các khóa học kỹ năng sống khiến phụ huynh như lạc vào một “mê hồn trận” không biết phải lựa chọn thế nào cho đúng.

Cho con học kỹ năng sống: Nên hay không?

Cho con học kỹ năng sống: Nên hay không?

VOV.VN -Sự nở rộ của các khóa học kỹ năng sống khiến phụ huynh như lạc vào một “mê hồn trận” không biết phải lựa chọn thế nào cho đúng.

Không lợi dụng dạy kỹ năng sống để dạy thêm, học thêm
Không lợi dụng dạy kỹ năng sống để dạy thêm, học thêm

VOV.VN - Giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa phải trên tinh thần tự nguyện của người học...

Không lợi dụng dạy kỹ năng sống để dạy thêm, học thêm

Không lợi dụng dạy kỹ năng sống để dạy thêm, học thêm

VOV.VN - Giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa phải trên tinh thần tự nguyện của người học...