Kiên Giang: Tháo dỡ chợ truyền thống, tiểu thương phản ứng quyết liệt

VOV.VN -Sáng 10/1, UBND huyện Tân Hiệp đã tổ chức tiến hành tháo dỡ chợ truyền thống thị trấn Tân Hiệp. Nhiều tiểu thương đã phản ứng quyết liệt.  

Tại cuộc họp với báo chí chiều 9/1, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp thừa nhận: “Năm 2014, Tập đoàn Sao Mai xây chợ xong; đến năm 2015, UBND huyện mới thông báo di dời toàn bộ chợ cũ sang chợ mới. Tháng 8/2016, chợ mới chính thức hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, được các cơ quan chức năng thẩm định đảm bảo điều kiện. Ngày 26/8/2016, UBND huyện ra quyết định đình chỉ hoạt động ở chợ cũ”.

Trong khi đó, theo công văn số 1695 của Bộ Công thương yêu cầu khi di dời chợ, chính quyền địa phương, các sở ngành phải tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi với các hộ kinh doanh ngay trong giai đoạn đầu xem xét chủ trương đầu tư dự án; phải làm rõ chủ trương, phương án bố trí sắp xếp địa điểm kinh doanh cho các hộ kinh doanh tại chợ cũ sau khi dự án hoàn thành; làm rõ các vấn đề liên quan tới quyền lợi và trách nhiệm của các hộ kinh doanh tại chợ sau khi dự án được hoàn thành…

Rất đông cảnh sát được huy động tại buổi tháo dỡ chợ

Trên cơ sở đó mới xem xét, quyết định chủ trương và cho phép tiến hành triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng. Và địa điểm chợ mới phải bằng hoặc hơn địa điểm kinh doanh ở chợ cũ. Nhưng huyện Tân Hiệp đã không thực hiện theo đúng tinh thần hướng dẫn của công văn này.

Từ khi có thông báo di dời chợ, tiểu thương chợ này liên tiếp làm đơn kiến nghị chính quyền huyện, tỉnh can thiệp để chợ cũ được tồn tại. Theo đó, bà con sẵn sàng đóng góp kinh phí để đầu tư nâng cấp chợ nhưng không được chấp thuận. Thậm chí bà con tiểu thuông đã khởi kiện ra toà, nhưng toà án không thụ lý đơn.

Chợ mới do Tập đoàn Sao Mai xây dựng không thuận tiện cho việc mua bán. Đáng chú ý, chính quyền địa phương cho biết, doanh nghiệp xây chợ mới để di dời chợ cũ nhưng khi tiến hành di dời thì chợ mới không đủ sạp cho tiểu thương vào mua bán. Doanh nghiệp đã cơi nới, xây dựng thêm kios trên toàn bộ hành lang xung quanh của khu chợ. Chợ mới chưa vào hoạt động nhưng đã mất cảnh quan và chật hẹp.

UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo thành lập tổ công tác để xác minh lại toàn bộ quy trình, thủ tục đầu tư trong việc di dời chợ. Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện thông tin cho biết: “Tổ công tác chỉ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ huyện rà soát những gì phù hợp, không phù hợp để kiến nghị chấn chỉnh chứ không phải kiểm tra đúng sai và tổ công tác thống nhất cao với địa phương, cần sắp xếp lại chợ Tân Hiệp để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Có một số thủ tục tổ công tác đề nghị địa phương tiếp tục bổ sung; trong đó, đề nghị có cơ chế thêm cho các hộ có kios cho thuê, các hộ đầu tư, sửa chữa, cải tạo chợ cũ trong thời gian qua. Chủ trương, quan điểm di dời chợ cũng vì mục tiêu chung phát triển của địa phương, những gì thiếu sót thì chấn chỉnh, không thấy có động cơ vụ lợi”.

Tại cuộc họp báo, một số cơ quan báo chí băn khoăn về việc có hay không lợi ích nhóm trong việc xây dựng, di dời chợ? Trả lời câu hỏi vì sao chỉ còn chưa đến 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán mà chính quyền huyện vẫn quyết dỡ chợ, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp cho rằng, việc sắp xếp di dời chợ đã tính toán từ lâu, nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều việc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tiểu thương Đà Nẵng “kêu trời” vì chợ tự phát vây chợ truyền thống
Tiểu thương Đà Nẵng “kêu trời” vì chợ tự phát vây chợ truyền thống

VOV.VN - Trong khi nhiều chợ truyền thống bị bỏ trống, lãng phí thì người dân vẫn ngang nhiên chiếm dụng lòng đường bán hàng không nộp phí.

Tiểu thương Đà Nẵng “kêu trời” vì chợ tự phát vây chợ truyền thống

Tiểu thương Đà Nẵng “kêu trời” vì chợ tự phát vây chợ truyền thống

VOV.VN - Trong khi nhiều chợ truyền thống bị bỏ trống, lãng phí thì người dân vẫn ngang nhiên chiếm dụng lòng đường bán hàng không nộp phí.