Tôi đã sống 43 năm trên đời mà không biết mẹ ruột của mình

VOV.VN - Nguyễn Thị Chi chỉ biết mẹ là người Việt, cha là người Mỹ da đen và cô được sinh ra ở Sóc Trăng vào năm 1974

“Tôi muốn tìm mẹ ruột. Nhưng tôi có rất ít thông tin về mẹ đẻ của mình. Tôi không có ảnh của mẹ, cũng không biết tên mẹ.

Giấy tờ duy nhất mà Nguyễn Thị Chi có về lai lịch của mình.
Tôi tên là Nguyễn Thị Chi (tên này do các cô trông trẻ ở cô nhi viện đặt cho tôi). Tôi được sinh ra ở Sóc Trăng vào ngày 3/4/1974 (ngày sinh này cũng có thể không chính xác). Mấy tháng đầu đời tôi sống ở cô nhi viện ở Sóc Trăng và sau đó là New Heaven Nursery ở Saigon.  Tôi rời Việt Nam tháng 11 năm 1974. Tôi được đưa sang Pháp với cha mẹ nuôi. Nay, cha mẹ nuôi của tôi đều đã qua đời, nên vào năm 2016 tôi trở về Việt Nam, sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi là người lai châu Á và Mỹ. Cho nên tôi tìm mẹ là một phụ nữ  châu Á, đã có quan hệ tình cảm với một người đàn ông Mỹ da đen vào khoảng năm 1973, sinh một đứa con gái vào mùa xuân năm 1974. Nếu ai đó có biết mẹ tôi, làm ơn báo cho tôi biết qua địa chỉ emai của tôi là: thichi.colas@gmail.com. Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu được gặp mẹ ruột của mình”.

Nguyễn Thị Chi lúc nhỏ và cô giữ trẻ ở cô nhi viện.
Với những thông tin ít ỏi như vậy, chỉ có thể trông vào điều kỳ diệu mang Chi đến với mẹ ruột của mình. Nguyễn Thị Chi đưa thông báo này lên facebook, bằng tiếng Anh và tiếng Việt, cùng mấy tấm ảnh cũ của chính mình khi còn nhỏ. Cô cũng liên hệ với chương trình Tìm người thân trên truyền hình Việt Nam “Như chia hề có cuộc chia ly”. Nhưng mấy tháng qua, Chi chưa tìm được chút manh mối nào.

“Tôi thực sự sẽ rất hạnh phúc nếu tìm được mẹ ruột của mình, mặc dù tôi có một tuổi thơ yên ấm ở bên Pháp. Dịp về Việt Nam này là một cơ hội để tôi tìm mẹ”.

Chi được một cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi.
Chi là đứa con thứ hai, đều từ Việt Nam, được bố mẹ người Pháp nhận nuôi. Mẹ nuôi của cô là dược sĩ. Cha nuôi qua đời vì ung thư cô tôi 8 tuổi. Cô được ông bà và mẹ rất yêu thương.

“Năm 2010 tôi tìm về cô nhi viện và gặp người phụ nữ trông trẻ tên Hồng (nay bà đã mất). Do chiến tranh, họ không có lưu giữ được đăng ký khi trẻ mồ côi vào cô nhi viện, nên tôi không có thêm được manh mối gì. Có hàng nghìn trẻ con lai được mang ra khỏi Việt Nam thời đó, khoảng năm 1974. Khi rời Việt Nam, tôi mới 7 tháng tuổi”.

Chi không biết cha mẹ mình là ai, họ gặp nhau như thế nào... “Tôi ra đời vào tháng 4/1974 nên tôi đoán rằng cha mẹ tôi đã gặp nhau đâu đó vào khoảng tháng 9 năm 1973. Tôi không có chút thông tin nào về cha mẹ mình, tên tuổi hoặc bất cứ một chút gì...”

“Rất nhiều lần tôi nghĩ về cha mẹ ruột của mình, nhưng dù sao tôi vẫn là một người hạnh phúc. Tôi không buồn vì không biết cha mẹ ruột. Nếu sau này có gặp mẹ, tôi sẽ ôm lấy bà để cảm ơn bà đã sinh ra tôi, ban tặng cho tôi cuộc sống này... Sau đó, tôi sẽ hỏi thăm xem mẹ giờ sống ra sao”.

Cô đang học tiếng Việt ở TP HCM
Nguyễn Thị Chi hiện đang học tiếng Việt ở trường ĐH KHXH TP HCM. Cô chuyên tâm cho khóa học kéo dài 8 tháng, mỗi ngày 4 tiếng đồng hồ, 5 ngày trong tuần. Cô cũng cho biết rất quan tâm đến lịch sử và văn hóa Việt Nam. Cô từng làm nghề thủ thư và bản thân có một tiệm bán sách, nên rất ham đọc sách và đặc biệt thích học ngôn ngữ.

Ngoài giờ đi học, cô thường đến “Mái ấm tình thương Tâm Đức” để chăm sóc các em bé trong nhóm từ 1-3 tuổi ở đây. “Đó là lý do vì sao tôi không nghĩ ngợi nhiều về bản thân mình, bởi vì so với nhiều em bé mồ côi khác, tôi hạnh phúc hơn nhiều vì từng được yêu thương và từng có một gia đình thực sự”.

Hầu như ngày nào cô cũng đến mái ấm Tâm Đức với bọn trẻ.
“Bây giờ cha mẹ nuôi của tôi đã mất, một lần nữa tôi trở thành mồ côi. Tôi không có người thân ở Pháp, nên tôi tiếp tục đi đây đó và tạm thời về sống một thời gian ở Việt Nam. Hàng ngày, tôi đến trại trẻ mồ côi để chơi với bọn trẻ, giúp đỡ chúng. Trẻ mồ côi cần tình yêu thương, tiếng cười và sự giúp đỡ”.

Đây không phải là lần đầu tiên Chi về Việt Nam. Trước đó cô cũng đã về thăm Việt Nam 3 lần rồi. Cô từng sống ở Mỹ, Đức, Hà Lan và Luxembourg ... Cô thấy Việt Nam thật tuyệt vời! “ Tôi thích nơi này (dĩ nhiên không phải thích mọi thứ, ví dụ có thứ khó chịu như ùn tắc giao thông chẳng hạn).  Tôi thấy hạnh phúc khi ở đây. Tôi muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa.

Tôi thích tiếng Việt, tiếng Việt rất nhẹ nhàng và nên thơ. Tôi thích sự ấm áp nồng hậu của hầu hết mọi người xung quanh. Tôi thích những con phố đông đúc và nhộn nhịp. Tôi thích vẻ đẹp thiên nhiên, động vật, thực vật ở Cát Tiên,  Đồng Nai...

Tôi còn thích một điều rằng Việt Nam là thiên đường của món ăn chay. Ở Việt Nam có cực kỳ nhiều trái cây và rau quả, so với ở châu Âu”.

Chi dự định, khi học xong khóa học tiếng Việt, cô sẽ tìm một công việc mới, là một việc làm trong tổ chức phi chính phủ”.

Chi không thể sinh con, cô dự định sẽ nhận con nuôi. “Con trai hay con gái đều được, nhưng... vì con gái bị bỏ rơi nhiều hơn con trai, nên có lẽ tôi sẽ nhận nuôi một bé gái”.

Cầu mong cho Nguyễn Thị Chi sớm có duyên tìm lại được mẹ của mình. Nếu có ai biết thông tin gì, xin liên hệ với cô ấy qua địa chỉ thichi.colas@gmail.com./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tìm cha, mẹ cho 8 trẻ em là nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc
Tìm cha, mẹ cho 8 trẻ em là nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc

VOV.VN - Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an Trung Quốc tổ chức điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng mua bán trẻ em bị bán sang Trung Quốc.

Tìm cha, mẹ cho 8 trẻ em là nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc

Tìm cha, mẹ cho 8 trẻ em là nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc

VOV.VN - Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an Trung Quốc tổ chức điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng mua bán trẻ em bị bán sang Trung Quốc.